Phóng viên danh dự

24.04.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Pansori là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc, được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003. (Ảnh: Mahur Alishahpour)

Pansori là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc, được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003. (Ảnh: Mahur Alishahpour)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan

Khi tiếng trống vang lên, khi nốt nhạc khởi đầu, Pansori - một loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc đã dẫn dắt khán giả bước vào một thế giới đong đầy cảm xúc sâu sắc. Tâm hồn người nghe được Pansori đưa đường dẫn lối, mang họ phiêu lưu qua những dấu mốc vàng son của nền văn hóa truyền thống Hàn Quốc, đi sâu vào những câu chuyện truyền miệng qua hàng thế kỷ.

Chính những giá trị mà loại hình nghệ thuật này mang lại nên vào năm 1964, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định Pansori là “Di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia”. Đến năm 2003, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã công nhận Pansori là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể” của nhân loại nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và kỹ thuật nổi bật của nó. Giữa nhịp sống hiện đại, Pansori vẫn là một điểm tựa, một nguồn cảm hứng vô tận cho những ai yêu mến, muốn khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp của văn hóa Hàn Quốc.

Nằm trong khuôn khổ 60 năm Pansori được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của Hàn Quốc, vào ngày 17/3/2024, tại Trung tâm Gugak Quốc gia Hàn Quốc đã diễn ra sự kiện “Global Heungboga”. Chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Min Hye-sung cùng 4 nghệ sĩ ngoại quốc có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn Pansori. Dù đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng các nghệ sĩ đều dành sự quan tâm sâu sắc đến loại hình nghệ thuật này, minh chứng cho sức hấp dẫn và tiếng vang toàn cầu của Pansori.

Poster chính thức của sự kiện “Global Heungboga” kỷ niệm 60 năm Pansori được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hàn Quốc. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của SoeulSoripan)

Poster chính thức của sự kiện “Global Heungboga” kỷ niệm 60 năm Pansori được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hàn Quốc. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của SoeulSoripan)



Trước tình yêu dành cho Pansori, nghệ sĩ Mahur Alishahpour đến từ Iran, một trong những nghệ sĩ trình diễn chính tại “Global Heungboga” đã có những kỷ niệm khó quên về hành trình theo đuổi bộ môn này. Hiện tại, cô nàng đang học tạansori thường được biểu diễn rộng rãii khoa “Lý thuyết nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc” tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc (Seoul, Hàn Quốc). Trong quá trình tìm hiểu Pansori, Mahur đã nhanh chóng khẳng định được năng lực và nỗ lực của bản thân. Nữ nghệ sĩ từng đạt “Grand Prize” (giải thưởng lớn) tại “Cuộc thi ca sĩ bậc thầy Pansori Park Dong-jin”, tham gia biểu diễn trong “Lễ hội Pansori thế giới lần thứ nhất” cũng như góp mặt trong chương trình “Gặp gỡ di sản” tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc,...

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên danh dự Korea.net đến từ Việt Nam, Mahur Alishahpour đã có nhiều chia sẻ liên quan đến Pansori. Nhân đây, cô nàng cũng muốn lan tỏa tình yêu Pansori đến các độc giả và hy vọng khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Mahur Alishahpour là một trong 4 nghệ sĩ ngoại quốc tham gia trình diễn Pansori tại sự kiện “Global Heungboga”. (Ảnh: Mahur Alishahpour)

Mahur Alishahpour là một trong 4 nghệ sĩ ngoại quốc tham gia trình diễn Pansori tại sự kiện “Global Heungboga”. (Ảnh: Mahur Alishahpour)



PV: Chị Mahur cảm thấy thế nào khi trở thành một trong những nghệ sĩ chính tại “Global Heungboga”?

Màn trình diễn “Dongpyeonje Heungboga” (một tiết mục Pansori) đã được biểu diễn tại sự kiện “Global Heungboga” tiếp nối qua nhiều thế hệ gồm Song Heung-rok, Song Man-gap, Kim Jeong-moon, Park Rok-ju, Park Song-hee và Min Hye-sung. Tôi cảm thấy vinh dự khi được đứng chung sân khấu cùng sư phụ Min Hye-sung với tư cách là học trò của cô ấy. Thông qua màn trình diễn Pansori do các đệ tử ngoại quốc thể hiện, tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời khi được kết hợp với các ca sĩ Pansori thuộc nhiều quốc tịch và nền văn hóa khác nhau.

PV: Chị hãy chia sẻ thêm về màn trình diễn của chị tại sự kiện này.

Với màn trình diễn này, tôi đã thể hiện trích đoạn “Heungbo bước vào Chilcheong”*. Đó là câu chuyện kể về Heungbo đã phải đấu tranh trong hoàn cảnh nghèo khổ, cùng cực, cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn. Khi đọc dòng chữ này, bạn có thể thấy rằng câu chuyện đầy rẫy sự tuyệt vọng và đau lòng.

Tác phẩm độc đáo ở chỗ nó gợi lên tiếng cười hơn là mang lại cảm giác tuyệt vọng hay đau buồn. Trong tình huống nghiêm trọng và khó khăn, việc Heungbo hành động kỳ lạ, không phù hợp với tình huống đó đã tạo nên một hiệu ứng hài hước khiến mọi người phải bật cười.

Ví dụ: Tiền, tiền, tiền, tiền. Nhìn vào tiền: bằng cách lặp lại từ tiền nhiều lần, niềm vui và nỗi buồn liên quan đến tiền bạc được bộc lộ một cách ẩn dụ mà không cần phải giải thích nhiều. Đó là một cách diễn đạt thể hiện rõ sự đối lập của tiền bạc, nơi lịch sự và lòng hổ thẹn chỉ có thể được thể hiện khi một người có đủ thời gian rảnh rỗi trong cuộc sống; trong khi lòng tham về tiền bạc có thể dẫn đến việc từ bỏ sự lịch sự và lòng hổ thẹn.

* Tại chương trình, các nghệ sĩ đã biểu diễn “Heungboga”, một tác phẩm Pansori nổi tiếng kể về câu chuyện của hai anh em gồm Heungbo - một người đàn ông nghèo, tốt bụng, có nhiều con và người anh tham lam Nolbo. Câu chuyện tập trung làm rõ nội dung về lòng tốt và sự tham lam. “Heungbo bước vào Chilcheong” là một phần trong tác phẩm, kể về hành trình mới của Heungbo khi anh ta tìm kiếm và đạt được hạnh phúc sau thời gian sống trong bất hạnh, nghèo khổ.

Mahur Alishahpour cảm thấy vinh dự khi được đứng chung sân khấu với người thầy Pansori Min Hye-sung. (Ảnh: Mahur Alishahpour)

Mahur Alishahpour cảm thấy vinh dự khi được đứng chung sân khấu với người thầy Pansori Min Hye-sung. (Ảnh: Mahur Alishahpour)



PV: Chị biết đến Pansori từ khi nào? Có phải chị đã tự học bộ môn này?

Cách đây rất lâu, tôi đã xem qua một số tiết mục Pansori như “Sarangga” trên các chương trình truyền hình Hàn Quốc và YouTube. Sau khi tham gia “Dự án trao đổi nghệ thuật giữa Iran và Hàn Quốc”, tôi quen biết các nghệ sĩ Pansori đến từ Hàn Quốc và làm việc với họ.

Hiện tôi đang theo học khoa “Lý thuyết nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc” tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc (Seoul, Hàn Quốc). Tôi luôn muốn thử Pansori bất cứ khi nào có cơ hội, nhưng khi đang học, tôi lại không biết nên bắt đầu như thế nào. Cuối cùng, tôi đã bắt đầu học Pansori theo hướng dẫn của giáo viên Min Hye-sung. Khi tham gia “Cuộc thi ca sĩ bậc thầy Pansori Park Dong-jin”, tôi đã luyện tập Pansori một cách nghiêm túc!

PV: Pansori có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của chị?

Những niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống được chứa đựng trong Pansori. Nó giống như việc được trò chuyện với một người bà kể chuyện.

PV: Theo chị Mahur, những yếu tố nào sẽ tạo nên một màn trình diễn Pansori hấp dẫn?

Tôi nghĩ phần hấp dẫn nhất của Pansori là giọng hát và lời bài hát, cũng như sự kết hợp của cả hai. Trong Pansori, các bài hát được viết với miêu tả rất chi tiết về câu chuyện và không ngụ ý như lời bài hát hoặc thơ ca của các thể loại khác. Bạn không chỉ tìm thấy nhiều thành ngữ và cách chơi chữ cổ mà ngay cả những miêu tả liên quan đến suy nghĩ hoặc hành động của nhân vật cũng rất đặc biệt và cụ thể.

Hát Pansori có nghĩa là “tất cả mọi thứ (bao gồm cả các khái niệm) đều có thể được mô tả trong Pansori. Mỗi lần biểu diễn Pansori đều mang lại âm thanh riêng của nó”. Tôi tin rằng thông qua sự kết hợp giữa âm thanh, lời bài hát và nhịp điệu, khán giả hoàn toàn có thể vui vẻ và đắm chìm vào câu chuyện. Và dưới góc độ của người ca sĩ, điều này giúp truyền đạt tư tưởng và ý nghĩa thực sự đằng sau âm thanh và nhiều giọng điệu khác nhau.

Theo nữ nghệ sĩ, phần hấp dẫn nhất của Pansori chính là giọng hát, lời bài hát cùng với sự kết hợp của 2 yếu tố này. (Ảnh: Mahur Alishahpour)

Theo nữ nghệ sĩ, phần hấp dẫn nhất của Pansori chính là giọng hát, lời bài hát cùng với sự kết hợp của 2 yếu tố này. (Ảnh: Mahur Alishahpour)



PV: Khó khăn lớn nhất khi trình diễn Pansori là gì? Liệu nó có đến từ giọng hát?

Trong số các yếu tố âm nhạc trong trình diễn Pansori, các yếu tố như hát và nhịp điệu dường như được coi là khó nhất. So với các quốc gia khác hoặc các thể loại nhạc âm nhạc truyền thống khác, việc tìm thấy kỹ thuật hát độc đáo đáo như vậy khá là khó khăn và không quen thuộc. Theo thuật ngữ của Pansori, điều này được gọi là “sử dụng cổ của mình”. Bạn sẽ cần phải rèn luyện dây thanh quản của mình theo nhiều cách mới và không giống như thông thường. Đối với âm thanh và Sigimsae*, bạn cần thay đổi cách thở hoặc âm thanh của bạn, và di chuyển cơ thể để tạo ra âm thanh.

* Sigimsae: Là một từ để chỉ các kỹ thuật và kỹ năng của người ca sĩ Pansori khi hát. Có thể ám chỉ các phần của âm nhạc và kỹ thuật như hơi thở, điều chỉnh âm thanh, cách sử dụng cơ thể để phản xạ âm thanh một cách tinh tế.

PV: Những kỷ niệm khó quên của chị với tư cách là một nghệ sĩ Pansori.

Thời gian biểu diễn Pansori của tôi tuy không quá dài nhưng có rất nhiều kỉ niệm khó quên. Trong một buổi biểu diễn, những khán giả Iran mà tôi chưa từng gặp trước đây đã đến gặp tôi sau khi nghe tin một ca sĩ mang quốc tịch Iran đang biểu diễn. Lúc đó tôi thực sự rất bất ngờ và hạnh phúc.

Hay trong “Global Heungboga”, có một phần trình diễn được mang đến đó là những người biểu diễn mặc trang phục truyền thống của mỗi quốc gia, hát một bài hát dân ca của quê hương họ, sử dụng các nhạc cụ truyền thống. Đó là một kỷ niệm quý giá đối với tôi khi chơi nhạc cụ gõ “Daf” của Iran và ca hát dưới sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.

Các nghệ sĩ đến từ nhiều hoàn cảnh, nhiều quốc gia khác nhau đều dành một tình yêu sâu sắc cho Pansori. (Ảnh: Mahur Alishahpour)

Các nghệ sĩ đến từ nhiều hoàn cảnh, nhiều quốc gia khác nhau đều dành một tình yêu sâu sắc cho Pansori. (Ảnh: Mahur Alishahpour)



PV: Chị đã sống ở Hàn Quốc được bao lâu rồi? Điều gì đã đưa chị đến với Hàn Quốc?

Tôi đến thăm Hàn Quốc lần đầu tiên vào năm 2015. Cách đây khoảng 4 năm, tôi bắt đầu theo học ở một trường đại học tại Hàn Quốc. Niềm đam mê và sự tò mò về văn hóa và nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc đã đưa tôi đến xứ Hàn.

PV: Điểm nào ở Hàn Quốc thu hút chị?

Nhờ bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Jewel in the Palace” (dịch: Nàng Dae Jang Geum), tôi đã biết đến văn hóa Hàn Quốc từ năm 10 tuổi. Hồi đó tôi đã bị quyến rũ trước vẻ đẹp thanh lịch của Hanbok. Kể từ đó, tôi được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau bao gồm K-pop và nhạc truyền thống Hàn Quốc. Tôi yêu ẩm thực Hàn Quốc, kiến trúc, ngôn ngữ của đất nước này cũng khiến tôi thích thú. Tôi nghĩ khi đến Hàn Quốc, tôi càng thêm hứng thú về sự hòa quyện hài hòa của đất nước này.

PV: Chị mong đợi thế hệ người trẻ sẽ đón nhận Pansori như thế nào?

Có vẻ như ngay cả người Hàn Quốc vẫn chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm đến Pansori. Đặc biệt, thế hệ trẻ có thể cảm thấy ngôn ngữ và âm nhạc xưa được dùng trong Pansori không thực sự thú vị. Tôi nghĩ một phần bắt nguồn từ sở thích cá nhân và tôi cho rằng không nhất thiết mọi người đều phải thích Pansori. Nhưng mặt khác, lý do đằng sau về sự thiếu quan tâm đó có thể là do họ không biết nhiều về Pansori và nó chưa thực sự quen thuộc với họ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu những người trẻ tuổi tham gia một số buổi Workshop / hội thảo về Pansori dành cho người dân như một sở thích và trao cơ hội cho dòng nhạc Pansori cũng như các ca sĩ, họ chắc chắn sẽ tìm thấy niềm vui trong đó. Đây sẽ là một vấn đề quan trọng khi xem xét tính đương thời của Pansori.

PV: Cảm ơn nghệ sĩ Mahur Alishahpour đã dành thời gian phỏng vấn. Chúc chị luôn dồi dào sức khỏe và tiếp tục dành tình yêu to lớn cho Pansori.

◌ Giới thiệu khái quát

Pansori là một loại hình nghệ thuật kể chuyện bằng âm nhạc giữa một ca sĩ và một người đánh trống. Hiện nay, chưa có ghi chép chính xác về nguồn gốc của Pansori. Trong một tiết mục Pansori, người ca sĩ thường cầm quạt và diễn tả động tác theo hành động của nhân vật. Bên cạnh đó, trang phục của các nghệ sĩ trình diễn đều là Hanbok. Đến nay, Pansori có 3 trường phái tùy theo khu vực gồm: Dongpyeonje, Seopyeonje và Junggoje. Bên cạnh đó, 5 tác phẩm nổi tiếng trong Pansori thường được biểu diễn rộng rãi ở Hàn Quốc phải kể đến như: Chunhyangga, Simcheongga, Sugungga, Heungboga và Jeokbyeokga. Thông qua Pansori, khán giả không những được thưởng thức giai điệu của ca từ mà còn hiểu thêm về tâm hồn cũng như triết lý sống của người dân Hàn Quốc gửi gắm trong từng tác phẩm.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.