Du lịch

Núi Jirisan

Là dãy núi cao và lớn nhất ở Hàn Quốc, núi Jirisan là rặng núi kéo dài 40km từ Đông sang Tây với 3 đỉnh núi trọng tâm là đỉnh Cheonwangbong cao nhất (1.915m), đỉnh Nogodan và Banyabong. Ngọn núi kéo dài qua ba tỉnh Jeollanam-do, Jeollabuk-do và Gyeongsangnam-do. Diện tích rừng trên núi chiếm khoảng 20% tổng diện tích rừng của Hàn Quốc. Năm 1967, ngọn núi này đã được chỉ định là công viên Quốc gia đầu tiên của Hàn Quốc.

Núi Jiri nằm ở cuối phía Nam của Baekdu Daegan, dãy núi bắt đầu từ dãy Baekdu ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên và là ngọn núi đại diện phía Nam của bán đảo này. Núi Jirisan có bề ngoài hùng vĩ và các khu rừng rậm rạp, cung cấp môi trường sống tự nhiên cho các loại động vật quý hiếm như hươu xạ Siberia, sơn dương goran Hàn Quốc và các loài thực vật như cây bulo châu Á và cây đỗ quyên.

A spring view of Jirisan Mountain (top), Waterfall at Seoraksan Mountain (Sokcho, Gangwon-do) (left bottom), Landscape of Seoraksan Mountain (Sokcho, Gangwon-do)

1. Phong cảnh mùa xuân ở núi Jirisan
2. Thác nước Soseung ở núi Seoraksan
3. Phong cảnh núi Seoraksan


Núi Seoraksan

Là ngọn núi cao thứ ba của Hàn Quốc sau núi Hallasan và núi Jirisan, núi Seoraksan nằm ở giữa dãy núi Taebaeksan, với đỉnh núi cao nhất là đỉnh Daecheongbong (1.708m). Đặc trưng của ngọn núi là khung cảnh với những vách đá có hình dáng kỳ lạ, dòng suối thay đổi theo mùa, thu hút không ít khách du lịch và những người thích leo núi.

Phong cảnh núi non tuyệt đẹp của núi Seoraksan có thể được ví như núi Geumgangsan ở Bắc Triều Tiên. Lấy đường mòn đỉnh Daecheongbong làm ranh giới, có thể chia thành Oeseorak ở phía Đông và Naeseorak ở phía Tây. Khu vực xung quanh suối nước khoáng ngũ sắc ở phía Nam được gọi là Namseorak. Suối Namdaecheon chảy từ khu vực Yangyang về biển Đông, thượng nguồn các sông Bukhangang và Soyanggang cũng bắt nguồn ở thung lũng núi Seoraksan.

Núi Seoraksan cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và các loài cá nước lạnh (cá tuế, cá hồi manchurian,...). Những loài thực vật như hoa nhung tuyết, diamond bluebell cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở đây. Năm 1970, núi Seoraksan được chọn làm công viên Quốc gia và được UNESCO xếp vào khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1982.

Trong thung lũng Seoraksan có chùa Baekdamsa, chùa Sinheungsa và am Bongjeongam, nơi lưu giữ sá lị của Phật Thích Ca Mâu Ni. Trên toàn quốc chỉ có 5 ngôi chùa có lưu giữ hạt sá lị của Phật Thích Ca Mâu Ni. Núi Seoraksan cũng nổi tiếng với dãy đá Ulsanbawi cao 873m và tảng đá Heundeulbawi đặc biệt, tuy to và nặng nhưng ngay cả một đứa trẻ dù đẩy nhẹ cũng có thể lay chuyển nó.

Cáp treo được trang bị đến tận đỉnh của pháo đài Gwongeumseong ở Oeseorak. Ở phường Seorak-dong đoạn lối vào Oeseorak, có nhiều cơ sở lưu trú và khu vui chơi giải trí cho khách du lịch. Du lịch núi Seoraksan thường được kết hợp với đi thăm các địa điểm xung quanh như Đài quan sát thống nhất nằm trong khu phi quân sự (DMZ) ở Goseong và du lịch bờ biển Đông.

Con đường đi bộ Namsan và núi Bukhansan

Namsan Seoul Tower, a landmark and top tourist spot in the capital

Tháp Namsan Seoul là địa điểm thu hút khách du lịch tiêu biểu và là biểu tượng của Seoul


Namsan là khu vực dạo chơi quen thuộc của người dân Seoul cũng như các nhân viên văn phòng gần đó. Phong cảnh với cây cối xanh tươi bốn mùa và hoa nở quanh năm nơi đây đem lại cảm giác an lành cho khách tham quan. Loại cây chủ yếu ở đây là cây thông. Với độ cao 265m trên mực nước biển, chỉ trong vòng 1 giờ là đã có thể đi bộ leo lên đến đỉnh núi. Trên đỉnh núi có tháp Namsan Seoul và đình Palgakjeong (Đình Bát Giác). Điểm gốc kinh độ và vĩ độ của vị trí địa lý Hàn Quốc cũng được đánh dấu tại đây. Du khách cũng có thể đi xe buýt thân thiện với môi trường hoặc cáp treo để lên đỉnh núi.

Trước đây, Bongsudae (trạm tín hiệu khói gọi) đã được xây dựng ở Namsan, là nơi tập trung tín hiệu khói từ khắp các nơi trong cả nước. Hiện nay vẫn còn dấu vết của tường thành được xây dựng vào thời điểm đó. Ở chân núi có một số cơ sở văn hóa như Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc, Thư viện thành phố Seoul và làng cổ hanok Namsangol.

Núi Bukhansan cũng là địa điểm gần trung tâm thành phố Seoul. Chỉ mất 30 phút đi từ trung tâm Seoul đến đây bằng phương tiện công cộng, bao gồm xe buýt và tàu điện ngầm. Để leo núi Bukhansan cần phải chuẩn bị thiết bị leo núi chuyên dụng chứ không thể chỉ mặc một bộ trang phục đơn giản. Baegundae là đỉnh cao nhất của ngọn núi, có độ cao 836,5m so với mặt nước biển và được chỉ định là công viên quốc gia.

Các con sông lớn ở Hàn Quốc

Hai dòng sông thượng nguồn Bukhangang và Namhangang nhập vào nhau trở thành sông Hangang chảy qua Seoul trước khi đổ về biển Tây. Con sông cung cấp nước phục vụ cho toàn bộ nông nghiệp và công nghiệp trong và ngoài khu vực thủ đô cũng như nước uống cho nhiều thành phố xung quanh. Ở phần thượng nguồn, nhiều đập và nhà máy thủy điện được xây dựng để kiểm soát lũ lụt và sản xuất điện.

Con sông dài nhất ở Đại Hàn Dân Quốc là sông Nakdonggang, dài 520km qua tỉnh Gyeongsangbuk-do và Gyeongsangnam-do trước khi đổ ra biển Nam. Cửa sông có một vùng châu thổ rộng lớn gọi là đảo Eulsukdo, khu vực có những cánh đồng lau sậy phát triển dày đặc và bãi cát rộng, hình thành môi trường cư trú lớn nhất của các loài chim di cư. Các sông Geumgang và Yeongsangang đóng một vai trò quan trọng trong canh tác lúa trên đồng bằng Honam. Ngoài ra, các con sông lớn như sông Imjingang, Mangyeonggang và Seomjingang cũng là nguồn cung cấp nước quan trọng cho các cánh đồng của từng khu vực.

(Clockwise from left top) Rock climbing at Bukhansan Mountain, A view of the setting sun over Yeongsangang River, the main source of water for the southwest of Korea, Seongsan Ilchulbong Tuff Cone on Jejudo Island; One of many parasitic cones scattered around Jeju, Baengnokdam Crater Lake of Hallasan Mountain; A cauldron-shaped volcanic crater (108m in depth and 1,720m in circumference) atop Hallasan Mountain

1. Leo núi Bukhansan
2. Hoàng hôn trên sông Yeongsangang, nguồn nước chính cho vùng Tây Nam Hàn Quốc
3. Đỉnh Seongsan Ilchulbong ở đảo Jeju; Một trong những đỉnh nham thạch hình thành trong quá trình phun trào núi lửa của đảo Jeju.
4. Hồ miệng núi lửa Baengnokdam của núi Hallasan; Một miệng núi lửa hình lòng chảo (sâu 108m và chu vi 1.720m) tại đỉnh núi Hallasan.


Đảo Jeju

Đảo Jeju là hòn đảo lớn nhất và nằm ở phía Nam Hàn Quốc. Đảo có hình dạng elip dài 73km từ Đông sang Tây và rộng 31km từ Bắc xuống Nam. Hòn đảo này có nhiều câu chuyện lịch sử kể từ thời Tamna và có một nền văn hóa dân gian độc đáo và phong phú. Từ năm 1960, người dân trên đảo bắt đầu trồng quýt, hallabong... như là cây trồng đặc trưng. Đảo Jeju cũng trở thành một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của Hàn Quốc, thu hút hàng trăm nghìn du khách từ các quốc gia lân cận, tiêu biểu có Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2006, chính phủ Hàn Quốc đã công bố đảo Jeju là tỉnh tự trị đặc biệt nhằm mục đích xây dựng khu vực này thành vùng thương mại quốc tế tự do. Ngày nay, đảo Jeju cũng là địa điểm được ưa chuộng để tổ chức các cuộc họp quốc tế quan trọng, tiêu biểu như các cuộc họp thượng đỉnh.

Đảo Jeju được hình thành sau rất nhiều lần phun trào núi lửa và có nhiều đặc điểm địa hình núi lửa riêng biệt bao gồm 368 oreum (tiếng địa phương Jeju nghĩa là cụm núi lửa phụ) trên mặt đất và khoảng 160 hang nham thạch dưới lòng đất. Di sản thiên nhiên độc đáo này đã giúp hòn đảo được ghi danh vào mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO vào năm 2002, được công nhận là di sản thế giới vào năm 2007 và công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010. Năm 2016, văn hóa Jeju Haenyeo đã được đăng ký là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đảo Jeju được toàn thế giới công nhận không chỉ là một điểm du lịch nổi tiếng mà còn là một "hòn đảo kho báu của thiên nhiên và tài sản văn hóa".

Núi Hallasan là địa điểm du lịch tuyệt tác của đảo Jeju. Núi Hallasan là một ngọn núi lửa cao 1.950m và là ngọn núi cao nhất ở Hàn Quốc. Núi Hallasan có hơn 1.800 loại thực vật phân chia môi trường sống theo độ cao và sự thay đổi sinh thái thực vật rất rõ rệt. Toàn bộ ngọn núi hầu hết được cấu tạo từ đá bazan. Núi dốc mạnh ở phía Nam và thoải hơn ở phía Bắc. Trên đỉnh núi là hồ miệng núi lửa Baeknokdam.

Seongsan Ilchulbong, đỉnh núi mặt trời mọc cũng là một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua. Đỉnh núi cao 182m này là miệng núi lửa nằm ở phía Đông của đảo. Miệng núi lửa hình chiếc đĩa khổng lồ được bao xung quanh bởi lau sậy. Khi nhìn từ trên cao xuống, đỉnh núi trông giống như một sân vận động hình tròn. Rất nhiều du khách so sánh đỉnh Ilchulbong giống như một bức bình phong mở ra khung cảnh hùng vĩ hay tựa như một vương miện tròn khổng lồ.

Đỉnh núi mặt trời mọc Seongsan Ilchulbong được công nhận là kỳ quan thiên nhiên của đảo Jeju, thu hút rất đông khách tham quan trong dịp lễ hội ngắm mặt trời mọc đầu năm. Ngoài ra, đảo Jeju còn nổi tiếng với động Yongcheon ở thôn Woljeong-ri, ấp Gujwa-eup, là tổ hợp hang động đá vôi và dung nham dài 2,5km. Các hang động đá vôi còn có ở Hyeopjae và Pyoseon. Cùng với sự phun trào của núi lửa, dung nham bị bắn ra nhiều phía và hình thành những tảng đá lớn nhỏ, phân bố trùng trùng điệp điệp tạo nên một quang cảnh kỳ thú cho rừng Gotjawal ở Jeju. Đây là một trong số hiếm những khu rừng tồn tại song song các loài thực vật phía Bắc vùng nhiệt đới và các loài thực vật phía Nam của vùng hàn đới. Những cánh rừng gỗ rậm rạp, nguyên sơ này còn được mệnh danh là “lá phổi của đảo Jeju”.

Khu phức hợp du lịch Jungmun là một khu giải trí du lịch trên bờ biển phía Nam Seogwipo. Nơi đây có rất nhiều địa điểm và cơ sở hạ tầng vui chơi giải trí như bãi biển, sân golf, sân cưỡi ngựa, nơi săn bắn. Ngoài ra, thác nước Cheonjeyeon và ghềnh đá đĩa Jusangjeolli cũng là địa điểm tham quan được nhiều người biết đến. Điểm du lịch gần đây mới được thêm vào danh sách du lịch của vùng này là Aqua Planet, thủy cung lớn nhất châu Á, nằm ở Seopjikoji, ấp Seongsan-eup và được mở cửa từ tháng 7 năm 2012.

Một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến đảo Jeju là đường mòn Olle - đường đi bộ quanh đảo men theo bờ biển. Du khách có thể trải nghiệm ngủ qua đêm miễn phí trên ngọn hải đăng chiếu sáng cạnh bờ biển. Đảo Jeju còn nổi tiếng với “Samdado”, là cách nói vui chỉ “ba đặc sản” dồi dào, phong phú của đảo là đá, phụ nữ và gió. Đảo Jeju có nhiều đá là do hoạt động của núi lửa. Các ngôi nhà và cánh đồng được bao quanh bởi những bức tường đá để chắn gió. Jeju có nhiều phụ nữ nghĩa là hoạt động của nữ giới rất nổi bật, ví dụ như haenyeo (hải nữ), tức các thợ lặn nữ.

Một trong những đặc sản nổi tiếng của Jeju còn là “xương rồng nopal”. Đây là loài xương rồng có chất lượng ưu việt trong số hơn 10.000 chủng loại xương rồng trên thế giới. Cho dù phải chống chịu với những đợt gió biển thổi mạnh và môi trường sống khắc nghiệt nhưng loài xương rồng này vẫn kiên cường sinh trưởng tới gần 100 năm nên còn được gọi là “Bách niên thảo”. Dol hareubang, những bức tượng hình người mang tính biểu tượng, được chạm khắc từ đá bazan xốp (đá núi lửa), cũng là những món quà lưu niệm phổ biến.

Ở phía Nam đảo Jeju còn có một hòn đảo nằm ở nơi tận cùng lãnh thổ Hàn Quốc, cách Jeju 10km là đảo Marado. Cách đảo Jeju 149km về phía Tây Nam là địa điểm của Trạm nghiên cứu hải dương đảo Ieodo.

Dodong Port in Ulleungdo (top): A volcanic island lying in the East Sea and Dokdo (Ulleung-gun, Gyeongsangbuk-do): Dokdo consists of two rocky islets, Dongdo and Seodo, situated about 150 meters apart, and 89 rocky outcrops around them.

1. Cảng Dodong ở đảo Ulleungdo, một đảo núi lửa nằm trên biển Đông
2. Đảo Dokdo (huyện Ulleung-gun, tỉnh Gyeongsangbuk-do); Đảo Dokdo gồm hai đảo đá nhỏ là đảo Dongdo và đảo Seodo, nằm cách nhau khoảng 150m và có 89 mỏm đá rải rác xung quanh.



Đảo Ulleungdo và Dokdo

Đảo Ulleungdo nằm cách đất liền 130km về phía Đông của bán đảo Triều Tiên. Giống như đảo Jeju, đây là một hòn đảo núi lửa nhưng diện tích chỉ có 72km². Dọc bờ biển Đông có những vách đá dốc đứng như đã được cắt gọt, đáy biển sâu nên vùng duyên hải quanh đảo Ulleungdo có mực nước rất sâu. Tại vị trí của miệng núi lửa ở trung tâm hòn đảo có một lưu vực Nari phẳng được hình thành. Cách đảo Ulleungdo về phía Đông Nam 87,4 km có một đảo đá nhỏ gọi là Dokdo. Đây là điểm cực Đông của lãnh thổ Hàn Quốc và lực lượng bảo vệ đang đóng quân tại đây. Đảo Dokdo gồm hai đảo đá lớn là Dongdo (đảo Đông) và Seodo (đảo Tây) và 89 khối đá nhỏ, san hô. Tuy đất đá trên đảo cằn cỗi và gió biển mạnh nhưng hiện trên đảo vẫn có khoảng 70 loại thực vật đang sinh trưởng. Vài năm trước đây, cả cây thông và cây hoa trà cũng đã được đem ra trồng tại đảo. Đảo được công nhận là khu vực sinh sản của loài chim biển Dokdo (di tích thiên nhiên số 336) vào năm 1982 và sau đó được gọi là "khu vực bảo tồn thiên nhiên Dokdo" vào năm 1999.

Hallyeosudo

Hallyeosudo chỉ đường bờ biển duyên hải 120km kéo dài từ thành phố Yeosu, tỉnh Jeollanam-do tới đảo Hansando, tỉnh Gyeongsangnam-do. Hallyeosudo được đặt tên theo các âm tiết đầu tiên của Hansando và Yeosu. Hallyeosudo từ lâu đã được ca ngợi vì phong cảnh đẹp hùng vĩ với biển xanh lấp lánh, các hòn đảo lớn nhỏ trập trùng, những vách đá có hình dạng đẹp tuyệt vời và đường bờ biển đầy ấn tượng. Khu vực này cũng nổi tiếng là môi trường sống của các loài động thực vật biển đa dạng và từ năm 1968 đã trở thành Công viên biển quốc gia của Hàn Quốc.

Yeosu là nơi tổ chức Triển lãm thế giới 2012 và là điểm khởi đầu và kết thúc của tuyến đường thủy này. Thành phố có nhiều điểm du lịch nổi bật, trong đó có đảo Odong với rừng hoa trà rực rỡ và các bãi biển xinh đẹp phủ đầy cát mịn. Hallyeosudo còn là một di tích lịch sử liên quan đến chiến thắng hải quân dưới sự lãnh đạo của Đô đốc Yi Sun-shin, chống lại quân Nhật xâm lược Hàn Quốc vào năm 1592 trong Triều đại Joseon. Với diện tích biển chiếm đến 76% tổng diện tích, Hallyeosudo là một trong những địa điểm du lịch tự nhiên tiêu biểu nhất ở Hàn Quốc với phong cảnh, địa hình nổi bật xuất sắc gồm quần thể biển, đảo và đất liền. Hai cây cầu Yi Sun-shin khánh thành vào tháng 2/2013 và cầu Namhaegyo nối liền đất liền với đảo Namhaedo cũng nổi tiếng vì vẻ đẹp của chúng.

Hallyeosudo: Korea’s first national marine park - famous for the spectacular seascapes created by many differently-sized islands floating on blue seas.

Hallyeosudo: Công viên biển quốc gia nổi tiếng vì cảnh biển đẹp hùng vĩ được tạo thành bởi rất nhiều hòn đảo với kích cỡ khác nhau trên biển xanh.


Đảo Nami

Đảo Nami nằm trên sông Bukhangang, cách huyện Gapyeong-gun, tỉnh Gyeonggi-do 3,8 km về phía Nam. Vào năm 1943, sau khi dựng đập Cheongpyeong thì phải đi thuyền mới vào được đảo Nami. Là bối cảnh quay bộ phim truyền hình "Bản tình ca mùa đông" nổi tiếng, đảo Nami đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với những người hâm mộ làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Đảo Nami là thiên đường của những rừng cây tuyệt đẹp. Từ nơi xuống thuyền kéo dài đến tận Yangpyeong, những cây thông và cây thủy sam được bố trí thẳng hàng nối đuôi nhau, tạo thành các con đường mòn tự nhiên lãng mạn. Khu rừng ngân hạnh màu vàng và con đường bạch dương dọc theo bờ sông gợi nhớ về sự lãng mạn của tuổi trẻ. Nhiều khách du lịch chọn đạp xe đạp để ngắm cảnh xung quanh hòn đảo. Ở đây cũng có nhiều phòng trưng bày, bảo tàng và cửa hàng thủ công. Ngoài ra còn có chỗ ở cho thuê như những căn nhà gỗ hay khu vực cắm trại.

Metasequoia Forest Walkway on Namiseom Island

Đường rừng thủy sam ở đảo Nami



Khu vực phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên

Sau khi chấm dứt chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953, nhằm tuân thủ theo ký kết của Hiệp định đình chiến Triều Tiên, hai miền Nam - Bắc đã xây dựng nên đường ranh giới quân sự và khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên (DMZ) dài 250km và rộng xấp xỉ 4km, gồm 2km ở phía Nam và 2km ở phía Bắc. Ở phía Tây của DMZ, có một làng nông nghiệp gọi là làng Daeseongdong, hay còn được người Hàn Quốc gọi là “làng tự do”. Đây là khu phi quân sự, nơi chỉ những người có giấy phép mới được ra vào. Du khách nước ngoài cũng có thể đến thăm nơi đây. Bên trong khu vực DMZ có Panmunjeom (Bàn Môn Điếm), là khu vực an ninh chung giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Việc cấm ra vào tự do ở DMZ trong 60 năm sau khi chiến tranh kết thúc đã giúp duy trì môi trường tự nhiên trong khu vực này ở tình trạng nguyên vẹn, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu môi trường trên toàn thế giới.

Prayer ribbons tied to a barbed wire fence located between the DMZ and Freedom Bridge

Các dải ruy băng cầu nguyện cho hòa bình được buộc vào hàng rào thép gai dựng giữa cầu tự do và khu vực phi quân sự DMZ.