Phóng viên danh dự

26.07.2023

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
“Hãy về với cha” (tên tiếng Hàn: 아버지에게 갔었어) là cuốn sách được chắp bút bởi nhà văn nổi tiếng Shin Kyung Sook và được xuất bản vào năm 2021. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)

“Hãy về với cha” (tên tiếng Hàn: 아버지에게 갔었어) là cuốn sách được chắp bút bởi nhà văn nổi tiếng Shin Kyung Sook và được xuất bản vào năm 2021. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Hà Linh

Ngoài K-pop, K-drama hay mỹ phẩm, thời trang, Hàn Quốc còn nổi tiếng với nền văn học đồ sộ. Nếu bạn là người yêu thích văn học, đặc biệt là văn học nước ngoài chắc chắn không nên bỏ qua những tác phẩm của Shin Kyung Sook – nhà văn đã đưa nền văn học Hàn Quốc vụt sáng trên trường quốc tế. Năm 2009, tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” đã đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của bà khi trở thành hiện tượng văn học châu Á.

Trước sự thành công của “Hãy chăm sóc mẹ”, nhiều độc giả đã tự đặt câu hỏi rằng liệu có thể mong đợi vào một tác phẩm viết về cha không? Đúng như mong đợi của người hâm mộ, sau hơn một thập kỷ, nhà văn Shin Kyung Sook đã trở lại văn đàn xứ Hàn với tác phẩm “Hãy về với cha”, với hy vọng độc giả sẽ để tâm tới hình tượng người cha hơn trong tác phẩm này. Nếu “Hãy chăm sóc mẹ” khiến chúng ta khóc thật to thì “Hãy về với cha” sẽ khiến chúng ta nghẹn ngào.


Về cuốn sách “Hãy về với cha”

“Hãy về với cha” (tên tiếng Hàn: 아버지에게 갔었어) là cuốn sách được chắp bút bởi nhà văn nổi tiếng Shin Kyung Sook và được xuất bản vào năm 2021. Cuốn sách đánh dấu sự trở lại của nhà văn Shin Kyung Sook sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn xứ Hàn. Và đặc biệt, sau sự thành công của hình tượng người mẹ trong “Hãy chăm sóc mẹ”, độc giả lại càng tò mò và hào hứng về hình tượng người cha được xây dựng như thế nào dưới ngòi bút của Shin Kyung Sook.

Vì vậy cuốn sách này được rất nhiều độc giả trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt. Sau khi ra mắt tại Hàn vào năm 2021, cuốn sách với tựa gốc “아버지에게 갔었어” đã lần lượt được dịch sang tiếng Anh “I went to see my father” và gần đây nhất lấy tựa đề tiếng Việt là “Hãy về với cha”, tác phẩm này được dịch bởi tác giả Vương Thúy Quỳnh Anh xuất bản tại Việt Nam vào đầu năm 2023.

Cuốn sách “Hãy về với cha” không chỉ là những trang sách dài kể về người cha mà ở đó còn là những ký ức tuổi thơ mang theo, những dòng hồi ức suy tư về người cha qua những lá thư giữa người anh cả và người cha, hay qua lời kể của người mẹ, người em hay người bạn trong thời chiến của cha,... xuyên suốt năm chương sách.


Những lý do bạn nên đọc “Hãy về với cha”

◌ Không chỉ đơn thuần là một tiểu thuyết tình cảm gia đình mà còn là một nỗ lực thấu hiểu những người thân, những người ta yêu thương.

“Hãy về với cha” là câu chuyện của nhân vật chính Heon – một nhà văn mất đi người con gái và rồi sau đó cô tự dựng nên một bức tường ngăn cách giữa cô cùng gia đình: bố mẹ, anh em, những người hàng xóm,... để trốn tránh sự thật đau thương, thu hẹp đời sống của mình trong sự cô đơn sau cái chết của con gái. Nhưng rồi một ngày, sau khi nghe tin mẹ được đưa đến bệnh viện, và người cha ở nhà một mình, cô đã quyết định quay trở về quê hương, trở về nhà để chăm sóc cha. Trở về nơi cô sinh ra và lớn lên, cô mới chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều điều trong cuộc sống, thấu hiểu hơn về người cha, cô bắt đầu sống lại những ký ức tuổi thơ, học cách yêu thương lại những người thân, đặc biệt là cha mình và dần dần tự chữa lành cho chính bản thân.

Tác phẩm “Hãy về với cha” đánh dấu sự trở lại của nhà văn Shin Kyung Sook sau thành công của “Hãy chăm sóc mẹ”. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)

Tác phẩm “Hãy về với cha” đánh dấu sự trở lại của nhà văn Shin Kyung Sook sau thành công của “Hãy chăm sóc mẹ”. (Ảnh: Nguyễn Hà Linh)



Cũng giống với “Hãy chăm sóc mẹ”, nhà văn Shin Kyung Sook đã rất thành công trong việc xây dựng bố cục câu chuyện. Nếu ở “Hãy chăm sóc mẹ” bức tranh chân thực về người mẹ hiện lên qua từng lời kể của 4 thành viên trong gia đình, thì đến với “Hãy về với cha” bà đã viết tác phẩm với mở đầu đứng trên góc nhìn của Heon, kể lại những giây phút ở cùng cha và khám phá những góc cạnh của cha mà cô không hề biết, sau gần nửa truyện, nhà văn Shin chuyển ngôi kể chuyện sang những nhân vật khác: người mẹ, người anh, người em, người bác trong thời chiến của cha,... Đó là hình ảnh người cha giản dị, mộc mạc, cả đời ông lúc nào cũng chỉ nghĩ đến gia đình và con cái.

Người cha ấy luôn lo sợ rằng ông không thể đảm bảo cho con cái được cuộc sống trọng vẹn, lo sợ rằng con cái sẽ phải chịu đói rét, thua thiệt so với bạn bè. Thậm chí sau khi đã trải qua quãng thời gian khó khăn trong chiến tranh, thời kỳ bom đạn cũng qua đi, người cha vẫn luôn vất vả chăm sóc và nuôi các con nên người. Có lẽ chính cách viết và xây dựng nhân vật của nhà văn Shin luôn thu hút mình mỗi khi đọc các tác phẩm của bà.

Người cha trong câu chuyện của nhà văn Shin Kyung Sook là một người cha luôn hy sinh vì gia đình, con cái. (Ảnh: Canva)

Người cha trong câu chuyện của nhà văn Shin Kyung Sook là một người cha luôn hy sinh vì gia đình, con cái. (Ảnh: Canva)



◌ Những phân đoạn khiến ta phải suy nghĩ...

“Hãy về với cha” với gần 500 trang nhưng khi đọc, bạn sẽ thấy chưa tới 50 trang, hình ảnh người cha khóc đã xuất hiện 5 lần và thậm chí các trang tiếp sau hình ảnh ấy vẫn xuất hiện. Đây có lẽ là hình ảnh chắc chắn tất cả chúng ta đều rất ít thấy trong cuộc sống, hình ảnh một người cha, một người đàn ông khóc, nhưng hình ảnh ấy lại xuất hiện nhiều lần trong câu chuyện của nhà văn Shin Kyung Sook.

Chúng ta cứ mặc định rằng nước mắt là đặc quyền của phụ nữ, đàn ông không được khóc, đàn ông là phải mạnh mẽ. Nhưng với nhà văn Shin Kyung Sook hình ảnh người cha khóc quá đỗi bình thường rằng họ cũng cần được khóc để giải tỏa cảm xúc, khóc vì những nỗi lo sợ của ông thành sự thật rằng ông không đủ tốt để chăm lo cho gia đình, để các con sẽ phải chịu khổ, thiệt thòi.

Người cha trong tác phẩm của nhà văn Shin đã bật khóc trước mặt người con khi nghe tin người vợ phải đi chữa bệnh. Có lẽ, với mỗi người con, hình ảnh người cha luôn mạnh mẽ, hiếm khi để những giọt nước mắt rơi trước mặt con cái, vậy nên đó là lý do khi nghe tin cha khóc, nhân vật chính Heon trong truyện lại bàng hoàng và quyết định quay trở về ở với cha. Đây có lẽ chính là nút thắt giúp Heon mở lòng mình sau một thời gian dài tự chôn mình trong cô đơn.

Phân đoạn thứ hai mà mình cảm thấy xúc động đó chính là khi nhân vật Heon trở về nhà, khi cô mở chiếc rương cũ bên trong là những lá thư giữa cha và anh cả. Là một người nhà nông, cuộc đời người cha luôn gắn liền với công việc, ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng để được tâm sự với người con ông đã cố gắng học viết chữ, gửi những câu chuyện qua những lá thư cho người con trai cả. Những lá thư ấy dù sai chính tả nhưng nó lại khiến chúng ta cảm động, cảm động về tình cha con, cảm động về những điều mà người cha đã trải qua. Đó cũng là lúc nhân vật Heon cảm nhận được sự vất vả và những hi sinh vì gia đình vì con cái của người cha già. Từng lá thư là những mảnh ghép giúp cô hiểu hơn về cha mình, và hình thành một bức tranh đầy đủ hơn về người đàn ông ấy, thậm chí cả con người hiện tại.

◌ “Ngoại lệ” của nhà văn Shin Kyung Sook

“Hãy về với cha” là cuốn sách đánh dấu sự trở lại của nhà văn Shin Kyung Sook sau nhiều năm vắng bóng trên diễn đàn văn học xứ sở Kimchi. Nếu như trước đây, hình ảnh người mẹ hay những câu chuyện về mẹ được bà ưu ái khai thác nhiều trong các tác phẩm của mình, thì đến “Hãy về với cha” – một cột mốc mới trong sự nghiệp của bà, thay vì tiếp tục khai thác hình ảnh người mẹ thân thuộc, nhà văn Shin Kyung Sook đã đưa người cha vào vị trí trung tâm.

Gia đình, ngoài người mẹ thì người cha cũng là một phần quan trọng không thể thiếu, là trụ cột, nơi nương tựa của các thành viên trong gia đình và cha mẹ chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của cuộc đời mỗi người con. Vì vậy khi nhà văn Shin Kyung Sook quyết định xuất bản “Hãy về với cha” có lẽ đâu đó bà cũng muốn gửi gắm tình cảm của mình đối với người cha.

Người cha cũng là một hình bóng quan trọng trong cuộc đời mỗi người. (Ảnh: Canva)

Người cha cũng là một hình bóng quan trọng trong cuộc đời mỗi người. (Ảnh: Canva)



◌ Tác phẩm chứa đựng thông điệp sâu sắc

Người ta nói “Chẳng bao giờ là quá muộn”. Đó dường như cũng là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm rằng hãy trân trọng những thứ còn hiện hữu, dù trước đó bạn đã từng bỏ lỡ, từng lãng quên và đôi khi không trân trọng những thứ thân thuộc thường ngày mà chỉ mải chạy theo những điều xa vời. Cũng giống như câu chuyện mà nhà văn Shin Khyung Sook muốn truyền tải đến chúng ta: Cha mẹ, những người vì chúng ta mà vất vả, mà hi sinh cuộc đời họ, đừng cứ mặc định đó là lẽ thường tình mà hãy biết trân trọng những gì cha mẹ đã dành cho chúng ta. “Có những khoảnh khắc người ta thường suy ngẫm lại sau khi có việc gì xảy ra, nhất là sau khi có chuyện không may xảy ra . Khoảnh khắc mà người ta nghĩ: Lẽ ra mình không nên làm vậy” – Trích “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung Sook.


Lời kết

Có 2 điểm mình rất thích sau khi đọc xong tác phẩm “Hãy về với cha”. Thứ nhất, xuyên suốt tác phẩm không chỉ đơn thuần là lời kể, tự sự mà trong câu chuyện đó có sự xuất hiện của những lá thư viết sai chính tả giữa người cha và người anh cả được nhân vật chính Heon tìm thấy trong chiếc rương cũ ở nhà. Từng lá thư là từng mảnh ghép về người cha, là từng dòng tâm sự của người anh cả về cuộc đời người cha, về những điều cha đã làm, đã hi sinh. Những lá thư đó đọc rất cảm động mà chân thực.

Một điểm mình thích nữa ở tác phẩm này chính là việc nhà văn Shin Kyung Sook đã lồng ghép một cách khéo léo những năm tháng của lịch sử Hàn Quốc vào trong câu chuyện. Đó là hình ảnh người cha trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên và cuộc cách mạng ngày 19 tháng 4 năm 1960. Thông qua những dòng ký ức về cuộc đời của một người cha, nhà văn Shin Kyung Sook đã tiết lộ vài thập kỷ lịch sử Hàn Quốc đó là những hậu quả tàn khốc (nạn đói, dịch bệnh, bạo lực, tra tấn,...) đối với người nghèo ở nông thôn trong Chiến tranh Triều Tiên, sự chiếm đóng của Nhật Bản và hậu quả của các chính sách xã hội thất bại của chính phủ đối với những công dân ít học, ở đó họ bị tước quyền công dân.

Có lẽ chính nhà văn Shin Kyung Sook muốn mượn cuộc đời của người cha để đại diện cho những thử thách, khó khăn và đau khổ của người dân Hàn Quốc thời kì lúc bấy giờ.

Cùng tác giả với “Hãy chăm sóc mẹ”, tác phẩm “Hãy về với cha” một lần nữa đã chứng minh ngòi bút của nhà văn Shin Kyung Sook. Có thể nói, giống với “Hãy chăm sóc mẹ”, “Hãy về với cha” là tiếng nói thức tỉnh, là một bài học thấm thía cho tất cả chúng ta, về cách chúng ta quan tâm và dành thời gian cho những người mình thương yêu. Với diễn biến câu chuyện chậm cùng giọng văn đượm buồn, nếu “Hãy chăm sóc mẹ” làm ta bật khóc thì “Hãy về với cha” lại khiến ta nghẹn ngào, nghẹn ngào vì cuối cùng dù muộn màng nhưng người con đã hiểu được những yêu thương, quan tâm và cả sự hi sinh của người cha trong suốt những năm qua. Khi đọc chắc chắn bạn sẽ cảm thấy dường như ở trong câu chuyện đó cũng có câu chuyện của mình, rằng tất cả chúng ta có lẽ đã có lúc từng không quan tâm đến nỗi vất vả và những hy sinh thầm lặng của cha mẹ.

Nếu bạn đã đọc “Hãy chăm sóc mẹ” thì đừng bỏ qua “Hãy về với cha” của nhà văn Shin Kyung Sook, còn nếu bạn chưa đọc một trong hai tác phẩm này thì mình rất khuyến khích các bạn tìm đọc cả hai. Tuy mỗi tác phẩm là những câu chuyện khác nhau nhưng trong những câu chuyện đó ta vẫn bắt gặp những câu chuyện về tình cảm gia đình, những dòng suy tư của những người con, người mẹ, người cha và trên hết sẽ là những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua các câu chuyện đó. Đó là những cảm nhận của mình khi đọc tác phẩm “Hãy về với cha” của nhà văn Shin Kyung Sook. Hy vọng các bạn sẽ dành thời gian “Đọc cùng mình” nhé!

shinn11@korea.net

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.