Trong thời kỳ thuộc địa, Đế quốc Nhật không chỉ tước đoạt tài nguyên của Joseon, buộc nước này phải thay đổi ngôn ngữ, chữ viết và tên riêng mà còn cưỡng chế huy động người Hàn Quốc làm lực lượng lao động và quân sự trong các cuộc chiến tranh đế quốc. Trong khi đó, người Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì đấu tranh quyết liệt ở trong và ngoài nước nhằm khôi phục chủ quyền đất nước. Tại Hàn Quốc, nhiều tổ chức chống Nhật như Bộ nghĩa quân độc lập, Tổ chức khôi phục quốc quyền Joseon, Tổ chức Đại Hàn Quang Phục,… được thành lập để hoạt động chống lại quân Nhật, đồng thời họ thành lập những căn cứ cho phong trào độc lập ở Trung Quốc, Nga và Mĩ,... Ngoài ra, họ đã tổ chức các cuộc biểu tình đòi độc lập một cách hòa bình chưa từng có trên thế giới.
Vào ngày 1 tháng 3 năm 1919, Hàn Quốc đã công bố Tuyên ngôn độc lập. Đó cũng chính phong trào độc lập ngày 1/3 do sinh viên và người dân biểu tình đòi độc lập trên khắp cả nước. Phong trào này lan rộng đến Mãn Châu, vùng Primorsky, Mĩ, Nhật Bản và thậm chí là châu Âu. Sau phong trào độc lập ngày 1/3, chính phủ Hanseong được thành lập tại Seoul, hội đồng nhân dân Đại Hàn vùng Primorsky và chính phủ lâm thời của Đại Hàn Dân Quốc đã được thành lập tại Thượng Hải. Đặc biệt, chính phủ lâm thời là chính phủ cộng hòa dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc với hiến pháp mang tính cận đại và hệ thống tam quyền phân lập.
Cùng với đó, các cuộc chiến tranh vũ trang giành độc lập đã chính thức nổ ra, khoảng hơn 30 đơn vị của quân độc lập đã hoạt động tại Mãn Châu và vùng Primorsky trong nhữg năm 1920. Những trận chiến giành độc lập tiêu biểu là trận Bongo-dong do Hong Beom Do chỉ huy đã đánh bại quân Nhật tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc và tháng 6 năm 1920, và trận Cheongsanlli do Bukrogunjeongseo (Tổ chức Hành chính quân sự phía Bắc) cùng nhiều lực lượng liên quân dưới sự chỉ huy của Kim Jwa Jin đã tiêu diệt quân Nhật tại huyện Heoryung, Mãn Châu vào tháng 10 năm 1920.
Mặt khác, Chính phủ lâm thời Hàn Quốc đã tập hợp lực lượng độc lập ở khu vực Mãn Châu và các tổ chức đấu tranh vũ trang hoạt động rải rác để thành lập lực lượng Hàn Quốc Quang phục quân tại Trùng Khánh vào năm 1940. Sau khi tuyên chiến với Nhật Bản, Chính phủ lâm thời cùng tham gia vào cuộc chiến ở Ấn Độ và Myanmar với Lực lượng đồng minh. Các binh sĩ trẻ Hàn Quốc được huấn luyện quân sự đặc biệt dưới sự phối hợp với Hoa Kỳ để chuẩn bị cho cuộc tác chiến tiến công trong nước. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, nhờ quá trình đấu tranh giành độc lập không ngừng nghỉ của quân dân Hàn Quốc và chiến thắng của quân đồng minh trong Thế chiến thứ 2, dân tộc Hàn Quốc cuối cùng cũng đã giành độc lập. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên đã bị chia thành hai miền Nam và Bắc với quân đội Mĩ đóng quân ở phía Nam và Liên Xô đóng quân ở phía Bắc, lấy ranh giới là vĩ tuyến 38 để giải giáp quân đội Nhật Bản.
Sự khởi đầu của lịch sử Hàn Quốc (thời tiền sử - thời đại Gojoseon)
Sự ra đời của Tam quốc và các nhà nước khác
Silla thống nhất Tam quốc
Thời kì Nam - Bắc Quốc; Triều đại Silla thống nhất và Balhae
Triều đại Goryeo
Triều đại Joseon
Sự suy vong của Triều đại Joseon và quá trình xâm chiếm Hàn Quốc của đế quốc Nhật
Đấu tranh giành độc lập
Phát triển thành quốc gia dân chủ và cường quốc kinh tế