"Cái đẹp đẽ thì xấu xí còn cái xấu xí thì đẹp đẽ"
Đây là lời thoại trong vở bi kịch 'Macbeth' của Đại văn hào người Anh William Shakespeare (1564-1616). Trong tác phẩm này, các giá trị đối lập nhau như thiện - ác, xấu - đẹp đều bị đảo lộn. Xã hội càng trở nên to lớn và hỗn loạn bao nhiêu, con người càng hay nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống và ngẫm nghĩ về ý nghĩa bản nhiên của cuộc đời bấy nhiêu. Liệu còn tác giả nào có thể làm tốt hơn Shakespeare trong việc thể hiện những cảm xúc đa dạng và các mâu thuẫn phức tạp trong con người hay không?
Nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày sinh của Shakespeare, một loạt các tác phẩm kịch nói, opera, điện ảnh, nhạc kịch dàn dựng các tác phẩm của ông sẽ ra mắt công chúng tại Hàn Quốc. Tác phẩm của ông nhận được nhiều sự đồng cảm của đông đảo khán giả chính nhờ cái nhìn xuyên thấu vấn đề một cách tinh tường, vượt trên cả không gian và thời gian. Các xung đột giữa thiện, ác và dục vọng xuất hiện trong tác phẩm của ông vẫn đang tiếp diễn.
(Từ trên xuống) Một cảnh trong vở 'Macbeth' do Đoàn kịch quốc gia dàn dựng, poster của vở 'Tempest', Vở 'Shylock hát ca' được chuyển thể từ tác phẩm 'Thương nhân thành Venice' theo cách nhìn hiện đại (Ảnh: Đoàn kịch quốc gia)
Đoàn kịch quốc gia đã trình diễn vở 'Macbeth', tác phẩm được đánh giá là mãnh liệt và nên thơ nhất trong tứ đại bi kịch của Shakespeare tại Nhà hát nghệ thuật Myungdong Seoul trong tháng này, các vở 'Shylock hát ca' và 'Tempest' sẽ lần lượt ra mắt công chúng cũng tại nhà hát này vào tháng 4 và tháng 5. Tác phẩm 'Shylock hát ca' mặc dù không thay đổi nhiều nguyên tác 'Thương nhân thành Venice' nhưng vẫn có sự biến tấu mới mẻ khi thoát khỏi triết lý đen trắng và tập trung khai thác nhân vật Shylock để chuyển thể nguyên tác thành một vở hài kịch còn 'Tempest' là một kiệt tác sau này chứa đựng nội dung về sự phản bội và trả thù giữa những người anh em, tình yêu và những cuộc gặp gỡ tình cờ. Ngoài ra, vào cuối tháng 5, sân khấu Nhà hát nghệ thuật Myungdong dự kiến đón chào vở diễn 'Julius Caesar'. 'Julius Caesar' là vở kịch do một chính trị gia ở Roma sáng tác để phác họa chân dung Caesar. Tác phẩm được công chúng ghi nhớ với lời thoại nổi tiếng "Cả con nữa ư, Brutus?"
Ngoài ra nhân dịp này, nhiều chương trình biểu diễn opera cũng được dàn dựng. Đoàn Opera quốc gia sẽ lần lượt gửi tới người xem hai vở opera 'Otello' do Giuseppe Verdi soạn nhạc và 'Romeo và Juliet' do Charles-François Gounod biên soạn vào tháng 10 và tháng 11 tại Sảnh đường nghệ thuật Seoul. Tác phẩm 'Romeo và Juliet' là sự hòa quyện tinh tế giữa một câu chuyện tình bi thương với âm nhạc thanh tao và đầy xúc cảm còn 'Otello' lại là một vở bi kịch trang nghiêm được chuyển thể dựa trên nguyên tác kết hợp với các thang âm rộng. Các vở nhạc kịch được chuyển thể từ nguyên tác của Shakespeare cũng sẽ ra mắt người xem nhân dịp này. Vở nhạc kịch 'Ophelia' chuyển thể từ tác phẩm 'Hamlet' theo quan điểm của nữ nhân vật chính Ophelia dự kiến sẽ được trình diễn tại M theater thuộc Hội quán văn hóa Sejong vào tháng 5.
Một cảnh trong vở 'Romeo và Juliet' (trên) và 'Otello' (dưới) do Đoàn Opera quốc gia biểu diễn (Ảnh: Đoàn Opera quốc gia)
Ngoài ra còn có các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật nước ngoài. Nhà hát quốc gia đã mời Nhà hát Bristol Old Vic của Anh sang biểu diễn vở kịch 'Giấc mộng đêm hè' vào tháng 4 tại Nhà hát Dal o reum. Năm ngoái, vở kịch này đã được trình diễn ở Anh và được Nhật báo Guardian phát hành ở London ca tụng là "Thần bí như dính phải ma thuật". Tháng 2 năm nay, đoàn đã khởi động tour lưu diễn vòng quanh thế giới bắt đầu từ Barbican Centre ở London và dự kiến điểm dừng chân cuối cùng sẽ ở Hàn Quốc.
Về điện ảnh, tác phẩm 'Romeo và Juliet' của đạo diễn Baz Luhrmann, với diễn xuất của hai diễn viên chính Leonard DiCaprio và Clair Danes được sản xuất năm 1996 sẽ được công chiếu lại ở Hàn Quốc vào ngày 27. Tác phẩm này có đặc điểm giữ nguyên cốt truyện và lời thoại của nguyên tác nhưng biến tấu theo cảm xúc hiện đại. Hai gia tộc vốn có mối thù hằn oan nghiệt trong nguyên tác được đổi thành hai doanh nghiệp cạnh tranh nhau và phim được diễn tiến trên nền nhạc rock khiến tác phẩm đã thay đổi diện mạo thành một bộ phim dành cho khán giả trẻ. Bộ phim 'Romeo và Juliet' của đạo diễn Franco Zeffirelli với diễn viên chính Olivia Hussey sản xuất năm 1968 là một tác phẩm nổi tiếng về sự lãng mạn và ngọt ngào được sản xuất năm 1968 lại mang tới những sắc thái cảm xúc hoàn toàn khác biệt.
Poster bộ phim 'Romeo và Juliet' được công chiếu lại (Ảnh: Prain Global)
Có thể thấy các tác phẩm của Shakespeare vẫn có sức sống trên các sân khấu kịch nói, điện ảnh, nhạc kịch, opera. Các tác phẩm của ông vẫn đang chuyển mình một cách đa dạng để bước lên sân khấu, có thể nói không ngày nào tác phẩm của Shakespeare vắng mặt trên sân khấu trên toàn thế giới. Một lý do khác giải thích cho việc các tác phẩm của Shakespeare liên tục được trình diễn chính là bởi các tác phẩm của ông được coi là sách giáo khoa của giới kịch nghệ, cách triển khai các mâu thuẫn trong tác phẩm và cách miêu tả nhân vật của ông được cho là hoàn mĩ.
Diễn viên Seok Seong Ye phụ trách diễn xuất trong vở kịch 'Chuyện hai người lính', một tác phẩm được chuyển thể từ vở 'Hamlet' đã công diễn đầu năm nay cho biết "Càng đọc tác phẩm của Shakespeare, ta càng phát hiện được thêm nhiều điều mới mẻ" và đạo diễn Yang Jeong Ung, người đã giới thiệu tác phẩm "Romeo và Juliet" được biến tấu theo kiểu hiện đại tại Nhà hát lớn Mary Hall trường Đại học Seo Gang vào tháng 2 bình luận rằng "Shakespeare là linh hồn và trái tim của những nghệ sĩ kịch". Đạo diễn Lee Byung Hun phụ trách diễn xuất vở 'Hamlet' của Đoàn kịch quốc gia nói "Hài kịch của Shakespeare là kinh thánh của kịch nghệ" và giải thích về tác phẩm, ông cho biết "Những người hiện đại đang sống trong một thời đại bấp bênh, họ bị cuốn theo một hệ thống mà mình không hề hay biết và chết mòn vì nó. Chúng tôi muốn cho mọi người thấy được rằng thế giới bên ngoài và sự thật bên trong nó có thể hoàn toàn khác nhau".
Đạo diễn nghệ thuật Kim Yun Cheol của Đoàn kịch quốc gia cho biết "Đến năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của Shakespeare, các tác phẩm của ông sẽ trở thành đề tài dẫn dắt cả giới kịch nghệ" và "Trong 3 năm tới đây, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục khai thác kịch mục chính của Shakespeare". Đạo diễn Kim nói thêm "Kịch của Shakespeare mặc dù là những tác phẩm được sáng tác từ 5 thế kỷ trước nhưng có một ưu điểm đó là dù ở đất nước nào, nó vẫn thích hợp để chuyển thể thành những tác phẩm kịch đương đại. Kịch của Shakespeare luôn có một sức hấp dẫn trường tồn bất diệt bởi trong đó đã có sẵn những yếu tố mơ hồ và thân bí của cuộc sống, cùng những tình huống mâu thuẫn khi con người chìm trong tuyệt vọng mà nghệ thuật hiện đại đang tái hiện. Thế giới kịch nghệ của Shakespeare sẽ sống dậy vào năm 2006, năm kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông".
Phóng viên Lim Jae Eon của Korea.net
jun2@korea.kr