Phóng viên danh dự

17.06.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ảnh chụp tập thể nhà thơ Choi Ji In cùng giáo viên và học viên của khóa học “Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2024” trong buổi giao lưu gặp gỡ diễn ra ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ảnh chụp tập thể nhà thơ Choi Ji In cùng giáo viên và học viên của khóa học “Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2024” trong buổi giao lưu gặp gỡ diễn ra ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Phan Thị Thu Đào

Vào chiều ngày 8 tháng 6 năm 2024, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã diễn ra buổi giao lưu gặp gỡ với nhà thơ Choi Ji In, hoạt động thuộc khuôn khổ “Khóa học Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2024” (khóa học do trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM kết hợp với Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc tổ chức). Phóng viên danh dự Phan Thị Thu Đào đã tham gia và được lắng nghe những chia sẻ của nhà thơ về tác phẩm “Tôi ngủ dựa tường” (나는 벽에 붙어 잤다) - được sử dụng làm giáo trình trong khóa học, cũng như có được cái nhìn sâu sắc hơn về văn học Hàn Quốc và văn hóa Hàn Quốc.

Nhà thơ Choi Ji In là một nhà thơ nổi tiếng của Hàn Quốc, được biết đến với những tác phẩm thơ sâu lắng, thu hút thế hệ trẻ bằng sự chân thành từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình sau khi nhận được giải thưởng nhà thơ mới của “Văn học thế giới” năm 2013. Nhà thơ đã nhận được giải sáng tác văn học Jo Young-kwan lần thứ 10, giải thưởng văn học Shin Dong-yup lần thứ 40. Nhà thơ đã cho xuất bản các tập thơ “Tôi ngủ dựa tường”, “Làm việc, làm việc và yêu thương”, “Anh không phải là tội lỗi của em” và tập thơ gồm nhiều tác giả “Anh không thể quên em trong mỗi dòng thơ”.

Cô Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng khoa Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, đã tặng hoa cho nhà thơ Choi Ji In. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Cô Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng khoa Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, đã tặng hoa cho nhà thơ Choi Ji In. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Với chủ đề “Đọc một tập thơ tựa như đón chào một thế giới”, nhà thơ đã chia sẻ những quan điểm cá nhân về thế nào là một tác phẩm thơ và cách thức mà con người chúng ta cảm nhận thơ văn. Chia sẻ về tác phẩm văn học, nhà thơ cho rằng có ba yếu tố quan trọng trong sáng tác, gồm “thiết lập mối quan hệ”, “sáng tác dựa trên kinh nghiệm, nền tảng của cá nhân” và “đề cao tính cộng đồng”. Văn học được bắt đầu từ việc thiết lập mối quan hệ, nếu không có mối quan hệ thì con người sẽ giống như ếch ngồi đáy giếng, bị nhốt trong thế giới của riêng mình. Mở rộng mối quan hệ chính là bước đệm để hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới. Bản thân nhà thơ khi có dịp qua Việt Nam, nhà thơ cũng thiết lập các mối quan hệ để có được những cái nhìn mới hơn về một thế giới mới, sáng tác các bài thơ về Việt Nam.

Bên cạnh đó, văn học được hình thành từ con người và con người trưởng thành trên mảnh đất quê hương. Cảm nhận văn học giống như chúng ta đang tìm hiểu về mảnh đất đó, mỗi mảnh đất sẽ có địa hình, môi trường khác nhau và văn học cũng đa dạng như vậy. Mỗi cá nhân luôn thay đổi, phát triển theo thời gian nên cần phải nhìn nhận lại bản thân mình. Và theo nhà thơ, mong muốn của ông khi sáng tác văn học là có thể chia sẻ kiến thức của mình để từ đó xây dựng, gắn chặt là một cộng đồng chung sống đang bị mai một trong xã hội hiện đại Hàn Quốc, người dân đang dần mất đi tính cộng đồng khi họ sống ở những khu chung cư, ít nói chuyện hay giao lưu với nhau.

Sau bài giảng của nhà thơ chính là phần ngâm thơ. Ngâm thơ là cách đọc thơ một cách đặc biệt, khác với việc chỉ đọc thông thường. Khi ngâm thơ, người ta dùng giọng điệu, nhịp điệu và cảm xúc, từ đó truyền tải nội dung và ý nghĩa của bài thơ một cách sống động và sâu sắc hơn. Khán giả đã được chiêm ngưỡng bài thơ “IRI” (이리) nằm trong tập thơ “Tôi ngủ dựa tường” qua giọng ngâm đầy sâu lắng của nhà thơ Choi Ji In. Và mình đã may mắn được trải nghiệm ngâm với nhà thơ bài thơ “Đồng ca” (앙상블) với tư cách là học viên có bản dịch được đánh giá tốt nhất trong khóa học. Được trực tiếp ngâm thơ với nhà thơ khiến mình cảm nhận được rõ nét hơn về nhịp thơ và cảm xúc của tác giả.

Phóng viên danh dự Phan Thị Thu Đào ngâm thơ và nhận quà từ nhà thơ Choi Ji In. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Phóng viên danh dự Phan Thị Thu Đào ngâm thơ và nhận quà từ nhà thơ Choi Ji In. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Đến với phần trả lời câu hỏi giao lưu với khán giả, nhà thơ đã có những chia sẻ thiết thực về văn học Hàn Quốc cũng như đưa ra những lời khuyên cho khán giả khi đọc hay dịch văn học Hàn Quốc. Nhà thơ chia sẻ rằng, ở Hàn Quốc hiện nay đang nổi lên phong trào sáng tác, nhiều người bắt đầu sáng tác văn học và các lớp học dạy sáng tác cũng đang dần được mở rộng. Cá nhân nhà thơ đã từng mong muốn bài thơ của mình được trở nên nổi tiếng, được biết đến trên nhiều phương tiện tạp chí, nhưng sau quá trình sáng tác, nhà thơ nhận ra được việc sáng tác ra được bài thơ hay, bài thơ có giá trị quan trọng hơn việc sáng tác ra được nhiều bài thơ, cũng giống như trở thành một người tốt quan trọng hơn việc trở thành một người nổi tiếng.

Về quan điểm phê bình thơ, nhà thơ cho rằng việc cảm nhận thơ tùy thuộc theo góc nhìn của từng độc giả. Mỗi độc giả khi thưởng thức thơ một cách tự do thì bài thơ sẽ trở nên có hồn và sống động hơn, phê bình thơ sẽ làm cho ý nghĩa bài thơ trở nên phong phú hơn. Văn học là lĩnh vực càng có sự khác biệt thì càng đem lại giá trị. Và khi chúng ta dịch văn học Hàn Quốc, giới thiệu văn học Hàn Quốc đến Việt Nam thì chính chúng ta đang đóng góp vào việc mở rộng tiếng Việt.

Không khí phần trao đổi, trả lời câu hỏi trong buổi giao lưu gặp gỡ nhà thơ Choi Ji In. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Không khí phần trao đổi, trả lời câu hỏi trong buổi giao lưu gặp gỡ nhà thơ Choi Ji In. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Ngoài ra, nhà thơ còn đưa ra lời khuyên đầy ý nghĩa thiết thực dành cho các học viên của khóa học biên dịch văn học nói riêng và khán giả nói chung. Khi dịch thì chúng ta có hai cách dịch là dịch đúng nghĩa theo nguyên bản hoặc có thể chuyển Việt Nam hóa. Đối với các dịch theo nguyên bản thì sẽ có sự “xa lạ” cho người đọc nhưng từ đó sẽ tạo nên sự tò mò, muốn tìm hiểu về văn hóa của quốc gia đó. Còn khi dịch chuyển Việt Nam hóa thì câu từ sẽ mượt mà hơn, dễ hiểu cho người đọc hơn.

Nhà thơ Choi Ji In kí tặng và chụp ảnh kỉ niệm với khán giả. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Nhà thơ Choi Ji In kí tặng và chụp ảnh kỉ niệm với khán giả. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Phần cuối buổi giao lưu là một khoảnh khắc đáng nhớ khi nhà thơ ký tặng chữ ký cho những người tham gia. Chữ ký của nhà thơ mang đến một giá trị tinh thần đặc biệt, khiến mọi người tham gia đều cảm thấy hào hứng và trân trọng. Khoảnh khắc nhà thơ ký tặng chữ ký tạo ra sự kết nối sâu sắc giữa tác giả và độc giả, khiến mọi người cảm thấy gần gũi hơn với những tác phẩm và tâm hồn của nhà thơ. Khoảnh khắc này không chỉ đánh dấu sự kết thúc của buổi giao lưu, mà còn mở ra những trang mới trong lòng mỗi người tham gia, khi họ mang về nhà một phần của buổi gặp gỡ đáng nhớ này.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.