Lịch sử

Với sự bắt đầu mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18, chủ nghĩa tư bản phát triển ở phương Tây và các tập đoàn lớn đã ra đời. Các quốc gia châu Âu mở rộng thuộc địa ở châu Á và châu Phi. Vào giữa thế kỷ 19, các thế lực phương Tây đã bắt nhà Thanh Trung Quốc và Nhật Bản mở cửa và sau đó yêu cầu tương tự với Joseon, nhưng Joseon đã từ chối và đẩy lùi các cuộc tấn công hải quân của quân Pháp vào năm 1866 và của quân Mỹ năm 1871.

Ngay cả sau đó, áp lực vẫn không dừng lại. Vào năm 1875, Nhật Bản đã phái chiến hạm Unyo tấn công đảo Ganghwado và Yeongjongdo, yêu cầu Joseon mở cửa thông thương nước ngoài. Cuối cùng, dưới áp lực của nhà Thanh và Nhật Bản, vào một năm sau, tức năm 1876, Hiệp ước đảo Ganghwado được ký kết. Hiệp ước này, thường được gọi là Hiệp ước đảo Ganghwado, là một hiệp ước bất bình đẳng chỉ thừa nhận quyền lợi của Nhật Bản dưới sự đe dọa quân sự.

Kể từ đó các cường quốc đế quốc, trong đó có Nhật, đã tranh cướp tài nguyên của Joseon. Vào năm 1897, Joseon đã đổi tên thành "Đại Hàn Đế Quốc" và thúc đẩy giáo dục và công nghiệp, nhưng điều đó là không đủ. Nhật Bản đã sớm giành nhiều chiến thắng trọng yếu trong cuộc chiến với nhà Thanh Trung Quốc và Nga, nổi lên là một cường quốc ở Đông Bắc Á. Nhiều người dân yêu nước của Hàn Quốc, tiêu biểu như nhà cách mạng Ahn Junggeun đã hy sinh thân mình để chống lại sự thôn tính đó nhưng tất cả đều không thành công. Vào tháng 8 năm 1910, Đại Hàn Đế Quốc chính thức trở thành thuộc địa của Nhật.

Trong suốt thời kỳ thuộc địa, Nhật Bản đã bóc lột tài nguyên Joseon, cấm sử dụng tiếng Hàn, cấm viết chữ Hangeul, thậm chí còn bắt người Hàn Quốc đổi họ thành họ Nhật Bản và bắt người Hàn Quốc đi lính, cưỡng chế lao động. Tuy nhiên, tinh thần phản kháng và đấu tranh đòi độc lập của người Hàn Quốc vẫn được bền bỉ duy trì ở trong và ngoài nước. Ở trong nước, các tổ chức bí mật như Bộ nghĩa quân độc lập, Tổ chức khôi phục quốc quyền Joseon, Tổ chức Đại Hàn Quang Phục… được thành lập để hoạt động chống lại quân Nhật. Những nhà yêu nước cũng thành lập những căn cứ cho phong trào độc lập ở Trung Quốc, Nga và Mỹ. Ngoài ra, họ đã triển khai các cuộc biểu tình đòi độc lập một cách hòa bình chưa từng có trên thế giới.

Vào ngày 1/3/1919, các lãnh đạo Hàn Quốc đã công bố Tuyên ngôn độc lập. Các sinh viên và dân thường tụ tập cùng nhau tiến hành biểu tình đòi độc lập trên khắp các đường phố. Phong trào này lan rộng đến Mãn Châu, các tỉnh duyên hải của Siberia, Mỹ, châu Âu và thậm chí là Nhật Bản. Sau phong trào độc lập ngày 1/3/1919, chính phủ Hansung được thành lập tại Seoul, hội đồng nhân dân Đại Hàn tại các tỉnh duyên hải của Siberia và chính phủ lâm thời của Đại Hàn Hàn Quốc đã được thành lập tại Thượng Hải. Đặc biệt, chính phủ lâm thời là chính phủ dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc với hiến pháp hiện đại và hệ thống tam quyền phân lập.

Cùng với điều này, một cuộc chiến tranh giành độc lập vũ trang toàn diện đã nổ ra, khoảng 30 đơn vị quân đội độc lập đã hoạt động tại Mãn Châu và các tỉnh duyên hải Siberia vào những năm 1920. Vào tháng 6 năm 1920, chiến tranh độc lập Hàn Quốc do Hong Beom-do chỉ huy đã đánh bại quân đội Nhật Bản tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Tháng 10 năm 1920, đội quân cảm tử do Kim Jwa-jin dẫn đầu đã giành chiến thắng tuyệt vời trước quân đội Nhật Bản ở huyện Helongxian, Mãn Châu. Người Hàn Quốc gọi đây là trận chiến Cheongsalli.

Năm 1940, chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc đã thành lập quân giải phóng Hàn Quốc ở Trùng Khánh, Trung Quốc, tập hợp nhiều đoàn chiến sĩ độc lập hoạt động rải rác khắp nơi ở Mãn Châu. Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc đã tuyên bố chiến tranh chống lại Nhật Bản và cử các đội quân tới các mặt trận ở Ấn Độ và Myanmar để chiến đấu theo phe đồng minh. Một số chiến sĩ Hàn Quốc trẻ tuổi đã được đào tạo đặc biệt từ các đơn vị quân đội đặc nhiệm của Mỹ để trang bị các kiến thức và năng lực chống lại quân Nhật ở Hàn Quốc. Vào ngày 15/8/1945, sau quá trình đấu tranh đòi độc lập không ngừng nghỉ của quân dân Hàn Quốc và chiến thắng của phe đồng minh trong Thế chiến thứ II, Hàn Quốc cuối cùng cũng đã giành độc lập. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên đã bị chia thành Nam và Bắc Triều Tiên khi quân đội Mỹ đóng quân ở phía Nam và Liên Xô đóng quân ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên lấy ranh giới là vĩ độ 38 để giải giáp quân đội Nhật Bản.