Xã hội

Ngày lễ

Sebae (New Year’s Bow)

Sebae (quỳ lạy chúc năm mới)
Người Hàn Quốc có truyền thống vào ngày đầu năm mới (ngày 1 tháng 1 âm lịch) con cháu sẽ quỳ lạy chúc mừng năm mới với người lớn trong gia đình.

Cho đến đầu thế kỷ 20, Hàn Quốc vẫn là một quốc gia nông nghiệp và chủ yếu sử dụng lịch âm. Theo đó, có nhiều ngày lễ liên quan đến việc nhà nông theo hệ thống lịch âm.

Tết Nguyên Đán là ngày 1 tháng 1 âm lịch, và là một trong những ngày lễ trọng đại nhất ở Hàn Quốc. Vào dịp Tết, người Hàn Quốc quây quần cùng cả gia đình, ăn món Tteokguk (canh bánh gạo) và tổ chức "Charye"  (nghi lễ thắp hương cúng tổ tiên đơn giản hơn nghi lễ cúng giỗ) để cúng tổ tiên.  Ngoài ra, người Hàn còn mặc áo mới gọi là "Seolbim", và "cúi lạy" những người lớn tuổi để chúc họ sống lâu. Người được cúi lạy sẽ phát tiền mừng tuổi cho trẻ em, và tiền này được gọi là Sebaetdon.

Ngày 15 tháng 1 âm lịch là ngày rằm tháng giêng, vào ngày này, người Hàn thường ăn cơm ngũ cốc với nhiều loại rau. Ngoài ra, họ cũng tổ chức nhiều trò chơi khác nhau để cầu nguyện cho sự hòa hợp trong khu vực và cầu cho mùa màng bội thu.



Ngày 15 tháng 8 là Tết Trung thu, và là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc cùng với Tết Nguyên đán. Nó còn được gọi là "Hangawi" (Rằm tháng Tám). Vào dịp Tết Trung thu, cả gia đình quây quần để cúng tổ tiên bằng ngũ cốc và trái cây tươi rồi cùng nhau thưởng thức món bánh Songpyeon.

Ngày lễ, ngày kỷ niệm

Vào những dịp đặc biệt như mừng trẻ tròn 100 ngày tuổi hay 1 năm tuổi cha mẹ Hàn Quốc sẽ tổ chức các buổi tiệc Baek-il (mừng 100 ngày tuổi) và Dol (tiệc thôi nôi) cho con của mình. Nghi thức Doljabi sẽ diễn ra trong tiệc thôi nôi, trong đó các đồ vật được đặt không theo thứ tự và em bé sẽ chọn lấy một món đồ, qua đó có thể dự đoán tương lai của em bé. Ví dụ, người ta đoán rằng nếu em bé lấy được một cuốn sách thì bé sẽ trở thành một học giả, còn nếu lấy được tiền thì bé sẽ trở thành một người giàu có.

Đám cưới thường được tổ chức hoành tráng với sự tham dự của gia đình, họ hàng, người quen. Trong quá khứ, chú rể cưỡi ngựa đến nhà cô dâu sau đó, đám cưới được diễn ra, cô dâu chú rể sẽ thực hiện nghi lễ giao bái với bàn cưới đặt ở giữa sân nhà cô dâu. Lúc này, chú rể mặc trang phục nghi lễ truyền thống là Samogwandae, và cô dâu mặc trang phục đại lễ cung đình như Hwarot hoặc Wonsam, trên đầu đội mũ miện nhỏ đính hoa như Hwagwan hoặc Jokduri.


Ngày nay, hầu hết chú rể mặc Tuxedo, cô dâu mặc váy cưới và tổ chức đám cưới theo phong cách phương Tây. Tuy nhiên phong tục "Pyebae" một nghi lễ mà chú rể và cô dâu mặc Hanbok chào bố mẹ chú rể một cách trân trọng và tục gửi đồ ăn "Ibaji" - những món ăn được nhà gái chu đáo chuẩn bị để đưa tới nhà trai là những phong tục truyền thống vẫn được duy trì cho đến ngày nay.


Người Hàn Quốc gọi sinh nhật thứ 61 gọi là "Tiệc mừng thọ lục tuần" và với ý nghĩa chúc cho sự trường thọ, thường tổ chức tiệc với quy mô lớn mời tất cả các thành viên của gia đình tới tham dự. Tuy nhiên, ngày nay tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc là hơn 80 tuổi, do đó tiệc mừng thọ lục tuần không còn được tổ chức linh đình như trước đây nữa mà thay vào đó họ mở tiệc lớn hơn vào dịp mừng thọ 70 tuổi.

Traditional Wedding

Traditional Wedding2

Đám cưới truyền thống
Lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc bắt đầu bằng việc chú rể mang lễ vật là đôi ngỗng bằng gỗ đến nhà cô dâu. Sau khi thực hiện nghi lễ giao bái, cô dâu và chú rể sẽ uống rượu giao bôi với ý nghĩa hai người đã thành vợ chồng. Người ta dùng đôi ngỗng bằng gỗ ở đây để thể hiện mong ước cô dâu và chú rể có cuộc sống vợ chồng hoà thuận, hạnh phúc như các cặp ngỗng trời.



Các ngày lễ, tết

Hàn Quốc có 5 ngày lễ quốc gia.  Ngày Samiljeol (Ngày lễ độc lập) là ngày kỷ niệm phong trào đấu tranh giành độc lập của toàn dân Hàn Quốc diễn ra một cách hoà bình vào ngày 1/3/1919 nhằm thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật. Ngày Jeheonjeol (Ngày Lập hiến) kỷ niệm việc bàn hành và công bố Hiến pháp nước Đại Hàn Dân Quốc vào ngày 17 tháng 7 năm 1948. Ngày Gwangbokjeol (Ngày Giải phóng) kỷ niệm ngày giải phóng đất nước thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật vào ngày 15 tháng 8 năm 1945. Ngày Gaecheonjeol (Ngày Lập quốc) là ngày kỷ niệm thành lập Gojoseon, quốc gia đầu tiên của Hàn Quốc vào ngày 3 tháng 10 năm 2333 trước công Nguyên. Hangeullal (Ngày hội chữ Hàn) là ngày kỷ niệm việc tạo và ban hành hệ thống chữ viết Hangeul vào ngày 9 tháng 10 năm 1446.


National Holidays



Tôn giáo

Tại Hàn Quốc, nhiều tôn giáo, bao gồm Tin lành, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Nho giáo, Viên Phật Giáo và Hồi Giáo cùng tồn tại một cách hòa bình. Khoảng 40% (43,9%, tính đến năm 2015) người Hàn Quốc là các tín đồ tôn giáo và dân số tôn giáo theo đạo Tin lành chiếm số lượng lớn nhất và lần lượt sau đó là Phật giáo và Công giáo.

Đạo tin lành du nhập vào Hàn Quốc từ những năm 1880 và lan rộng nhanh chóng, tập trung gần các khu vực trường học và bệnh viện. Có rất nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và bệnh viện trên khắp đất nước dạy về giáo lý Đạo tin lành.

Thiên chúa giáo du nhập vào Hàn Quốc sớm hơn một chút so với đạo Tin lành. Thời gian đầu khi mới du nhập vào, nó được gọi là "Tây học" (môn học của phương Tây) và được công nhận là một môn học hơn là một tôn giáo, và trong quá trình học hỏi những môn học mới, nó dần dần được chấp nhận như một tín ngưỡng. Lúc này, phát sinh việc nhiều tín đồ đã tử vì đạo khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia có số thánh nhân nhiều thứ tư trên thế giới. Giống như đạo Tin lành, có nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường đại học và bệnh viện hoạt động theo những tôn chỉ của Thiên chúa giáo.

Phật giáo du nhập vào Hàn Quốc từ thời Tam Quốc, quốc gia cổ đại của Hàn Quốc và đóng vai trò quan trọng giúp dân tộc vượt qua các cơn khủng hoảng khi đất nước lâm nguy do ngoại xâm. Phật giáo đã có những tác động không nhỏ đến đời sống chung của người dân và góp phần to lớn đến sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật như kiến   trúc và thủ công truyền thống của Hàn Quốc.

Nho giáo gần như một quy tắc ứng xử đạo đức nhấn mạnh đến lòng trung thành, lòng hiếu thảo và thờ cúng tổ tiên hơn là một tôn giáo. Trong quá khứ, triều đại Joseon (1392-1910) đã coi Nho giáo là quốc giáo (1392-1910), nên rất nhiều nét văn hóa Nho giáo như tôn trọng người lớn tuổi và kính trọng cha mẹ vẫn còn tồn tại ở Hàn Quốc cho tới ngày nay.


Myeongdong

Bên trong nhà thờ lớn Myeongdong ở Myeong-dong, Seoul
Chùa Buseoksa, nằm ở Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk-do (Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2018)