Văn hóa

Từ giữa những năm 1990, thuật ngữ “Hallyu” đã xuất hiện khi các bộ phim truyền hình và âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc bắt đầu nổi tiếng ở Trung Quốc. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1992, các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc ngày càng mạnh mẽ tiến vào thị trường Trung Quốc hơn. Một trong những phim truyền hình đầu tiên thành công, bộ phim “Tình yêu là gì?” được phát sóng trên đài CCTV Trung Quốc năm 1997. Khi đó bộ phim có tỷ lệ người xem 4,2%, nghĩa là trên 150 triệu khán giả Trung Quốc đã xem bộ phim này.

Nhạc pop Hàn Quốc, đặc biệt là dance music, đã được rất nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc yêu thích sau khi được phát sóng ở Bắc Kinh vào năm 1997 trong một chương trình truyền hình được gọi là “Phòng nhạc Seoul”. Thời khắc quyết định khởi đầu cho cơn sốt văn hóa pop Hàn Quốc ở Trung Quốc là buổi biểu diễn của ban nhạc nam H.O.T, được tổ chức tại Nhà thi đấu công nhân Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2000. Truyền thông trong nước đã chính thức sử dụng thuật ngữ Hallyu để miêu tả về buổi trình diễn này. Cùng với bài báo được xuất bản trong Nhật báo thanh niên Bắc Kinh vào đầu tháng 11 năm 1999, người dân Hàn Quốc cũng bắt đầu hình thành ý thức về làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu.

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã đến Nhật Bản vào năm 2003 khi bộ phim truyền hình "Bản tình ca mùa đông" được chiếu trên kênh NHK. Bộ phim đã đạt được thành công lớn tức thì, tạo nên làn sóng “Yon sa-ma” (tên gọi kính trọng của người hâm mộ Nhật Bản dành cho nhân vật chính do Bae Yong-jun đóng), thôi thúc những người hâm mộ Nhật Bản náo nức tìm đến thăm các địa điểm trong phim, bao gồm đảo Nami, Chuncheon, Hàn Quốc.

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc nhanh chóng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, ẩm thực, văn học và ngôn ngữ Hàn Quốc. Số lượng những câu lạc bộ Hallyu tại các quốc gia ngày càng tăng lên. Phần lớn những câu lạc bộ này là tập hợp những người hâm mộ K-Pop, nhưng gần đây, đã bắt đầu xuất hiện những nhóm mới hâm mộ những lĩnh vực đa dạng khác nhau như phim ảnh, ẩm thực, du lịch Hàn Quốc. Tính đến tháng 12 năm 2017, có 73,12 triệu thành viên đã đăng ký tại 92 quốc gia bao gồm châu Á, châu Úc, châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Năm 2020, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho, đã được đề cử ở sáu hạng mục và giành được bốn giải thưởng quan trọng tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 92, bao gồm giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc hay nhất, Phim truyện xuất sắc nhất và Phim quốc tế hay nhất. Thành tích ấn tượng này được cho là một cơ hội tốt nhất để giới thiệu bộ phim Hàn Quốc trên toàn thế giới.

Số lượng các tổ chức liên quan đến Hallyu nhiệt tình với văn hóa Hàn Quốc ngày càng gia tăng. Hàng năm, số lượng các tổ chức này tăng 7% và số thành viên tăng 36%. Tính đến năm 2020, tổng số thành viên đã tham gia các tổ chức liên quan đến Hallyu ở tất cả các quốc gia trên thế giới đã lên tới gần 100 triệu người. Đây là mức tăng gấp 5 lần trong vòng 5 năm. Phần lớn trong số họ bao gồm cộng đồng fan BTS là ARMY, cộng đồng fan Blackpink là BLINK. Ngoài ra, các tổ chức và cộng đồng khác cũng hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phim truyền hình, ẩm thực và du lịch Hàn Quốc.

[BTS]
BTS đã mở ra một chương mới cho lịch sử K-pop với nhiều thành tích xuất sắc trên trường quốc tế. Ngay sau khi phát hành ca khúc tiếng Anh “Dynamite” vào tháng 8 năm 2020, nó đã đứng ở vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong hai tuần liên tiếp.


<B>1. EXO</b> one of the most popular idol groups that have captivated the world with their perfectly in-sync group dances

[EXO]
EXO, một nhóm nhạc thần tượng tiêu biểu đã nhận được sự yêu thích lớn từ người hâm mộ trên toàn thế giới với vũ đạo đồng đều nhất.


[TWICE]
TWICE đã trở thành một trong những nhóm nhạc nữ K-pop được người hâm mộ trong nước và quốc tế yêu thích nhất.



K-Pop

K-Pop là tên gọi chung của loại hình âm nhạc thịnh hành được đại chúng yêu thích ở Hàn Quốc. K-Pop còn được gọi là gayo hoặc ca khúc thịnh hành, ở các nước khu vực Anh, Mỹ thì gọi là nhạc Pop, còn tại các quốc gia khác thì âm nhạc của quốc gia nào sẽ gắn thêm chữ cái đầu của tên quốc gia đó (Thái Lan: T-Pop, Nhật Bản: J-Pop, Trung Quốc: C-Pop) để phân biệt nên nhạc Pop của Hàn Quốc được gọi là K-Pop.

Kể từ khi mới bước chân vào thị trường thế giới từ giữa những năm 2000, K-Pop đã thu hút rất nhiều người hâm mộ ở Đông Nam Á và đang lan nhanh đến nhiều nơi ở châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ.

“Gangnam Style” là bài hát K-Pop đầu tiên đứng thứ nhất trong BXH Official Singles Chart Top 40 của Vương Quốc Anh và đứng thứ 2 trong BXH Billboard Hot 100 trong suốt 7 tuần. Số lượt xem trên YouTube cũng đã lập kỷ lục đáng kinh ngạc khi vượt quá 3 tỷ lượt xem kể từ khi MV được công bố vào ngày 15 tháng 7 năm 2012.

Trước khi “Gangnam Style” của Psy xuất hiện, K-Pop chủ yếu là các nhóm nhạc thần tượng (idol). Ngay cả bây giờ, có hơn 150 nhóm nhạc idol ở Hàn Quốc đang hoạt động bao gồm Big Bang, Girls’s Generation, 2PM, EXO, Wanna One và BTS. TVXQ đã thu hút lượng lớn người hâm mộ tại Nhật Bản và Hồng Kông. Các thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và hợp nhóm lại vào năm 2017, dự báo một thời kỳ hoàng kim mới. Nhóm nhạc nữ Wonder Girls gồm 5 thành viên đã tiến vào thị trường Mỹ vào năm 2009 với ca khúc “Nobody” lần đầu tiên lọt vào BXH Billboard Top 100, nhưng thật không may, nhóm đã bị tan rã vào năm 2017.

Gần đây, K-Pop idol thế hệ thứ 3 như BTS và TWICE, tiếp nối thế hệ idol thứ 2 tiêu biểu là Big Bang và SNSD, đang có những sự thay đổi đa dạng các thể loại âm nhạc cũng như các sản phẩm âm nhạc độc lập, tận dụng một cách hiệu quả truyền thông xã hội.

BTS đã chiếm vị trí thứ nhất trên BXH Billboard 200 vào tháng 4 năm 2019, 3 năm liên tiếp nhận được giải “Top Social Artist” tại lễ trao giải Billboard Music Awards. Họ đang tạo ra một lịch sử mới của K-Pop cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của các fan hâm mộ (tên gọi là Army).

Sự nổi tiếng của K-Pop phần lớn dựa vào giọng ca đầy nội lực, ngoại hình nổi bật trên sân khấu và khả năng trình diễn vũ đạo hoàn hảo của các ca sĩ. Để trở nên tự tin và có sức lôi cuốn trên sân khấu, các nghệ sĩ ngoài tài năng thiên bẩm thì phần lớn phải trải qua nhiều năm dày công luyện tập chăm chỉ.

Ngày 3/6/2016, tờ nhật báo Pháp Le Monde, đã có bài viết khen ngợi buổi biểu diễn của nhóm nhạc thần tượng BTS với tựa đề “K-Pop đã đặt chân tới Pháp”.

Ngày 18/5/2017, showcase “K-Pop Night Out” đã được tổ chức tại The Great Escape, Brighton, Anh. Buổi biểu diễn cho thấy sự đa dạng của K-Pop, không chỉ tập trung vào idol, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã thể hiện nhiều thể loại âm nhạc khác nhau thu hút sự chú ý của truyền thông và khán giả. “The Great Escape” là một lễ hội âm nhạc tiêu biểu ở châu Âu và là bệ phóng cho nhiều ca sĩ nổi tiếng như Adele, Ellie Goulding và Ed Sheeran.

BTS cũng đã tạo ra những cảnh tượng chưa từng thấy ở Mỹ trước đây. Ở Mỹ, nơi vốn không có K-Pop nhưng giờ đây, người hâm mộ Mỹ cầm bảng hiệu tiếng Hàn và hát lời bài hát bằng tiếng Hàn khiến cả thế giới ngạc nhiên. Không chỉ tham dự lễ trao giải Billboard, BTS còn xuất hiện với tư cách khách mời chính trong 3 chương trình talk show lớn của Mỹ như Ellen Show, khiến công chúng Mỹ và Hàn Quốc phấn khích. Sau 4 năm ra mắt, họ đã trở thành ngôi sao K-Pop thành công nhất thế giới.

Tháng 5/2019, chương trình “Dream Concert 2019” đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới khi các ngôi sao K-Pop - nhân vật chính của Hallyu tập trung tại đây. Dream Concert là buổi biểu diễn K-Pop quy mô lớn nhất quy tụ các ca sĩ đương đại hàng đầu như Taemin (SHINee), Red Velvet, Seventeen, NCT DREAM, Mamamoo - những nhóm nhạc dẫn đầu làn sóng Hallyu.

Buổi biểu diễn này đã thu hút sự chú ý của khán giả Hàn Quốc cũng như người hâm mộ K-Pop ở nước ngoài với đội hình hoành tráng và sân khấu đặc biệt. Danh tiếng của buổi biểu diễn này đã được duy trì trong 25 năm khiến khán giả nước ngoài tìm đến Hàn Quốc theo lịch trình của Dream Concert.

Những người hâm mộ K-pop trên thế giới.



Phim truyền hình

Sau “Tình yêu là gì” (1991) và “Bản tình ca mùa đông” (2002), cơn sốt Hallyu dành cho các bộ phim truyền hình Hàn Quốc vẫn tiếp tục ở Trung Quốc và Nhật Bản. Bộ phim cổ trang “Nàng Dae Jang Geum”, được phát sóng ở Hàn Quốc từ năm 2003 đến 2004 với chủ đề ẩm thực cung đình đã được bán sang 91 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt ở Iran, tỷ lệ người xem trung bình là 57%, thậm chí lên tới 90%, chứng tỏ sự nổi tiếng của bộ phim truyền hình này tại Trung Đông. “Nàng Dae Jang Geum” được bán sang Nhật Bản, Ai Cập, Mexico, Ba Lan, các nước châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông và đem lại 13 tỷ won doanh thu.

Vượt ra ngoài phạm vi của một bộ phim truyền hình thông thường, “Nàng Dae Jang Geum” đã giúp mở rộng làn sóng Hallyu sang các lĩnh vực ẩm thực, thời trang, y học... Sau “Nàng Dae Jang Geum”, sự quan tâm về ẩm thực, lịch sử và tiếng Hàn Quốc bùng nổ trên toàn thế giới. Hiệu quả mang lại về mặt sản xuất của bộ phim này được ước tính là 111,9 tỷ won.

Năm 2013, các bộ phim truyền hình như “Vì sao đưa anh tới” và “Ngọn gió đông năm ấy” đã thu hút sự chú ý của người hâm mộ Hallyu. Năm 2016, các bộ phim truyền hình như “Yêu tinh”, “Mây họa ánh trăng” và “Hậu duệ mặt trời” đã hồi sinh làn sóng Hallyu.

Năm 2014, bộ phim “Vì sao đưa anh tới” của đài SBS được bán với giá 40.000 đô la mỗi tập và đạt được thành công khi chiếu tại Trung Quốc. Đồng thời, bộ phim cũng là một hiện tượng đặc biệt chưa từng có trước đây trong lịch sử phim truyền hình Hàn Quốc. Kể từ đó, giá bán bản quyền của các bộ phim truyền hình Hallyu sang Trung Quốc đã tăng mạnh. Bộ phim truyền hình “Hậu duệ mặt trời”, được phát sóng vào năm 2016, tạo nên “hiệu ứng taehu” và đã được bán ở 27 quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc với doanh thu trên 10 tỷ won.

Tháng 9 năm 2017, trong lễ hội phim truyền hình Pháp Festival de la Fiction TV lần thứ 19, Hàn Quốc được chọn là quốc gia khách mời danh dự (Invitée d’honneur). Các đạo diễn, nhà sản xuất và tác giả của các bộ phim truyền hình nổi tiếng đã tham gia lễ hội phim này. Tổng cộng có ba bộ phim truyền hình đã được mời là “W”, “Signal” và “Chuyến đi tình yêu”, được phát sóng trên các đài MBC, tvN và JTBC.

Ảnh 1: “Hậu duệ mặt trời” - bộ phim truyền hình đã tạo nên “hiệu ứng Taehu” (viết tắt của tên phim) - với tỷ lệ người xem áp đảo lên 30% tại Hàn Quốc.
Ảnh 2: Bộ phim truyền hình “Yêu tinh” mở một trang mới cho dòng phim truyền hình giả tưởng.



Phim điện ảnh

Các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc như Bae Yong-jun, Jang Dong-gun, Lee Seo-jin, Kwon Sang-woo và Won-bin đã liên tục duy trì danh tiếng ở nước ngoài. Trong số này, các diễn viên Lee Byung-hun, Rain, Jun Ji-hyun và Bae Doo-na đã tham gia diễn xuất trong các bộ phim điện ảnh của Hollywood, còn Jang Geun-suk là tên tuổi được săn đón ở Nhật Bản. Liên hoan phim quốc tế được tổ chức tại Bucheon và Jeonju cũng như liên hoan phim quốc tế Busan hàng năm đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá phim Hàn Quốc ra nước ngoài.

“Chuyến tàu sinh tử” với sự thú vị đến từ thể loại và cốt chuyện được xây dựng chắc chắn đã được công nhận trên thị trường quốc tế. Bộ phim được chiếu tại hơn 160 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ và đạt doanh thu hơn 52 triệu đô la.

Thông qua các liên hoan phim quốc tế ở nước ngoài, các bộ phim và đạo diễn phim Hàn Quốc được biết đến rộng rãi hơn trên phạm vi quốc tế. Các đạo diễn Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý của các nhà phê bình phương Tây bao gồm Im Kwon-taek, Lee Chang-dong, Park Chan-wook, Hong Sang-soo, Kim Jee-woon và Bong Joon-ho. Những tác phẩm của các vị đạo diễn này như “Túy họa tiên”, “Bí mật ánh dương”, “Khát máu” và “Mùi vị của đồng tiền” cũng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế thông qua những liên hoan phim quốc tế ở nước ngoài.

Trong những năm 2000, nhiều bộ phim được sản xuất đã thu hút hơn 10 triệu khán giả và giúp gia tăng vị thế của phim Hàn Quốc. Bộ phim “Đại thủy chiến” (2014) đã trở thành bộ phim phòng vé hay nhất với 17,61 triệu khán giả. Sau đó, “Lời hứa với cha” (2014), “Sứ mệnh truy sát” (2015), “Chạy đâu cho thoát” (2015), “Chuyến tàu sinh tử” (2016), “Tài xế taxi” (2017), “Thử thách thần chết: giữa hai thế giới” (2017), “Phi vụ bá đạo” (2019) cũng đã thu hút hơn 10 triệu khán giả. Trong khi đó, liên hoan phim quốc tế Guanajuato tại Mexico đã chọn Hàn Quốc là khách mời danh dự vào tháng 7 năm 2011 và công chiếu tổng 76 bộ phim Hàn Quốc gồm cả “Hành lang thì thầm” và “Bước đường cùng” của hai đạo diễn phim Bong Joon-ho và Kim Dong-won trong triển lãm đặc biệt về phim kinh dị.

Vào tháng 11 năm 2016, Hàn Quốc lần đầu tiên được mời đến tham dự Liên hoan phim quốc tế Ấn Độ lần thứ 47 và đạo diễn Im Kwon Taek đã nhận được giải thưởng thành tựu vì những cống hiến của mình. Cũng tại liên hoan phim này, “Bi kịch triều đại” của Lee Jun-ik đã xuất hiện trong hạng mục cạnh tranh chính thức và “Thời kỳ đen tối” của Kim Ji-woon được chọn làm phim bế mạc cho liên hoan phim.



Vào năm 2020, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) đã đoạt được tổng cộng bốn giải thưởng tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 như giải Đạo diễn xuất sắt nhất và Phim truyện xuất sắc nhất.


Nhạc trưởng và nghệ sĩ piano người Hàn Quốc Chung Myung-hun đã giữ vai trò là giám đốc âm nhạc và là nhạc trưởng của nhà hát Opéra de la Bastille ở Paris, Pháp. Ông đã nhận Giải thưởng âm nhạc Una Vita Nella tại nhà hát Teatro La Fenice ở Venice, Ý vào tháng 7 năm 2013.



Âm nhạc

Năm 2015, nghệ sĩ piano Cho Seong-jin đã trở thành người Hàn Quốc đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc thi Piano Chopin quốc tế uy tín tại Ba Lan. Nghệ sĩ piano Sohn Jeung-beum cũng trở thành người Hàn Quốc đầu tiên giành chiến thắng ở hạng mục piano tại cuộc thi âm nhạc quốc tế ARD 2017 ở Munich, Đức.

Ngoài ra, tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Gian Battista Viotti 2016 ở Ý, ca sĩ Hàn Quốc đã giành chiến thắng áp đảo với ba giải thưởng hàng đầu, trong khi đó, các nghệ sĩ piano Hàn Quốc cũng giành được ba giải thưởng cao nhất tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế mùa xuân Prague cùng năm.

Hàn Quốc đã liên tục sản sinh ra những ca sĩ xuất sắc như giọng ca soprano Jo Su-mi, Hong Hei-kyung, Shin Young-ok, giọng ca base Youn Kwang-chul và giọng ca base baritone Samuel Yoon. Về nhạc khí, có Son Yeol-eum (piano), Lim Dong-hyek (piano), Jang Young-ju (violin) và Shin Hyun-su (violin) là các nghệ sĩ thu hút được nhiều sự chú ý.

Lee Hee-ah, là nghệ sĩ piano bốn ngón tay, cũng là một nghệ sĩ piano nổi tiếng trên toàn thế giới không chỉ nhờ những màn trình diễn tuyệt vời của bà mà còn vì lòng dũng cảm, vượt lên những khó khăn, hạn chế của bản thân. Han Dong-il và Baek Kun-woo là những nghệ sĩ piano thế hệ đầu tiên đã thành danh trên trường quốc tế trong những năm 1950 - 1970.

Nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới Chung Myung-whun trong những năm gần đây, danh tiếng của ông ngày càng được biết đến rộng rãi hơn với vai trò nhạc trưởng. Ông đã từng là chỉ huy khách mời của các dàn nhạc Berlin Philharmonic, London Philharmonic và Paris Orchestra, trước khi trở thành giám đốc âm nhạc và tổng giám đốc của Paris Bastille Opera. Ông cũng là nhạc trưởng của dàn nhạc Seoul Philharmonic và hiện đang chỉ huy dàn nhạc trẻ Hàn Quốc One Korea Youth Orchestra. Ông cũng được biết đến rộng rãi trong làng âm nhạc toàn cầu với tư cách là thành viên của “Chung Trio” cùng với hai chị gái của mình, nghệ sĩ violin Chung Kyung-wha và nghệ sĩ cello Chung Myung-wha.

Nhạc kịch

Cùng với nhu cầu văn hóa của đại chúng ngày càng mở rộng, lĩnh vực nhạc kịch cũng trở nên sôi nổi và các buổi biểu diễn liên tục diễn ra quanh năm. Ngoài những tác phẩm làm theo nguyên tác nước ngoài nổi tiếng như “Dr Jekyll & Mr Hyde”, “Chicago”, “Cats”, nhiều vở nhạc kịch tự dàn dựng của các nghệ sĩ Hàn Quốc cũng được chú ý. Một số sản phẩm của Hàn Quốc đã được mời biểu diễn tại Nhật Bản và Đông Nam Á. Không chỉ có các nghệ sĩ nhạc kịch nổi tiếng như Choi Jung-won, Nam Kyung-joo và Jo Seung-woo, các ca sĩ đại chúng như Yoon Bok-hee, In Soo-ni và Ock Joo-hyun cũng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nhạc kịch.

Kim Ki-min and Olesya Novikova performing in Swan Lake by the Mariinsky Ballet and Orchestra. Kim is the first Asian dancer to join the Mariinsky Ballet.

Đoàn Mariinsky Ballet & Orchestra biểu diễn vở Hồ thiên nga. Kim Ki-min và Olesha Novikova là những người châu Á đầu tiên gia nhập đoàn Mariinsky & Orchestra.

Nhảy hiện đại và múa ba lê

Sự thành lập của Hiệp hội múa quốc gia Hàn Quốc vào năm 1962 đã tạo nên động lực cho làn sóng yêu thích múa hiện đại ở Hàn Quốc. Người hiện được công nhận là vũ sư tiên phong của Hàn Quốc và nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu là nghệ sĩ Hong Sin-cha. Bà đã học chuyên ngành múa tại Mỹ và là học trò của biên đạo múa Alwin Nikolay. Đoàn múa ba lê quốc gia, đoàn múa ba lê Seoul, đoàn ba lê Universal... cũng có nhiều những hoạt động rất tích cực. Tiêu biểu là nữ vũ công ba lê Kang Soo-jin, người châu Á đầu tiên gia nhập đoàn Stuttgart Ballet ở Đức và hiện đang đảm nhiệm chức vụ giám đốc nghệ thuật của đoàn ballet quốc gia.

Năm 2011, nam vũ công người Hàn Quốc Kim Ki-min đã tham gia đoàn ballet Mariinsky của Nga - đoàn múa ba lê cổ điển hàng đầu thế giới và trở thành vũ công châu Á đầu tiên được vinh danh là vũ công chính. Tháng 7 năm 2012, một vũ công khác là Seo-hee đã trở thành vũ công chính người Hàn Quốc đầu tiên tại American Ballet Theater (ABT).

Park Seon-mi, sinh viên đại học nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc, đã trở thành người Hàn Quốc đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc thi ba lê quốc tế Moscow, một trong ba cuộc thi ba lê lớn trên thế giới vào tháng 6 năm 2017.

Là một triển lãm nghệ thuật sắp đặt đầu tiên châu Á, triển lãm Gwangju Biennale đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối thành phố Gwangju với phần còn lại của Hàn Quốc và thế giới thông qua nghệ thuật đương đại kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên từ tháng 9 năm 1995.



“Người ăn chay” của nhà văn người Hàn Quốc nổi tiếng Han Kang.



Mỹ thuật hiện đại

Họa sĩ kỳ cựu Lee Jong-sang hiện vẫn hoạt động tích cực trong lĩnh vực hội họa truyền thống của Hàn Quốc. Lee Woo-han, Park Seo-bo và Lim Ok-sang cũng là những họa sĩ Hàn Quốc nổi tiếng với phong cách độc đáo.

Lĩnh vực điêu khắc có nghệ sĩ Kim Young-won và Choi Jong-tae nổi tiếng là những nghệ sĩ đã chế tác bức tượng vua Sejong tại quảng trường Gwanghwamun. Lĩnh vực nghệ thuật video có nghệ sỹ nổi tiếng Paik Nam-june, đáng tiếc là ông đã qua đời vào năm 2006.

Các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng có thể được thưởng thức ở Insadong và Samcheong-dong ở Seoul, nơi có nhiều phòng trưng bày nghệ thuật như không gian nghệ thuật Insa Art Space, phòng trưng bày Gongpyeong của trung tâm nghệ thuật Seoul và bảo tàng mỹ thuật Kyung-in.

Gần đây, khu vực Cheongdam-dong và Hannam-dong ở Seoul cũng xuất hiện rất nhiều phòng trưng bày. Về các sự kiện nghệ thuật quốc tế, Gwangju Biennale được tổ chức 2 năm một lần từ năm 1995 đã phát triển thành một triển lãm nghệ thuật đương đại lớn ở châu Á.

Văn học hiện đại

Tiểu thuyết gia Han Kang là người đã chứng minh tiềm năng toàn cầu hóa của văn học Hàn Quốc hiện đại. Cuốn tiểu thuyết “Người ăn chay” của cô đã giành giải thưởng Man Booker International 2016, được coi là một trong ba giải thưởng văn học danh giá nhất thế giới. Han Kang cũng giành giải thưởng Malaparte 2017, giải thưởng văn học danh tiếng của Ý cho cuốn sách “Human Acts” của cô.

Shin Kyung-sook cũng đã góp phần truyền bá làn sóng Hàn Quốc đến thế giới văn học quốc tế. Phiên bản dịch tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” được xuất bản bởi tập đoàn xuất bản Knopf Doubleday ở Hoa Kỳ đã lọt vào top 10 cuốn sách bán chạy nhất của Amazon và thu hút được sự chú ý lớn. Cuốn sách sau đó đã được xuất bản tại khoảng 30 quốc gia ở châu Á, châu Âu và Úc. Vào tháng 6 năm 2012, tác giả Shin Kyung-sook đã tổ chức một buổi gặp mặt thành công ở Ljubljana, thủ đô Slovenia để giới thiệu bản dịch tác phẩm tiếng Slovenia.

Đại học Sofia, Bulgari sau khi thành lập Khoa Hàn Quốc học vào năm 1995 đã thực hiện dịch thuật và xuất bản các tiểu thuyết đương đại và truyện ngắn Hàn Quốc như “A Dwarf Launches a Little Ball” của Cho Se-hui và “Our Twisted Hero” của Yi Mun-yol.

Học viện King Sejong được thành lập để hỗ trợ giáo dục tiếng Hàn ở nước ngoài. Bắt đầu từ 17 trường vào năm 2008, tính đến tháng 7 năm 2017 đã có 171 trường liên kết tại 54 quốc gia.

Trong khi đó, hội nghị văn thơ mang tên “Bút quốc tế” lần thứ 78 đã được tổ chức vào tháng 9 năm 2012 ở Gyeongju, thủ đô của nhà nước Silla. Sự kiện này đã được tổ chức lần thứ ba tại Hàn Quốc, sau hai lần tổ chức trước đó vào năm 1970 và 1988. Sự kiện đã thu hút 900 học giả từ 114 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm những người đoạt giải Nobel như Jean-Marie Gustave Le Clezio ở Pháp, Akinwande Oluwole Wole Soyinka ở Nigeria và Ferit Orhan Pamuk ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ẩm thực Hàn Quốc

Làn sóng Hàn Quốc đang lan rộng sang cả lĩnh vực ẩm thực. Các nhà hàng Hàn Quốc đang tăng lên ở khắp nơi trên thế giới bao gồm các thành phố lớn như New York, London, Paris và nhận được sự tán dương từ những người sành ăn kén chọn nhất. Kimchi, Bulgogi, Bibimbap là các món ăn tiêu biểu của người Hàn Quốc giờ đang bắt đầu xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình trên thế giới.

Đầu bếp tại một số nhà hàng ở Mỹ bắt đầu kết hợp các món ăn truyền thống của Hàn Quốc với món ăn phương Tây, tạo ra các món mới như Bibimbap burger, sườn tẩm ướp Gochujang. Kimchi hotdog và Gochujang steak là những món mới lạ kích thích hương vị của người dân New York.

Năm 2013, món ăn Hàn Quốc đứng thứ tư trong số các món ăn được yêu thích nhất (Ethnic Food) do Hiệp hội nhà hàng quốc gia (National Restaurant Association) bình chọn; đến năm 2014 đã tăng lên vị trí thứ hai, tạo sự thay đổi trong nhận thức của người Mỹ về ẩm thực Hàn Quốc, góp phần tăng số lượng khách ghé thăm các nhà hàng Hàn Quốc. Có khoảng 5.000 nhà hàng Hàn Quốc đang hoạt động tại Mỹ, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 3,5% trong giai đoạn 2011 - 2016.

Món ăn Hàn Quốc được biết đến nhiều nhất ở Mỹ là Kimchi. Hương vị cay và lợi ích sức khỏe của Kimchi, như tác dụng chống ung thư đã được chú ý đến. Roy Choi, một đầu bếp người Mỹ gốc Hàn, đã tạo nên cơn sốt bằng sự kết hợp món taco của Mexico và Kimchi của Hàn Quốc và lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí TIME bình chọn vào năm 2016.

Tại Paris, Pháp, số lượng nhà hàng Hàn Quốc đã tăng lên hơn 100. Trước đây, khách hàng chủ yếu là người châu Á nhưng hiện nay hơn một nửa số khách hàng là người địa phương. Theo nghiên cứu mới nhất, các món ăn phổ biến nhất được phục vụ bởi các nhà hàng Hàn Quốc ở Paris là Bibimbap và Bulgogi, trong đó Bibimbap với nhiều rau củ nổi tiếng là món ăn cân bằng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.


Natl Museums1 536.jpg


Natl Museums2 .jpg