
22 người tị nạn Myanmar đã nhập cảnh Hàn Quốc qua cửa khẩu sân bay Incheon vào ngày 23/12.
Ku Htoo (người Myanmar) đã rời xa quê hương cùng vợ mình từ hơn 20 năm trước bởi xung đột vũ lực liên tiếp giữa chính phủ Myanmar và phiến quân. Hai vợ chồng Ku Htoo vượt biên và sống trong trại tị nạn Mae La ở tỉnh Tak, Thái Lan. Họ sống ở đó suốt 20 năm và nuôi lớn 5 đứa con.
Tháng 5/2015, Ku Htoo nghe được tin chính phủ Hàn Quốc tiếp nhận xin tị nạn. Gia đình Ku Htoo vốn thường hay xem phim truyền hình Hàn Quốc đã xin tị nạn tại Hàn Quốc thông qua Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR). Tháng 10/2015, họ đã trải qua cuộc phỏng vấn để được định cư tại Hàn Quốc và được chọn vào tháng 11/2015. Sau khi thực hiện khám sức khoẻ tại Văn phòng của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) ở Thái Lan và được đào tạo ngắn cho cuộc sống định cư vào tháng 12/2015, gia đình Ku Htoo cùng ba gia đình khác cũng trải qua trình tự tương tự đã đến Hàn Quốc vào ngày 23/12/2015.

Gia đình Ku Htoo (ngoài cùng bên trái) và các nhân viên của Bộ Tư pháp Hàn Quốc tại Trại tị nạn Mae La, Thái Lan.
Bốn gia đình tị nạn từ Myanmar, tổng số là 22 người, trong đó có 11 trẻ vị thành niên đã đến Hàn Quốc. Hàn Quốc đã liên tục đón nhận người tị nạn trong mấy năm trở lại đây (60 người năm 2012, 57 người năm 2013, 94 người năm 2014) và đây là lần đầu tiên chấp nhận người tị nạn tái định cư theo Chính sách nguyện vọng tái định cư trong Điều luật về người tị nạn của Hàn Quốc.
Chính sách hỗ trợ người tị nạn tái định cư là chế độ đón nhận người tị nạn đang ở một trại tập trung ở nước ngoài nếu có nguyện vọng tái định cư ở quốc gia khác thì sẽ được Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ở nước đang định cư giới thiệu, sau đó người tị nạn sẽ trải qua các trình tự phỏng vấn, kiểm tra sức khoẻ. Chính sách tái định cư được bắt đầu từ thập niên 1950 hiện đang được thực hiện tại 28 quốc gia như Mỹ, Canada và tại khu vực châu Á thì Hàn Quốc là nước thứ hai sau Nhật Bản thực hiện chính sách này.
Các gia đình tị nạn này sẽ sinh hoạt ở Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài xuất nhập cảnh Incheon trong 6-12 tháng và được đào tạo để thích ứng với xã hội Hàn Quốc như học ngôn ngữ và các điều luật căn bản. Những đứa trẻ sẽ nhập học tại các trường học thay thế từ tháng 3/2016 và được dạy tiếng Hàn Quốc. Những bé nhỏ tuổi hơn thì được đi học ở nhà trẻ hay trường mầm non trong Trung tâm.

Uỷ viên chính sách của Tổ chức Di dân Hàn Quốc Kim Young-june chào đón những người tị nạn đến sân bay Incheon, Hàn Quốc vào ngày 23/12.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc dự kiến kể từ năm 2016 sẽ cấp chi phí sinh hoạt cho 200 người tị nạn theo tiêu chuẩn 418.000 won mỗi tháng cho một hộ gia đình một người. Số người thụ hưởng sẽ tăng lên 53% (từ 130 người của năm trước) và số tiền hỗ trợ cũng tăng 2,3%.
Kể từ sau khi tham gia Công ước Người tị nạn của Liên hợp quốc vào năm 1992, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên tại châu Á thực hiện Luật về Người tị nạn vào năm 2013. Hàn Quốc cho phép người tị nạn nộp đơn đăng ký tại các cửa khẩu xuất nhập cảnh và cung cấp dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp gồm 82 người cho 20 ngôn ngữ của người tị nạn.
Bài: Chang Iou-chung, phóng viên Korea.net
Ảnh: Bộ Tư pháp Hàn Quốc
icchang@korea.kr