Phóng viên danh dự

21.01.2022

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 1 dưới cái lạnh của thời tiết ở Hàn Quốc là giai đoạn phát triển cao điểm của quýt Jeju, giúp hình thành hương vị ngon ngọt đặc trưng cho chúng. (Ảnh: iStockPhoto)

Khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 1 dưới cái lạnh của thời tiết ở Hàn Quốc là giai đoạn phát triển cao điểm của quýt Jeju, giúp hình thành hương vị ngon ngọt đặc trưng cho chúng. (Ảnh: iStockPhoto)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Đất nước Hàn Quốc vốn nổi tiếng bởi nhiều món ăn ngon cùng những loại hoa quả thơm ngọt làm say đắm lòng người. Bên cạnh trái dâu tây đã trở nên quen thuộc với du khách quốc tế thì mặt khác nếu có dịp đến tham quan đất nước Hàn Quốc, chắc chắn bạn không nên bỏ qua trải nghiệm thưởng thức trái quýt – đặc sản được trồng và nuôi dưỡng trên hòn đảo Jeju xinh đẹp. Hãy cùng mình khám phá mỹ vị tuyệt vời này thông qua một số thông tin mình cung cấp ngay dưới đây nha!

Bên cạnh trái dâu thì trái quýt là sản vật tự nhiên quý giá được người dân Hàn Quốc lẫn du khách quốc tế yêu thích tin dùng. (Ảnh: iStockPhoto)

Bên cạnh trái dâu thì trái quýt là sản vật tự nhiên quý giá được người dân Hàn Quốc lẫn du khách quốc tế yêu thích tin dùng. (Ảnh: iStockPhoto)



Trái quýt có tên tiếng Hàn là Gyul, từ lâu được xem như loại hoa quả “quốc bảo” đại diện cho đảo Jeju cũng như cả xứ sở Kimchi. Theo mình biết, người Hàn Quốc tiêu thụ quýt gấp đôi so với việc tiêu thụ táo bởi hương vị thu hút, đậm đà, khác biệt hẳn những loại cam quýt thông thường. Quýt Jeju nổi tiếng từ vỏ đến thịt quả, đặc biệt chúng hoàn toàn không pha tạp chất. Thậm chí, Biên niên sử 137 tập về Vương triều Goryeo mang tên “Goryeosa” từng đề cập việc người dân ở Jeju đã dâng quýt lên các vị vua như một món lễ vật quý giá kể từ năm 1052 sau Công nguyên.

Một lý do nữa khiến người Hàn ưa chuộng tin dùng quýt Jeju bởi chúng mang đến lợi ích sức khỏe toàn diện. Theo cuốn sách y học ở thời kì Joseon, Dongui Bogam (Đông Y Bảo Giám) từng nhấn mạnh tác dụng của quýt Jeju trong việc ngăn ngừa bệnh hoại huyết (ung thư máu), ho, cảm lạnh hiệu quả. Các giống quýt Jeju nói chung chứa đựng nhiều dưỡng chất như flavonoid, carotinoid (những chất này giúp giảm nguy cơ, ngăn ngừa ung thư rất tốt), pyridine (phòng xơ cứng động mạch), enzyme chống béo phì, xanthophylls (phòng ung thư, tiểu đường, ngăn oxy hóa tế bào); ngoài ra quýt Jeju khá dồi dào vitamin C tự nhiên làm tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, tăng hiệu quả chăm sóc da, phục hồi thể trạng sau mệt mỏi. Chính bởi thế, người dân Hàn Quốc không chỉ thích tiêu thụ quýt Jeju mà còn dùng chúng như món quà đầy ý nghĩa dành tặng đến người thân, bạn bè hoặc những người họ yêu quý.

Từ xa xưa quýt Jeju đã được công nhận về các lợi ích y học của chúng giúp bổ trợ tăng cường sức khỏe cho con người. Vì vậy người Hàn thường dùng quýt Jeju như món quà tặng ý nghĩa, mang tính trân trọng gửi tới người thân, bạn bè hoặc những người họ yêu quý. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)

Từ xa xưa quýt Jeju đã được công nhận về các lợi ích y học của chúng giúp bổ trợ tăng cường sức khỏe cho con người. Vì vậy người Hàn thường dùng quýt Jeju như món quà tặng ý nghĩa, mang tính trân trọng gửi tới người thân, bạn bè hoặc những người họ yêu quý. (Ảnh: Jeon Han / Korea.net)



Vậy vì sao trái quýt lại sinh trưởng tốt nhất tại Jeju? Với nhiệt độ trung bình khoảng 15oC – đây là môi trường lý tưởng để quýt phát triển, đạt độ thơm, ngọt đặc trưng vốn có. Theo một số ghi chép lịch sử vào thời Goryeo, đảo Jeju đã trở thành địa điểm phổ biến cung cấp phần lớn sản lượng quýt tiêu thụ cho toàn quốc. Tuy nhiên, sản xuất quýt thúc đẩy mạnh mẽ hơn kể từ thời Joseon, cụ thể quýt Jeju được dâng lên hoàng gia vào mùa thu và đông; ngoài ra, giai đoạn này nhà nước Joseon còn thành lập nên khoảng 40 trạm chuyên trách có nhiệm vụ kiểm soát việc sản xuất, tiêu thụ quýt. Tổ tiên người Hàn thậm chí tận dụng cả vỏ lẫn hạt quýt Jeju đem phơi khô nhằm phục vụ cho đông y. Đến thời kì thuộc địa Nhật Bản, quýt Jeju mới tiếp cận gần hơn tới dân thường từ việc một giống quýt mới được mang đến canh tác tại thành phố Seogwipo.

Hình thức du lịch “trải nghiệm hái quýt” vừa là hoạt động thu hút du khách vừa là nguồn thu nhập giúp tăng trưởng kinh tế địa phương ở đảo Jeju. (Ảnh: iStockPhoto)

Hình thức du lịch “trải nghiệm hái quýt” vừa là hoạt động thu hút du khách vừa là nguồn thu nhập giúp tăng trưởng kinh tế địa phương ở đảo Jeju. (Ảnh: iStockPhoto)



Quýt Jeju không những nổi tiếng vì hương vị hay lợi ích phòng ngừa bệnh tật mà sản xuất quýt còn trở thành ngành công nghiệp giúp nâng cao kinh tế địa phương, ví dụ như việc nhiều hộ gia đình ở Jeju nhờ trồng quýt đã trang trải được chi phí học tập cho con cái họ kể từ 1970, thậm chí đến tận ngày nay. Tuy nhiên, do việc giảm giá mạnh trong năm 2002, nhiều nông dân dần chuyển hướng đa dạng hơn khi họ tham gia vào hoạt động du lịch, cụ thể hình thức “trải nghiệm hái quýt” ra đời thu hút lượng khách tham quan đảo Jeju nói chung tăng lên đáng kể. Nếu có dịp du lịch đảo Jeju, một vài địa chỉ sau đây sẽ cho bạn trải nghiệm hái quýt và thưởng thức quýt tươi khá tuyệt vời, ví dụ như: Odeung Gamgyul Orange Farm (Trang trại cam Odeung Gamgyul), Baengnokdam Farm (Trang trại quýt Baengnokdam), VIP Hallabong Farm (Trang trại VIP Hallabong), Bong Bong Tangerine Farm (Trang trại quýt Bong Bong)... Đặc biệt khoảng thời gian từ tháng 10 – tháng 2 là mùa cao điểm quýt Jeju phát triển tốt, do đó hãy ghi nhớ để lên lịch cho tour trải nghiệm hái quýt nha!

Thế, bạn có tò mò ở Jeju những loại quýt nào được ưa chuộng, săn đón nhất không? Dưới đây là 5 giống quýt ngon hàng đầu được trồng tại Jeju nhất định bạn nên thử một lần nhé:

1. Quýt Noji (Noji Gamgyul): Đặc trưng nhờ sự cân bằng giữa vị chua và ngọt, chúng được yêu thích vì tác dụng làm giảm mệt mỏi dựa trên thành phần axit citric. Thuật ngữ “Noji” chỉ việc giống quýt này được trồng ngoài trời hoặc nơi có không gian rộng, tự nhiên. Tuy độ ngon của quýt Noji là không thể bàn cãi nhưng chúng có khuyết điểm về thể chất do dễ bị ảnh hưởng bởi mưa, gió. Mùa thu hoạch giống quýt Noji rơi vào tháng 10 – tháng 1.

Quýt Hallabong – giống quýt nổi tiếng được nhiều người biết tới vì hình dạng đặc trưng tựa như núi Hallasan cùng hương vị ngon, ngọt mà chúng mang đến cho những ai từng thưởng thức. (Ảnh: iStockPhoto)

Quýt Hallabong – giống quýt nổi tiếng được nhiều người biết tới vì hình dạng đặc trưng tựa như núi Hallasan cùng hương vị ngon, ngọt mà chúng mang đến cho những ai từng thưởng thức. (Ảnh: iStockPhoto)



2. Quýt Hallabong: Có lẽ đây là giống quýt nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc. Chúng được tạo ra nhờ cách lai cam mật ong (Ponkan) và quýt Kiyomi. Đặc điểm nổi bật của quýt Hallabong là phần cuống nhô lên, ngoài ra vị của chúng khá ngọt, nhiều nước, vỏ giòn. Cái tên “Hallabong” xuất phát từ việc giống quýt này mang hình dạng như núi Hallasan của đảo Jeju. Mùa thu hoạch giống quýt Hallabong rơi vào tháng tháng 12 – tháng 3 hoặc cuối tháng 1 – đầu tháng 2.

Quýt Cheonhyehyang mang hương vị thơm ngon xuất phát từ câu nói “mùi hương bay xa ngàn dặm” của người Hàn. (Ảnh: iStockPhoto)

Quýt Cheonhyehyang mang hương vị thơm ngon xuất phát từ câu nói “mùi hương bay xa ngàn dặm” của người Hàn. (Ảnh: iStockPhoto)



3. Quýt Cheonhyehyang: có kích thước khoảng 2 – 3 lần trái quýt bình thường. Quýt Cheonhyehyang đặc trưng bởi lớp vỏ mỏng, thịt quả mềm, vị ngọt đậm, ít tính axit. Chúng rất được lòng thực khách do mùi thơm lẫn vị ngon chúng mang lại. Cái tên “Cheonhyehyang” thực tế xuất phát từ câu nói “향기가 천리를 간다” (hương thơm bay xa ngàn dặm) hay “하늘이 내린 향” (hương thơm tặng từ thiên đường). Mùa thu hoạch giống quýt Cheonhyehyang rơi vào tháng 1 – tháng 4.

4. Quýt Hwanggeumhyang: Giống quýt này lai tạo từ quýt Hallabong và quýt Cheonhyehyang. Đây là một giống quýt mới có tuổi đời khá trẻ (bắt đầu từ năm 2019). Xét về vị, quýt Hwanggeumhyang chứa hàm lượng đường thấp hơn quýt Hallabong nhưng chúng ít chua hơn, tuy nhiên cũng ngon ngọt không kém. Xét về dáng vẻ và kích thước, chúng tương đương với quýt Hallabong, mang bề mặt tròn, nhẵn, vỏ mỏng, kết cấu mềm. Mùa thu hoạch giống quýt Hwanggeumhyang rơi vào tháng 7 – tháng 1.

5. Quýt Redhyang: Đây là một giống quýt cao cấp lai tạo từ quýt Hallabong và quýt Noji. Đặc trưng bởi màu cam đỏ đậm độc đáo, quýt Redhyang chứa hàm lượng đường cao hơn những loại quýt khác, do đó nếu bạn là người không thích vị chua vốn có ở các loại cam quýt thông thường thì quýt Red Hyang sẽ rất phù hợp với khẩu vị của bạn. Mùa thu hoạch giống quýt Red Hyang rơi vào tháng 12 – tháng 3.

Một loại nước đóng lon vị quýt Hallabong mình từng thưởng thức ngay tại Việt Nam. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)

Một loại nước đóng lon vị quýt Hallabong mình từng thưởng thức ngay tại Việt Nam. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)



Mới nghe thôi mà đã thấy hấp dẫn rồi đúng không nào! Tuy mình chưa bao giờ thưởng thức được vị nguyên bản của trái quýt Jeju chính gốc nhưng mình đã có cơ hội thử qua một số sản phẩm đóng gói có chiết xuất từ quýt Jeju (cụ thể là quýt Hallabong) như kẹo, bánh, nước đóng chai / đóng lon... nhập khẩu từ Hàn Quốc. Quả thực mùi thơm tinh tế mà quýt Jeju mang lại rất khác biệt so với những loại cam quýt thông thường mình từng ăn trước đó.

Qua những thông tin mình vừa cung cấp, chúng ta có thể nhận ra quýt Jeju cực kì xứng danh với biệt hiệu “quốc bảo” của hòn đảo xinh đẹp này. Vị ngon, ngọt, mùi thơm tự nhiên nức tiếng của chúng đã quyến rũ biết bao du khách nóng lòng tới đây để trải nghiệm một lần trong đời. Không những vậy, chúng còn là yếu tố thu hút, tạo nên giá trị văn hóa, du lịch tuyệt vời của đảo Jeju, đồng thời giúp người dân trên đảo nâng cao kinh tế, tạo việc làm, hỗ trợ đời sống đáng kể. Mùa quýt chín tới rồi, tại sao bạn chưa lên lịch đi hái quýt ngay ở đảo Jeju nhỉ!

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.