Phóng viên danh dự

12.05.2022

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Jeju – hòn đảo của đá, gió và những “hải nữ”. (Ảnh: Korea.net)

Jeju – hòn đảo của đá, gió và những “hải nữ”. (Ảnh: Korea.net)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Thị Ánh Nguyệt

Nếu Jeju-do trong bạn là một hòn đảo xinh đẹp với những cảnh sắc thiên nhiên phong phú thì với tôi ấn tượng về Jeju-do không chỉ là hình ảnh về tượng đá Hareubang mà còn là hình ảnh về những “hải nữ” với nghề lặn truyền thống.

Jeju-do còn có tên gọi khác là đảo Samda, tức là đảo gắn với ba thứ có nhiều nhất trên đảo: gió, đá và phụ nữ. Ở đảo Jeju, đá có ở khắp mọi nơi, dưới biển và trong cả lòng đất. Đá là một phần thiết yếu trong văn hóa trên đảo Jeju. Cũng giống như đá, gió có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống văn hóa bản địa của đảo Jeju. Không giống như những nơi khác, ở đảo Jeju người phụ nữ chính là trụ cột của gia đình. Họ phải tự mình gánh vác, lo toan mọi việc trong gia đình bằng việc đánh bắt, trồng trọt, chăn nuôi,... Đặc biệt những người phụ nữ nơi đây còn đảm nhiệm công việc lặn xuống biển tìm kiếm sản vật. Và họ được gọi là “Haenyeo” nghĩa là “hải nữ”.

“Hải nữ” khi ra khơi luôn mang theo những đồ vật thiết yếu. (Ảnh: Korea.net)

“Hải nữ” khi ra khơi luôn mang theo những đồ vật thiết yếu. (Ảnh: Korea.net)



“Hải nữ” là từ để chỉ những người phụ nữ làm nghề lặn biển truyền thống để thu hoạch hải sản. “Hải nữ” có thể lặn sâu xuống biển để tìm kiếm các loại hải sản mà không cần bình lặn oxy mà chỉ với một vài trang thiết bị đơn giản. Những “hải nữ” ở đảo Jeju đã thích nghi tốt với công việc nhờ cơ thể mềm dẻo trong nước. Không giống như những ngư dân sử dụng thuyền đánh bắt hay đi câu, “hải nữ” ở Jeju-do lặn ngụp trong nước tìm kiếm trai sò, rong biển, nhím biển hay bào ngư,... Họ có thể nhịn thở và lặn sâu đến 20m chỉ với một bộ đồ lặn màu đen, kính bơi, chân vịt, phao định hướng, lưới cá, cuốc đào,... Sau khi kết thúc chuyến lặn biển, họ đánh dấu sự trở lại của mình bằng tiếng huýt sáo đặc trưng (gọi là sumbisori), đây là âm thanh của sự sống mà bạn không thể nghe thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Họ lặn lâu hơn, sâu hơn nên những sinh vật thu hoạch được cũng trở nên phong phú hơn. Dần dần, lặn biển trở thành một nghề mưu sinh của nữ giới trên đảo Jeju.

“Hải nữ” là Di sản văn hóa thứ 19 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận. (Ảnh: Pixabay)

“Hải nữ” là Di sản văn hóa thứ 19 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận. (Ảnh: Pixabay)



Hiện nay, nghề lặn biển đang đứng trước nguy cơ tàn lụi, do theo được nghề này rất vất vả và cực nhọc. Ngay cả những gia đình Haenyeo truyền thống cũng gần như không có thế hệ người trẻ nào muốn kế tục. Do đó, các Hiệp hội nghề cá đã được thành lập và chính quyền đảo Jeju đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc y tế cho những người phụ nữ lặn biển. Do đặc thù công việc có nhiều rủi ro nên luật lệ ban hành chỉ cho phép họ làm việc trong 4 giờ mỗi ngày. Và một trong những nỗ lực nhằm giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa đặc biệt này, Chính phủ Hàn Quốc đã cho xây dựng bảo tàng Haenyeo ở Hado-ri nhằm tôn vinh những hải nữ ở Jeju-do.

Cùng với việc xây dựng bảo tàng về Haenyeo và mở trường dạy nghề, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 30/11/2016 đã chính thức công nhận “nghề lặn truyền thống của phụ nữ ở đảo Jeju” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trời ấm, các “hải nữ” ở đảo Jeju bắt đầu đi lặn biển. (Ảnh: Korea.net)

Trời ấm, các “hải nữ” ở đảo Jeju bắt đầu đi lặn biển. (Ảnh: Korea.net)



Thường từ mùa xuân cho đến mùa thu, ngư dân có thể ra biển và đương nhiên là “hải nữ” – những người được mệnh danh là “nàng tiên cá” của Hàn Quốc cũng sẽ ra khơi tìm kiếm các sinh vật biển trong thời gian này. Họ sử dụng những phương pháp khác với những ngư dân bình thường. Hải sản họ bắt được hoàn toàn là hải sản tự nhiên, khác với hải sản được nuôi trồng nên có giá trị rất đắt. Một con bào ngư có thể được bán với giá từ 50.000 - 70.000 won tùy theo kích thước.

Bào ngư – món ăn dinh dưỡng đến từ biển cả. (Ảnh: Pixabay)

Bào ngư – món ăn dinh dưỡng đến từ biển cả. (Ảnh: Pixabay)



Có bao giờ bạn thắc mắc là tại sao chỉ có “hải nữ” mà không có “hải nam”? Vì thời xưa, nam giới phải ra chiến trận, trên đảo chỉ còn các bà, các mẹ đóng vai trò là trụ cột gia đình, nuôi nấng các con trưởng thành. Và thêm một lý do mà có thể bạn chưa biết là do cấu trúc bẩm sinh của cơ thể, phụ nữ chịu được nước biển ở nhiệt độ thấp hơn so với đàn ông. Tuy nhiên, trong triều đại Joseon cũng có những người đàn ông đi lặn và thu thập hải sản, họ được gọi là “Pochakin”, “Pochakkan” hoặc “Pochakhan”.

Du khách khi đến đảo Jeju sẽ yêu nơi này từ cảnh quan đến hình ảnh tần tảo của những nữ thợ lặn nơi đây. Dù cho thời tiết có xấu đi nữa thì những du khách khi đến Jeju vẫn tập trung dưới chân đỉnh Seongsan IIchulbong để mong chờ được xem các Haenyeo “ra khơi”.

Với tôi, ước mơ nhỏ nhoi bây giờ là có riêng cho mình một bộ ảnh chân dung về các hải nữ ở Jeju. Khi có cơ hội tôi muốn đặt chân đến Jeju-do, ngắm nhìn những nữ thợ lặn đang hăng say làm công việc của mình. Và có cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của những “nàng tiên cá” ở nơi đây. Những bức ảnh ấy có lẽ sẽ phản chiếu rõ và hiệu quả nhất những vất vả của nghề lặn truyền thống, đặc tả chi tiết khuôn mặt hằn đầy vết nhăn và mái tóc bạc của những người phụ nữ lặn biển – những người được coi là chiến binh của biển cả, đánh cược cả mạng sống của mình để lục tìm thủy sản dưới đáy đại dương. Dù chưa có cơ hội được trải nghiệm chụp ảnh trực tiếp nhưng tôi tin rằng sẽ có một sự khác biệt rõ rệt về dáng vẻ của các hải nữ trước và sau khi lặn. Đó là khoảnh khắc của sự mạnh mẽ và quyền uy mà tôi muốn gặp họ và chụp lại. Suốt mỗi chuyến đi lặn những hải nữ lại đặt cả cược cả mạng sống của mình. Tôi mong muốn bắt được những khoảnh khắc nghị lực ấy và điều đặc biệt nhất là tôi muốn mang nét đẹp lao động ấy ra khỏi Hàn Quốc và giới thiệu với bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Ngày nay, những “hải nữ” tuyệt vời này còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái biển ở Jeju-do. (Ảnh: Korea.net)

Ngày nay, những “hải nữ” tuyệt vời này còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái biển ở Jeju-do. (Ảnh: Korea.net)



Có thể nói rằng, nghề lặn truyền thống của phụ nữ trên đảo Jeju mang đậm nét văn hóa độc đáo thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Hàn Quốc. Ngoài ra, các hải nữ ở Jeju-do cũng góp phần quan trọng trong việc nỗ lực duy trì môi trường tự nhiên một cách bền vững. Bạn thấy những “nàng tiên cá” của Hàn Quốc thế nào? Họ rất tuyệt vời và đáng khâm phục phải không?

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.