Lễ hội văn hóa lăng mộ hoàng gia Joseon
Trong trung tâm thành phố Seoul vẫn còn bảo tồn các cung điện cổ và lăng mộ hoàng gia, nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa của triều đại Joseon. Cung điện cổ đã mở rộng cánh cổng, trở thành địa điểm nổi tiếng để người dân trải nghiệm văn hóa và du lịch. Đặc biệt, nhiều chương trình lễ hội khác nhau được tổ chức vào mùa thu nên nơi đây rất thích hợp để trải nghiệm vẻ đẹp và không khí của mùa thu.
Có 40 lăng mộ hoàng gia của các vị vua trị vì trong suốt 500 năm lịch sử triều đại Joseon ở trung tâm thành phố Seoul và khu vực cận thủ đô. Lăng mộ hoàng gia có giá trị lịch sử nổi bật nên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2009, khiến cho nơi đây nhận được sự quan tâm của người dân trên khắp thế giới.
Vào tháng 10 hàng năm, Ban quản lý di tích cung điện và lăng mộ hoàng gia trực thuộc Cục Quản lý di sản văn hóa Hàn Quốc và Quỹ di sản văn hóa Hàn Quốc mở cửa 9 lăng mộ hoàng gia nằm trong Seoul (lăng Donggureung, lăng Seooreung, lăng Seonjeongneung, lăng Sejong Đại đế, lăng Yoonggenneung, lăng Uireung, lăng Taegangneung, lăng Heoninneung, lăng Hongyooreung) và tổ chức "Lễ hội văn hóa lăng mộ hoàng gia thời đại Joseon" với nhiều sự kiện đa dạng. Ngoài việc cung cấp thông tin về các lăng mộ hoàng gia, lễ hội còn là dịp giúp người xem suy ngẫm lại ý nghĩa của các lăng mộ hoàng gia thông qua các tiết mục trình chiếu 3D, trình diễn máy bay không người lái và các tiết mục biểu diễn tích hợp với nội dung về nhà vua.
Trải nghiệm ngắm cảnh đêm ở cung Gyeongbokgung là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu của Hàn Quốc.
Tour tham quan cung điện cổ về đêm
Tour tham quan cung điện cổ, một phần không thể thiếu khi du lịch Hàn Quốc, cho du khách cảm nhận rõ rệt sự khác biệt giữa ban ngày và ban đêm. Vào ban ngày, khách du lịch đến cố cung để trải nghiệm bầu không khí tĩnh mịch và thanh vắng. Nhưng khi màn đêm buông xuống, cung điện cổ khoác lên mình một diện mạo mới. Ánh sáng dịu nhẹ và âm thanh huyền bí tạo nên nét sức cuốn hút khác hoàn toàn ban ngày. Các cung điện cổ được biết đến thông qua mạng xã hội và đang nổi lên như một địa điểm du lịch mới về đêm.
Những cung điện cổ mở cửa vào ban đêm bao gồm 4 cung điện ở Seoul (cung Gyeongbokgung, cung Changdeokgung, cung Changgyeonggung, cung Deoksugung) và cung Hwaseong Haenggung ở thành phố Suwon. Mỗi cung điện cổ đều có một chương trình tham quan riêng, du khách có thể tham quan sau khi đặt chỗ trên website.
Lăng Donggureung cùng với lăng Taegangneung, lăng Sejongdaewang, lăng Hongyureung, lăng Seonjeongneung và lăng Seooreung tạo thành "Khu rừng lăng mộ hoàng gia" đem lại những trải nghiệm cho du khách về cả giá trị nhân văn cũng như những nét đẹp tự nhiên. Dưới ánh trăng, du khách sẽ có lúc cảm thấy như thể mình là vua và hoàng hậu. Đến với chương trình trải nghiệm "Chuyến tham quan đêm lăng mộ hoàng gia" được tổ chức tại Lăng Hongyureung và Lăng Heoninneung, du khách có dịp cầm chiếc đèn lồng nhỏ dạo quanh các lăng mộ hoàng gia và trải nghiệm cuộc sống của các vị vua ngày xưa.
Cung điện Changdeokgung trở nên lộng lẫy hơn vào ban đêm dưới ánh trăng và những ánh đèn rực rỡ.
Pungsokdo (Tranh miêu tả phong tục đời thường)
Du khách có thể chiêm ngưỡng cung điện thông qua Metaverse (không gian ảo) mà không cần đến trực tiếp. "Pungsokdo" được lấy cảm hứng từ Metaverse, không gian hoạt động chính của thế hệ MZ. Đây là một chương trình dựa trên Metaverse mà du khách có thể tận hưởng cung điện trong tạo hình nhân vật của riêng mình tại cung điện ảo. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2021, chương trình này đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của thế hệ MZ, với 330.000 người tham gia trong một năm. Điểm độc đáo của chương trình này là trong khi vừa du ngoạn cung điện xuyên thời gian và không gian, du khách có thể khởi dậy cảm hứng sáng tạo tiểm ẩn của bản thân, phát triển một nhân vật có cá tính của riêng mình.
Làng cổ Hanok
Ở Hàn Quốc có những ngôi làng cổ Hanok với các hình thái đa dạng. Làng cổ Hanok ở Bukchon và làng cổ Hanok ở Namsangol nằm ngay giữa thủ đô Seoul, xen giữa những tòa nhà lớn trong thành phố, đem lại cho du khách một cảm nhận sống động về vẻ đẹp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại. Simsimheon (tên một ngôi nhà cổ) nằm ở làng Bukchon kết hợp cùng quỹ National Trust Hàn Quốc chỉ mở cửa cho du khách tham quan vào cuối tuần. Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ Hanok hình chữ giyeok (ㄱ) với gian nhà Numaru, Daecheongmaru mà còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu vực Jongno. Làng cổ Hanok ở Jeonju, ngôi làng Hanok lớn nhất Hàn Quốc, với 625 ngôi nhà mái ngói cổ cùng tồn tại song song với những ngôi nhà Hanok thời nay mang hơi hướng hiện đại. Nơi đây rất được yêu thích bởi nó không chỉ là một sản phẩm văn hóa cho du khách thăm quan, mà đến đây, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm truyền thống như nghi lễ trà đạo và học cách làm đồ thủ công mĩ nghệ từ Hanji (giấy truyền thống của Hàn Quốc) trong một không gian truyền thống.
Ngoài ra, đến với làng Hanok Gongju ở Chungcheongnam-do, làng Hanok Ojukheon ở Gangneung, Gangwon-do và làng Hanok Gurim ở Yeongam, Jeollanam-do, tuy mộc mạc hơn làng Hanok Jeonju nhưng cũng là những nơi đem lại cho du khách những trải nghiêm văn hoá Hàn Quốc phong phú, thú vị. Mặc dù không phải là ngôi làng có nhiều nhà truyền thống Hanok, nhưng khu điền trang Seongyojang tại thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon-do, cũng là nơi du khách có thể trực tiếp trải nghiệm nhà cổ Hanok truyền thống. Khu điền trang được xây dựng bởi tầng lớp thượng lưu của triều đại Joseon, Seongyojang đã được bảo tồn nguyên vẹn hơn 300 năm và thế hệ con cháu của các gia tộc này hiện vẫn sống ở đây.
Cổng Sungnyemun và chợ Namdaemun
Là cổng chính phía nam của thành cổ Seoul, thường được gọi là Namdaemun nhưng tên gọi vốn có của nó là "Sungnyemun". Đây là cổng thành lớn nhất hiện còn tồn tại ở Hàn Quốc. Cổng này đã bị hư hại nghiêm trọng trong một vụ hỏa hoạn vào năm 2008, nhưng sau quá trình trùng tu đã khôi phục lại được hình dáng ban đầu.
Chợ Namdaemun nằm phía đông Sungnyemun. Đây là một địa điểm nổi tiếng, nhiều khách mua sắm và du lịch ghé thăm để tham quan, mua sắm những món đồ bày bán và trải nghiệm ẩm thực đa dạng. Du khách có thể mua nhiều loại sản phẩm bao gồm quần áo, đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng và nhu yếu phẩm hàng ngày với giá cả phải chăng, đồng thời nơi đây cũng nổi tiếng với các con hẻm ẩm thực như hẻm cá hố kho và hẻm Kalguksu (mỳ cắt của Hàn Quốc).
Cổng Sungnyemun
Thành Seoul là bức tường thành được xây dựng từ xa xưa để bảo vệ Hanseongbu, nơi có các công trình quan trọng của quốc gia, và cổng Sungnyemun có ý nghĩa là "cánh cửa coi trọng lễ nghĩa".
Cổng Heunginjimun và chợ Dongdaemun
Đây là cổng phía Đông của Seoul ngày xưa, người dân hiện nay thường gọi là Dongdaemun, nhưng tên gọi ban đầu của nó là "Heunginjimun". Gần cổng có một khu vực buôn bán lớn được gọi chung là chợ Dongdaemun.
Chợ Dongdaemun là tên gọi chung cho các chợ Gwangjang, chợ Pyeonghwa, chợ Shinpyeonghwa và chợ bách hóa Dongdaemun. Vì nơi đây chủ yếu bày bán các sản phẩm may mặc nên mọi người chuyển sang gọi đây là khu "Thời trang Dongdaemun". Ngoài ra, việc kinh doanh không chỉ diễn ra vào ban ngày, chợ còn hoạt động dưới hình thức chợ đầu mối vào ban đêm, tạo ra xu hướng văn hoá tiêu dùng thời trang mới và góp phần rất lớn vào việc phát triển khu chợ.
Năm 2014, Dongdaemun Design Plaza (DDP), tòa nhà với thiết kế phi định hình lớn nhất thế giới đã được khai trương gần Chợ Dongdaemun và trở thành một điểm thu hút mới. Với thiết kế hướng tới tương lai của Dongdaemun Design Plaza, nét giản dị và bình dân của Chợ Dongdaemun đã trở nên hiện đại, nhờ đó, mở rộng đối tượng người tiêu dùng chính sang cả giới trẻ và người nước ngoài.
Cổng Heunginjimun
Heunginjimun là cổng duy nhất trong số 8 cổng của Thành Seoul được bảo vệ bởi Ongseong (một bức tường hình bán nguyệt).
Quảng trường Gwanghwamun
Quảng trường Gwanghwamun trở lại với người dân thành phố sau khi kết thúc tu sửa vào tháng 8 năm 2022. Quảng trường Gwanghwamun, nơi cấm các phương tiện giao thông đi lại phía Trung tâm Văn hóa Sejong để mọi người có thể đi bộ tự do, tự hào với không gian lịch sử lâu đời, cho phép du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh từ tượng tướng quân Yi-Sun-Sin, tượng vua Sejong, cổng Gwanghwamun, cung Gyeongbokgung đến núi Bukak.
Ngay trước khi thay đổi, việc tiếp cận quảng trường Gwanghwamun của người dân không hề dễ dàng vì nó được đặt ở vị trí chính giữa với hai làn đường di chuyển của các phương tiện giao thông ở hai bên. Bằng cách chuyển làn đường di chuyển của các phương tiện giao thông sang một bên, người dân có thể tự do đi lại từ con đường phía trước Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong đến quảng trường Gwanghwamun. Từ sau khi quảng trường Gwanghwamun được làm mới, thời gian dừng chân của du khách đến quảng trường lâu hơn trước đây. Lượng du khách ngồi nghỉ chân trên bậc đá trước Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong hoặc ngồi trên những băng ghế đặt ở quảng trường và chuyện trò cùng với bạn bè ngày càng tăng. Du khách nước ngoài thường chọn Quảng trường Gwanghwamun làm điểm khởi đầu cho chuyến đi bởi sự thuận tiện cho việc di chuyển đến nhiều địa điểm du lịch khác, bởi vậy, nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn của Seoul cả về tên gọi lẫn thực tế.
Quảng trường Gwanghwamun
Con đường phía trước Gwanghwamun là không gian trung tâm quan trọng nhất để mọi người tụ tập, gặp gỡ và trao đổi tin tức, ý kiến.
Khu đất phường Songhyeondong
Khu đất phường Songhyeondong nằm ở quận Jongno-gu, Seoul đã được trả lại cho người dân thành phố sau 100 năm. Khu đất phường Songhyeondongtự hào với quy môlớn gấp 3 lần quảng trường Seoul (37.117 ㎡). Sau khi đất nước được giải phóng, khu đất này được sử dụng làm khu nhà ở của Đại sứ quán Mĩ. Nơi đây được bao quanh bởi những bức tường cao khiến người dân không thể nhìn vào bên trong. Vào cuối năm 1990, khi khu nhà ở của Đại sứ quán đã được chuyển sang nơi khác, khu đất này bị bỏ lại làm bãi đất trống. Vào tháng 10 năm 2022, bức tường cao 4 m bao quanh khu vực này đã được hạ xuống còn 1,2 m cho phép người dân dễ dàng ngắm nhìn toàn cảnh khu vực này.
Ga Văn hóa Seoul 284 & Phố Seoullo 7017
Ga Văn hóa Seoul 284 là công trình cải tạo từ nhà ga Seoul cũ trở thành không gian văn hóa nghệ thuật phức hợp. Để ghi lại dấu ấn lịch sử là nhà ga đường sắt lâu đời nhất của Hàn Quốc, người ta giữ nguyên diện mạo như khi nó được đưa vào hoạt động năm 1925 và mở cửa cho công chúng thăm quan như một không gian văn hóa.
Phố Seoullo 7017 là công trình được cải tạo từ cầu vượt ga Seoul đã xuống cấp. Thay vì bị phá bỏ, khu vực này được làm thành đường đi bộ. Đoạn đường dài 1,5 km từ Malli-dong 1-ga đến ga Hoehyeon đã trở thành con đường đi bộ tràn ngập cây và hoa. Trong tên phố 7017, 70 có ý nghĩa là năm xây dựng của cầu vượt ga Seoul (năm 1970), còn 17 có nghĩa là năm khai trương phố đi bộ này (năm 2017). Du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh các địa điểm lịch sử của Seoul, bao gồm ga văn hóa Seoul 284, Namdaemun và ga Seoul.
Bảo tàng & Phòng triển lãm mỹ thuật
Bảo tàng và Phòng triển lãm mĩ thuật là nơi cho ta hiểu rõ về văn hóa và lịch sử của một quốc gia đồng thời, cũng là thước đo để đo trình độ văn hóa của quốc gia ấy. Đây cũng là lý do tại sao du khách thường ghé thăm các viện bảo tàng và phòng triển lãm mỹ thuật đầu tiên tại mỗi quốc gia họ tới.
Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Hàn Quốc cũng đóng vai trò cung cấp các kiến thức lịch sử và mang lại niềm vui khi thưởng thức các giá trị văn hóa nghệ thuật cho người dân.
Tính đến năm 2022, có tổng cộng 1.171 bảo tàng và phòng triển lãm mỹ thuật ở 17 tỉnh, thành phố tại Hàn Quốc (52 bảo tàng và phòng triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia, 462 bảo tàng và phòng triển lãm mỹ thuật công lập, 537 bảo tàng và phòng triển lãm mỹ thuật tư nhân và 120 bảo tàng và phòng triển lãm mỹ thuật tại trường đại học).
Mỗi bảo tàng và phòng triển lãm mỹ thuật đều có những hiện vật và tư liệu khác nhau nên du khách có thể lựa chọn để tận hưởng những giá trị văn hóa khác nhau.
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở cửa vào năm 1945 và chuyển tới địa điểm hiện tại ở Seobinggo-ro, Yongsan-gu, Seoul vào tháng 10 năm 2005. Nơi đây lưu giữ hơn 400.000 hiện vật trên diện tích gần 300.000 ㎡. Bảo tàng có một tầng hầm và sáu tầng trên mặt đất, bao gồm phòng lưu trữ, phòng triển lãm, không gian nghiên cứu và các cơ sở tiện ích để lưu trữ an toàn các tài sản văn hóa có giá trị.
Phòng triển lãm tiêu biểu nhất là
, nơi trưng bày song song hai bức tượng Phật Bangasayusang, đây là bảo vật quốc gia được làm vào thời kì Tam Quốc (cuối thế kỉ 6 đến đầu thế kỉ 7). Với kỹ thuật đúc tuyệt vời, tượng Phật trong tư thế suy ngẫm đã được thể hiện một cách sống động, lộng lẫy và trang nghiêm, tượng trưng cho sự thống khổ sâu sắc và giác ngộ về sinh lão bệnh tử của con người.
Dọc hai bên con đường lịch sử - lối đi chính của phòng trưng bày thường xuyên là phòng triển lãm thời tiền sử và cổ đại, phòng triển lãm thời kỳ trung cổ và cận đại, phòng triển lãm các tác phẩm được quyên tặng, phòng triển lãm thư pháp và hội họa, phòng triển lãm các tác phẩm điêu khắc và thủ công mĩ nghệ và phòng triển lãm văn hóa thế giới. Để xem tất cả các hiện vật sẽ phải mất hơn một tuần, do đó nên chia thời gian ra để tham quan từng phòng trưng bày.
Hiện vật tiêu biểu gồm có tượng Phật Bangasayusang, đồ đồng xanh thể hiện văn hóa nông nghiệp, vương miện và thắt lưng vàng thời Silla, tượng Phật Tam Thế bằng đồng mạ vàng, Tháp đá mười tầng của chùa Gyeongcheonsa, gốm sứ xanh Goryeo, chum gốm sứ trắng.
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
Du khách có thể thăm quan 6 phòng triển lãm cố định được trưng bày theo thời đại và chủ đề, một phòng triển lãm đặc biệt trưng bày nhiều nội dung đa dạng khác nhau, bảo tàng dành cho trẻ em nơi trẻ có thể vui chơi và học hỏi bằng cả năm giác quan và các nội dung thực tế sử dụng công nghệ hiện đại.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia là bảo tàng mĩ thuật quốc gia duy nhất ở Hàn Quốc lưu trữ các tác phẩm mĩ thuật đương đại của các nghệ sĩ Hàn Quốc và nước ngoài có giá trị lịch sử mĩ thuật và nghệ thuật cao. Trên cơ sở đó, bảo tàng tổ chức nhiều buổi triển lãm cố định cũng như triển lãm đặc biệt. Kể từ sau khi mở cửa lần đầu tiên vào năm 1969, Bảo tàng hiện đang hoạt động 4 chi nhánh gồm chi nhánh Gwacheon được xây mới vào năm 1986, chi nhánh Deoksugung vào năm 1988, chi nhánh Seoul vào năm 2013, chi nhánh Cheongju vào năm 2018 và dự kiến khai trương chi nhánh Daejeon vào năm 2026.
Chi nhánh Seoul là nơi đại diện cho mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc và cũng là bảo tàng mỹ thuật hiện đại tổng hợp của thời đại đó. Ngoài các cuộc triển lãm, nơi đây còn tổ chức nhiều chương trình khác nhau như biểu diễn, hội nghị chuyên đề, chiếu phim nghệ thuật và đào tạo trải nghiệm. Chi nhánh Deoksugung là bảo tàng mỹ thuật cận đại, tập trung vào mỹ thuật thời kỳ cận đại của Hàn Quốc vào những năm năm từ 1900 đến 1950. Nơi đây cũng tổ chức trưng bày các triển lãm cá nhân của các tác giả cận đại của Hàn Quốc cũng như các triển lãm đặc biệt thuộc nhiều thể loại và chủ đề khác nhau. Bảo tàng Gwacheon là một bảo tàng nghệ thuật hướng đến gia đình, định hướng nghiên cứu, mở rộng tầm nhìn về lịch sử nghệ thuật từ kiến trúc, thủ công, tranh in và thiết kế, đồng thời củng cố vị thế bảo tàng nghệ thuật dành cho trẻ em. Chi nhánh Gwacheon, nơi trưng bày cố định tác phẩm "Đa đa ích thiện" của nghệ sĩ truyền thông nổi tiếng thế giới Paik Nam June. Hoạt động trưng bày từng bị gián đoạn do màn hình cũ, đã được tiếp tục khai thác vào tháng 9 năm 2022 sau 3 năm bảo tồn và phục hồi. Đây được coi là một ví dụ đầy ý nghĩa về việc bảo tồn và phục hồi không chỉ các tác phẩm của Paik Nam June mà còn của giới truyền thông nghệ thuật toàn thế giới. Chi nhánh Cheongju được vận hành theo mô hình kho lưu trữ đầu tiên của Hàn Quốc. Nơi đây vừa là không gian sưu tầm và lữu trữ các tác phẩm của cơ quan chuyên ngành vừa là một không gian trưng bày mở cho phép du khách được tham quan trực tiếp các hiện vật trong kho lưu trữ, ngoài ra du khách cũng sẽ được tham quan phòng khoa học phục vụ công tác bảo tồn, chiêm ngưỡng các tác phẩm mỹ thuật trong kho lưu trữ qua khung cửa kính.
Bảo tàng Quốc gia Hangeul
Trong thời gian qua, hiếm có chữ cái nào nhận được sự quan tâm và yêu thích của nhiều người trên thế giới như Hangeul. Các khóa học Hangeul được mở trên toàn thế giới, rất nhiều người muốn học Hangeul, cũng như rất nhiều người nước ngoài đến Hàn Quốc và theo học tại các trung tâm tiếng Hàn.
Bảo tàng Quốc gia Hangeul tọa lạc tại Yongsan-gu, Seoul, đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc triển lãm để giới thiệu Hangeul theo nhiều cách khác nhau tới công chúng. Đặc biệt, Bảo tàng liên tục triển lãm các nội dung làm nổi bật tính vượt trội và vẻ đẹp của Hangeul cùng với những người làm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại khác nhau bao gồm nghệ thuật thị giác, nghệ thuật thủ công mỹ nghệ, nhà thiết kế thời trang.
Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu trữ nhiều tài liệu khác nhau trưng bày lịch sử của Hangeul, bao gồm "Bức thư do vua Jeongjo viết bằng Hangeul", "Bức thư của gia đình công chúa Deokon" cho thấy việc sử dụng Hangeul của hoàng thất, "Cheongguyeongeon", một tuyển tập lời bài hát từ cuối triều đại Joseon và bản thảo "Malmoi" do thầy Ju Si Gyeong và học trò viết để biên soạn từ điển tiếng Hàn Quốc.
Bảo tàng Quốc gia Hangeul
Bảo tàng tổ chức các buổi triển lãm, cung cấp những trải nghiệm và cơ hội học hỏi nhằm đánh thức lịch sử, giá trị và tính vượt trội của Hangeul, di sản văn hóa tiêu biểu của Hàn Quốc.
Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul
"Thủ công mỹ nghệ" vốn có nghĩa là những đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày, nhưng trong thời hiện đại, chúng được coi là một phần của nghệ thuật vì chúng không chỉ có chức năng của một công cụ mà còn mang trong mình những chức năng thể hiện tính thẩm mỹ của dụng cụ.
Một điểm đến giúp du khách cảm nhận vẻ đẹp thẩm mĩ chứa đựng bên trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của dân tộc Hàn là Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul được khai trương vào tháng 7 năm 2021 tại Anguk-dong, Jongno-gu, Seoul. Nơi đây lưu giữ khoảng hơn 20.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bao gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như khảm xà cừ, jogakbo (vải ghép từ các mảnh vải nhỏ), đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre và maedeup (nút thắt), cũng như các tác phẩm của các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ hiện đại. Ngoài ra, Bảo tàng còn có các tài liệu và kho lưu trữ liên quan đến thủ công mỹ nghệ cho du khách tìm hiểu sâu hơn về thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc.
Tại Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul, các cuộc triển lãm thường xuyên được tổ chức miễn phí cùng nhiều chương trình trải nghiệm đồ thủ công, cho phép du khách cảm nhận đồ thủ công mĩ nghệ một cách gần gũi hơn. Du khách có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về những chương trình này trên trang web của Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Seoul.
Bảo tàng Nghệ thuật Leeum
Bảo tàng Nghệ thuật Leeum là một bảo tàng mỹ thuật tư nhân do Quỹ Văn hóa Samsung điều hành. Tên gọi của bảo tàng là sự kết hợp giữa "Lee" trong họ tên của nhà sáng lập tập đoàn Samsung, Chủ tịch Lee Byung Cheol và "um" trong Museum (bảo tàng).
Bảo tàng là nơi ghi lại những dấu ấn của nhà sáng lập tập đoàn Lee Byeong Cheol và cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, những người dành tình yêu mến đặc biệt với các tác phẩm mĩ thuật và cổ vật. Nơi đây đang lưu giữ 36 quốc bảo và 96 bảo vật.
Kiến trúc của bảo tàng là tác phẩm thiết kế của ba nhà kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới là Rem Koolhas, Mario Botta và Jean Nouvel. Ba phong cách trong bảo tàng được kết nối với nhau một cách mật thiết.
Tại mỗi không gian triển lãm, du khách có thể thưởng thức nhiều tác phẩm đa dạng, từ mĩ thuật cổ đại như các hiện vật thời đồ đồng, thời Tam Quốc, gốm xanh Goryeo và tranh Phật giáo đến tác phẩm của các bậc thầy mĩ thuật hiện đại như Park Seo Bo, Anish Kapoor và Damien Hirst.
Phòng tranh Lee Woo Hwan
Trong số các nhà mỹ thuật của Hàn Quốc ở thế kỉ 20, nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới là Video Artist (nghệ sĩ thu và phát hình ảnh động) Paik Nam June. Dựa trên triết lý sáng tác độc đáo của mình, ông đã tạo ra một thể loại mới gọi là Video Art (nghệ thuật thu và phát hình ảnh động), để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật thế giới.
Bước sang thế kỉ 21, tranh đơn sắc nhanh chóng nổi lên như loại hình mĩ thuật tiêu biểu của Hàn Quốc và các họa sĩ trừu tượng như Park Seo Bo, Ha Jong Hyun, Lee Woo Hwan nhận được rất nhiều sự quan tâm chú ý từ những người yêu mỹ thuật trên toàn thế giới.
Tháng 4 năm 2022, Phòng tranh Lee Woo Hwan đã tổ chức trưng bày tại một dinh thự có kiến trúc của thế kỷ 16-18, ở Arles, Pháp, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của tác giả Lee Woo Hwan tới khán giả châu Âu. Đây là lần thứ hai Phòng tranh Lee Woo Hwan được mở cửa ở nước ngoài. Năm 2010, Phòng tranh Lee Woo Hwan mở cửa lần đầu tiên trên đảo Naoshima, Nhật Bản. Phòng tranh Lee Woo Hwan trên đảo Naoshima được xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật là Tadao Ando. Sau đó, Phòng tranh Busan đã dành riêng một không gian cho các tác phẩm của Lee Woo Hwan vào năm 2015.
Frieze Art Fair (Hội chợ nghệ thuật Frieze) du nhập vào Hàn Quốc
K - Art (nghệ thuật Hàn Quốc) ngày càng được yêu chuộng khiến thị trường mỹ thuật Hàn Quốc ngày một thu hút sự chú ý từ thị trường mỹ thuật toàn cầu về cả sức mua lẫn sức lan tỏa.
Khi quy mô của thị trường mỹ thuật trong nước ngày càng tăng, Frieze - hội chợ triển lãm mỹ thuật nổi tiếng thế giới đã tạo ra sức mạnh tổng hợp bằng cách tổ chức triển lãm cùng với KIAF - hội chợ triển lãm mỹ thuật lớn nhất Hàn Quốc, tại Seoul vào tháng 9 năm 2022. Frieze chọn Seoul để tiến vào đầu tiên chứ không phải Hồng Kông hay Nhật Bản là một minh chứng chứng tỏ thị trường mỹ thuật Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một địa điểm trọng yếu ở châu Á.
Sự phục hưng của K-Classic (nhạc cổ điển Hàn Quốc), Lim Yun Chan
Nghệ sĩ piano Lim Yun Chan (18 tuổi) đã giành chiến thắng tại Cuộc thi piano quốc tế Van Cliburn - một cuộc thi piano đẳng cấp thế giới vào ngày 18 tháng 6 năm 2022. Anh lập kỷ lục là người chiến thắng trẻ nhất trong lịch sử 60 năm của cuộc thi này. Trước đó, danh hiệu trẻ nhất thuộc về Zhang Hao Chen của Trung Quốc năm 2009 và Christina 08. Ortiz năm 1969. Các nghệ sĩ này đều giành chiến thắng vào lúc 19 tuổi. Những nghệ sĩ piano đã vươn lên hàng ngũ nghệ sĩ bậc thầy đẳng cấp thế giới sau khi vô địch Cuộc thi Van Cliburn - cuộc thi âm nhạc lớn nhất Bắc Mĩ có thể kể đến Radu Lupu (năm 1966), Alexei Sultanov (năm 1989), và Olga Kern (năm 2001).
Cùng với nghệ sĩ piano Cho Seong Jin, người đang tích cực hoạt động trên sân khấu thế giới sau khi giành chiến thắng trong Cuộc thi Piano Quốc tế Chopin lần thứ 17 năm 2015, sự xuất hiện của Lim Yun Chan đã giúp Hàn Quốc khẳng định vị thế quan trọng trong làng nhạc cổ điển.
Nghệ sĩ Piano Lim Yun Chan
Nổi lên từ chiến thắng trong Cuộc thi Piano Quốc tế Van Cliburn, nghệ sĩ Piano Lim Yun Chan đã có cơ hội đi lưu diễn vòng quanh thế giới trong 3 năm. Vào năm 2023, anh sẽ lên đường bắt đầu chuyến lưu diễn đến Mĩ và Châu Âu, bao gồm New York, London và Paris,...
Baritone (Ca sĩ hát giọng nam trung) Kim Gi Hoon
Baritone Kim Gi Hoon đã thể hiện tài năng của mình và gặt hái được những kết quả nổi trội trên sâu khấu quốc tế. Vào tháng 6 năm 2021, Kim Ki Hoon trở thành người Hàn Quốc đầu tiên đứng thứ nhất trong hạng mục Aria tại cuộc thi "BBC Cardiff Singer of the World 2021". Trước đó, anh vẫn đều đặn thể hiện tài năng xuất sắc của mình thông qua các giải thưởng như giải nhì hạng mục Thanh nhạc nam tại Cuộc thi Tchaikovsky năm 2019 và giải nhì tại cuộc thi Operalia năm 2019 (cuộc thi giọng hát quốc tế Domingo).
Cuộc thi "BBC Cardiff Singer of the World", được Đài BBC Anh phát sóng trực tiếp, là cuộc thi cho ra đời 3 Baritone hàng đầu thế giới, trong đó có Bryn Terfel và Dmitry Hvorostovsky.
Sức mạnh của Hangeul – Học viện King Sejong
K - contents (Nội dung truyền thông Hàn Quốc) đang dần trở nên thịnh hành trên toàn cầu khiến số lượng những người nước ngoài muốn học tiếng Hàn cũng ngày càng tăng. Theo khảo sát của Quỹ Học viện King Sejong, số lượng người nước ngoài học tiếng Hàn tại Học viện King Sejong được thành lập ở các quốc gia nước ngoài đang không ngừng tăng lên từ 72.713 người vào năm 2019 lên 76.528 người vào năm 2020 và 81.476 vào năm 2021. Số lượng Học viện King Sejong cũng đã tăng lên từ 180 cơ sở tại 60 quốc gia vào năm 2019 lên 213 cơ sở tại 78 quốc gia vào năm 2020 và 234 cơ sở tại 82 quốc gia vào năm 2021. Quỹ Học viện King Sejong đã phân tích và cho ra kết luận rằng việc số lượng người nước ngoài muốn học tiếng Hàn tăng lên một cách đều đặn như vậy là nhờ sức hút của K-contents trên toàn cầu, cụ thể, nguồn cảm xúc xuất phát từ những nội dung đã dẫn đến nhu cầu học ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc.
Vào năm 2022, Học viện King Sejong đã được thành lập tại bảy quốc gia, bao gồm Nam Phi, Luxembourg, Bangladesh, Ả Rập Saudi, Kuwait, Tunisia và Phần Lan. Theo đó, tính đến năm 2022 số lượng Học viện King Sejong được thành lập ở nước ngoài đã tăng lên 244 cơ sở tại 84 quốc gia.