Vào cuối thời kỳ Gojoseon, các quốc gia bộ lạc mới liên tục ra đời ở Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên. Buyeo trỗi dậy ở vùng đồng bằng sông Tùng Hoa tập trung vào khu vực Cát Lâm ở Mãn Châu. Người Buyeo sống bằng nghề canh tác nông nghiệp và chăn nuôi, đồng thời sản xuất các sản phẩm đặc biệt như ngựa và lông thú,...
Đến đầu thế kỷ 1, họ bắt đầu sử dụng danh hiệu của vua và tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước khác như Trung Quốc, nhưng vào cuối thế kỷ 3, Buyeo đã sát nhập vào Goguryeo. Người Buyeo tổ chức một lễ hội hàng năm có tên Yeonggo vào tháng 12 và trong lễ hội, họ tổ chức nghi thức hiến tế cho chúa trời, hát, nhảy múa cùng nhau và thả tù nhân. Buyeo đã suy vong trong quá trình thành lập liên minh khu vực, nhưng việc các thế lực tham gia thành lập Goguryeo và Baekje tự xưng là dòng dõi của Buyeo có ý nghĩa to lớn trong lịch sử của người Hàn Quốc. Trong "Tam Quốc sử ký" có ghi ghép rằng Gojumong, người từ Buyeo di cư về phía Nam, đã lập nên Goguryeo vào năm 37 TCN.
Goguryeo đã phát triển thịnh vượng ở khu vực núi Baekdusan và dọc sông Amnokgang thông qua các cuộc chinh phạt. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, Goryeo đã chinh phạt một số nước nhỏ và chuyển kinh đô tới thành Gungnaeseong (Tonggu) gần sông Amnokgang. Goguryeo đã tấn công nhà Hán của Trung Quốc để mở rộng lãnh thổ cai trị sang khu vực Liêu Đông. Về phía Đông, Goguryeo biến Mãn Châu và khu vực phía Bắc bán đảo Triều Tiên thành lãnh thổ cai trị của mình bằng cách tiến về phía Bắc bán đảo Triều Tiên và phát triển thành một cường quốc hùng mạnh.
Có một số nước nhỏ là Okjeo và Dongye nằm ở khu vực tỉnh Hamgyeong-do và dọc theo bờ biển Đông Hải ở phía Bắc tỉnh Gangwon-do nhưng phát triển chậm do tập trung ở vùng biên. Với nguồn hải sản phong phú, Okjeo đã nộp nhiều cống vật như muối và cá cho Goguryeo. Người Dongye thường tổ chức một nghi lễ tế trời được gọi là Mucheon vào tháng 10 hàng năm, nâng cao tinh thần đoàn kết bằng cách nhảy múa và ca hát cùng nhau. Các đặc sản của họ bao gồm dangung (cung tên) và gwahama (một loài ngựa kích thước nhỏ để đi dưới những cây ăn quả). Hai nước Okjeo và Dongye về sau cũng chịu khuất phục và phục tùng Goguryeo như Buyeo.
Phía Nam Gojoseon có các quốc gia nhỏ phát triển như Mahan, Jinhan và Byeonhan. Mahan là liên minh gồm 54 nước nhỏ với tổng 100.000 hộ gia đình phân bố tại khu vực tỉnh Gyeonggi-do, Chungcheong-do và Jeolla-do ngày nay. Byeonhan tập trung ở khu vực thành phố Gimhae và Masan ngày nay, trong khi Jinhan nằm ở khu vực Daegu và Gyeongju ngày nay. Hai nước này đều là những nước nhỏ gồm khoảng 40.000 - 50.000 hộ gia đình. Người Samhan tổ chức lễ cúng Đoan Ngọ vào tháng 5 và lễ tế mùa vào tháng 10 để cúng tế trời. Vào các dịp này, mọi người tụ tập cùng nhau ăn mừng, uống rượu, ca hát và nhảy múa.
Tam Quốc và Gaya (thế kỷ 5)
Cùng với sự lan rộng của văn hóa đồ sắt và sự phát triển các kỹ thuật canh tác nông nghiệp, các quốc gia hùng mạnh bắt đầu được ra đời ở khu vực Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên. Đó chính là ba quốc gia: Goguryeo, Baekje và Silla. Goguryeo là quốc gia đầu tiên trong Tam quốc cải tổ thể chế nhà nước, mở rộng lãnh thổ từ cuối thế kỷ 1 và tăng cường chế độ trung ương tập quyền tập trung vào vua vào nửa cuối thế kỷ 2. Vào đầu thế kỷ 4, vua Micheon đã đánh đuổi nhà Hán, Trung Quốc ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Vua Sosurim đã đưa Phật giáo du nhập vào Goguryeo năm 372, ban hành luật lệ, thành lập trường đại học quốc gia Taehak và cải tổ thể chế thống trị và chế độ quốc gia. Vua Gwanggaeto đã đánh đuổi Khiết Đan, Sushen, Dongbuyeo và mở rộng lãnh thổ đến Mãn Châu. Ông cũng tấn công và giành được nhiều pháo đài của Baekje ở phía Nam, đẩy lui quân Uy Khấu (Nhật Bản) xâm chiếm Silla và mở rộng lãnh thổ đến phía Nam bán đảo Triều Tiên.
Baekje là một quốc gia được thành lập vào năm 18 TCN do sự hợp sức giữa thế lực của những người bản địa ở lưu vực sông Hàn và thế lực của những người di dân gốc Buyeo - Goguryeo. Vào giữa thế kỷ 3, vua Goi của Baekje đã hoàn toàn thống trị lưu vực sông Hàn và tiếp nhận nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc để cải tổ hệ thống chính trị. Vào giữa thế kỷ 4, vua Geunchogo đã chinh phạt vùng Mahan và tiến sâu đến tận vùng duyên hải Namhae, tỉnh Jeolla-do. Ở phía Bắc, Baekje đối đầu với Goguryeo trong nỗ lực giành quyền kiểm soát tỉnh Hwanghae-do. Baekje cũng giành quyền thống trị khu vực Gaya ở phía Nam. Vào thời điểm đó, lãnh thổ Baekje là một vùng rộng lớn bao gồm tỉnh Gyeonggi-do, tỉnh Chungcheong-do, tỉnh Jeolla-do, vùng trung lưu sông Nakdonggang, tỉnh Gangwon-do và trải dài đến tận tỉnh Hwanghae-do ngày nay.
Bia đá của Gwanggaeto Đại đế (Goguryeo, thế kỷ 5)
Gwanggaeto Đại đế, vị vua thứ 19 của Goguryeo, đã mở rộng lãnh thổ vương quốc đến Mãn Châu và Vùng Primorsky ngày nay. Vào năm 414 SCN, con trai của Gwanggaeto Đại đế, vua Jangsu, đã dựng một bia đá tại thành phố Jian, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc ngày nay để tưởng nhớ các thành tựu vĩ đại của phụ hoàng mình. Tổng cộng có 1.775 chữ được khắc trên bia đá cao 6,39 m và nặng 37 tấn. Đây là những ghi chép về quá trình thành lập Goguryeo và mở rộng lãnh thổ.
Silla có nguồn gốc từ Saroguk, một trong những nhà nước nhỏ của Jinhan. Sự hợp sức của thế lực người bản địa Gyeongju và các nhóm người di cư và nhập cư đã lớn mạnh thành quốc gia này vào năm 57 TCN. Những người có họ Park, Seok và Kim lần lượt thay nhau lên ngôi vua. Vào khoảng thế kỷ 4, vương quốc này đã chiếm lĩnh hầu hết các khu vực phía Đông sông Nakdonggang. Trong triều đại vua Naemul, Silla đã cho phép quân đội Goguryeo đóng quân trong nước mình để giúp đánh đuổi quân xâm lược Nhật Bản. Silla cũng tiếp nhận nền văn hóa và văn minh Trung Quốc thông qua Goguryeo.
Vương miện vàng của Gaya (Gaya, thế kỷ 6)
Vương miện này được khai quật ở Goryeong, tỉnh Gyeongsang-do. Đặc điểm của vương miện này là sử dụng các miếng trang trí dạng mặt phẳng gắn vào khung vương miện bằng các sợi chỉ vàng và treo những miếng ngọc hình trăng lưỡi liềm vào các mấu nhô ra.
Bức tranh miêu tả cảnh săn bắn trong lăng mộ Muyongchong (Goguryeo, thế kỷ 5)
Hình vẽ cho thấy hoạt động săn bắn năng động của người Goguryeo
Mặt khác, ở Byeonhan, khu vực hạ lưu sông Nakdonggang, liên minh Gaya do Geumgwan Gaya lãnh đạo đã xuất hiện. Liên minh có văn hoá đồ sắt này đã có ảnh hưởng đáng kể đến các khu vực dọc sông Nakdong. Các quốc gia nhỏ ở Gaya bắt đầu trồng lúa từ rất sớm và phát triển văn hoá nông nghiệp, đồng thời tích cực giao thương với Nakrang (Lạc Lãng) và Nhật nhờ tận dụng nguồn sắt dồi dào và các tuyến giao thông hàng hải.
Lư hương lớn bằng đồng mạ vàng Baekje (Baekje, thế kỷ 6)
Tác phẩm giá trị cao cho thấy nghề thủ công và văn hoá nghệ thuật hội hoạ, tư tưởng và tôn giáo cho đến kỹ thuật chế tác của thời đại Baekje.