Góc nhìn chuyên gia

05.03.2024

Yang Sangkeun


Yang Sangkeun
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Đức


Khi nói về nét đặc sắc của nền văn hóa tại một quốc gia nhất định, chúng ta có thể đề cập đến nhiều yếu tố khác nhau nhưng chắc chắn không thể không kể đến văn hóa ẩm thực, một trong những yếu tố đầu tiên để bắt đầu tìm hiểu về nền văn hóa của chính quốc gia đó. Từ xưa tới nay, việc kiếm kế sinh nhai là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân loại, và kể cả họ có di chuyển từ vùng này qua vùng khác, hay đất nước này qua đất nước khác thì những đặc trưng riêng biệt của văn hóa ẩm thực vẫn được giữ gìn, sau đó truyền lại cho các thế hệ sau. Như vậy, có thể nói mức độ lan tỏa của văn hóa ẩm thực từ một quốc gia có thể được xem là thước đo quan trọng, trong việc đánh giá sức ảnh hưởng của nền văn hóa tại một quốc gia nào đó.

Tôi nhớ rõ, ngay sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Đức, tôi đã đến ăn tại một nhà hàng Hàn Quốc và bị sốc vì khung cảnh lúc đó. Thật khó để nhận ra đó có phải là nhà hàng Hàn Quốc hay không, nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài, vì trông nó khá nhỏ và có thiết kế đơn giản, nhưng phía trong lại chật kín người bản địa. Thậm chí, tôi còn ngạc nhiên hơn khi được biết, điều tương tự cũng xảy ra với khoảng 100 nhà hàng Hàn Quốc nằm tại thủ đô Berlin. Lúc tôi còn du học ở Đức vào 15 năm trước, số lượng các nhà hàng Hàn Quốc tại Berlin chỉ đếm trên đầu ngón tay, và phần lớn khách hàng đã là người Hàn Quốc, nên những thay đổi của hiện tại có thể nói là một cuộc bể dâu.

Vậy thì bằng cách nào mà các món ăn Hàn Quốc có thể chinh phục khẩu vị của những người bản địa khó tính, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy? Nguyên do chắc chắn không thể nào thoát khỏi quá trình tăng trưởng của làn sóng Hallyu tại Đức.

Trên thực tế, làn sóng Hallyu tại Đức bắt đầu chậm hơn so với các quốc gia tích cực tiêu thụ những nội dung liên quan đến làn sóng Hallyu như châu Á, và nhiệt huyết cho Hallyu cũng trầm lắng hơn. Nguyên nhân chính có thể thấy ở việc Đức là một quốc gia không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi nhanh chóng, hay theo phong trào, nên việc làn sóng Hallyu du nhập vào quốc gia này một cách nhanh chóng, có mối liên quan mật thiết đến xu hướng phát triển từ các phương tiện truyền thông truyền thống, chuyển hướng sang các phương tiện truyền thông mới.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, làn sóng Hallyu đã bùng nổ từ nửa sau những năm 1990 đến nửa đầu những năm 2000, khi các bộ phim truyền hình như “Nàng Dae Jang-geum” và “Bản tình ca mùa Đông” tạo nên cơn sốt lớn khủng khiếp trên toàn cầu. Nhưng ngược lại, phát sóng các bộ phim truyền hình từ khu vực châu Á tại các đài truyền hình chính của Đức đã không phải là một việc phổ biến, và chính bởi vì lý do đó mà làn sóng Hallyu xuất hiện muộn hơn tại Đức.

Tuy nhiên, khi sức ảnh hưởng của phương tiện truyền thông mới (new media), hay nền tảng OTT (over-the-top) ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, việc tiếp cận với phim truyền hình Hàn Quốc trở thành một điều dễ dàng trong cuộc sống thường nhật của nhiều người trên thế giới. Theo đó, những người bản địa tiếp xúc với văn hóa Hàn Quốc một cách tự nhiên, và điều này dẫn đến việc họ tiêu thụ những nội dung văn hóa Hàn Quốc xuất hiện trong phim truyền hình ngoài đời thực.

Đặc biệt, các món ăn Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều, khi được biết đến là món ăn tốt cho sức khỏe và giúp giảm cân, đồng thời việc nấu các món ăn Hàn Quốc ở nhà cũng trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, món ăn Hàn Quốc đang chiếm một phần không nhỏ trong văn hóa ẩm thực tại Đức, đến mức có thể dễ dàng tìm mua nguyên liệu nấu món ăn Hàn Quốc ở các siêu thị nhỏ trong làng.

Tất nhiên tôi rất tự hào khi nhắc đến thời kỳ đỉnh cao của văn hóa ẩm thực Hàn Quốc trên toàn cầu, nhưng cũng có một nỗi lo lớn vì không biết xu hướng này được duy trì đến khi nào.

Theo một tờ báo cho biết, khoảng 100 nhà hàng Hàn Quốc đang được điều hành tại thành phố Berlin bởi làn sóng Hallyu, nhưng đa số các nhà hàng lại có chủ người Trung Quốc hay Việt Nam. Mặc dù các nhà hàng này được gắn biển quảng cáo kiểu Hàn, nhưng lại chế biến món Kimchi hay Bibimbap (cơm trộn) bằng các gia vị hay nguyên liệu không quen thuộc, cũng có trường hợp ghi sai cái tên của các món ăn.

Dĩ nhiên, việc người nước ngoài tham gia vào cạnh tranh trong kinh doanh ẩm thực Hàn Quốc có thể minh chứng cho việc món ăn Hàn Quốc ngày càng dần được nhiều người quan tâm hơn, nhưng trong đó cũng có nguy cơ thương hiệu chính thống của món ăn Hàn Quốc sẽ biến mất trong giây lát.

Chính vì thế, cho đến nay, nếu các hoạt động của KCC tại nước ngoài là tập trung vào việc nâng cao độ nhận diện về văn hóa Hàn Quốc và nhu cầu tiêu thụ mới, thì bây giờ họ cần phải dồn sức trong việc bảo tồn, và bảo vệ giá trị tài sản quý giá được tạo ra từ làn sóng Hallyu.

Lấy ví dụ, tại sự kiện “Tuần lễ Ẩm thực Berlin” diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, gian hàng giới thiệu các món ăn Hàn Quốc đã nhận được sự chú ý lớn nhất từ hàng chục nghìn khách tham quan. Thông qua sự kiện này, KCC tại Đức đã cố gắng để quảng bá các món ăn Hàn Quốc một cách đúng đắn, và nhiều khách tham quan đến gian hàng nhận thức được một cách chính xác về Gimbap (cơm cuộn lá rong biển khô), vốn dĩ được hiểu nhầm thành món Sushi của Nhật Bản.

Mặc dù các món ăn Hàn Quốc được người dân bản địa yêu thích trong cuộc sống hàng ngày, nhưng có nhiều trường hợp họ không nhận thức được rằng nó thực sự là một phần của văn hóa Hàn Quốc. Vậy nên, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để quảng bá rộng rãi các giá trị độc đáo của nền văn hóa Hàn Quốc chính trong thời gian tới.

Tận dụng tài sản chủ yếu của KCC như buổi biểu diễn, triển lãm cũng như chương trình giảng dạy, chúng tôi sẽ đưa người dân Đức có thể xem, nghe và trải nghiệm Hàn Quốc một cách sinh động và tổng hợp, song song với đó mở rộng quy mô các chương trình dành cho thế hệ tương lai để đưa họ tiếp xúc với văn hóa Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất có thể.

Đặc biệt, chương trình này mời khoảng 30 - 40 nhóm học sinh tiểu học mỗi năm đến trụ sở của KCC tại Đức, để giới thiệu văn hóa truyền thống và hiện đại của Hàn Quốc. Với mức hài lòng cao, chương trình này được đánh giá là có hiệu quả trong việc tạo hình ảnh tích cực đối với Hàn Quốc cho người Đức khi còn nhỏ. Tôi tin tưởng rằng phía Hàn Quốc có thể tăng cường nền tảng cho làn sóng Hallyu tại Đức trong thời gian tới bằng cách thúc đẩy những dự án lớn nhỏ.

Năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại nước Đức. Ngày nay, văn hóa Hàn Quốc “nở hoa” bởi những nỗ lực không ngừng và đóng góp của những người cống hiến thầm lặng trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Chính vì vậy, đây chính là lúc chúng ta cần phải cố gắng để tiếp tục duy trì những thành tựu đáng nể mà các thế hệ trước gặt hái được từ trước đến nay.