Văn hóa

Niềm say mê và hứng khởi đã được khắc sâu vào DNA của người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc coi việc khơi dậy hứng khởi bằng cách nhảy múa và ca hát mỗi khi vui mừng là điều tự nhiên, và ngay cả khi gặp trở ngại, khó khăn họ vẫn vượt qua chúng bằng sự trào phúng và hài hước.

Với đặc tính dân tộc như vậy, người Hàn Quốc đã sáng tác và cảm thụ được âm nhạc, hội họa, đồ thủ công mĩ nghệ, những yếu tố góp phần làm phong phú thêm cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, sự độc đáo của Gugak (âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc) hay những cảm xúc chứa đựng trong Arirang khiến cả thế giới phải thán phục. Đây là lý do tại sao người nước ngoài biết đến Hàn Quốc thông qua K-POP và sự yêu mến dành cho Hàn Quốc càng trở nên sâu đậm hơn khi họ tiếp xúc với những giá trị văn hóa của Hàn Quốcnhư Hangeul, Gugak và đồ thủ công mĩ nghệ.



Ngày nay, văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc đang nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Giới trẻ chuyên ngành âm nhạc cổ điển càn quét sân khấu của các cuộc thi quốc tế. Bên cạnh đó, độc giả quốc tế cũng rất hào hứng chào đón và bị cuốn hút bởi những tác phẩm dịch văn học Hàn Quốc. Những bức tranh đơn sắc của các họa sĩ Hàn Quốc như Lee Ufan và Park Seo Bo gần đây đã nổi lên như những tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý nhất trên thế giới.

Bầu không khí náo nhiệt của K-pop đang nóng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Những thành tích mà nhóm nam BTS đạt được thật rực rỡ. Vào tháng 8 năm 2020, ca khúc tiếng Anh "Dynamite" của nhóm nam BTS đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên khi đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard "Hot 100" của Mỹ. Đây là lần đầu tiên ca sĩ châu Á và cũng là ca sĩ đầu tiên của Hàn Quốc đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng "Hot 100" kể từ năm 1963. Đây không chỉ là chiến thắng của một nhóm nhạc Hàn Quốc mà những thành tích của nhóm nhạc đã phản ánh được mức độ lan rộng và phổ biến của K-Pop trên khắp thế giới bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á, đến Hoa Kỳ, Nam Mỹ và Châu Âu.

Thế giới bị cuốn hút vào các nội dung của Hàn Quốc, từ phim "Minari" (Khát vọng đổi đời), loạt phim Netflix "Squid Game" (Trò chơi con mực) cho tới phim "Broker" (Người môi giới) - bộ phim đã đem lại cho Song Kang Ho giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 vào tháng 5 năm 2022. Việc các nội dung phim, điện ảnh của Hàn Quốc chiếm thứ hạng cao về độ nổi tiếng khi được phát hành dưới dạng loạt phim Netflix không còn là điều mới mẻ.

Tính vượt trội về tính nghệ thuật trong văn hoá Hàn Quốc được cả thế giới công nhận không phải là kết quả được tạo ra chỉ sau một đêm. Khả năng cảm thụ nghệ thuật độc đáo của người Hàn Quốc có thể cảm nhận được thông qua các bức tranh bích họa và di vật trong các lăng mộ thời Tam Quốc, và những tác phẩm này còn trở nên phong phú và sâu sắc hơn qua các triều đại Silla, Goryeo và Joseon. Những DNA cảm thụ đầy chất nghệ thuật này của tổ tiên tiếp tục được truyền lại cho người dân Hàn Quốc trong xã hội hiện đại ngày nay.

Nhiều di sản văn hóa và nghệ thuật của Hàn Quốc được lưu truyền từ thời xa xưa đã được đưa vào danh sách bảo vệ của UNESCO. Tính đến năm 2022, tổng cộng có 53 di sản đã được đăng ký trong đó có 15 di sản thế giới, 16 di sản tư liệu thế giới và 22 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Gyeongju Historic Areas

Khu di tích lịch sử Gyeongju
Gyeongju từng là thủ đô của Silla trong hơn một nghìn năm. Nơi đây còn sót lại nhiều di tích có giá trị lịch sử cao được ví như "khu bảo tàng không tường và mái che". Đây là bức ảnh chụp lại toàn cảnh khu lăng mộ cổ của triều đại Silla.



Di sản tư liệu thế giới


Cung Changdeokgung

Cung Changdeokgung nằm ở phường Waryong-dong, quận Jongnogu, Seoul là một trong những cung điện hoàng gia tiêu biểu còn lưu giữ hình dáng cung điện nguyên bản xưa của Triều đại Joseon (1392 - 1910). Cung Changdeokgung được xây dựng vào năm 1405 để làm cung điện phụ nhưng về sau khi cung điện chính - cung Gyeongbokgung bị thiêu rụi hoàn toàn năm 1592 bởi sự xâm lược của Nhật Bản, các vị vua của Joseon đã sử dụng cung Changdeokgung làm cung điện chính cho đến khi cung Gyeongbokgung được xây dựng lại vào năm 1867. Cung Changdeokgung được công nhận là di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 1997.

Injeongjeon Hall in Changdeokgung Palace

Injeongjeon (Nhân Chính Điện) trong cung điện Changdeokgung
Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của quốc gia như lễ đăng quang của nhà vua, nghi lễ chúc mừng của quần thần và tiếp kiến các sứ thần nước ngoài.



Cung Changdeokgung được xây dựng từ thời Joseon nhưng kế thừa kiến trúc cung điện truyền thống từ thời Goryeo, cung được xây dựng dưới chân núi, hài hòa với địa hình tự nhiên. Không giống như hầu hết các cung điện thường được xây dựng để thể hiện phẩm giá và uy quyền, cung điện Changdeokgung tận dụng điều kiện tự nhiên và bố trí các cung điện một cách hợp lý theo chức năng để phù hợpvới hình dạng của chân núi Eungbong, một nhánh của núi Bugaksan.


Đây là một di sản lịch sử tuyệt vời với nhiều công trình vẫn còn nguyên vẹn hình dáng kiến trúc ban đầu bao gồm cổng chính là cổng Donhwamun, điện Injeongjeon, điện Seonjeongjeon và vườn thượng uyển Huwon - khu vườn truyền thống của Hàn Quốc Nakseonjae nằm trong cung điện, lưu giữ vẻ đẹp của Hanok truyền thống.

Đền thờ Jongmyo

Đền thờ Jongmyo, nằm ở Hunjeong-dong, Jongno-gu, Seoul, là từ đường của triều đại Joseon lưu giữ tổng cộng 83 bài vị (biểu tượng cho ngôi nhà của linh hồn người đã khuất) của các bậc đế vương và hoàng hậu cùng các truy tôn vua / hoàng hậu của triều đại Joseon. Nho giáo là hệ tư tưởng cốt lõi của Joseon, bởi vậy các vương triều Joseon đều rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, đồng thời, đền thờ Jongmyo cũng là một công trình minh chứng cho thấy tư tưởng Nho giáo được áp dụng vào thực tiễn từ cấp quốc gia.


Jongmyo Shrine

Đền thờ Jongmyo 
Đây là đền thờ theo tư tưởng của Nho giáo lưu giữ các bài vị của các vị vua và hoàng hậu của vương triều Joseon.



Về tổng thể, Jongmyo có cấu trúc đối xứng, tuỳ theo thứ bậc của các vị quân vương sẽ có sự khác biệt trong chiều cao bậc thềm, mái hiên, độ dầy của cột điện trong hai điện Jeongjeon và Yeongnyeongjeon nơi lưu giữ các bài vị. Đền thờ giữ được hình dạng nguyên bản từ thế kỉ 16 và nổi tiếng trên thế giới là một không gian kiến trúc độc đáo dành cho các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của vương triều Joseon. Các nghi lễ tưởng niệm, thờ cúng tổ tiên trong hoàng gia Joseon được định kì cử hành tại đây.


Pháo đài Hwaseong ở Suwon

Pháo đài Hwaseong ở quận Jangan-gu, thành phố Suwon-si, tỉnh Gyeonggi-do là một pháo đài lớn với chiều dài 5,7 km được xây dựng từ năm 1796 dưới thời vua Jeongjo của Triều đại Joseon. Vua Jeongjo đã di chuyển lăng mộ của phụ hoàng mình là thái tử Sado, từ Yangju, Gyeonggido đến gần khu vực hiện tại và cho xây dựng một pháo đài ở đó.


Pháo đài có cấu trúc được thiết kế một cách hợp lý và hữu dụng, không giống như những pháo đài thông thường, pháo đài Hwaseong vừa có chức năng phòng thủ quân sự vừa có chức năng thương mại nên nơi này là một di sản văn hóa được đánh giá cao. Học giả Jeong Yak-yong thuộc phái Silhak (thực học), nổi tiếng với việc sử dụng nguyên lý của ròng rọc để nghiên cứu phát minh ra máy Geojunggi (sử dụng ròng rọc động để chất đá ở nơi thấp) và nongno (sử dụng ròng rọc cố định để nâng đá lên chỗ cao giống như cần cẩu) để xây dựng và hoàn thiện pháo đài.


Hàng năm, Lễ hội văn hóa Suwon Hwaseong, với ý nghĩa soi rọi thế gian mà Vua Jeongjo từng mơ ước, được tổ chức tại khu vực Hwaseong, trở thành điểm thăm quan cho du khách. Sự kiện tái hiện "Lễ rước lăng mộ vua Jeongjo" được tổ chức vào tháng 10 năm 2022 đã giúp tái hiện đoàn xa giá vua Jeongjo đến thăm lăng mộ, nối tiếp sự kiện được tổ chức 4 năm trước đó vào 2018.

Hwaseong Fortress

Pháo đài Hwaseong ở Suwon
Là một pháo đài kết hợp một cách hài hoà các lý thuyết về xây dựng công trình quân sự của phương Đông và phương Tây, đặc biệt pháo đài nổi tiếng về chức năng phòng thủ rất tuyệt vời.



Động Seokguram và Chùa Bulguksa

Động Seokguram nằm trên núi Tohamsan, thành phố Gyeongju-si, tỉnh Gyeongsangbuk-do là ngôi chùa trong hang đá tiêu biểu từ thời Silla thống nhất và được hoàn thành vào năm 774. Đây là tác phẩm nghệ thuật thể hiện kỹ thuật điêu khắc tuyệt vời, được thiết kế khéo léo để ánh sáng mặt trời mọc ở Biển Đông xuyên sâu vào Động Seokguram và chiếu sáng trên trán của Đức Phật.

Chùa Bulguksa được xây dựng cùng thời với động Seokguram có cách bố trí mặt bằng tổng thể hết sức tuyệt vời nổi bật với tháp Dabotap và Seokgatap nằm cạnh nhau ở sân trước của Daeungjeon. Cả hai toà tháp đều là những công trình tiêu biểu cho kiến trúc thời kì Silla, tuy nhiên nếu tháp Seokgatap được thiết kế khá đơn giản thì tháp Dabotap lại toát lên những nét thiết kế hết sức cầu kỳ và hoa lệ.

Bulguksa Temple

Chùa Bulguksa
Ngôi chùa này là một ví dụ điển hình của giáo lý Phật giáo được hình tượng hóa qua công trình kiến trúc chùa chiền. Bức ảnh chụp cầu Cheongungyo và cầu Baegungyo tại chùa Bulguksa.



Seokguram Grotto

Động Seokguram
Tượng Phật chính bêntrong động ngồi trên bệ sen cao và hình ảnh nhìn từ mặt bên.


Tháp Dabotap được xây dựng bằng các khối đá granit khắc chạm công phu và có hình dáng rất độc đáo trong số những tháp đá ở Hàn Quốc. Hình ảnh của tháp Dabotap còn được in trên mặt của đồng xu 10 won của Hàn Quốc. Trái lại, tháp Seokgatap dù không có phần trang trí cầu kỳ nhưng vẫn thể hiện được vẻ đẹp hoàn mĩ nhờ vào tỷ lệ đối xứng và cân bằng của tháp. Tháp được xem là nguyên mẫu của nhiều tháp đá Phật giáo được xây ở Hàn Quốc sau này.

Hai cây cầu Cheongungyo (Cầu mây xanh) và Baegungyo (Cầu mây trắng) dẫn đến điện Daeungjeon của chùa Bulguksa không chỉ đẹp về mặt tạo hình mà còn là biểu tượng mang tính tôn giáo, tượng trưng cho hành trình vượt nước trèo mây để đến được miền cực lạc.

Lăng mộ hoàng gia của Triều đại Joseon

Lăng Donggureung, lăng Seooreung, lăng Seosamneung và lăng Hongyureung là những lăng mộ thời Joseon. Tất cả đều nằm ở thành phố Guri-si, Goyang- si và Namyangju-si thuộc tỉnh Gyeonggi-do gần Seoul. Tổng cộng có 44 lăng mộ của các vua và hoàng hậu triều đại Joseon. Trong số này, có 40 lăng mộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Lăng mộ hoàng gia đã được công nhận bởi những giá trị di sản văn hoá mà những công trình mang lại. Đây là những công trình nơi giá trị của tư tưởng Nho giáo, quan niệm về phong thuỷ được tích hợp lại trong phong tục tang ma truyền thống. Điều đáng chú ý là những lăng mộ hoàng gia này giữ được nguyên vẹn hình dáng ban đầu mà không bị hư hại.

Khu bảo tồn Janggyeong Panjeon của chùa Haeinsa


Đại tạng kinh Goryeo (Goryeo Daejangyeongpan) được lữu giữ tại Janggyeong Panjeon (Tàng kinh các), công trình cổ nhất ở chùa Haeinsa. Tàng kinh cácn được khánh thành vào năm 1488 có thiết kế khoa học, độc đáo, đảm bảo khả năng thông gió và chống ẩm cao để có thể lưu trữ an toàn các mộc bản trong thời gian dài.

Tàng kinh các, nơi lưu giữ Đại tạng kinh được xây dựng ở vị trí cao nhất của chùa Haeinsa, khoảng 700m so với mực nước biển. Công trình được thiết kế nhìn về 4 hướng để đảm bảo khả năng thông gió. Việc tận dụng địa hình của núi Gaya có thể đón được những luồng gió từ thung lũng thổi tới đã giúp cho công trình được thông gió bằng gió tự nhiên. Cửa sổ trên dưới, phía trước sau của dãy nhà được bố trí với kích thước khác nhau để giúp lưu thông không khí từ trên cao xuống tới chỗ thấp trước khi thoát ra ngoài. Thiết kế cửa sổ này cho phép không khí đối lưu và duy trì nhiệt độ thích hợp, cho thấy kỹ thuật xây dựng đã đạt đến trình độ vô cùng khoa học. Nền của Tàng kinh các được đào sâu xuống rồi rắc bên trên các vật liệu gồm than củi, đất sét, cát, muối và vôi bột giúp hút ẩm khi thời tiết mưa nhiều và tự động điều chỉnh tăng độ ẩm khi hạn hán.

Pháo đài Namhansanseong

Pháo đài Namhansanseong được trùng tu trên diện rộng vào năm 1626 dưới thời vua Injo của triều đại Joseon, sử dụng khu đất cũ của pháo đài Jujangseong được xây dựng dưới thời vua Munmu của nhà nước Silla thống nhất vào năm 672. Pháo đài Namhansanseong nằm cách trung tâm Seoul khoảng 25 km về hướng Đông Nam, phát huy tối đa sức mạnh phòng thủ nhờ tận dụng địa hình hiểm trở với độ cao trung bình hơn 480m so với mực nước biển và chu vi gần 12,3km. Đây là đô thị được hình thành trên một ngọn núi và theo như ghi chép vào thời Joseon, có khoảng 4.000 người từng sinh sống bên trong vòng thành của pháo đài Namhansanseong. Trong trường hợp khẩn cấp, đô thị này đóng vai trò là kinh đô tạm thời để hoàng thất và bộ chỉ huy quân sự có thể trú ẩn. Theo đó, vào năm 1711 vua Sukjong đã cho xây dựng hành cung, đền thờ Jongmyo, đàn tế lễ - những công trình tiêu biểu của kinh đô tại nơi này. Ngoài ra, Pháo đài Namhansanseong còn được xem là bằng chứng quan trọng về sự giao thoa về kỹ thuật xây dựng pháo đài trên núi giữa Hàn Quốc (Joseon), Nhật Bản (thời AzuchiMomoyama) và Trung Quốc (thời nhà Minh và nhà Thanh) ở Đông Á thông qua các trận chiến kéo dài từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 18. Trong thời kỳ này, trang thiết bị vũ khí thay đổi cùng với sự du nhập của hỏa pháo phương Tây đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng pháo đài. Kết quả là Pháo đài Namhansanseong đã ghi nhận toàn bộ quá trình thay đổi kỹ thuật trong xây dựng pháo đài theo chiều dài lịch sử từ thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ 19.



Pháo đài Namhansanseong
Đây là pháo đài trên núi thể hiện rõ nét sự phát triển của kỹ thuật xây dựng pháo đài theo từng giai đoạn kéo dài từ Silla thống nhất đến thời đại Joseon.




Quần thể di tích lịch sử Baekje

Baekje là một trong những vương triều cổ đại ở bán đảo Triều Tiên, tồn tại trong 700 năm từ năm 18 TCN đến năm 660. Quần thể di dích lịch sử Baekje bao gồm tám di sản văn hóa ở 3 địa điểm là thành phố Gongju-si, huyện Buyeon-gun, thành phố Iksan-si. Theo những ghi chép chi tiết, thành phố Gongju-si thuộc tỉnh Chungcheongnam-do có 2 địa điểm bao gồm Lăng mộ cổ Gongsanseong và Songsan-ri, huyện Buyeo-gun thuộc tỉnh Chungcheongnam do có 4 địa điểm bao gồm Di tích Gwanbuk-ri, Pháo đài Busosanseong, Lăng mộ cổ Neungsan-ri, Khu chùa Jeongnimsa và thành Buyeo Naseong, và thành phố Iksan-si thuộc tỉnh Jeollabuk-do có 2 địa điểm bao gồm Di tích Wanggung-ri và Khu chùa Mireuksa. 


Quần thể di tích lịch sử Baekje là di tích khảo cổ học cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng và văn hoá Phật giáo giữa các vương quốc Đông Á cổ đại như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn từ thế kỉ thứ 5 đến thế kỉ thứ 7. Khu di tích này còn thể hiện nét đẹp văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật của Baekje, vương quốc cổ xưa trong lịch sử Hàn Quốc thông qua vị trí của thủ đô, các ngôi chùa Phật giáo, các lăng mộ cổ, công trình kiến trúc và các tháp đá.

 

Gongsanseong Fortress

Pháo đài Gongsanseong
Pháo đài này được xây dựng dọc theo sườn núi và thung lũng gần sông Geumgang, ban đầu được gọi là Ungjin-seong nhưng từ sau thời kỳ Goryeo được đổi tên thành Gongsanseong.



Royal Tombs in Songsan-ri

Khu lăng mộ hoàng gia Songsan-ri
Khu lăng mộ Songsan-ri chứa mộ của các vị vua và hoàng tộc Baekjae trong thời kỳ Ungjin (475-538). Hiện nay 7 ngôi mộ bao gồm mộ số 1 đến mộ số 6 và mộ vua Muryeong đã được khôi phục.



Jeongnimsa Temple Site

Khu đền Jeongnimsa
Đây là một ngôi đền trong thời Baekje ở xã Dongnam-ri, thị trấn Buyeo-eup. Tại đây vẫn còn một tháp đá 5 tầng và một tượng Phật tọa thiền bằng đá.



Seowon (học viện Nho giáo) của Hàn Quốc

Seowon là cơ sở giáo dục giảng dạy "Lý học", một môn học được du nhập từ Trung Quốc sang Hàn Quốc và phát triển mạnh mẽ trong triều đại Joseon. Chín (09) Seowon bao gồm Sosu Seowon, Namgye Seowon, Oksan Seowon, Dosan Seowon, Pilam Seowon, Dodong Seowon, Byeongsan Seowon, Museong Seowon và Donam Seowon được xây dựng trên khắp cả nước trong khoảng thời gian từ giữa thế kỉ 16 đến thế kỉ 17, đến nay các công trình này đã trở thành những di sản văn hoá, minh chứng cho sự ưu tú của văn hoá giáo dục cũng như hệ thống Lý học ở Hàn Quốc.

Những người đứng đầu Seowon đều là những trí thức của khu vực nơi Seowon được xây dựng. Nhờ có những cá nhân xuất sắc này mà nền văn hoá của thời đại Joseon đã được quan tâm nghiên cứu và phát triển mạnh với trung tâm là các Seowon. Thông qua Seowon, giới trí thức đã tạo ra một hệ thống giáo dục và không gian kiến trúc cho phép giới học giả trẻ chú tâm tập trung vào việc học tập. Cách thiết kế và sắp đặt cấu trúc Seowon đã tạo ra một không gian phục vụ cho đúng đặc tính quan trọng của Seowon là học tập và hoạt động tương tác.

Dosanseowon Confucian Academy

Dosan Seowon
Dosan Seowon là một cơ sở đào tạo nho giáo đã được xây dựng vào năm 1574 để tôn vinh và tưởng nhớ đức hạnh và học vấn của học giả Toegye Yi Hwang (1501 - 1570).



Di sản tư liệu thế giới

Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm)

Hunminjeongeum vừa là tên cuốn sách được viết bằng chữ Hán để giải thích về bối cảnh sáng tạo, các nguyên lý sáng tạo chữ viết mới vào năm 1443 (năm vua Sejong thứ 25) của vua Sejong, nền tảng học thuật của chữ viết mới, đồng thời Hunminjeongeum cũng là tên của chữ viết mới này. Cuốn sách này được in bằng phương thức mộc bản, bao gồm tổng cộng 33 chương. Cuốn sách này còn được gọi là 「Hunminjeongeum Haeryebon (Huấn dân chính âm giải lệ bản) 」 vì có phần "Haerye" (giải lệ) là những nội dung giải thích về nguyên tắc và ví dụ sử dụng. Đây là cuốn sách duy nhất trên thế giới được để lại dưới dạng sách giải thích về người sáng tạo cũng như quá trình sáng tạo ra chữ viết mới như: thời điểm, bối cảnh sáng tạo, nguyên lý sáng tạo. Ghi nhận những giá trị đó, năm 1962, cuốn sách này đã được công nhận là bảo vật quốc gia Hàn Quốc, và được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vào năm 1997. 

Thượng tuần tháng 9 âm lịch năm 1446, thời điểm khi cuốn sách này hoàn thành, được coi là ngày ban hành của Hunminjeongeum, và ngày Hangeul (ngày 9 tháng 10 dương lịch) được ấn định để tưởng nhớ ý nghĩa của việc tạo ra Hunminjeongeum và tinh thần yêu dân của vua Sejong - người đã tạo ra chữ viết mới cho bách tính. Hunminjeongeum hiện đang được đặt trong Bảo tàng Nghệ thuật Kansong tại Seoul.

Yongjarye in the Hunminjeongeum Manuscript

"Yongjarye (ví dụ sử dụng chữ)" của Hunminjeongeum Haeryebon
Đây là đoạn ví dụ về việc sử dụng phụ âm đầu, giữa và cuối trong từ vựng tiếng Hàn thời bấy giờ



Joseon Wangjo Sillok (Joseon hoàng triều thực lục)

Joseon hoàng triều thực lục là bản ghi ghép theo trình tự biên niên những sự thật về công đức của vua cùng các triều thần và những quốc sách được ban hành thời Joseon trong suốt 472 năm từ 1392 đến 1863.

Joseon hoàng triều thực lục bao gồm 1.893 quyển 888 tập và được lưu giữ tại thư viện Kyujanggak thuộc Đại học Quốc gia Seoul và Trung tâm thông tin lưu trữ Busan thuộc Viện lưu trữ thông tin quốc gia Hàn Quốc. Sau khi nhà vua băng hà, thực lục của nhà vua sẽ được biên soạn ngay trong thời kỳ đầu kế vị của vị vua trị vì tiếp theo, dựa trên các sử thảo được gọi là sacho (bảnthảo lịch sử) do các sử quan liên tục ghi chép lại.

Joseon hoàng triều thực lục được xem là nguồn tư liệu lịch sử cực kỳ quý giá bởi chúng chứa đựng thông tin không chỉ về các biến động trong hoàng gia mà còn về các sự thật lịch sử trên toàn bộ các lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa thời bấy giờ. Sau khi thực lục được hoàn thành và lưu trữ nghiêm ngặt trong sago (sử khố), không ai được phép mở ra xem. Chỉ khi tổ chức các sự kiện quan trọng như nghi lễ tổ tiên của hoàng gia hay chiêu đãi sứ thần nước ngoài, người ta mới có thể mở ra để xem một phần nội dung như một ngoại lệ để tham khảo tiền lệ trong quá khứ.

Thực lục ban đầu được lưu trữ ở bốn sago, bao gồm Chunchugwan, Chungju, Jeonju và Seongju trong cung điện, nhưng hầu hết các bản thực lục được lưu trữ ở đây bị thiêu rụi trong cuộc biến loạn Nhâm Thìn vào năm 1592 (sự kiện Nhật Bản tấn công xâm chiếm Joseon lần đầu tiên) vào năm 1592. Sau đó, Joseon đã xây những sago mới trên núi Myohyangsan, núi Taebaeksan, núi Odaesan và núi Manisan để lưu trữ thực lục.

Seungjeongwon Ilgi (Nhật ký Seungjeongwon)

Văn bản này được soạn ở Seungjeongwon (nội các - văn phòng vua), sẽ ghi chép việc phê tấu sơ và các sự việc xảy trong hàng ngày dưới dạng nhật ký từ tháng 3 năm 1623 đến tháng 8 năm 1910. Không chỉ các sắc lệnh của nhà vua mà nội dung các bản tấu, sơ trình lên vua từ các ban bộ cũng được ghi lại một cách chi tiết. Tổng cộng có 3.243 cuốn và được lưu giữ tại thư viện Kyujanggak thuộc Đại học Quốc gia Seoul.

Nhật ký Ilseongnok

Nhật ký Ilseongnok là cuốn sử ghi lại các hoạt động và việc điều hành triều chính của nhà vua cuối thời Joseon. Mặc dù cuốn sách được viết dưới dạng nhật ký của nhà vua nhưng trên thực tế, ó vẫn có thể được coi là một tài liệu ghi chép chính thức của triều đình.

Các ghi chép trong 151 năm từ 1760 (năm trị vì thứ 36 của vua Yeongjo) đến 1910 (năm trị ì thứ 4 của vua Yunghee) được biên soạn thành tổng cộng 2.329 quyển. Ghi chép này cung cấp hông tin chi tiết và sống động về hoạt động chính trị của Joseon cũng như tình hình giao lưu văn óa, chính trị với phương Đông và phương Tây từ thế kỉ 18 đến 20.

Uigwe, bản hướng dẫn nghi lễ hoàng gia của Triều đại Joseon

Đây là bản ghi chép nội dung của các nghi lễ được thực hiện trong hoàng thất thời đại Joseon. So với Joseon hoàng triều thực lục, nội dung cuốn sử này được viết chi tiết hơn, các sự kiện như lễ diễu hành của vua cũng được miêu tả kèm tranh minh họa khiến nội dung trở nên chân thực hơn.


Nội dung chính của Uigwe đề cập đến các nghi lễ hoàng gia như lễ sắc phong hoàng hậu, hoàng thái tử, hay các buổi tế lễ thực hiện lúc xây dựng hay di dời lăng mộ. Bên cạnh đó, Uigwe còn ghi chép lại những lần đích thân nhà vua đi cày ruộng để thể hiện sự mẫu mực của đức vua hay những sự kiện xây dựng, trùng tu cung điện. Một trong những ghi chép đã ghi lại sự kiện thi công pháo đài Hwaseong và đoàn xa giá của vua Jeongjo tới thành lũy mới ở Suwon.


Uigwe, giống như Hoàng triều thực lục, được lưu giữ trong sago, nhưng hầu hết Uigwe từ đầu triều đại Joseon đã bị thất lạc trong cuộc biến loạn Nhâm Thìn vào năm 1592. May mắn thay, một số lượng lớn Uigwe lên đến 3.895 quyển được biên soạn vào giai đoạn sau này vẫn được lưu giữ nguyên vẹn cho tới nay.


Ngoài ra, dưới sức ép liên tục của những yêu cầu đến từ chính phủ cũng như các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, Pháp đã trả lại những cuốn Uigwe mà quân đội Pháp lấy đi vào năm 1866 và lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Paris dưới hình thức cho thuê vĩnh viễn vào năm 2011. 



Ilseongnok (Joseon, 18th–20th Centuries)

Nhật ký Ilseongnok
Nhật ký Ilseongnok là cuốn biên niên sử dưới dạng nhật ký hàng ngày, ghi lại các hoạt động của nhà vua và mọi khía cạnh trong quản lý hành chính quốc gia cuối thời Joseon từ năm 1760 đến năm 1910.



Protocol on the Marriage of King Yeongjo and Queen Jeongsun(Joseon, 18th century)

"Garye Dogam Uigwe" của vua Yeongjo và hoàng hậu Jeongsun (Triều đại Joseon, thế kỉ 18)
"Garye" có nghĩa là chuyện đại hỉ của hoàng tộc. "Garye Dogam Uigwe" là một bản ghi chép về đám cưới của vua hoặc thái tử. Bức tranh này là một phần của Uigwe ghi lại hôn lễ của Vua Yeongjo, vị vua thứ 21 của triều đại Joseon và kế hoàng hậu của ông, Hoàng hậu Jeongsun.



Tripitaka Koreana and Woodblocks

Daejanggyeongpan (Đại tạng kinh) và Jegyeongpan (Tế kinh) tại chùa Haeinsa
Được hoàn thiện trong một thời gian dài, những tấm mộc bản này là những ghi chép lịch sử cho du khách có cái nhìn tổng quát về dòng chảy và các khía cạnh của chính trị, văn hóa và hệ tư tưởng trong Triều đại Goryeo.



Daejanggyeongpan (Đại tạng kinh) và Jegyeongpan (Tế kinh) tại chùa Haeinsa

Daejanggyeongpan là bộ kinh Phật được khắc trên gỗ trong khoảng 15 năm bắt đầu từ năm 1236 vào thời đại Goryeo (918-1392). Vì tổng số bản kinh là 81.258 nên Bộ kinh này thường được biết đến với cái tên Palman Daejanggyeong (Bát vạn Đại tạng kinh) Mỗi tấm kinh đều được khắc ở cả hai mặt. Hiện nay, bộ kinh này đang được lưu trữ tại chùa Haeinsa. Chùa Haeinsa là ngôi chùa Phật giáo được xây dựng vào năm 802.

Đại Tạng Kinh Gorye được khắc nhằm giúp cho Goryeo vượt qua quốc nạn do cuộc xâm lăng của Mông Cổ bằng sức mạnh của Phật giáo. So với các tấm Đại tạng kinh được khắc vào thời nhà Tống, Nguyên và Minh của Trung Quốc, Đại tạng kinh Goryeo có nội dung Phật giáo phong phú hơn nhiều và là di sản văn hóa thế giới có giá trị được bảo toàn nguyên vẹn. Quy trình khắc Đại tạng kinh Goryeo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghệ in ấn và xuất bản ở Hàn Quốc.

Bản ghi chép về phong trào dân chủ hóa 18 tháng 5

Phong trào dân chủ 18 tháng 5 là phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ đã diễn ra tập trung tại Gwangju, Hàn Quốc từ ngày 18 đến 27 tháng 5 năm 1980. Phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ 18 tháng 5 được đánh giá là có tác động đáng kể đến sự lan rộng của phong trào dân chủ ở Đông Á sau những năm 1980. Tài liệu ghi chép về phong trào dân chủ 18 tháng 5 đang được lưu trữ ở Mỹ cũng như các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc: Quỹ tưởng niệm 18/5, Viện lưu trữ quốc gia, Bộ Tư lệnh Lục quân, thư viện Quốc hội bao gồm những đồ vật, tư liệu ảnh, video liên quan tới các hoạt động thường ngày của người dân thành phố tại thời điểm khi diễn ra sự việc cùng các ghi chép liên quan tới việc bồi thường cho những nạn nhân của sự kiện này.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Jongmyo Jerye (nghi lễ cúng tế) và Jongmyo Jeryeak (nhạc tế Tông miếu)

Nghi thức cúng tế tổ tiên hoàng gia (Jongmyo Jerye) là một nghi lễ công phu của triều đại Joseon được tổ chức tại Đền thờ Jongmyo và được cử hành hàng năm vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 5. Jongmyo Jerye là nghi thức trang trọng nhất của Triều đại Joseon khi hệ tư tưởng Nho giáo giữ vai trò là hệ tư tưởng của quốc gia, nghi lễ cúng bái tổ tiên đóng vai trò hướng con người về đạo lý, hình thành kết nối và trật tự trong xã hội.

Nhạc cụ, bài hát và điệu nhảy được sử dụng để tăng phần trang nghiêm cho Jongmyo Jerye được gọi là Jongmyo Jeryeak. Nhạc tế sử dụng rất nhiều nhạc cụ truyền thống như nhạc cụ gõ, nhạc cụ dây và các điệu nhảy như múa văn (munmu) và múa võ (mumu) giúp làm nổi bật vẻ đẹp vừa tráng lệ vừa tôn nghiêm của nghi lễ. Có thể nói Jongmyo Jerye và Jongmyo Jeryeak là loại hình nghệ thuật tổng hợp truyền thống kết hợp giữa âm nhạc và nghi lễ, được bảo tồn nguyên vẹn trong suốt 500 năm.

Jongmyo Jeryeak

Munmu (múa văn) trong Jongmyo Jeryeak Ilmu (nghi thức múa truyền thống trong tế lễ tại Jongmyo)
Điệu múa được biểu diễn ở Jongmyo Jeryeak được gọi là Ilmu. Ilmu được chia thành hai loại là Munmu (múa văn) và Mumu (múa võ). Đội quân múa văn nhảy uyển chuyển nhẹ nhàng đúng khí chất quan văn còn đội quân múa võ lại có các chuyển động đầy mạnh mẽ và quyết liệt.



Hát kể chuyện Pansori

Pansori là một loại hình hát kể chuyện dân gian với người hát đứng trên sân khấu kể chuyện bằng âm thanh, lời kể, điệu bộ, hòa cùng với nhịp trống của người đánh trống. Người đánh trống đôi khi cũng xen vào các câu xướng đệm để tạo thêm hưng phấn. Hình thức hát kể chuyện Pansori phát triển từ thế kỉ 18, nhận được rất nhiều sự mến mộ của công chúng Hàn Quốc và phát triển thành âm nhạc nghệ thuật.

Pansori Epic Chant

Hát kể chuyện Pansori
Đây là hình thức biểu diễn Opera độc thoại do một người đóng vai trò là người kể chuyện sử dụng âm thanh (xướng), aniri (lời kể) kết hợp với ballim (cử chỉ), hòa với nhịp điệu của gosu (người đánh trống).



Lễ hội Đoan ngọ Gangneung Danoje 

Lễ hội này có lịch sử lâu đời nhất ở Hàn Quốc và vẫn giữ nguyên được hình ảnh của lễ hội dân tộc truyền thống. Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào trước Tết Đoan ngọ (ngày 5 tháng 5 âm lịch), kéo dài khoảng 30 ngày tại Gangneung, tỉnh Gangwon-do.

Lễ hội được thực hiện với nghi thức cúng thần núi Daegwallyeong, người bảo vệ cho ngôi làng và cầu xin mùa màng tươi tốt, cuộc sống gia đình bình an, làng xóm hòa hợp, đoàn kết.


Lễ hội Đoan ngọ bắt đầu bằng nghi thức nấu rượu dâng thần vào ngày 5 tháng 4 âm lịch. Loại rượu này được gọi là "Sinjudamgi (Shinju Geunyang)" và người ta tin rằng rượu là thực phẩm kết nối linh hồn của trời và đất và rượu tượng trưng cho Thần linh.


Ngoài ra, còn có nhiều sự kiện khác như múa mặt nạ Gwanno (loại hình kịch câm duy nhất ở Hàn Quốc, trong đó các nô bộc sử dụng mặt nạ và các điệu nhảy, cử chỉ để biểu diễn), chơi đu, đấu vật, biểu diễn âm nhạc truyền thống nông thôn, gội đầu bằng nước cây thạch xương bồ và ăn bánh gạo surichwi. Đặc biệt, nghi thức gội đầu bằng nước cây thạch xương bồ là một phong tục theo mùa, theo đó phụ nữ gội đầu cây thạch xương bồ đun sôi để cầu nguyện sức khỏe, trường thọ trong ngày Đan Ngọ và xua đuổi tà ma cũng như giúp tóc bóng mượt hơn.



Gangneung Danoje Festival

Lễ hội Đoan ngọ Gangneung Danoje
Đây là lễ hội truyền thống tại vùng Yeongdong kéo dài từ tháng 4 tới đầu tháng 5 âm lịch. Bức ảnh chụp màn trình diễn mặt nạ Gwanno trong Lễ hội Gangneung Dano.



Múa vòng tròn Ganggangsullae

Đây là một trò chơi dân gian kết hợp các bài hát, điệu nhảy và trò chơi chủ yếu được biểu diễn bởi phụ nữ trong dịp Trung thu hoặc ngày rằm tháng giêng âm lịch ở các vùng ven biển của Jeollanam-do. Ngày nay, điệu múa này đã trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống và được biểu diễn trên toàn quốc tại các buổi biểu diễn dân gian. Những người nhảy múa nắm tay nhau thành một vòng tròn trong một không gian rộng lớn ngoài trời, xen vào đó là một vài trò chơi dân gian như Namsaengi nori (chú rùa ao), Deokseok mori (cuộn chiếu rơm) và Gosari kkeokgi (hái chồi non dương xỉ). Khi thực hiện điệu múa Ganggangsullae sẽ có một người hát chính và những người khác hát phụ họa theo. Nhịp ban đầu rất chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng càng về sau càng nhanh và các nhịp chân, chuyển động múa cũng phải nhanh cho phù hợp với nhịp điệu của bài hát.

Trò chơi Namsadang

Namsadang là một hình thức biểu diễn dân gian do các gánh hát lưu động biểu diễn tại các làng quê và khu chợ. Các tiết mục biểu diễn rất phong phú với âm nhạc và pungmul nori (các điệu nhảy dân gian), jultagi (đi bộ trên dây), daejeop dolligi (xoay đĩa), gamyeongeuk (kịch mặt nạ) và kkokdugaksi noreum (múa rối). Đây là hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian lâu đời của Hàn Quốc do những người nông dân lưu truyền và phát triển.


Người ta sử dụng các nhạc cụ như buk (trống), janggu (trống phong yêu), jing (chiêng), kkwaenggwari (phèng), nabal (kèn sona), taepyeongso (kèn bầu) để diễn tấu và ca múa. Qua đó giúp người nông dân xua tan mệt mỏi khi làm cỏ, cày ruộng, gieo mạ, nhằm nâng cao năng suất lao động và tinh thần tập thể.


Lễ cúng Yeongsanjae

Đây là một nghi lễ Phật giáo được thực hiện vào ngày thứ 49 sau ngày mất để tiễn đưa linh hồn người đã chết về chốn cực lạc. Đây là nghi thức được lưu truyền từ thời Goryeo và mục đích của Yeongsanjae là giúp cả người sống và người chết nhận thức được chân lý của Đức Phật để có thể thoát khỏi sự phiền não và nỗi thống khổ trần gian. Đây không phải là một buổi biểu diễn thông thường mà là một nghi thức Phật giáo trang nghiêm với sự tham gia của cộng đồng, không chỉ là một nghi lễ cúng tổ tiên mà còn là một nghi lễ cầu nguyện cho hòa bình của đất nước và bình an cho bách tính.

Múa lên đồng Yeongdeunggut ở đền Chilmeoridang, đảo Jeju

Đây là một trong những nghi lễ trình đồng truyền thống trong thôn làng ở đảo Jeju nhằm cầu xin đánh bắt được nhiều cá và có một cuộc sống sung túc. Tại đảo Jeju, tháng 2 âm lịch được gọi là tháng Yeongdeung, bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian cho rằng trong thời gian này, bà thần gió Yeongdeung sẽ đến thăm làng mạc, nhà cửa, lang thang khắp nơi và bà sẽ rời đi vào ngày trăng rằm.

Võ Taekkyeon

Còn được gọi là Gakhee (môn thể thao chân) và Bigaksul (võ thuật đá chân), Taekkyeon là một trong những môn võ thuật truyền thống của Hàn Quốc, có nghĩa là "đá" và trong các tài liệu cũ, môn võ này còn xuất hiện với tên "Takkyeon". Đây là một môn võ thuật riêng biệt có nguồn gốc lịch sử, đặc điểm võ thuật hoàn toàn khác với môn võ Taekwondo. Đặc điểm của Taekkyeon đó là môn võ thuật cho phép tay, chân và thân chuyển động nhất quán, mềm dẻo, linh hoạt, trao đổi các đòn tấn công, phòng thủ với đối phương một cách tự nhiên. Đây là môn võ dựa trên nhịp điệu âm nhạc và vũ đạo nên được đánh giá là một môn võ thuật mang tính nghệ thuật cao. Điểm khiến bộ môn Taekkyeon có sự khác biệt so với các môn võ khác chính là Taekkyeon thiên về tập trung vào phòng thủ hơn là tấn công và di chuyển chân nhiều.


Thể thức thi đấu rất đơn giản. Trên võ đài, hai đối thủ đứng đối diện nhau, một chân bước lên trước và hướng về phía đối phương. Người chiến thắng là người quật ngã được đối phương bằng tay và chân hoặc nhảy lên và đá vào mặt đối thủ trước.


Jultagi (Trò đi trên dây)

Đây là một trò chơi trong đó người biểu diễn vừa đi bộ trên dây, vừa ca hát, nhảy múa và tấu hài. Khi người biểu diễn trên dây thực hiện các trò đùa trên dây, diễn viên cùng đoàn đứng ở bên dưới pha trò và làm những động tác gây cười tạo bầu không khí sôi động, vui vẻ. Jultagi, một thời từng được biểu diễn ở các cung điện để cầu bình an trong năm mới, hay trong các bữa tiệc đón sứ thần nước ngoài nhưng dần dần nó đã trở thành trò chơi dành cho dân thường ở các làng quê hay khu chợ. Jultagi cũng hay xuất hiện trong các bữa tiệc mừng thọ sáu mươi tuổi hay tiệc sinh nhật của những gia đình giàu có.


Không giống như trò đi trên dây của nước ngoài, Jultagi của Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở kỹ thuật thăng bằng cơ thể để đi trên dây mà người đi trên dây thông qua các bài hát, câu nói dí dỏm sẽ dẫn dắt người xem cùng tham gia vào một trò chơi.



Taekkyeon

Võ Taekkyeon
Đây là một môn võ thuật truyền thống của Hàn Quốc sử dụng chuyển động cơ thể linh hoạt để chế ngự đối phương và bảo vệ bản thân.



Jultagi

Jultagi (Trò đi trên dây)
Trò chơi này không chỉ giới hạn ở các kỹ năng đi trên dây mà người đi trên dây và khán giả còn hợp tác với nhau để dẫn dắt trò chơi bằng các bài hát và những câu chuyện hóm hỉnh.



Nuôi chim ưng để đi săn

Đây là một trò chơi săn bắt trong đó chim ưng hoang dã được huấn luyện để bắt chim trĩ hoặc thỏ. Bằng chứng khảo cổ cho thấy việc nuôi chim ưng đã bắt đầu từ vài ngàn năm trước trên bán đảo Triều Tiên và thịnh hành nhất trong thời kỳ Goryeo (918 - 1392). Nếu xét về khu vực thì thú vui này phổ biến ở các địa phương phía Bắc hơn. Môn thể thao này thường được chơi trong mùa đông, tức tháng 10 âm lịch, cho đến trước vụ canh tác mùa xuân. Những người nuôi chim ưng buộc một dây da quanh cổ chân chim và buộc một thẻ có ghi tên người chủ nuôi và một chiếc chuông nhỏ ở đuôi chim. Vai trò của chiếc chuông là để xác định vị trí của chim ưng sau khi chim ưng lao xuống vồ mồi. Năm 2010, trò chơi này đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể thế giới cùng với 11 quốc gia khác, bao gồm Mông Cổ, Pháp, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha và Syria.

Bài hát truyền thống Arirang

Arirang là tên của bài hát dân gian tiêu biểu của văn hóa Hàn Quốc. Đây không phải là một bài hát duy nhất mà nó được lưu truyền qua rất nhiều biến thể tại mỗi vùng miền. Hiện tại, các bài dân ca được lưu truyền mang tên "Arirang" có hơn 60 loại, với khoảng hơn 3.600 bài hát. Arirang là bài hát được người dân đồng sáng tác qua nhiều thế hệ. Bất cứ ai cũng có thể viết ra lời bài hát và giai điệu mới nên nó đã được lưu truyền dưới nhiều phiên bản khác nhau để phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền. Bài hát Arirang nổi tiếng nhất là "Jeongseon Arirang" ở vùng Gangwon-do, "Jindo Arirang" ở vùng Jeollanam-do và "Miryang Arirang" ở vùng Gyeongsangnam-do. Mặc dù giai điệu và lời bài hát ở mỗi vùng khác nhau nhưng điệp khúc của tất cả các bài hát đều có chung những cụm từ tương tự nhau như "Arirang" và "Arari".

Vì có nhiều phiên bản khác nhau nên nội dung bài hát cũng rất đa dạng. Arirang được hát với nhiều mục đích như động viên công việc đồng áng nặng nhọc của nhà nông, thổ lộ tình cảm với người thương, cầu nguyện về cuộc sống bình yên, hạnh phúc hoặc khuấy động bầu không khí vui vẻ, sôi động. Các phiên bản Arirang đều có một điểm chung là chứa đựng những cảm xúc hỉ nộ ái lạc mà con người cảm nhận được trong cuộc sống hàng ngày. Vì ca từ của Arirang được sáng tác theo hoàn cảnh của bản thân tác giả, nên đây cũng là cơ hội giúp văn hóa Hàn Quốc trở nên đa dạng, phong phú hơn.

Ngày nay, Arirang đóng vai trò giúp gắn kết người dân Hàn Quốc tại các sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia. Năm 2000, khi tham dự Thế vận hội Sydney lần thứ 27, đội tuyển quốc gia Hàn Quốc đã hát Arirang khi bước vào sân vận động và trong Giải vô địch bóng đá thế giới Hàn Quốc - Nhật Bản lần thứ 17 năm 2002, đoàn cổ động viên "Quỷ đỏ" đã hát vang bài hát Arirang để cổ vũ đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc.

Văn hóa Kimjang

Kimjang là hoạt động chuẩn bị cần thiết cho mùa đông của người Hàn Quốc. Đây là công việc muối một lượng lớn kim chi để ăn trong suốt mùa đông. Kimchi luôn là một trong những món ăn tiêu biểu của Hàn Quốc và xuất hiện như một món ăn kèm trong các bữa ăn của người Hàn. Vì vậy, có thể nói Kimjang là hoạt động mùa đông quan trọng nhất của người Hàn Quốc.

Quá trình chuẩn bị làm Kimjang kéo dài trong suốt 1 năm trời. Vào mùa xuân, các gia đình Hàn Quốc chuẩn bị các loại mắm từ hải sản như mắm tép, mắm cá cơm. Vào mùa hè, họ chuẩn bị muối biển phơi khô, đến cuối hè thì phơi ớt và giã thành ớt bột. Vào cuối thu và đầu đông, là thời điểm chính thức bắt đầu hoạt động Kimjang, mọi người cùng nhau quây quần thành từng nhóm từ đơn vị gia đình cho tới toàn thôn làng để làm kim chi bằng những nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn.

Kimjang còn liên quan mật thiết đến văn hóa cộng đồng của người Hàn Quốc bởi nhiều người cùng tập hợp lại để muối một lượng lớn kim chi. Vì vậy, văn hóa Kimjang là một cơ hội quan trọng để củng cố tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong xã hội trong bối cảnh chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ trong xã hội hiện đại và cũng là một hoạt động giúp duy trì bản sắc của người Hàn Quốc. Hơn nữa, hoạt động nàycũng là một biểu tượng cho thấy văn hóa chia sẻ của người Hàn Quốc đã được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Ghi nhận những điều này, UNESCO đã công nhận văn hóa Kimjang là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 5 tháng 12 năm 2013.

Kimjang

Kimjang
Kimjang là phong tục truyền thống muối và bảo quản nhiều kim chi vào đầu mùa đông để chuẩn bị cho mùa đông khó tìm được rau tươi. Cách chế biến và nguyên liệu cũng khác nhau tùy theo từng địa phương nên hương vị và giá trị dinh dưỡng của kim chi mỗi nơi cũng có sự khác biệt ít nhiều.