Quan hệ liên Triều

Tổng thống Moon Jae-in luôn kêu gọi rằng đối thoại là cần thiết để giải quyết căng thẳng bao trùm bán đảo Triều Tiên và mở đường cho hòa bình. Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đã đáp lại sự nhiệt tình và chân thành đó, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã được thay đổi lớn kể từ Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào ngày 27 tháng 4 năm 2018 đã thu hút sự chú ý trên thế giới khi nhà lãnh đạo cao nhất của Bắc Triều Tiên đã lần đầu đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ sau khi hai miền bị chia rẽ.

President Moon Jae-in and Chairman Kim Jong Un walking along a footbridge at the border village of Panmunjeom

Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong Un đang đi dạo trên cây cầu đi bộ cạnh làng Bàn Môn Điếm.



Hội nghị đã được tổ chức tại “Nhà Hòa Bình”, nằm ở khu vực phía Nam của Bàn Môn Điếm - biểu tượng của sự chia rẽ. Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã công bố "Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Triều Tiên" ghi rõ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" và chuẩn bị nền tảng cho bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Nam Bắc, thiết lập thể chế hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Các thỏa thuận chính của "Tuyên bố Bàn Môn Điếm" như sau:

"△Xác nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hiện thực hóa bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm 2018 và thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương nhằm xây dựng thể chế hòa bình vĩnh viễn. △Chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng vào mùa thu năm 2018 và định kỳ hóa các cuộc hội đàm. △Xây dựng văn phòng liên lạc chung Nam - Bắc ở khu vực Gaeseong và bố trí người phụ trách thường trú của cả hai bên. △Dừng tất cả các hành động thù địch và hòa bình hóa khu vực phi quân sự. △Đoàn tụ các gia đình ly tán vào ngày 15 tháng 8 và thúc đẩy trao đổi trong mọi lĩnh vực. △Kết nối đường sắt và đường bộ giữa tuyến đường biển Đông và tuyến đường Gyeongui".

Thỏa thuận tiếp theo về việc công bố công khai việc đóng cửa bãi thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên và thống nhất giờ chuẩn Nam Bắc đã được thực hiện vào tháng 5 năm 2018.

Nội dung quan trọng nhất của "Tuyên bố Bàn Môn Điếm" là tuyên bố ý chí phi hạt nhân hóa mạnh mẽ của Triều Tiên, phản ứng của các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng rất nồng nhiệt ngay sau tuyên bố này. Các đài truyền hình lớn trên thế giới đều đồng loạt đưa tin về sự xuất hiện của một kỷ nguyên mới: "Việc ngừng các hoạt động thù địch sau 64 năm và tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay" (Đài CNN), "Nam - Bắc Hàn đã giảm bớt căng thẳng quân sự và thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên" (Đài CCTV).

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức một lần nữa vào ngày 26 tháng 5 năm 2018 tại toà nhà Tongilgak ở khu vực phía Bắc Bàn Môn Điếm. Trong cuộc hội đàm này, hai bên đã tìm kiếm phương án hợp tác để thực hiện "Tuyên bố Bàn Môn Điếm" và để tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hoa Kỳ. Trong trường hợp khẩn cấp, hai bên đã xác nhận rằng có thể tiến hành các cuộc hội đàm thực tế thay phiên nhau giữa Nam Hàn và Bắc Hàn.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba được tổ chức tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên vào ngày 18 tháng 9 năm 2018. Sau hai cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nam - Bắc Hàn đã ký vào bản "Thỏa thuận Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9". Sau khi ký tên, hai nhà lãnh đạo đã công bố bản "Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9" trong cuộc họp báo chung, bao gồm các nội dung như loại bỏ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, các biện pháp giảm bớt căng thẳng quân sự bao gồm phi hạt nhân hóa và các nội dung liên quan đến hợp tác kinh tế liên Triều như xây dựng đường sắt và đường bộ.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018 là một bước ngoặt cho sự phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thiết lập hòa bình và phát triển quan hệ liên Triều. Quan hệ liên Triều bị gián đoạn bấy lâu nay giờ đã được nối lại. Bàn Môn Điếm trước đây là biểu tượng của sự chia cắt, nay đang được biến thành biểu tượng của hòa bình. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 được tiếp nối bởi Hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hoa Kỳ đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 và hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27 tháng 2 năm 2019. Việc tổ chức liên tiếp Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hoa kỳ đã trở thành những dấu mốc lịch sử trong việc giải quyết một cách hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như cộng đồng quốc tế mong muốn và ủng hộ, ổn định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Chính sách bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in

"Chính sách bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in" là một chính sách lâu dài và toàn diện do Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên lãnh đạo để thực hiện "chung sống hòa bình" và "cùng thịnh vượng" với các nước láng giềng Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế. Đặc trưng của chính sách này gồm có: hòa bình là ưu tiên hàng đầu, theo tinh thần tôn trọng lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ liên Triều bền vững, mở rộng phạm vi chính sách và hướng tới sự thịnh vượng của bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á.