Phóng viên danh dự

11.10.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ngày 6/10 vừa qua, lớp học làm con dấu truyền thống Hàn Quốc đã diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)

Ngày 6/10 vừa qua, lớp học làm con dấu truyền thống Hàn Quốc đã diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Thị Phương Thảo

Ở Hàn Quốc, Dojang (con dấu) không chỉ đơn thuần là một vật dụng, mà còn là biểu tượng đậm chất văn hóa truyền thống. Đây là con dấu được khắc tên cá nhân hoặc tổ chức lên các chất liệu như đá, gỗ hay ngà voi, và được sử dụng để đóng dấu lên các tài liệu quan trọng.

Trong lịch sử, con dấu đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người Hàn. Nó không chỉ thể hiện danh dự và tín nhiệm, mà còn thay thế cho chữ ký trong các giao dịch lớn. Ngày nay, người Hàn Quốc vẫn dùng con dấu khi mua nhà, xe hoặc công chứng giấy tờ. Hầu như ai cũng sở hữu một con dấu cá nhân, vừa mang ý nghĩa pháp lý, vừa là vật phẩm có giá trị nghệ thuật.

Với vai trò là một công cụ pháp lý, Dojang còn thể hiện nghệ thuật khắc dấu tinh tế. Những nghệ nhân khắc dấu thường tỉ mỉ trong từng chi tiết, từ việc chọn chất liệu cho đến cách thể hiện tên hoặc biểu tượng của người sở hữu.

Bộ kit trải nghiệm được cô giáo chuẩn bị trong lớp học làm con dấu truyền thống Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)

Bộ kit trải nghiệm được cô giáo chuẩn bị trong lớp học làm con dấu truyền thống Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)



Vào ngày 6/10 vừa qua, với tiết trời thu trong xanh và dịu nhẹ, mình đã vinh dự là một trong số những học viên được chọn tham gia trải nghiệm lớp học làm con dấu truyền thống Hàn Quốc diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam. Trước khi tham gia, mình luôn tò mò tại sao người Hàn lại sở hữu con dấu cá nhân và vì sao nó lại quan trọng đến mức thường được cất giữ cẩn thận như trong các bộ phim Hàn Quốc. Sự hiếu kỳ ấy đã thúc đẩy mình đăng ký ngay khi biết có lớp trải nghiệm này.

Khi lớp học bắt đầu, chúng mình được giới thiệu về các dụng cụ cần thiết để làm con dấu, bao gồm: dụng cụ giữ con dấu khi khắc (인상 - Insang), mực dấu (인주 - Inju), dao gọt, bút chì và găng tay. Cô giáo hướng dẫn chúng mình viết tên vào một ô vuông - đây là khuôn mẫu để khắc con dấu hình vuông. Ở Hàn Quốc, con dấu thường khắc họ và tên, và thường có ba chữ. Tuy nhiên, tên Việt Nam của chúng mình thường dài hơn, nên cô giáo đã rất tận tình hỗ trợ sắp xếp sao cho tên vừa vặn trong khuôn vuông.

Các dụng cụ để thực hiện làm Dojang. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)

Các dụng cụ để thực hiện làm Dojang. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)



Phần khắc tên lên bề mặt con dấu được gọi là “Inmyeon” (인면). Để tránh nhầm lẫn khi đóng dấu, phía trên con dấu sẽ được khắc hoặc đánh dấu một kí hiệu riêng, được gọi là Cheukkwan (측관), và dễ dàng phân biệt mặt phải khi sử dụng. Có hai kiểu khắc tên phổ biến: Khắc âm (음각 - Eumgak, còn gọi là 백문 - Baekmun) nghĩa là phần tên sẽ chìm xuống và nền sẽ nổi lên; và khắc dương (양각 - Yanggak, hay 주문 - Jumun), tức phần tên sẽ nổi lên trong khi nền xung quanh chìm xuống.

Các loại khắc Dojang. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)

Các loại khắc Dojang. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)



Ngoài việc khắc tên, chúng mình cũng có thể trang trí thêm các ký hiệu đặc biệt như trái tim, ngôi sao,... để tạo dấu ấn riêng. Sau khi hoàn thành việc viết tên và sắp xếp bố cục, chúng mình in ngược mẫu tên lên con dấu để khắc. Điều quan trọng là tên phải được khắc ngược để khi đóng dấu, tên sẽ hiện lên đúng chiều.

Chúng mình đã cùng nhau học cách khắc âm vì cách này dễ thực hiện hơn và tiết kiệm thời gian. Điều quan trọng nữa là phải sử dụng chiếc dao thật đúng và cẩn thận để tạo rõ nét tên trên con dấu. Sau hai giờ chăm chỉ, dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo, chúng mình đã hoàn thành những con dấu đầu tiên của mình. Cuối cùng thì chúng mình sẽ khắc đơn giản tên lên mặt Cheukkwan để đánh dấu hướng, kết hợp với màu sắc nữa để con dấu trở nên thật đặc biệt.

Ghi lại dấu ấn cá nhân lên mặt Cheukkwan. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)

Ghi lại dấu ấn cá nhân lên mặt Cheukkwan. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)



Sau đây, cùng xem thành quả của mình nhé ! Dù chỉ là một con dấu nhỏ gọn, đơn giản nhưng chứa đựng cả tinh thần và tâm huyết trong từng nét khắc. Không chỉ là một vật dụng cá nhân, con dấu này đã trở thành một kỷ vật quý giá, đánh dấu trải nghiệm đầy thú vị về văn hóa Hàn Quốc mà mình đã may mắn được tham gia. Đây chắc chắn là một trong những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa nhất của mình !

Thành phẩm cuối cùng. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)

Thành phẩm cuối cùng. (Ảnh: Hoàng Thị Phương Thảo)



Tham gia buổi học này thực sự là một trải nghiệm thú vị và đầy ý nghĩa. Mình không chỉ học được cách tạo ra một con dấu truyền thống Hàn Quốc mà còn cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị văn hóa của đất nước này. Quá trình tỉ mỉ từ việc chọn chất liệu, khắc tên cho đến trang trí con dấu giúp mình hiểu thêm về tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng các giá trị truyền thống trong đời sống người Hàn.

Điều mình ấn tượng nhất là sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của mỗi người tham gia. Việc khắc một con dấu tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tập trung cao độ, từng nhát dao đều phải chính xác và cẩn thận. Khi cầm con dấu của chính mình trên tay, mình cảm thấy rất tự hào và hài lòng về thành quả đó. Con dấu không chỉ là một kỷ vật đẹp đẽ mà còn là minh chứng cho quá trình trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc đầy ý nghĩa mà mình có cơ hội tham gia.

Buổi học là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ, giúp mình hiểu thêm về văn hóa và tinh thần của người Hàn Quốc thông qua việc tạo ra một con dấu truyền thống đầy ý nghĩa.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.