Phóng viên danh dự

25.04.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024 đã diễn ra vào ngày 14/4 vừa qua. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024 đã diễn ra vào ngày 14/4 vừa qua. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng

Chủ tịch Hồ Chí Minh mến yêu của chúng ta đã từng nói: “Văn học là nguồn cội của mọi nghệ thuật”. Và quả thực, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bản thân mình đã học rất nhiều những tác phẩm văn học và ấn tượng bởi những ngôn từ giàu tính cảm xúc và trải nghiệm qua từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm văn học đều chứa đựng giá trị nghệ thuật cũng như đặc sắc văn hóa của mỗi quốc gia.

Khi nhắc đến xứ sở Kim Chi, ít ai để ý rằng, bên cạnh là một quốc gia với nền giải trí thu hút giới trẻ Việt Nam, Hàn Quốc còn là nơi sinh ra hàng loạt các tác phẩm văn học giàu ý nghĩa và đầy tính nhân văn. Trong những năm gần đây, giới trẻ đang ngày càng quan tâm tới các tác phẩm văn học Hàn Quốc bởi những điểm tương đồng giữa hai nền văn hóa cũng như nội dung dễ dàng tiếp nhận, thấu hiểu và đồng cảm. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể hiểu một cách sâu sắc những giá trị thực sự của những tác phẩm văn học Hàn Quốc bởi những rào cản về ngôn ngữ. Thấu hiểu những điều đó, vào chiều 14/4 vừa qua, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam đã tổ chức “Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024” tại hội trường Tạ Quang Bửu của trường Đại học Thăng Long.

Với sự thành công rực rỡ của “Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2022” được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, cuộc thi lần này tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội, với mong muốn đưa văn học Hàn Quốc đến gần hơn với các bạn sinh viên đang theo học tiếng Hàn tại các trường đại học, đồng thời giúp các bạn sinh viên thêm yêu xứ sở Kim Chi thông qua các tác phẩm văn học Hàn Quốc. Ngay từ lúc KCC tại Việt Nam mở đơn đăng ký, mình đã rất muốn rủ cùng bạn bè tham gia nhưng cuối cùng không thành công do xuất phát điểm là sinh viên trường không có chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Thế nhưng, mình có thể tham gia tận hưởng các màn biểu diễn cũng như ủng hộ những nỗ lực của các đội thi với tư cách khán giả, nên mình đã rất háo hức và mong chờ những điều thú vị mà tác phẩm văn học Hàn Quốc đem lại thông qua những màn sân khấu hóa.

Khi biết đến số lượng đội thi tham gia, mình đã rất bất ngờ bởi số lượng đông đảo cũng như đội thi hầu hết đến từ trường Đại học Hà Nội, trường Đại học Phenikaa, trường Đại học Đại Nam, trường Đại học Ngoại Ngữ, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,... Đây đều là những trường đại học có chất lượng giảng dạy vô cùng tốt, đặc biệt là về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Bên cạnh đó, ban giám khảo cuộc thi năm nay đều là những người có chuyên môn về lĩnh vực văn học và ngôn ngữ Hàn Quốc, vinh dự hơn khi có NSUT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Chính vì thế mà ngay từ lúc mình bước vào hội trường, mình đã cảm nhận rõ bầu không khí nóng hơn bao giờ hết bởi các bạn khán giả - những người mong chờ được chiêm ngưỡng những nét đẹp của văn hóa Hàn Quốc thông qua sân khấu hóa. Bên cạnh đó, khi mình ghé qua khu vực phòng chờ các đội thi, mình đã cảm nhận rõ tinh thần nhiệt huyết cũng như thái độ nghiêm túc trong những bộ trang phục truyền thống Hanbok rực rỡ. Chính bởi những yếu tố đó nên mình đã chắc chắn này cuộc thi này sẽ đem lại những giá trị bổ ích về văn học Hàn Quốc nhờ những tiểu phẩm mà các bạn sinh viên đem lại.

Không khí hội trường trước khi Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024 bắt đầu. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Không khí hội trường trước khi Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024 bắt đầu. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tại khu vực phòng chờ, các đội thi đang rà soát lại kĩ về trang phục, lời thoại,... để phần thi của mình diễn ra thành công. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tại khu vực phòng chờ, các đội thi đang rà soát lại kĩ về trang phục, lời thoại,... để phần thi của mình diễn ra thành công. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Choi Seung Jin - Giám đốc KCC tại Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị đại biểu, giảng viên và sinh viên khoa ngôn ngữ Hàn Quốc, đặc biệt là trường Đại học Thăng Long đã hỗ trợ để KCC tại Việt Nam có thể tạo ra một sân chơi bổ ích về ngôn ngữ Hàn Quốc cho các bạn sinh viên. Ông Choi khẳng định thêm: “Trong suốt chiều dài lịch sử, Hàn Quốc và Việt Nam đều có những tác phẩm văn học xuất sắc có giá trị theo từng thời kỳ. Với chủ đề là sân khấu hóa văn học Hàn Quốc, cuộc thi này được tổ chức với mong muốn giới thiệu những nét đặc sắc của văn học Hàn Quốc, đồng thời là cơ hội giúp các bạn trẻ đang theo học ngành ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc thêm yêu hơn nữa văn hóa xứ sở Kim Chi thông qua các tác phẩm văn học”. Có thể thấy rằng, không chỉ các bạn khán giả mà chính ông cũng rất mong muốn trải qua vô vàn cảm xúc khác nhau thông qua những màn sân khấu hóa văn học Hàn Quốc tại cuộc thi này.

Ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam trân trọng sự đóng góp của các vị đại biểu, ban giám khảo, giảng viên, sinh viên ngôn ngữ Hàn Quốc đối với cuộc thi này. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam trân trọng sự đóng góp của các vị đại biểu, ban giám khảo, giảng viên, sinh viên ngôn ngữ Hàn Quốc đối với cuộc thi này. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tại cuộc thi, 14 đội thi đến từ các trường đại học sẽ tái hiện lại các tiểu phẩm ấn tượng của một trong số các tác phẩm văn học Hàn Quốc thông qua hình thức diễn kịch với thời lượng 15 phút. Các phần thi của mỗi đội sẽ được chấm dựa trên bốn tiêu chí: sự kết hợp ăn ý của các thành viên trong đội, thông điệp truyền tải của tiểu phẩm, tính sáng tạo trong buổi biểu diễn và tổng thể thành công của màn biểu diễn. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, mình đã được tìm hiểu vô vàn những tác phẩm văn học tiêu biểu Hàn Quốc qua phần biểu diễn của các đội thi. Và quả thực, chưa bao giờ mình được trải qua mọi cung bậc cảm xúc từ hài hước, xúc động cho đến gay cấn,... tất cả đều hội tụ ở trong một cuộc thi. Và mình rất biết ơn vì đã có cơ hội theo dõi hết phần thi của các đội cho đến lúc cuộc thi kết thúc.

Từ bi hài, tình cảm, hay chính kịch,... tất cả đều được hội tụ trong cuộc thi qua phần thể hiện của từng đội thi. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Từ bi hài, tình cảm, hay chính kịch,... tất cả đều được hội tụ trong cuộc thi qua phần thể hiện của từng đội thi. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Một trong những điểm mà mình đánh giá cao về các phần sân khấu hóa của các bạn sinh viên, đó chính là việc đan xen giữa những giá trị truyền thống với giá trị hiện đại. Bên cạnh việc dệt nên một cốt truyện với các nhân vật quen truyện Heung Bu Nol Bu (Hưng Phu truyện), Kongjwi và Patjwi (Chị em Kongjwi và Patjwi),... các bạn sinh viên đã rất sáng tạo khi sử dụng một loạt các chất liệu dân gian như nghệ thuật múa quạt Buchaechum, điệu múa Ganggangsullae,... nhằm giới thiệu với khán giả về những nét đặc sắc của văn hóa Hàn Quốc. Đặc biệt, các diễn viên luôn tương tác với khán giả bằng một loạt các câu nói bắt trend (xu hướng) ở thời điểm hiện tại, và chính điều này khiến tác phẩm văn học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong tiểu phẩm là điểm đặc biệt khiến phần thể hiện của các đội thi trở nên hấp dẫn hơn đối với mình. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong tiểu phẩm là điểm đặc biệt khiến phần thể hiện của các đội thi trở nên hấp dẫn hơn đối với mình. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trong khuôn khổ cuộc thi diễn ra, các đội thi với những tiểu phẩm độc đáo, sáng tạo trong các tác phẩm “Khoai Tây”, “Một ngày may mắn”, “Hai đời thọ nạn”, “Xuân Hương truyện”,... đã mang lại cho khán giả những phút giây vui vẻ, thú vị và ý nghĩa. Đối với mình, có ba tác phẩm văn học Hàn Quốc khiến mình ấn tượng nhất về cốt truyện cũng như thông điệp truyền tải thông qua phần sân khấu hóa mà các bạn sinh viên thể hiện trong cuộc thi ngày hôm đó.

Đầu tiên phải kể đến là tác phẩm “Chị em Kongjwi và Patjwi”, với nội dung kể về cuộc đời đấu tranh giành lại hạnh phúc của Kongjwi - người luôn bị gây khó dễ bởi dì ghẻ và con gái của mụ là Patjwi. Ngay khi tác phẩm này được sân khấu hóa, mình đã liên tưởng ngay tới truyện cổ tích “Tấm Cám” của Việt Nam. Điểm tương đồng của cả hai tác phẩm này là đều có sự xuất hiện của hai tuyến nhân vật phản diện và chính diện, cùng với đó là nhân vật trợ giúp hay chính là thế lực siêu nhiên. Điều mình thích ở tác phẩm “Chị em Kongjwi và Patjwi” đó chính là thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về ác giả ác báo: người làm việc ác sẽ phải chịu hậu quả, còn người sống lương thiện sẽ nhận được sự giúp đỡ và sống một cuộc sống hạnh phúc. Cũng chính vì thế mà tác phẩm này được nhiều đội thi lựa chọn để sân khấu hóa, và điều này khiến mình vô cùng khó khăn khi phải lựa chọn ra đội thi có phần thể hiện sân khấu hóa tác phẩm “Chị em Kongjwi và Patjwi” tốt nhất.

Tác phẩm “Chị em Kongjwi và Patjwi” được rất nhiều đội thi lựa chọn để thể hiện giá trị nghệ thuật qua tiểu phẩm (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tác phẩm “Chị em Kongjwi và Patjwi” được rất nhiều đội thi lựa chọn để thể hiện giá trị nghệ thuật qua tiểu phẩm (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tiếp theo là “Xuân Hương truyện” - một tác phẩm kinh điển mà bất cứ bạn nào đã và đang tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc chắc chắn phải đọc qua một lần, đặc biệt là đối với những người thích yếu tố lãng mạn như mình. Câu chuyện kể về mối tình vượt qua rào cản giai cấp giữa chàng công tử Lý Mộng Long và nàng Xuân Hương, con gái của một kỹ nữ. Khi đặt tác phẩm này trong một tiểu phẩm, mình nghĩ rằng đó là một điều không hề dễ dàng, bởi các bạn sinh viên khi diễn vở kịch này sẽ phải nắm thật rõ muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau của tuyến nhân vật trong tác phẩm. Chính vì thế mà mình vô cùng bất ngờ khi một tác phẩm khó nhằn được chính tay các sinh viên đến từ đội Đại học Ngoại Ngữ và Đại học Đại Nam sân khấu hóa một cách chân thực, gây xúc động đến trái tim người xem đến như vậy.

Tiểu phẩm “Xuân hương truyện” đến từ đội Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và đội Đại học Đại Nam đã chạm đến trái tim khán giả bởi sự đồng cảm với người kỹ nữ Xuân Hương. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tiểu phẩm “Xuân hương truyện” đến từ đội Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và đội Đại học Đại Nam đã chạm đến trái tim khán giả bởi sự đồng cảm với người kỹ nữ Xuân Hương. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Cuối cùng là tác phẩm “Hưng Phu truyện”, với nhân vật chính là người anh bạc ác Nạo Phu và đứa em từ bi Hưng Phu. Khi mình xem phần sân khấu tác phẩm này, mình đã nhận ra sự tương đồng với một tác phẩm khác của Việt Nam là “Ăn khế trả vàng”. Tuy nhiên, nếu như người anh tham lam trong truyện cổ tích Việt Nam cùng với túi vàng chìm sâu dưới đáy biển, thì người anh Hạo Phu được người em tha thứ sau tất cả mọi chuyện và sống êm ấm như xưa. Điều đó cho thấy lòng nhân đạo cũng như tình yêu thương sâu sắc giữa người với người trong tác phẩm văn học này. Chia sẻ với phóng viên danh dự Korea.net, bạn Nguyễn Thị Mai - nhóm trưởng đội thi đến từ Đại học Thăng Long cho biết, tác phẩm này đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng đối lập giữa hai anh em, từ đó khiến chúng ta suy ngẫm về cách đối xử giữa con người với con người. Cũng chính vì thế mà đội của Mai đã lựa chọn sân khấu hóa tác phẩm này để thể hiện những khía cạnh đặc sắc đó.

Phần thể hiện ấn tượng của đội thi “Innova” đến từ đại học Thăng Long qua tác phẩm “Hưng Phu truyện” (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Phần thể hiện ấn tượng của đội thi “Innova” đến từ đại học Thăng Long qua tác phẩm “Hưng Phu truyện” (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trong thời gian giải lao giữa giờ, mình đã có cơ hội phỏng vấn với đại diện của một số đội thi để có thể biết thêm những giá trị đặc sắc của tác phẩm văn học Hàn Quốc, cũng như những trải nghiệm đáng nhớ mà các bạn ấy đã trải qua trong quá trình tập luyện. Bạn Nguyễn Xuân Huân, đại diện đến từ đội thi “Khoai tây” của trường đại học Phenikaa cho biết, đây là lần đầu tiên các bạn ấy được tham gia cuộc thi với quy mô lớn, nên ai cũng nỗ lực hết mình để có thể đem lại một sân khấu chất lượng, chỉnh chu đối với khán giả. Khi nói về tác phẩm “Khoai tây”, bạn Xuân Huân bày tỏ rằng: “Mình nghĩ điều khó khăn nhất khi sân khấu hóa một tác phẩm văn học Hàn Quốc là làm sao để người xem có thể hiểu được thông điệp thực sự mà tác phẩm ấy đem lại. Với tác phẩm “Khoai tây”, chúng mình đã nỗ lực vượt qua những rào cản về ngôn ngữ để có thể thành công thể hiện những khía cạnh của nhân vật. Nhờ có cuộc thi này, chúng mình sẽ dễ dàng trong việc thấu hiểu những giá trị nhân văn qua các tác phẩm văn học Hàn Quốc khác nữa”.

Nguyễn Xuân Huân - nhóm trưởng đội thi từ trường Đại học Phenikaa cùng với đồng đội của mình tự hào khi đã cố gắng hết sức trong việc truyền tải giá trị đặc sắc thông qua sân khấu hóa tác phẩm “Khoai tây”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Nguyễn Xuân Huân - nhóm trưởng đội thi từ trường Đại học Phenikaa cùng với đồng đội của mình tự hào khi đã cố gắng hết sức trong việc truyền tải giá trị đặc sắc thông qua sân khấu hóa tác phẩm “Khoai tây”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Đối với trường hợp của đội “Nắng” đến từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dường như họ khá là thư giãn khi thể hiện một cách thành công sân khấu hóa tác phẩm “Hai đời thọ nạn” mà vẫn lấy đi nước mắt của biết bao khán giả. Trả lời với phóng viên danh dự Korea.net, bạn Nguyễn Như Phúc - nhóm trưởng của đội “Nắng” cho biết, trong số các tác phẩm văn học Hàn Quốc được đề cập trong thể lệ cuộc thi, “Hai đời thọ nạn” là tác phẩm mà bọn em muốn thực hiện nhất bởi giá trị nhân văn cũng như thông điệp quá đỗi sâu sắc. Bạn Phúc bày tỏ thêm: “Đội của chúng em đã trải qua những tháng ngày vui vẻ, đầy kỷ niệm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó đã tạo nên sự ăn ý giữa các thành viên với nhau. Em nghĩ rằng một tác phẩm văn học Hàn Quốc được sân khấu hóa thành công không chỉ bởi bất cứ cá nhân nào, mà đó còn là sự đóng góp to lớn của một tập thể. Chính điều đó đã giúp cho sân khấu của chúng em được nhiều người khen ngợi”.

Bạn Nguyễn Như Phúc - nhóm trưởng cùng với các thành viên của đội “Nắng” đến từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ niềm tự hào khi đã hoàn thành tiểu phẩm một cách thành công. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Bạn Nguyễn Như Phúc - nhóm trưởng cùng với các thành viên của đội “Nắng” đến từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ niềm tự hào khi đã hoàn thành tiểu phẩm một cách thành công. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trải qua những phần sân khấu hóa ấn tượng đến từ các đội thi, cuối cùng, sau quá trình thảo luận, ban giám khảo đã lựa chọn ra 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 11 giải Khuyến khích. Theo đó, giải Ba thuộc về tiểu phẩm “Hai đời thọ nạn” của đội thi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, giải Nhì thuộc về đội trường Đại học Đại Nam với tiểu phẩm “Xuân Hương Truyện”. Đặc biệt, đội thi đến từ trường Đại học Hà Nội đã xuất sắc giành được giải Nhất tại cuộc thi với tác phẩm “Khoai tây”. Đối với mình, những đội thi được giành giải như trên là hoàn toàn xứng đáng khi họ đều thể hiện được tính sáng tạo, tính tập thể bền vững cũng như thông điệp được truyền tải một cách sâu sắc, gây ấn tượng đối với người theo dõi cuộc thi.

Ban tổ chức và các đội thi cùng chụp hình lưu niệm tại Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Ban tổ chức và các đội thi cùng chụp hình lưu niệm tại Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Cuộc thi “Sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2024” đã chính thức khép lại với vô vàn những cảm xúc khác nhau và cả những điều nuối tiếc reo vào lòng mỗi chúng ta về văn học Hàn Quốc. Mong rằng thông qua cuộc thi trên, KCC tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và phát triển chương trình, góp phần đưa người Việt Nam đến gần hơn với văn hóa Hàn Quốc.

Và nếu như những bạn nào không tham dự trực tiếp cuộc thi, các bạn có thể theo dõi thông qua video dưới đây nhé. Chúc các bạn một ngày vui vẻ và luôn giữ tình yêu to lớn đối với đất nước Hàn Quốc nhiều hơn nữa nhé!

(Nguồn: Kênh YouTube Tùng Tùng)



hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.