Ý chính / Bối cảnh



Bán đảo Hàn Quốc từng đối mặt với nguy cơ trầm trọng nhưng bây giờ đã mở ra cơ hội đối thoại và thảo luận cụ thể
Sau chuyến thăm tới Bắc Triều Tiên của trưởng đoàn đặc sứ Hàn Quốc Chung Eui-yong kết thúc trong hai ngày một đêm, ông phát biểu các nội dung vượt qua sự mong mỏi của chúng tôi

Kết quả
Chuyến thăm Bắc
Triều Tiên của đặc
phái viên cấp cao 
Chung Eui-yong
(Ngày 6/3/2018)

  • 1

    Hai miền Nam Bắc đã quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 tại Ngôi nhà hòa bình Bàn Môn Điếm vào cuối tháng 4, và nhất trí sẽ tiến hành thỏa thuận các công việc cụ thể nhằm đạt được điều này.

  • 2

    Hai miền Nam Bắc sẽ thiết lập Đường dây nóng giữa hai nhà lãnh đạo nhằm thỏa thuận chặt chẽ và giảm căng thẳng quân sự, thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3.

  • 3

    Bắc Triều Tiên đã bày tỏ quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và khẳng định rõ rằng nếu các uy hiếp về mặt quân sự đối với Bắc Triều Tiên được giải tỏa và vấn đề an toàn được đảm bảo thì miền Bắc không có lý do nào để sở hữu vũ khí hạt nhân.

  • 4

    Miền Bắc bày tỏ ý định sẽ tham dự cuộc đối thoại thẳng thắn với phía Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ Triều – Mỹ và thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa.

  • 5

    Trong thời gian tiến hành cuộc đối thoại, Bắc Triều Tiên cam kết chắc chắn sẽ không tái triển khai các động thái khiêu khích chiến lược như thử nghiệm hạt nhân bổ sung hoặc thử phóng tên lửa đạn đạo cũng như sẽ không sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân hay vũ khí theo kiểu truyền thống nào nhắm tới miền Nam.

  • 6

    Bắc Triều Tiên đã mời đoàn nghệ thuật và đoàn biểu diễn Taekwondo của Hàn Quốc sang thăm để nối tiếp bầu không khí vui vẻ của sự hợp tác và hòa giải giữa hai miền Nam-Bắc nhân dịp Olympic PyeongChang.

Ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018
Buổi gặp mặt sau 11 năm, sự khổi đầu mới

Hội nghị lần này là cơ hội quý báu được tạo ra từ những nỗ lực thuyết phục miền Bắc bước ra bàn đối thoại của Tổng thống Moon Jae-in trong tình hình khủng hoảng an ninh nghiêm trọng trên bán đảo Hàn Quốc cũng như nỗ lực nhất quán của chính phủ Hàn Quốc và sự ủng hộ toàn diện của cộng đồng quốc tế trong đó có Mỹ và các nước láng giềng. Đặc biệt, lần đầu tiên lãnh đạo Bắc Triều Tiên sang thăm Hàn Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này được tổ chức tại Ngôi nhà hòa bình, Bàn Môn Điếm tiếp sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000, 2007. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này để hai lãnh đạo có thể thảo luận tập trung.

Bàn Môn Điếm
từ biểu tượng của sự chia cắt
đến biểu tượng của hòa bình
Bàn Môn Điếm nằm ở vị trí cách Seoul 52km, cách Bình Nhưỡng 147km và cách khu công nghiệp Gaeseong 8km. Ngôi làng này được biết đến như là một địa điểm mang tính đối ngoại vì là nơi đã tổ chức cuộc hội đàm đình chiến giữa quân đội Bắc Triều Tiên và liên quân quốc tế năm 1951. Năm 1953, hiệp định đình chiến đã được ký kết tại đây, và sau đó các cuộc hội đàm của Ủy ban đình chiến quân sự cũng đã được tiến hành ở Bàn Môn Điếm. Kể từ năm 1971, bắt đầu từ cuộc họp trù bị cho Hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều, ngôi làng này đã tổ chức hơn 360 cuộc hội đàm liên Triều.

Khu vực Bàn Môn Điếm đã từng là Khu vực An ninh chung (JSA) nơi quân đội của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Liên Hiệp Quốc cùng phối hợp làm việc, nhưng từ sau ‘vụ sát hại bằng rìu’ năm 1976, khu vực này đã được canh gác riêng. Đường phân chia ranh giới quân sự được biểu thị bằng gờ bê tông rộng 50cm, cao 5cm nằm giữa Ngôi nhà tự do và Bàn Môn Gác, trở thành biểu tượng thể hiện bi kịch của sự chia cắt.

Theo sự thỏa thuận của hai miền Nam Bắc Triều Tiên, Bàn Môn Điếm đã được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018. Do vậy mà cả thế giới đang tập trung chú ý xem liệu có thể làm nảy mầm hòa bình ở nơi khởi nguồn của nỗi đau chia cắt hay không.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 sẽ là dịp để xây dựng những nấc thang đầu tiên cho việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc cũng như phát triển quan hệ liên Triều. Việc hình thành niềm tin giữa hai bên thông qua các cuộc đối thoại thẳng thắn của lãnh đạo hai phía trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều đã bị gián đoạn và xấu đi trong thời gian dài vừa qua là mục tiêu quan trọng của hội nghị này.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 dự kiến sẽ được tiếp nối bởi Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ. Nếu có thể tổ chức thành công liên tiếp cả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Triều-Mỹ thì có thể tạo ra dấu mốc lịch sử ghi lại thành quả giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân miền Bắc và thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, điều mà cộng đồng quốc tế đang mong đợi và ủng hộ.

Với ý định này, chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 vào ngày 27 tháng 4 để đảm bảo một bước đi cẩn thận hướng tới hòa bình trên báo đảo Hàn Quốc và chúng tôi sẽ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.

 

Chánh văn phòng an ninh quốc gia Chúng Eui-yong đang báo cáo kết quả của chuyến thăm tới Bắc Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 6/3

Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018
Phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, phát triển quan hệ liên Triều

  • Trong hội nghị thượng đỉnh lần này, các vấn đề như △phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc, △thiết lập hòa bình và △phát triển quan hệ liên Triều sẽ được đưa ra thảo luận một cách toàn diện. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ cân bằng cả ba vấn đề của chương trình nghị sự này, đồng thời xem xét cả các phương án để có thể thi hành thỏa thuận liên Triều một cách nhất quán.

    Trước tiên, về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc mong rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này sẽ có thể tái khẳng định ý chí phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên, qua đó chuẩn bị nền tảng để đạt được những bước tiến mang tính thực chất nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân miền Bắc về sau. Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết mình để Bắc Triều Tiên hạ quyết tâm phi hạt nhân hóa và tiến hành các biện pháp xử lý phi hạt nhân hóa chính thức qua thành công của hai hội nghị được tổ chức liền nhau là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Triều-Mỹ.

  • Về vấn đề thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, dự kiến các vấn đề liên quan đến thiết lập nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Hàn Quốc trong đó bao gồm cả các biện pháp xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và làm dịu bớt căng thẳng quân sự giữa hai miền sẽ được đưa ra thảo luận.

    Về vấn đề phát triển quan hệ liên Triều một cách bền vững, mọi mặt trong mối quan hệ liên Triều như đối thoại và giao lưu hợp tác hay vấn đề nhân đạo đều sẽ được thảo luận dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển các thỏa thuận hiện có giữa hai miền như Tuyên bố chung liên Triều ngày 4 tháng 7, Hiệp định cơ bản liên Triều, Tuyên bố chung ngày 15 tháng 6, Tuyên bố thượng đỉnh ngày 4 tháng 10.

    Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết mình để biến Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này thành bước đi đầu tiên trong tiến trình khôi phục lại sự tin cậy lẫn nhau trong quan hệ liên Triều và Triều-Mỹ