Phóng viên danh dự

16.04.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
“Pado” (The Waves) là một trong hai bộ phim hoạt hình Hàn Quốc nhận được đề cử tại Liên hoan phim hoạt hình Anima 2024. (Ảnh: Joung Yumi)

“Pado” (The Waves) là một trong hai bộ phim hoạt hình Hàn Quốc nhận được đề cử tại Liên hoan phim hoạt hình Anima 2024. (Ảnh: Joung Yumi)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan

Đạo diễn Joung Yumi được biết đến là một nữ đạo diễn phim hoạt hình tài năng của Hàn Quốc. Nhiều tác phẩm của cô đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế. Điển hình như bộ phim hoạt hình ngắn “Dust Kid” (2009) do cô chắp bút và đạo diễn đã được trình chiếu tại Cannes Directors’ Fortnight (sự kiện điện ảnh nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes). Sau đó, một “đứa con tinh thần” khác của cô mang tên “Loves Game” (2013) đã xuất sắc trở thành tác phẩm hoạt hình Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Grand Prix (Phim ngắn hay nhất) tại Liên hoan phim hoạt hình thế giới Animafest Zagreb 2014.

Đến năm 2024, cô nàng tiếp tục góp phần khẳng định sức hút của phim hoạt hình Hàn Quốc với khán giả quốc tế thông qua tác phẩm “Pado” (2023). Bộ phim đã nhận được đề cử cho hạng mục tranh giải quốc tế về phim ngắn tại Liên hoan phim hoạt hình Anima năm 2024. Bên cạnh đó, “Pado” còn nhận được lời mời tham gia Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông 2024 vào tháng này. Từ những kết quả trên đã chứng minh được bộ phim của đạo diễn Joung sở hữu nội dung chất lượng cùng sức hút khó cưỡng.

Trước những dấu ấn của “Pado”, phóng viên danh dự Korea.net đến từ Việt Nam đã may mắn có dịp phỏng vấn đạo diễn Joung Yumi về hành trình tạo nên tác phẩm này thông qua email. Theo mô tả, đây là một tác phẩm xoay quanh về những cảm xúc của con người. Hơn trên hết, bằng những chia sẻ đầy sâu sắc của nữ đạo diễn tài năng về thông điệp của tác phẩm, phóng viên càng thêm ấn tượng trước những khía cạnh thú vị mà “Pado” đã mang lại .

PV: Xin chào đạo diễn Joung Yumi. Cảm ơn chị đã nhận lời tham gia phỏng vấn cùng Korea.net. Lời đầu tiên, xin mời chị hãy giới đôi nét về bản thân cho quý độc giả cùng biết.

Xin chào, tôi là Joung Yumi, công việc của tôi là sáng tác những câu chuyện bằng tranh vẽ.

Đạo diễn Joung Yumi là người đã viết nên kịch bản cho “Pado”. (Ảnh: Joung Yumi)

Đạo diễn Joung Yumi là người đã viết nên kịch bản cho “Pado”. (Ảnh: Joung Yumi)



PV: Chị đã mong đợi khán giả và giới chuyên môn phản ứng như thế nào về “Pado”?

Tôi nghĩ có rất nhiều người đã hiểu “Pado” thông qua câu chuyện của chính họ. Tôi cũng đã thấy người khác nói về các nhân vật trong “Pado” một cách gần giống với những ý nghĩa mà tôi đã nghĩ đến. Những phản ứng đó rất thú vị. Thật sự là một trải nghiệm đáng ngạc nhiên và ấn tượng khi nhìn thấy mọi người đọc, nắm bắt những ý nghĩa được truyền tải nhiều hơn so với những gì tôi đã mong đợi, và sau đó họ thảo luận về chúng trong bối cảnh của câu chuyện.

PV: Vì sao tác phẩm lại có tên là “Pado”?

Sở dĩ phim có tên là “Pado” là vì Pado trong tiếng Hàn có nghĩa là “thủy triều”. Trong bộ phim này, tôi đã diễn đạt những khía cạnh quan trọng nhất thông qua những dòng thủy triều này. Cơn sóng liên tục dâng lên rồi lại rút xuống không ngừng, mang tính lặp lại. Tôi cảm thấy rằng trong cuộc sống của chúng ta, có một cảm giác lặp lại trong sự chuyển động không ngừng, tựa như những làn sóng.

Do đó, tôi nghĩ rằng nó có thể kết nối với nhịp sống của chúng ta, nhịp sống của con người. Vì thế, tôi tin rằng mỗi nhân vật trong bộ phim hoạt hình ở đây đều có thể được kết nối bằng cách thể hiện câu chuyện của họ qua việc lặp lại theo nhịp điệu đó.

“Pado” được lấy cảm hứng từ những cơn sóng, giống như những cảm xúc của con người. (Ảnh: Joung Yumi)

“Pado” được lấy cảm hứng từ những cơn sóng, giống như những cảm xúc của con người. (Ảnh: Joung Yumi)



PV: Thông điệp chính của bộ phim mà chị muốn truyền tải là gì?

Bây giờ nhìn lại, một câu nói như “mọi chuyện rồi sẽ qua” hiện lên trong đầu tôi. Tôi nghĩ rằng vào những thời điểm nhất định, cuối cùng, sẽ đến một lúc cuộc đời của chúng ta kết thúc. Nó tiếp tục diễn ra và lặp lại theo một chu kỳ, nhưng tôi tin rằng mọi thứ đều kết thúc và phát triển một cách tự nhiên.

Vậy nên, tôi nghĩ rằng cuộc sống xoay quanh những thay đổi diễn ra một cách từ từ. Từ sự kết thúc của một giai đoạn nào đó, như tuổi thơ, cho đến sự đấu tranh trong thời kỳ mà một người đang cố gắng đạt được điều gì đó, và sau cùng là đi đến sự kết thúc của cuộc đời với tên gọi “tuổi già”. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa là tôi đang nói về chủ nghĩa hư vô. Điều tôi muốn diễn đạt là dòng chảy luôn thay đổi một cách như vậy.

“Pado” tập trung mô tả những cảm xúc của các nhân vật thuộc mọi độ tuổi, ngành nghề, giới tính và cách họ đối diện với những cảm xúc đó. (Ảnh: Joung Yumi)

“Pado” tập trung mô tả những cảm xúc của các nhân vật thuộc mọi độ tuổi, ngành nghề, giới tính và cách họ đối diện với những cảm xúc đó. (Ảnh: Joung Yumi)



PV: Chị đã mất bao lâu để tạo nên “Pado”? Những khó khăn, thách thức khi thực hiện bộ phim này là gì?

“Pado” không mất quá nhiều thời gian, tôi nghĩ khoảng 10 tháng. Phần khó khăn là tất cả nhân vật trong bộ phim di chuyển theo một vòng lặp không ngừng, vì vậy tôi phải liên tục điều chỉnh thời gian sao cho phù hợp với những chu kỳ lặp lại này. Tôi tập trung vào việc cố gắng điều chỉnh thời gian một cách tốt nhất, và điều đó có chút thú vị nhưng cũng thách thức không kém.

PV: Chị thích phần nào nhất trong bộ phim này? Vì sao?

Tôi thấy sự lên xuống liên tục của những cơn sóng trong một không gian hạn chế là phần thú vị nhất. Đó chính là phần mở đầu của câu chuyện, bắt đầu từ cảnh cơn sóng đang chuyển động trong một khung hình tĩnh.

PV: Ý nghĩa của màu đen và trắng trong “Pado” là gì?

Tôi thấy hiệu ứng đen - trắng khá hấp dẫn. Cá nhân tôi cảm thấy hiệu ứng đen trắng mang lại cảm giác trừu tượng hơn là thực tế, ngay cả khi có sự miêu tả chi tiết và tinh xảo. Tôi thấy thật thú vị khi bức tranh được miêu tả chi tiết lại có thể mang đến cảm giác siêu thực. Bên cạnh đó, việc sử dụng màu đen trắng khiến tôi cảm thấy một chút không thoải mái nhưng lại rất hấp dẫn.

PV: Nhân vật nào trong “Pado” giống chị nhất?

Thực ra, tôi nghĩ mọi nhân vật trong '“Pado” đều giống tôi. Mặc dù các nhân vật được miêu tả khá đa dạng, đại diện cho mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng cuối cùng, họ có thể được coi là những nhân vật khác nhau bên trong nội tâm của một con người.

Bộ phim “Pado” mất khoảng 10 tháng để hoàn thiện. (Ảnh: Joung Yumi)

Bộ phim “Pado” mất khoảng 10 tháng để hoàn thiện. (Ảnh: Joung Yumi)



PV: Theo suy nghĩ của chị Yumi, con người có nên chạy trốn những cảm xúc tiêu cực? Liệu có cách nào để cân bằng cảm xúc không?

Tôi chưa bao giờ nói rằng ai đó nên chạy trốn khỏi những cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, tôi đã đề cập đến điều ngược lại. Thường thì tâm trí con người có ý muốn chạy trốn, nhưng tôi muốn bàn về việc chấp nhận chúng thay vì trốn tránh. Con người, tức chúng ta chỉ là những người bình thường, đôi khi có những cảm xúc tiêu cực, u ám và không dễ chịu. Một cách tự nhiên, chúng ta thường thích những cảm xúc vui vẻ, tích cực và có xu hướng từ chối, đẩy lùi và chống lại những cảm xúc mang tính trái ngược. Nhưng trên thực tế, tôi cảm thấy rằng ngay trong sự đối lập này, nếu chúng ta chối bỏ những cảm xúc đó, chúng ta không thể thực sự trở nên trọn vẹn. Đó chính là ý mà tôi muốn nói đến về việc tìm kiếm sự cân bằng.

Tôi không áp dụng một phương pháp cụ thể nào để xử lý cảm xúc của mình, bởi tôi cũng có nhiều cảm xúc mà tôi không thích. Theo một cách nào đó, tôi muốn tiếp tục nói về quá trình chấp nhận những cảm xúc tiêu cực mà tôi từng ghét bỏ. Phương pháp này thiên về việc tôi liên tục nhìn nhận ra những điều khó chịu và không thoải mái đến với tôi trong từng khoảnh khắc. Sau đó, tôi nỗ lực chấp nhận chúng mà không phủ nhận chúng. Vậy nên, để làm được điều này, trước tiên là phải nhận thức được những điều khó chịu đến với bản thân trong mỗi thời điểm, và rồi cố gắng đón nhận, chấp nhận chúng.

PV: “Pado” có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp của chị?

Ban đầu, “Pado” là tác phẩm được ủy quyền bởi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia Hàn Quốc (MMCA). Đây là lần hợp tác đầu tiên của tôi với một bảo tàng nghệ thuật, điều này đã dẫn đến cách tiếp cận dự án mang tính nghệ thuật hơn, mặc dù nó cũng có thể được coi là một bộ phim hoạt hình hoàn chỉnh. Đó là một tác phẩm mà tôi tiếp cận với một góc nhìn thú vị và làm việc với nó bằng sự thích thú. Hơn thế nữa, đây là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa đối với tôi qua nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời, ngay cả khi tôi già đi.

“Pado” vốn là tác phẩm được ủy quyền bởi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia Hàn Quốc. (Ảnh: Joung Yumi)

“Pado” vốn là tác phẩm được ủy quyền bởi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia Hàn Quốc. (Ảnh: Joung Yumi)



PV: Những trải nghiệm khi làm đạo diễn phim của chị là gì?

Là một đạo diễn phim, tôi có những trải nghiệm gì? Đó là một câu hỏi rất rộng. Tuy nhiên, trải nghiệm làm đạo diễn của tôi chủ yếu là về mặt cảm xúc và nhận thức của tôi thay đổi như thế nào khi tôi thực hiện một dự án. Những câu chuyện có ý nghĩa với tôi khi tôi bắt đầu làm việc, ngay cả khi tôi còn trẻ, và đến ngày nay, chúng vẫn giữ một ý nghĩa quan trọng với tôi. Đồng thời, những câu chuyện mới cũng đã nảy sinh và xuất hiện trong tôi. Vì vậy, sự thay đổi và biến đổi trong những câu chuyện tôi muốn kể được xem là những khía cạnh làm nên những trải nghiệm của tôi với tư cách là một đạo diễn.

PV: Mục tiêu tiếp theo của chị là gì? Chị hãy chia sẻ một chút về dự án kế tiếp của chị.

Tôi đang làm phim hoạt hình dựa trên cuốn sách “Paranoid Kid”. Đây là cuốn sách tranh đầu tiên tôi sáng tác ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Đây có thể được coi là tác phẩm đầu tiên tôi mà đưa câu chuyện của mình ra thế giới. Câu chuyện trong cuốn sách này là sự thể hiện của nhiều cảm xúc khác nhau. Tôi luôn muốn đan xen những hình ảnh rời rạc lại thành một câu chuyện duy nhất và giờ đây, với dự án phim hoạt hình này, tôi đã có cơ hội làm điều đó.

Thường thì, tôi sẽ tạo ra các bộ phim hoạt hình trước, sau đó làm sách tranh dựa trên chúng. Tuy nhiên, với dự án “Paranoid Kid”, tôi đã chọn một hướng đi khác. Tôi đã tạo ra sách tranh trước khi đi sâu vào phim hoạt hình. Đó là một cách làm việc hơi khác biệt một chút, cho nên tôi vô cùng hào hứng với quá trình này. Ngoài ra, vì có phần kể chuyện nên đây là một hình thức làm việc mới đối với tôi và việc cộng tác với các diễn viên lồng tiếng cũng rất thú vị.

PV: Chị Yumi có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật và sản xuất phim hoạt hình không?

Vâng, việc đưa ra lời khuyên luôn là điều khó khăn đối với tôi. Tôi nên nói gì nhỉ? Thực ra, đối với những người làm việc trong lĩnh vực hoạt hình, đặc biệt là những người bạn như tôi - những người đam mê hoạt hình thử nghiệm hoặc làm việc độc lập, con đường thương mại của chúng tôi không thực sự rõ ràng hay được xác định từ trước. Tất nhiên, có nhiều đạo diễn hoạt hình tài năng ở khắp nơi, mỗi người kể một câu chuyện riêng của bản thân theo phong cách độc đáo của họ. Vì vậy, tôi không nghĩ có một con đường cố định mà ai đó đã vạch ra cho việc này. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng không dễ làm việc nếu bạn suy nghĩ quá nhiều về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Có lẽ chỉ cần bước từng bước, tận hưởng mỗi dự án khi nó đến và nó sẽ có thể giúp bạn tiếp tục làm việc lâu hơn. Cho nên, hãy tận hưởng công việc bạn làm và có thể cơ hội sẽ mở ra ngay trên đường đi.

PV: Cảm ơn đạo diễn Joung Yumi đã dành thời gian tham gia phỏng vấn. Cảm ơn những chia sẻ cực kỳ sâu sắc của chị. Chúc chị dồi dào sức khỏe và tiếp tục chinh phục được những mục tiêu đã đề ra.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.