Chiếc quạt được vẽ hình chú cá theo hình thức tranh dân gian Minhwa tại Bảo tàng Choseon Minhwa thuộc tỉnh Gangwon-do. (Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Mỗi một quốc gia trên khắp thế giới nói chung và Châu Á nói riêng đều sở hữu những hình thức nghệ thuật văn hóa dân gian độc đáo bao gồm nhiều thể loại như ca, múa nhạc, thơ văn hay tranh vẽ.... Đối với Hàn Quốc cũng vậy, thông qua vô số nghệ thuật văn hóa dân gian thú vị, người dân xứ sở Kimchi không chỉ tô điểm thêm màu sắc cho cuộc sống hằng ngày, góp phần không nhỏ trong kho tàng gìn giữ các giá trị nhân loại có ý nghĩa, mà chính chúng còn nói lên tâm hồn và khát vọng tích cực của họ. Hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu về Minhwa, một hình thức nghệ thuật văn hóa dân gian biểu trưng cho niềm hy vọng, ước mơ tươi đẹp dưới ngòi bút sáng tạo của các nghệ sĩ tại đất nước Hàn Quốc nhé!
Minhwa (tiếng Hàn:
민화) được hiểu theo nghĩa đen là “bức tranh bình dân” hay “bức tranh của nhân dân”. Minhwa chủ yếu tạo ra bởi các họa sĩ chưa rõ danh tính - những người tuân theo quy chuẩn cũng như phong cách kế thừa từ quá khứ, qua bàn tay của mình, họ mô phỏng lại xu hướng nghệ thuật đương đại với mục đích sử dụng chính dùng để trang trí hằng ngày. Thuật ngữ Minhwa xuất phát từ nhà triết học kiêm nhà phê bình nghệ thuật người Nhật Yanagi Muneyoshi (1889-1961).
Nghệ thuật vẽ tranh Minhwa phát triển từ thế kỉ XVII thuộc triều đại Joseon, giai đoạn này Minhwa rất phổ biến trong tầng lớp dân thường, thậm chí cả giới quý tộc cũng cực kỳ chuộng Minhwa. Các nghệ sĩ Minhwa đã đi đến nhiều lễ hội, hoàn thành những bức Minhwa rồi lấy tiền hoa hồng ngay tại chỗ, ngoài ra vào thời kì đó Minhwa còn là cách đánh dấu những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời con người. Minhwa từng bùng nổ mạnh mẽ mãi tới khi Chiến tranh Triều Tiên xảy ra. Tuy nhiên từ những năm 1980, Minhwa đã trở lại và nhận nhiều sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình cho tới ngày nay.
Minhwa được ví với các tác phẩm của một số họa sĩ tiêu biểu như thiên tài Picasso. Tuy nhiên, Minhwa không mang tính “biểu thị” hay “trang trí” đơn thuần mà nó còn là “biểu tượng”, đem tới các giá trị ý nghĩa như một phần của nền văn hóa. Khác biệt với hình thức nghệ thuật phi phương Tây chủ yếu coi trọng mặt thẩm mỹ tự chủ, khả năng phá vỡ chuẩn mực, bỏ qua tính “biểu tượng” thì Minhwa cho thấy những quy tắc cụ thể vì người nghệ sĩ cần xác định yêu cầu từ khách hàng rồi cam kết thể hiện bức tranh theo thế giới quan được đồng thuận rõ ràng. Thưởng thức tranh Minhwa mình nhận ra nó có phần tương tự với tranh dân gian Đông Hồ của Việt Nam.
Một mẫu tranh Minhwa được trang hoàng trong đám cưới của người Hàn. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
Xét về bản chất, do tạo ra bởi các họa sĩ bình thường nên Minhwa là kết quả tự nhiên từ mong muốn luôn được khỏe mạnh, sung túc, thịnh vượng, đồng thời làm đẹp thêm cuộc sống. Do đó, người Hàn Quốc đã đầu tư, thổi hồn vào các bức Minhwa một phong cách mạnh mẽ mang sắc thái riêng cho xứ sở Kimchi, độc đáo từ nội dung đến triết lý. Tuy Minhwa thiếu đi vẻ sang trọng của những bức tranh theo lối truyền thống nhưng nếu nói tới cơ sở nghệ thuật thì với định dạng hài hước, đơn giản, bố cục độc đáo cùng cách sử dụng màu sắc đậm đã nêu bật lên đặc điểm quan trọng trong thẩm mỹ của người Hàn. Chủ đề phổ biến của Minhwa bao gồm 10 biểu tượng trường thọ (chim hạc, rùa, nai, nấm, đá, nước, mây, Mặt Trời, Mặt Trăng, cây thông), đôi chim (ý nghĩa về tình yêu hôn nhân), côn trùng và hoa (ý nghĩa về sự hài hòa âm - dương), giá sách (ý nghĩa về học thức - trí tuệ)…. Bên cạnh đó, ta có thể phân Minhwa thành nhiều loại phổ biến như sau:
1. Morando hay tranh hoa mẫu đơn - loài hoa biểu trưng cho sự giàu có, danh dự và địa vị cao, rất được chuộng vào thời kì Joseon. Hoa mẫu đơn cũng mang ý nghĩa hòa bình, ổn định trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Ban đầu Morando chỉ tồn tại ở cung điện, sau đó được các gia đình bình thường, đặc biệt là những gia đình giàu có sử dụng. Người Hàn còn dùng Morando nhân dịp đám cưới hay sinh nhật. Morando thường đặt vào phòng của phụ nữ hay phòng vợ chồng mới cưới nhằm biểu thị sự hòa hợp.
Chaekgeori hay Chaegado, một loại tranh Minhwa về sách và văn phòng phẩm được giới học giả thời Joseon cực kì ưa thích. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
2. Chaekgeori, tên khác: Chaekgado hay tranh sách và văn phòng phẩm. Loại tranh này chứa hình ảnh về sách cùng những vật dụng phục vụ cho việc học, do đó Chaekgeori rất được các học giả thời kì Joseon yêu thích: nó mang ý nghĩa biểu thị tấm lòng nhiệt thành đối với kiến thức, trí tuệ. Chaekgeori thường bao gồm: 4 báu vật dành cho nghiên cứu, mài rèn kinh sử (bút lông, giấy, nghiên mực, thanh mực tàu); mặt khác Chaekgeori vẽ cả bình hoa, mắt kính, quần áo, nhạc cụ,…. Ngoài ra Chaekgeori còn mô tả về nhiều loại trái cây, rau củ biểu thị cho tuổi thọ hay sự sinh sôi nảy nở như dưa, đào, lựu, cà tím…. Chaekgeori khá khác biệt khi có tỉ lệ hình ảnh, phố cảnh lệch tâm, đồng thời mang tính nhất quán cao trong chất lượng lẫn kĩ thuật.
3. Hwajodo hay tranh hoa và chim, thường là dạng tranh gấp mô tả các cặp động vật như chim, hươu, thỏ, bướm, ong tượng trưng cho cuộc hôn nhân viên mãn, khuyến khích sinh con. Do đó mà Hwajodo được dùng làm đồ trang trí cho vợ chồng mới cưới hoặc dùng trong đám cưới.
4. Sibjangsaengdo hay tranh vẽ 10 biểu tượng trường thọ. Nó mô tả các yếu tố thiên nhiên tượng trưng cho tuổi trẻ vĩnh cửu. Sibjangsaengdo cho thấy giá trị văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, được xem là loại tranh Minhwa lớn và hoành tráng nhất khi kết hợp hài hòa 10 biểu tượng, do đó Sibjangsaengdo thường sử dụng trong các nghi lễ hay bữa tiệc ở cung điện vào thời Joseon.
5. Munjado hay tranh vẽ các chữ Hán. Loại tranh này mô tả nhiều hình tượng như chim, cá, thực vật hoặc phong cảnh hữu tình theo chữ Hán của Trung Quốc. Munjado truyền đạt 8 nguyên tắc Nho giáo là: hiếu thảo, tình huynh đệ, trung thành, tin cậy, lịch thiệp, công bằng, liêm chính, đa cảm. Do đó, Munjado thường được các gia đình trung và thượng lưu ở thời kì Joseon sử dụng.
Bức tranh Hojakdo hay Kkachi Horangi vẽ về hổ, chim ác và cây thông với hình tượng chính là chú hổ có khuôn mặt hài hước. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
6. Hojakdo, tên khác: Kkachi Horangi hay tranh vẽ hổ, chim ác, cây thông. Loại tranh này mô tả chủ yếu về hình tượng con hổ (do ngày xưa Hàn Quốc có số lượng hổ tồn tại khá lớn, từng biết tới như “vùng đất của hổ”). Hổ đại diện cho uy quyền của giới Yangban (quý tộc) được người nghệ sĩ cố tình vẽ ra trông thật hài hước. Bên cạnh đó, chim ác biểu thị tầng lớp nhân dân nên Hojakdo mang ý nghĩa châm biếm sự phân biệt thứ bậc trong thời đại Joseon. Đồng thời nếu so sánh Hojakdo với những tác phẩm truyền thống theo chủ nghĩa hiện thực sẽ thấy loài vật linh thiêng, mạnh mẽ như hổ cũng trở nên thân thiện, dịu dàng, vì vậy Hojakdo đã khắc họa ước vọng bình thường là giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi trước loài vật này.
Ngoài ra, Minhwa còn một số loại tranh khác bao gồm: Chochungdo (tranh vẽ hoa và côn trùng); Hopeedo (tranh vẽ da con hổ), Yeongsudo (tranh vẽ các con vật thần thánh), Eohaedo (tranh vẽ các con cá), Yeonhwado (tranh vẽ hoa sen).
Ngày nay, tuy Minhwa không còn chuộng để trang trí trong gia đình như trước nhưng chẳng vì thế mà Minhwa bị mai một hay biến mất. Do Minhwa là “tác phẩm tạo bởi nhân dân” nên ở xã hội hiện đại, Minhwa đã được tái sinh bằng các hình thức linh hoạt như tranh tường ở vỉa hè hay các khu phố cổ, tranh dán xe hơi, tranh trên ốp điện thoại lẫn trên đồ dùng học tập.... Đặc biệt trong năm 2021, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Australia hợp tác cùng trung tâm Minhwa Truyền thống Hàn Quốc đồng tổ chức triển lãm với tên gọi “Minhwa Today” từ ngày 8/2/2021 đến 1/4/2021. Với 25 tác phẩm tranh dân gian thể hiện ý thức, tình cảm, thẩm mỹ cùng nghị lực sống của người Hàn Quốc, triển lãm mong muốn đem đến trải nghiệm mới lạ giúp du khách tiếp cận gần hơn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Mặt khác, nhiều chuyên gia về vẽ tranh Minhwa như Kim Man-hee (ông được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể thứ 18 ở Seoul vào năm 1996) cũng có công kết nối xúc cảm của Minhwa với thế giới, khi ông từng tổ chức hơn 40 cuộc triển lãm cả trong nước lẫn quốc tế, mang đến khoảng 3000 tác phẩm nhằm nỗ lực giới thiệu nhiều chủ đề của Minhwa tới công chúng.
Một bức tranh mang tinh thần tranh Minhwa truyền thống được vẽ lên tường tại làng Dongpirang thuộc tỉnh Gyeongsangnam-do. (Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc)
Minhwa gắn liền với một “mẫu số chung” đóng vai trò kết nối ước muốn và niềm tin thông qua những tiến trình hay hoạt động cơ bản như ăn, ngủ, nghỉ, sinh con, lão hóa. Hơn nữa, bất chấp sự thất thế trong xã hội hiện đại, Minhwa vẫn mang lại cho người Hàn Quốc lối suy nghĩ riêng, kết nối họ bằng thứ sức mạnh không thể tính toán được dựa trên các tiêu chí chặt chẽ bình thường. Thế mới biết, Minhwa sở hữu sức hút như thế nào tại Hàn Quốc, bên cạnh đó nó còn có tính “xuyên văn hóa”, nhờ tác động ở cấp độ “tiền lời nói”, Minhwa phản ánh giá trị, ý nghĩa, hoàn cảnh thay đổi đa dạng trong một thời đại cụ thể, nơi con người sinh sống và tồn tại.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.