Những ngày gần đây, văn hóa Hàn Quốc đang “làm mưa làm gió” trên toàn thế giới và đặc biệt được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ bao gồm văn hóa đại chúng như âm nhạc, phim truyền hình và phim điện ảnh, Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong nhiều lĩnh vực đa dạng như văn học và nghệ thuật biểu diễn. Món ăn Hàn Quốc cũng không ngoại lệ, từ các ẩm thực Phật giáo đến Kimchi, Bulgogi và Bibimbap, các món ăn xứ sở Kim Chi dần xuất hiện trên bàn ăn của người dân trên khắp thế giới.
Trong bối cảnh những nội dung văn hóa Hàn Quốc gây tác động tích cực đối với nhiều khía cạnh khác nhau, chúng ta không thể không nhắc đến các loại rượu truyền thống Hàn Quốc có kết hợp tuyệt vời giữa mùi thơm đậm đà, quyến rũ từ nhiều nguyên liệu tươi sạch. Trong đời sống của người dân Hàn Quốc, rượu đã và đang là một trong những yếu tố quan trọng không thể bỏ qua khi có tiếng nhạc vui nhộn và món ăn ngon đỉnh.
Thông qua chuỗi bài viết “Hidden charms of Korea – Sool” (tạm dịch: Những nét quyến rũ tiềm ẩn của Hàn Quốc – Rượu), cổng thông tin điện tử Korea.net sẽ khám phá nét đặc sắc trong hương vị rượu truyền thống Hàn Quốc và những câu chuyện đằng sau chúng.
Ngoài rượu Soju được biết đến rộng rãi khi xuất hiện trong nhiều phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc cũng như rượu gạo Makgeolli có mùi hương dễ chịu, Hàn Quốc lại có nhiều loại rượu đáng để thử. Trong quá khứ, tổ tiên của người dân Hàn Quốc đã làm rượu theo những cách sáng tạo với các nguyên liệu tùy thuộc vào thời tiết và vùng miền.
Phần 1 của chuỗi bài viết này đề cập đến những loại rượu được người Hàn Quốc yêu thích nhất và phần 2 sẽ giới thiệu sự kết hợp hoàn hảo giữa các món ăn hợp với rượu truyền thống cũng như nền văn hóa uống rượu Hàn Quốc. Phần 3 chia sẻ những giọng nói và bình luận của một số chuyên gia rượu Hàn Quốc. Vậy còn chần chờ gì nữa, các độc giả hãy cùng tìm hiểu sâu về rượu truyền thống quyến rũ của xứ sở Kim Chi.
Hạt kê tẻ màu vàng được sử dụng để làm “Mitsool” của loại rượu “Munbaeju” và cao lương đỏ được sử dụng để làm “Deotsool”. Được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, Munbaeju được tự hào là có mùi hương giống như quả lê mặc dù được làm từ các loại ngũ cốc hỗn hợp. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)
Bài viết từ Min Yea-Ji
Bước vào một tòa nhà ở thị trấn Tongjin-eup, thành phố Gimpo, tỉnh Gyeonggi-do, các nhân viên của Korea.net đã nhìn thấy một bếp củi, sàn gỗ và mặt đất nơi có thể gieo hạt ngũ cốc như kê và cao lương. Đối diện với đó là xưởng nấu rượu Munbaeju rộng 1.652 m² có thiết kế hiện đại, và bên cạnh mặt đất khô cằn là cái lu sắp xếp ngăn nắp cũng như ba cây lê dại, tượng trưng cho hương thơm độc đáo của Munbaeju.
“Munbaeju” là một trong những loại rượu truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc vốn dĩ đã được sản xuất tại Pyeongyang, Triều Tiên với ngũ cốc tươi sạch. Từ ngày xưa, gạo được tiêu thụ như loại lương thực quan trọng trong đời sống của người dân Hàn Quốc nên họ thường lấy gạo làm thành phần chính của các loại rượu truyền thống. Nhưng Pyeongyang là một vùng địa phương nổi tiếng với kê tẻ màu vàng và cao lương đỏ nên người dân ở đó bắt đầu sử dụng các loại ngũ cốc này để làm rượu thơm ngon.
Tên gọi của loại rượu này bắt nguồn từ hương vị và mùi thơm tuyệt vời của nó giống như quả lê dại (munbae trong tiếng Hàn). Điều đáng ngạc nhiên là nguyên liệu làm Munbaeju chỉ có kê tẻ màu vàng, cao lương đỏ và Nuruk (men lúa mì) nhưng rượu lại có mùi hương thanh tao và tinh tế của quả lê dại. Nhờ mùi hương thơm như vậy, Munbaeju được phân loại là “Banghyangju”, nghĩa đen là “đồ uống có cồn và có mùi trái cây dễ chịu”.
Ngay sau khi chào hỏi nhân viên, Giám đốc điều hành xưởng nấu rượu Munbaeju Lee Seung Yong nhanh chóng hướng dẫn các nhân viên đến xưởng nấu rượu để ông kịp thời thêm hạt kê tẻ màu vàng làm nguyên liệu. Ngay khi bước vào nơi làm Munbaeju, mùi hương đặc biệt đã xộc thẳng vào mũi.
Để làm Munbaeju trước tiên cần làm “Mitsool” (rượu được tạo ra trong quá trình lên men đầu tiên) với kê tẻ màu vàng, nước sạch và bột Nuruk (men lúa mì). Bước tiếp theo là thêm cao lương đỏ hấp sau 5 ngày lên men để tạo “Deotsool” và người làm rượu cần lặp lại quá trình thêm cao lương đỏ hấp vào Deotsool được làm vào một ngày trước đó. Sau khi lên men Deotsool hoàn thành trong 10 ngày và chưng cất nó thì có thể có được Munbaeju hoàn hảo.
Các loại rượu truyền thống Hàn Quốc được chia thành “Yyiyangju” (Yi có nghĩa là số hai), “Samyangju” (Sam có nghĩa là số ba) và “Sayangju” (Sa có nghĩa là số bốn), đề cập đến số lần Deotsool được thêm vào Mitsool. Càng thêm nhiều Deotsool, độ cồn rượu càng cao và mùi thơm càng đậm. Theo đó, rượu Munbaeju được phân loại là Samyangju.
(Video: Lee Jun Young / Korea.net)
Giám đốc Lee cho biết: “Các thành phần chính (kê tẻ và cao lương) phải có chất lượng tốt để thức uống có vị ngon. Chúng tôi đang phân tích và quản lý chất lượng thành phần với Viện Khoa học Cây trồng Quốc gia (National Institute of Crop Science)”. Theo giám đốc, hương vị và chất lượng của rượu chỉ có thể được nâng cao nếu ngành công nghiệp cơ sở phát triển mạnh mẽ.
Giám đốc điều hành đang học cách làm Munbaeju từ cha mình, ông Lee Gi-choon, một bậc thầy kế tiếp kỹ thuật làm Munbaeju được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Sau khi Lee chiết xuất rượu Munbaeju từ Sojutgori (máy chưng cất) theo cách truyền thống và yêu cầu các nhân viên của Korea.net thử một ít loại “rượu rất quý” này. Vì nồng độ cồn cao nên anh đã rót rượu ra từng cốc nhỏ. Chỉ một lần ngửi cũng đủ để cảm nhận được mùi thơm của quả lê ngọt ngào. Độ cồn của nó giống rượu whisky 40%, nhưng rất dễ uống và có dư vị tinh khiết.
Munbaeju đã được phục vụ trong các bữa tiệc được tổ chức tại cả ba Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000, 2007 và 2018. Là loại rượu Soju chưng cất với độ cồn cao, nó có thể được phục vụ với đá hoặc được pha chế như một loại cốc tai.
Lee Seung Yong - Giám đốc điều hành xưởng nấu rượu Munbaeju chiết xuất rượu Munbaeju từ Sojutgori (máy chưng cất) theo cách truyền thống. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)
Giới thiệu về cách uống Munbaeju, Lee gợi ý rằng đối với những người không muốn uống rượu có độ cồn cao, hãy trộn nước tonic và Munbaeju theo tỉ lệ 3 : 1 và thêm nước trái cây có mùi thơm mạnh như bưởi, thảo mộc hoặc cam Nhật. Theo Lee, việc uống Munbaeju với cá sống, thịt cừu hoặc thịt thăn bò sẽ là sự kết hợp hoàn hảo.
Để có sự lan tỏa nhẹ nhàng hơn trong miệng, Lee khuyên mọi người nên uống với mứt gừng khô xắt lát, nói rằng một sự kết hợp không thể đánh bại là hương vị ngọt ngào của mứt gừng khô với vị đắng và hương thơm của Munbaeju.
Nói về giá trị của các loại rượu truyền thống Hàn Quốc, giám đốc Lee nói: “Rượu truyền thống của Hàn Quốc có chất lượng cao, cũng ngon. Rượu whisky, vodka và rượu vang đều là những thức uống có cồn tuyệt vời, nhưng rượu truyền thống của Hàn Quốc không kém khi so sánh với chúng”.
Lee tiếp tục cho biết: “Tôi không muốn nói rượu Hàn Quốc là ngon nhất. Tôi chỉ muốn nói các loại rượu truyền thống của Hàn Quốc cũng khá, vì vậy nhiều người hãy có niềm tin và thử nó”.