Xã hội

Hàn Quốc vốn là một dân tộc đơn sắc tộc, nhưng từ cuối thế kỷ 20, số người lao động và học sinh nước ngoài đã tăng lên nhanh chóng. Theo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 11 năm 2018, có 1,65 triệu cư dân nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc chiếm 3,2% tổng dân số, trong đó có 46,0% người nước ngoài có quốc tịch Trung Quốc.


Foreign Nationals Residing in South Korea (Statistics Korea, 2017)



Gần đây, số hộ “gia đình đa văn hóa” đã tăng lên 330.000 hộ, phần lớn là kết quả của số lượng lớn hôn nhân giữa người Hàn và người nước ngoài. Chính phủ đã thành lập một bộ phận chuyên trách để giúp người nước ngoài tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và đặc biệt đã ban hành Đạo luật hỗ trợ gia đình đa văn hóa cho người nhập cư kết hôn. Theo đạo luật này, tính đến năm 2020, đã có 228 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa trên toàn quốc. Các trung tâm này cung cấp các dịch vụ sau: giáo dục tiếng Hàn để giúp người nước ngoài thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc; tư vấn tâm lý; trải nghiệm văn hóa truyền thống cho người nhập cư kết hôn; và các chương trình giới thiệu việc làm liên kết với các trung tâm Saeil.

Cùng với việc du nhập của đa dạng các nền văn hóa nước ngoài là các vấn đề xã hội nảy sinh do những khác biệt về lối sống, cách nghĩ. Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rõ về tầm quan trọng của những khác biệt văn hóa này và đang đề ra các biện pháp để khắc phục. Một trong các dự án này là hỗ trợ phát triển các làng đa văn hóa trở thành địa điểm du lịch.

Một trong những địa điểm du lịch đa văn hóa tiêu biểu là khu China town tại phường Seollin-dong, quận Jung-gu, thành phố Incheon. Lịch sử của khu này bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, khi những người gốc Hoa đến đây định cư, tận dụng khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc để kinh doanh. Gần đây khu vực này trở thành trung tâm trao đổi chính với Trung Quốc, khiến cho lịch sử và văn hóa của khu vực được đánh giá lại, đồng thời trở thành địa điểm du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.

Tại phường Wongok-dong, quận Danwon-gu, thành phố Ansan-si, tỉnh Gyeonggi-do cũng có “đặc khu làng đa văn hóa”. Những người nước ngoài sống ở đây như người Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan có thể mua các sản phẩm đặc biệt của mỗi quốc gia tại đây.

Ở phường Ichon-dong, quận Yongsan-gu, Seoul có làng người Nhật, ở phường Itaewon-dong, quận Yongsan-gu có làng Hồi giáo ở gần Thánh đường Hồi giáo. Ngoài ra còn có khu phố người Pháp làng Seoraemaeul ở phường Banpo-dong, quận Seocho-gu, Seoul; khu người Việt Nam ở phường Wangsim-ri, quận Dongdaemun-gu; hay Nepal town ở phường Changsindong, quận Jongno-gu.

Vào năm 2013, chính quyền thành phố Seoul đã chọn phường Daerim 2-dong ở quận Yeongdeungpo-gu, khu vực tập trung người nước ngoài, làm khu vực thử nghiệm cho một dự án nhằm thúc đẩy cộng đồng làng đa văn hóa. Sau đó, “Trung tâm phức hợp văn hóa DaDream” đã được khai trương tại khu vực này vào tháng 3 năm 2018.

Hiện nay, nhiều công chức xuất thân từ gia đình đa văn hóa đang làm việc trong các cơ quan công cộng thuộc chính quyền trung ương hoặc địa phương. Những người Hàn Quốc có xuất thân từ nhiều nước khác nhau cũng tích cực tham gia các chương trình phát sóng trên truyền hình. Hoạt động của họ đã đóng góp vai trò lớn trong việc hình thành nên xã hội đa văn hóa và góp phần xây dựng một xã hội hòa hợp, thống nhất trong tương lai.