Phóng viên danh dự

28.07.2022

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của nữ nhà văn Shin Kyung Sook được xuất bản bởi NXB Hà Nội và phát hành bởi Nhã Nam là sách gối đầu giường của rất nhiều độc giả tại Việt Nam. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)

Tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của nữ nhà văn Shin Kyung Sook được xuất bản bởi NXB Hà Nội và phát hành bởi Nhã Nam là sách gối đầu giường của rất nhiều độc giả tại Việt Nam. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Phạm Thị Hà Phương

Nếu có thể dùng một câu văn để miêu tả cuốn sách mà tôi yêu thích nhất dạo gần đây thì đó sẽ là: “Một cuốn sách mà tôi không tài nào có thể đọc ở chốn đông người”. Bởi lẽ, sẽ thật xấu hổ khi cứ đọc mỗi hai trang sách tôi sẽ lại bật khóc thút thít một lần. Cuốn sách ấy có tựa đề “Hãy chăm sóc mẹ” – một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nữ nhà văn người Hàn Quốc Shin Kyung Sook. Cuốn sách tuy chỉ vỏn vẹn khoảng 300 trang nhưng vừa có thể khắc họa rõ nét câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, vừa miêu tả được hiện thực xã hội Hàn Quốc đương đại một cách sinh động và cũng không kém phần sâu cay.

Vốn là một người có một niềm say mê to lớn đối với đất nước Hàn Quốc, tôi luôn rất tò mò và ưa thích tìm hiểu mọi khía cạnh của xứ sở này. Ấy vậy mà khi nhắc đến văn học, thú thật, trong tủ sách của tôi lại chưa từng có bất kỳ tựa sách nào của một tác giả Hàn Quốc. Dẫu biết rằng cách tốt nhất để hiểu rõ về lịch sử, văn hóa truyền thống và con người của một đất nước, một xứ sở đó chính là thông qua kho tàng văn học của đất nước đó, nhưng không hiểu tại sao bản thân mãi chẳng tìm được một tác phẩm ưng ý.

Mãi cho đến khi một lần tình cờ đọc được dòng chữ “Mẹ bị lạc đã một tuần” trích từ tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung Sook - chỉ một câu văn ngắn ngủi vỏn vẹn 6 chữ như thế đã khiến tôi rơm rớm nước mắt còn lòng thì nặng trĩu. Và thế là, không một chút chần chừ, tôi đã quyết định tìm mua ngay cuốn sách ấy và nhận ra đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất của mình.

Shin Kyung Sook là tác giả đầu tiên sở hữu tác phẩm được dịch sang tiếng Anh. Cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của bà đã bán được hơn 2 triệu bản ở Hàn Quốc, và được xuất bản ở hơn 29 quốc gia trên toàn thế giới. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)

Shin Kyung Sook là tác giả đầu tiên sở hữu tác phẩm được dịch sang tiếng Anh. Cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của bà đã bán được hơn 2 triệu bản ở Hàn Quốc, và được xuất bản ở hơn 29 quốc gia trên toàn thế giới. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)



Trước khi bắt đầu đọc cuốn sách này, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần sẽ khóc rất nhiều vì tính vốn rất mau nước mắt, đặc biệt là khi nhắc đến chủ đề gia đình. Và rốt cuộc, tôi đã khóc rất nhiều thật. Ngay từ trang sách đầu tiên, cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ” đã mở đầu một cuộc hành trình gian nan và ám ảnh của bốn người con đi tìm bà mẹ bị lạc giữa biển người Seoul. Từ đây, quyển sách còn vén lên bức màn phủ kín những kí ức bên mẹ từ thuở xa xưa của bốn người con - thứ đã bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian và những bộn bề trong cuộc sống trưởng thành của họ. Những kí ức đan xen đồng loạt được tái hiện như một thước phim đen trắng cũ kĩ mà nhân vật chính không ai khác ngoài người mẹ đáng thương - bà Park So-nyo.

Câu chuyện được kể lại dưới bốn góc nhìn. Góc nhìn đầu tiên đến từ người con gái cả Chi-hon, người tưởng như mình hiểu mẹ nhất, gắn bó và gần gũi với mẹ nhất nhưng trái lại, cô lại chính là người thường xuyên làm mẹ buồn lòng. Cô thật ra chẳng hiểu mẹ như cô nghĩ và chẳng là một người con ngoan như cô đã từng.

Góc nhìn thứ hai đến từ người con trai cả Hyong-chol, người dường như là cả bầu trời, là cả nguồn sống và niềm hi vọng của người mẹ mãi mới hoài thai sau một năm về nhà chồng. Hình ảnh người mẹ trong anh luôn khắc khoải nhưng do quá mải mê với cuộc sống, với sự nghiệp và gia đình riêng mà để rồi khi lạc mất mẹ, anh ta mới thật sự ngỡ ngàng.

Góc nhìn thứ ba đến từ một nhân vật mà tôi không ngờ đến nhất - người chồng, người bạn đời của bà Park. Vốn là người chồng, người cha và là người trụ cột của gia đình, nhưng trớ trêu thay, tôi lại cảm thấy ông dường như lại chính là đứa con nghỗ nghịch và vô tâm nhất của bà. Người chồng ấy vô tâm đến mức khi vợ mình ốm đau bệnh tật đến độ ngất lịm đi còn ông ta vẫn dửng dưng nghĩ rằng hoặc vờ như bà chỉ đang “ngủ như chết”. Để rồi sau đó, khi vợ lạc mất thì ông mới bắt đầu tuyệt vọng nhận ra rằng mình yêu bà ấy đến nhường nào và đã từ rất lâu rồi.

Và những dòng tự sự cuối cùng chính là nỗi niềm da diết và suy nghĩ sâu kín nhất của bà Park So-nyo dành cho những người từng đi qua và xuất hiện trong cuộc đời bà, từ những đứa con yêu dấu, người chị dâu mà bà từng rất bất mãn, những người bạn cho đến tri kỷ của bà.

Những dòng tâm sự tha thiết và ám ảnh của các nhân vật trong “Hãy chăm sóc mẹ” luôn không ngừng khiến độc giả phải thổn thức. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)Những dòng tâm sự tha thiết và ám ảnh của các nhân vật trong “Hãy chăm sóc mẹ” luôn không ngừng khiến độc giả phải thổn thức. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)

Những dòng tâm sự tha thiết và ám ảnh của các nhân vật trong “Hãy chăm sóc mẹ” luôn không ngừng khiến độc giả phải thổn thức. (Ảnh: Phạm Thị Hà Phương)



Qua bốn góc nhìn trên, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng mường tượng ra được cuộc đời bà Park. Cuộc đời của người mẹ tần tảo ấy được tái hiện chân thực và tha thiết, bắt đầu từ khi còn là cô thiếu nữ 17 tuổi òa khóc nức nở khi biết mình sắp phải lấy người chồng chưa từng gặp mặt cho đến tận khi các con bà đã lớn còn bà thì ngày một ngẩn ngơ bởi chứng đãng trí. Cuộc đời của bà tưởng chừng như chỉ xoay vần quanh ba thứ: những đứa con, chồng và căn bếp của gia đình. Dù cho có chán nản, có mệt mỏi đến cùng cực hay thậm chí bị bệnh tật ốm đau dày vò, bà vẫn không ngơi nghỉ hy sinh bản thân để lo nghĩ và chăm nom cho những điều ấy. Bởi lẽ, như một sự thực trần trụi mà không ai có thể phủ nhận “Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?”. Ở bà Park, chúng ta dường như có thể dễ dàng nhìn thấy bóng hình của rất nhiều bà mẹ khác trong xã hội đương thời ở Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung.

Mạch truyện nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn và mê hoặc theo một cách rất riêng, mang đến cho tôi cái nhìn sâu sắc về những lát cắt “rất đời” trong cuộc sống. Giọng văn, cách dẫn dắt mượt mà, thắm thiết và chân thực đến đau lòng, khiến tôi vừa đọc vừa nghĩ đến mẹ mình mà cứ khóc mãi và chỉ muốn trở về nhà ngay để được sà vào lòng mẹ. Gấp lại cuốn sách, tôi đã nhấc ngay lấy điện thoại để gọi cho mẹ tôi, một việc rất khác mọi ngày bởi tôi thường chỉ chờ mẹ gọi đến. Cuốn sách đã giúp tôi nhận ra rằng hóa ra đôi khi tôi hẵng còn vô tâm với mẹ, luôn coi những điều mà mẹ trao cho mình là điều hiển nhiên mà chẳng mảy may biết ơn, hay cáu gắt với mẹ và chỉ làm cho mẹ buồn.

Cuối cùng, sau tất cả, dù cho đã đọc xong cuốn sách ấy đã lâu, mỗi khi nhớ lại, bên tai tôi hẵng còn văng vẳng câu nói cuối cùng của cô con gái thứ, cũng là tựa đề cuốn sách - “Hãy chăm sóc mẹ”. Thật vậy, hãy chăm sóc mẹ, nghĩ cho mẹ, kiên nhẫn với mẹ và đừng bao giờ bỏ rơi mẹ. Đừng để phải đến khi “lạc mất” mẹ rồi thì chúng ta mới nhận ra được sự tồn tại của mẹ quan trọng đến nhường nào.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.