Góc nhìn chuyên gia

04.04.2024

1 Danish Ambassador Svend Olling
Svend Olling
Đại sứ Đan Mạch tại Hàn Quốc

Nhân dịp tham gia Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần thứ 3 ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), tôi đã suy ngẫm về cách hợp tác giữa Hàn Quốc và Đan Mạch nhằm thúc đẩy nền dân chủ toàn cầu, chẳng hạn như: “Chúng ta đã cố gắng hết sức chưa?”, “Các phương án như vậy có hiệu quả không?”, “Làm thế nào chúng ta có thể đạt được nhiều thành quả tốt đẹp hơn?”.

Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần thứ 3 vừa kết thúc, không chỉ là một bước đi quan trọng mà còn trở thành nền tảng kịp thời, để tái khẳng định các giá trị của nền dân chủ mà hai nước cùng chia sẻ. Cùng với đó, nhiều ý tưởng đổi mới được đưa ra tại các sự kiện bên lề diễn ra trong khuôn khổ hội nghị lần này. Đan Mạch chân thành cảm ơn Hàn Quốc tạo cơ hội phát triển nền dân chủ toàn cầu bằng cách tổ chức Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần thứ 3.

Đối với hội nghị lần này, phía Đan Mạch đã tham gia khi đặt trọng tâm vào tính bao dung và cách đào tạo năng lực của thanh niên. Điều này thể hiện rõ trong phiên họp đầu tiên, được Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen chủ trì, với chủ đề “Xã hội bao dung và cách đào tạo năng lực của thanh niên” vào ngày thứ ba của hội nghị. Hiện nay, hai chủ đề này đang nổi lên như các vấn đề quan trọng cho cả hai xã hội của chúng ta.

Điều quan trọng nhất là phải thừa nhận vai trò của các phong trào xã hội trong quá trình hình thành các nền dân chủ. Hàn Quốc và Đan Mạch có một điểm chung là các phong trào xã hội đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử từ trước đến nay. Từ chiến dịch vì quyền lao động của phụ nữ, phong trào chống biến đổi khí hậu, đến phong trào giành độc lập của Hàn Quốc, những điều này là ví dụ điển hình về chất xúc tác cho sự thay đổi xã hội. Điểm mạnh và tính linh hoạt của nền dân chủ tại Hàn Quốc, dựa theo khát vọng thay đổi từ dưới lên, khi theo đuổi quyền lợi và sự công bằng. Trong đó, các thanh niên đi đầu trong việc mang lại những sự thay đổi này.

Hai chủ đề nêu trên cũng đã được thảo luận tại hai sự kiện bên lề của Hội nghị thượng đỉnh dân chủ năm nay. Đầu tiên là buổi thảo luận “Sức mạnh nhân dân: Xây dựng liên minh để thay đổi dân chủ hòa bình”, do Bộ Ngoại giao Đan Mạch và Tổ chức cứu trợ ActionAid Denmark cùng tổ chức. Tại đây, các vị khách tham gia trao đổi ý kiến về mối quan hệ giữa phong trào dân sự vì nền dân chủ, với việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền dân chủ một cách hòa bình.

Sự kiện thứ hai là buổi thảo luận do Đan Mạch, Hà Lan, và Quỹ Wikimedia đồng tổ chức, dưới chủ đề “Bảo vệ tính toàn vẹn của thông tin trực tuyến để củng cố nền dân chủ và nhân quyền”. Mục đích của sự kiện này là nhìn lại những nỗ lực của chúng ta nhằm đảm bảo một hệ sinh thái thông tin lành mạnh hơn được xây dựng trên sự tin cậy, khả năng tiếp cận, tính đa dạng, tính chủ quan cũng như cuộc bầu cử, những yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền dân chủ. Đan Mạch đồng chủ trì sự kiện với tổ chức liên chính phủ Liên minh Tự do Trực tuyến (Freedom Online Coalition, FOC) và vào năm ngoái, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng gia nhập liên minh này.

Về cách Đan Mạch và Hàn Quốc có thể hợp tác cùng nhau để đạt được nhiều thành tựu hơn, chúng ta phải lấy công nghệ - một lĩnh vực có nhiều cơ hội và thách thức - làm ví dụ. “Chiến lược ngoại giao về công nghệ” mới được Chính phủ Đan Mạch công bố, đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của đổi mới công nghệ trong việc định hình các xã hội tương lai trên toàn thế giới.

Từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ lượng tử, các công nghệ tiên tiến có tiềm năng to lớn để thúc đẩy tiến bộ xã hội và ủng hộ nhân quyền. Tuy nhiên, chúng cũng đặt ra những thách thức mới bao gồm việc truyền bá thông tin sai lệch, có thể làm suy yếu nền tảng của nền dân chủ. Cho đến hiện tại, nhân loại đã tìm cách hạn chế những tác động của các công nghệ tiên tiến đến sức khỏe cá nhân, an toàn và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, điều này bị chậm trễ hơn so với việc các công ty công nghệ trên toàn thế giới liên tục cạnh tranh và kiểm tra tính khả năng của các công nghệ tiên tiến.

Đan Mạch đặt mục tiêu đưa châu Âu lên vị trí ưu tiên trên lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Khi khẳng định tầm quan trọng của đổi mới công nghệ trong việc định hình tương lai của chúng ta, chiến lược này sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ châu Âu. Liên quan đến điều này, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã cho biết: “Châu Âu không chỉ phải đặt ra các quy tắc mà còn phải dẫn đầu trong phát triển công nghệ”.

Trong Hội nghị thượng đỉnh dân chủ vào năm trước, FOC đã đưa ra Tuyên bố chung về tính toàn vẹn thông tin trực tuyến và bầu cử, trong đó Đan Mạch đảm nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm về tính toàn vẹn thông tin. Tuyên bố chung nêu ra tính cần thiết của việc ủng hộ quyền tự do ngôn luận trong thời kỹ thuật số dựa trên Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và song song với đó cũng khẳng định rằng tranh luận công khai theo đuổi tính cởi mở, tự do, và tính bao dung là điều thiết yếu cho nền dân chủ. Đồng thời, FOC thông qua Tuyên bố chung này cũng thừa nhận thách thức phức tạp trong việc đảm bảo tính toàn vẹn thông tin trực tuyến.

Theo đó, mọi người cũng nên chung tay định hình tương lai kỹ thuật số của chúng ta, và chúng ta cần đảm bảo rằng công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Đối mặt với những thách thức phức tạp trong thời đại kỹ thuật số, tôi hy vọng rằng Đan Mạch và Hàn Quốc sẽ kiên định thực hiện trách nhiệm của mình nhằm mục đích thiết lập xã hội đảm bảo nhân quyền và nền dân chủ mang tính bao dung trên cả ngoại tuyến và trực tuyến. Với Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Hàn Quốc, tôi rất mong muốn hai quốc gia sẽ củng cố hợp tác song phương và đa phương trong việc tạo ra một tương lai toàn diện, an toàn và mang tính dân chủ cho tất cả mọi người.

Ông Svend Olling đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Đan Mạch tại Hàn Quốc vào tháng 5 năm 2023.