Kinh tế

Chính phủ đang nỗ lực để đa dạng hóa, cao cấp hóa các mặt hàng xuất khẩu và đảm bảo động lực xuất khẩu bằng cách lựa chọn “sản phẩm đẳng cấp thế giới” hàng năm. Dự án bắt đầu với 120 mặt hàng và 140 doanh nghiệp vào năm 2001 đã được mở rộng thành 817 mặt hàng và 917 doanh nghiệp vào năm 2019. Những mặt hàng này chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu trong 4 năm qua, đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc. Đặc biệt, tỷ trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng từ 37% năm 2001 lên 76% năm 2018. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ này góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu và gia nhập thị trường toàn cầu.

Điểm mạnh nhất của nền kinh tế Hàn Quốc là công nghệ thông tin, tức là ngành công nghiệp IT. Đây là lĩnh vực tổng hợp không chỉ bao gồm máy tính, phần mềm, internet, đa phương tiện, thiết bị liên lạc mà còn các công nghệ hữu hình và vô hình cần thiết cho việc thông tin hóa, đổi mới quản lý, cải cách hành chính... Dựa trên cơ sở hạ tầng thông tin được trang bị tốt, mạng lưới di động thế hệ thứ tư (4G) đã được trang bị trên toàn quốc. Tháng 4 năm 2019, dịch vụ 5G - dịch vụ viễn thông di động thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới đã chính thức được ra mắt. Dựa trên nền tảng này, kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin và truyền thông năm 2019 lên tới 176,9 tỷ USD.

Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực như điện thoại di động, chất bán dẫn, máy tính và thiết bị ngoại vi. Thêm vào đó, cũng có những nỗ lực trên toàn quốc để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường CNTT (IT).

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng được công nhận về năng lực sản xuất ô tô. Năm 2019, Hàn Quốc đã sản xuất 39,51 triệu chiếc ô tô, đứng thứ 7 trong số các nước sản xuất ô tô trên thế giới.

Video Games, Leading Cultural Contents. South Korea has emerged as a leading exporter of cultural contents, such as K-Pop, broadcast programs, and video games, as well as cars and electronic goods.

[Ngành công nghiệp game, sản phẩm văn hóa tiêu biểu]
Hàn Quốc đã trở thành nước xuất khẩu không chỉ ô tô và sản phẩm điện tử mà còn xuất khẩu các sản phẩm văn hóa tiêu biểu như game, chương trình truyền hình, K-pop. Bức ảnh cho thấy du khách đang tận hưởng nhiều trò chơi khác nhau tại “G-Star 2017” được tổ chức tại thành phố Busan.



Cùng với Mỹ, Nhật Bản, Nga và Pháp, Hàn Quốc là một trong 5 quốc gia năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Hàn Quốc đã phát triển thành công nhà máy điện hạt nhân kiểu Hàn Quốc, xuất khẩu sang UAE và trở thành quốc gia xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân lớn thứ 6 trên thế giới. Tháng 12 năm 2016, lò phản ứng hạt nhân dùng cho mục đích nghiên cứu được xây dựng bằng 100% công nghệ Hàn Quốc từ thiết kế, xây dựng đến thử nghiệm đã bắt đầu hoạt động lần đầu tiên tại Jordan. Như vậy, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân thứ 8 trên thế giới. Ngoài ra, các lĩnh vực như thép và hóa học cũng có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc đã tăng đáng kể từ 2,3 tỷ đô la năm 2008 lên 9,6 tỷ đô la năm 2018, phản ánh mức độ phổ biến của làn sóng Hàn Quốc Hallyu. Sản phẩm văn hóa bao gồm sách, âm nhạc, trò chơi, nhân vật, chương trình truyền hình, phim ảnh, webtoons... Ngoài ra cũng phải kể đến ngành công nghiệp game và nội dung game - lĩnh vực được quan tâm rất nhiều ở Hàn Quốc. Ngành công nghiệp game được coi là một ngành công nghiệp đầy triển vọng, kết hợp giữa hình ảnh, ý tưởng và công nghệ máy tính. Năm 2018, ngành công nghiệp game Hàn Quốc đã đạt được doanh thu khoảng 14 nghìn tỷ won và ghi nhận thành tích xuất khẩu khoảng 6,4 tỷ đô la. Các game trên máy vi tính và điện thoại di động được ưa chuộng không chỉ ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản mà còn ở khu vực Bắc Mỹ. Hàn Quốc đang tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực này.

Hàn Quốc đã thiết lập một nhiệm vụ đổi mới mang tên “Quốc gia khởi nghiệp dẫn đầu đổi mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4” và lên kế hoạch chi tiết, tạo ra một quốc gia khởi nghiệp đổi mới để đối ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. “Ủy ban Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” có chức năng là một nền tảng chiến lược để chuẩn bị cho tương lai của đất nước bằng cách tập trung tạo ra môi trường để giúp các công nghệ và dịch vụ mới của CNTT gia nhập thị trường trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cải cách các quy định và nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực và đầu tư chiến lược công nghiệp trong tương lai.

Hàn Quốc đã giành vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo được hãng tin Bloomberg (Mỹ) công bố vào năm 2020. Từ năm 2012, Hàn Quốc luôn nằm trong Top 3 trên bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo trong 9 năm liên tiếp. Chỉ số sáng tạo của từng quốc gia được tính toán theo 7 tiêu chuẩn nhất định của Bloomberg.