Tác phẩm điêu khắc có tên “Nguzunguzus” trang trí trên phần mũi xuồng đã được trưng bày trong triển lãm “Mana Moana - Nghệ thuật của Đại dương, Châu Đại Dương” (tiếng Anh: MANA MOANA - Arts of the Great Ocean, OCEANIA) diễn ra ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, quận Yongsan-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Bài viết từ
Xu Aiying và
Charles Audouin
Thái Bình Dương là đại dương bao phủ khoảng một phần ba bề mặt hành tinh với hàng chục nghìn hòn đảo rải rác như những vì sao trên bầu trời. Con người tiếp tục thám hiểm vùng nước rộng lớn này và tìm ra các hòn đảo để sinh sống, từ đó nền văn hóa Châu Đại Dương phát triển mạnh mẽ và đa dạng.
Làm sáng tỏ nghệ thuật và triết lý ở khu vực Thái Bình Dương trong nền văn hóa Châu Đại Dương, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Quai Branly Jacques Chirac của Pháp đồng tổ chức “Mana Moana - Nghệ thuật của Đại dương, Châu Đại Dương” (tiếng Anh: MANA MOANA- Arts of the Great Ocean, OCEANIA) từ ngày 30/4 cho đến hết ngày 14/9.
Trong tên triển lãm “Mana Moana”, từ “Mana” có ý nghĩa là sức mạnh thiêng liêng trong vạn vật bằng tiếng Polynesia, còn từ “Moana” có nghĩa như đại dương bao la vô biên. Dự kiến, tại triển lãm sẽ trưng bày 171 hiện vật trong thế kỷ 18-20 bao gồm xuồng, tác phẩm điêu khắc, nhạc cụ và đồ trang sức cũng như 8 tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại ở Châu Đại Dương.
Tác phẩm “Bùa hộ mệnh Marupai có sức mạnh thiêng liêng” được làm bằng cách điêu khắc những quả dừa nhỏ và quét vôi lên chúng. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Triển lãm này bắt đầu với lịch sử các chuyến đi biển và quá trình định cư của người dân Châu Đại Dương, sau đó chuyển sang những câu chuyện về vùng Melanesia và Polynesia. Các hiện vật được trưng bày phản ánh nền văn hóa biển của thổ dân trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương, chẳng hạn như kỹ thuật hàng hải và bí quyết chế tạo xuồng đã phát triển qua hàng thiên niên kỷ.
Những hiện vật đáng chú ý là “Dogai” - tác phẩm điêu khắc trang trí trên phần mũi xuồng và “Taurapa” - tác phẩm điêu khắc trang trí trên phần đuôi xuồng. Cùng với đó, mặt dây chuyền ngọc bích “Hei tiki” là một điểm nhấn khác của triển lãm, nó tượng trưng cho huyết thống và sức sống, cũng được coi như một bùa hộ mệnh quan trọng đối với người Maori.
“Dogai” - tác phẩm điêu khắc trang trí trên phần mũi xuồng và mặt dây chuyền ngọc bích “Hei tiki” được trưng bày trong triển lãm “Mana Moana - Nghệ thuật của Đại dương, Châu Đại Dương” (tiếng Anh: MANA MOANA - Arts of the Great Ocean, OCEANIA) ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, quận Yongsan-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Trong số các thể loại nghệ thuật, nghệ thuật làm đồ trang sức và đồ thủ công mỹ nghệ quả thật là “tinh hoa” của nghệ thuật Châu Đại Dương. Những nguyên liệu thiên nhiên khác nhau như răng cá voi, xơ dừa và xà cừ tạo nên vẻ đẹp độc đáo và bắt mắt khách thăm quan chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, bức tranh mang tên “Vô đề” của Emily Kam Kngwarrey (1910-1996), nghệ sĩ hàng đầu của nghệ thuật thổ dân Úc, là tác phẩm cho phép khách tham quan có thể khám phá nghệ thuật đương đại ở Châu Đại Dương. Là một bức tranh acrylic, nó mô tả các họa tiết truyền thống từng được vẽ trên cơ thể phụ nữ trong các nghi lễ tưởng nhớ mối liên hệ giữa vùng đất và tổ tiên của họ.
“Tapa” - một loại vải làm từ vỏ cây được trưng bày tại triển lãm “Mana Moana - Nghệ thuật của Đại dương, Châu Đại Dương” (tiếng Anh: MANA MOANA- Arts of the Great Ocean, OCEANIA) ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, quận Yongsan-gu (Seoul). (Ảnh: Lee Jeong Woo / Korea.net)
Nghệ thuật Châu Đại Dương có nhiều vai trò và ý nghĩa khác nhau, nhưng có điểm thống nhất là nó khiến mọi người suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Thế giới quan truyền thống của nó coi đại dương có sức mạnh thiêng liêng và mọi sinh vật đều là bạn đồng hành, dạy cho thế giới hiện đại về trí tuệ của cuộc sống bền vững trong bối cảnh khủng hoảng môi trường.
Cách thức phục hồi huyền thoại và tổ tiên thông qua nghệ thuật trong nền văn hóa Châu Đại Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng văn hóa và phục hồi bản sắc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, nó cũng dạy một thái độ cởi mở trong việc bảo tồn văn hóa của riêng mình khi vẫn tôn trọng các nền văn hóa khác.
xuaiy@korea.kr