Những người ngoại quốc tham gia khóa tu tại chùa đã thức dậy từ rất sớm để tham gia chương trình tụng kinh sáng sớm. (Ảnh: Chùa Hwagyesa)
Những người tham gia được phân chia phòng và cung cấp một bộ Hanbok sinh hoạt. (Ảnh: Laida Landea Ruiz)
Khoảng 18h, đoàn của chúng mình đã đến Hwagyesa, khác với sự ồn ào xe cộ ở ngoài kia không khí ở chùa lúc này vô cùng yên tĩnh, có chút đìu hiu nhưng lại mang đến một càm giác vô cùng bình yên. Mặc dù nằm trong thành phố, nhưng lại được bao bọc ưu ái bởi thiên nhiên, nên đây có lẽ chính là lý do khiến bầu không khí ở Hwagyesa khác biệt so với những ngôi chùa còn lại trong thành phố.
Vừa bước chân qua cánh cổng, mũi của mình đã tràn đầy hương thơm của thiên nhiên, từ mùi của sương chiều, chồi non mới nhú cho đến mùi hương của con suối nhỏ, tất cả những tổ hợp này gợi nhớ lại một cảm giác về những ngôi chùa ở Việt Nam mà mình thường hay lui tới. Cuối cùng thì sau bao ngày mong ngóng, mình cũng có cơ hội tìm đến một nơi giúp mình có thể tạm thời gác lại những suy nghĩ mông lung phức tạp, những lo lắng bộn bề của cuộc sống.
Lịch trình đầu tiên của khóa tu bắt đầu từ việc phân phòng, ở chùa Hwagyesa có một khu nhà ở dành riêng cho những người đến trải nghiệm khóa tu ở lại chùa. Cứ 3 người thì được phân chia vào 1 phòng, ngoài ra còn được cung cấp một bộ Hanbok sinh hoạt để mặc trong 2 ngày tu tập. Ở Việt Nam cũng thường mặc “áo Lam” trong thời gian ở lại chùa hay đi Lễ Phật, tuy nhiên mọi thứ đều tự mỗi Phật tử chuẩn bị riêng chứ không được cung cấp như những ngôi chùa ở Hàn Quốc.
Là một người khá nhạy cảm nên mình đã lo lắng về nơi mà tất cả mọi người sẽ qua đêm, tuy nhiên khác xa với tưởng tượng, căn phòng rất gọn gàng và sạch sẽ. Căn phòng rộng khoảng 16-17m², có đầy đủ tủ giày, tủ quần áo, chăn đệm, nhà vệ sinh riêng, ấm siêu tốc, bộ ấm chén để pha trà.
Có một điểm khác biệt là tất cả các khóa tu ở Hàn Quốc đều luôn có sẵn trong 4 mùa, có thể đăng ký vào bất cứ lúc nào và quy mô không lớn như ở Việt Nam. Đặc biệt là bạn vẫn có thể đăng ký trải nghiệm một khóa tu ở lại chùa Hàn Quốc dù chỉ có một mình.
Sau khi nhận phòng và sắp xếp đồ đạc, tất cả mọi người đều tập trung lại tại một gian phòng và nghe giải thích về lịch trình trong 2 ngày, cũng như xem video về những lễ nghi khi ở lại chùa. Hàn Quốc có một văn hóa rất thú vị là trong hầu như tất cả các chương trình trải nghiệm thì trà và đồ ăn nhẹ luôn được chuẩn bị sẵn.
Tiếp đến chúng mình đã được dạy về phương pháp lạy sám hối 108 lạy. Giống với tên gọi, 108 lạy là cách để con người sám hối trước Đức Phật về những tội chướng đã gây ra trong quá khứ, hiện tại thậm chí là tương lai với mong muốn thoát khỏi 108 loại phiền não.
Một trải nghiệm trang trí túi vải sử dụng hoa văn Mandala, một biểu tượng nghệ thuật của Phật giáo và những bức tranh đơn giản tượng trưng cho Phật giáo, cũng đã được tổ chức.
Cuộc sống ở chùa thường phải sinh hoạt theo thời gian biểu đã được sắp xếp sẵn nên mình cảm thấy nó khá giống với cuộc sống ở trong quân đội. Chúng mình đã được dặn dò là hãy chuẩn bị và đi ngủ sớm, vì toàn bộ đèn trong chùa sẽ được tắt vào lúc 21h. Một điều khiến mình khá lo lắng vì với một người mắc bệnh khó ngủ như mình thì việc không có giường ngủ sẽ khó đảm bảo được chất lượng của giấc ngủ, nhưng một lần nữa những thứ ở đây đã không khiến mình thất vọng, chiếc đệm dày khoảng 10cm với chất liệu mềm mại đã đưa mình vào giấc ngủ một cách ngon lành.
Trước lúc đi ngủ, mình đã chạy ra khoảng sân nhỏ trước cửa phòng để ngắm sao, vì bình thường rất khó để có thể nhìn thấy một bầu trời đầy sao ở cự li gần như thế này. Điều này làm mình nhớ đến bầu trời đêm có thể nhìn thấy rõ cả dải ngân hà ở Việt Nam.
4h20, bị tỉnh giấc bởi chuông báo thức, ai cũng mắt nhắm mắt mở di chuyển đến chánh điện để tham gia tụng kinh sáng sớm. Dù vẫn còn đang trong trạng thái ngái ngủ nhưng cái lạnh vào sáng sớm ở đây đã khiến mình tỉnh ngủ hẳn. Và lịch trình ngày thứ hai được bắt đầu như thế.
Điều gì đến cũng sẽ đến, với một tín đồ ăn uống Foodie như mình thì chắc chắn việc được thưởng thức món chay là việc mà mình mong đợi nhất. Bí ngô luộc, Kimchi cải thảo, Kimchi dưa chuột, cà tím xào, japchae (miến trộn Hàn Quốc), đậu phụ hấp, salad, dưa hấu,...một bữa sáng tuy đơn giản nhưng đầy đủ dưỡng chất, đúng chuẩn ẩm thực Hàn Quốc.
Tuy nhiên cá nhân mình cảm thấy món chay ở chùa Việt Nam đa dạng hơn, có đầy đủ các món như nộm, chả lụa, sườn chay chua ngọt, canh rau củ,...phong phú và nhiều màu sắc. Mặc dù vậy, mỗi quốc gia đều có sự đặc sắc riêng trong văn hóa ẩm thực chay thể hiện rõ hương vị và màu sắc đặc trưng của ẩm thực nước đó.
Bữa sáng được cung cấp ở chùa Hwagyesa. (Ảnh: Laida Landea Ruiz)
Ẩm thực chay Việt Nam. (Ảnh: Ăn chay cùng Nhi / accnhi)
Những người tham gia đang chăm chú lắng nghe sư cô Cheong-shim giải thích về các bức tượng Phật. (Ảnh: Cao Thị Hà / Korea.net)
Khung cảnh của chùa Hwagyesa khi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Cao Thị Hà / Korea.net)
Con đường thiền định kéo dài từ chùa Hwagyesa đến Đài quan sát Mây. (Ảnh: Seo Minji)
Kết thúc lịch trình tham quan chùa, chúng mình tản bộ dọc theo con đường mòn nhỏ kéo dài từ chùa Hwagyesa đến Đài quan sát Mây khoảng tầm hơn 500m. Trước đây khi nhắc đến khái niệm “thiền” thì mình chỉ biết đến kiểu thiền ngồi, bây giờ được trải nghiệm thêm hình thức mới là vừa đi bộ trong rừng vừa thiền.
Bước đi chầm chậm từng bước từng bước một, cảm nhận nguồn năng lượng sạch sẽ của thiên nhiên là đặc điểm của phương thức thiền này. Loại bỏ hết những nguồn năng lượng xấu tồn đọng trong cơ thể, và những suy nghĩ phức tạp trong đầu cũng cứ thế từng chút một dần biến mất đi.
Nhìn đồng hồ lúc này cũng đã gần 9 giờ sáng, cả đoàn nhanh chóng di chuyển đến tòa nhà tối qua đã học những lễ nghi trong chùa để tham gia lịch trình cuối cùng của khóa tu, “thời gian trà đạo cùng nhà sư”. Một chiếc bàn nhỏ bên trên có trà xanh và Seolgi (Bánh gạo hấp) vị Chocolate đã được nhân viên của nhà chùa chuẩn bị sẵn. Đoàn của chúng mình phân chia cứ 2 người một bàn. Khi tham gia khóa tu tại chùa ở Việt Nam cũng luôn có khoảng thời gian để tất cả các Phật tử cùng ngồi xuống, lắng nghe sư thầy thuyết giảng về những cái “thâm, sân, si” trong cuộc sống.
Chúng mình đã có khoảng một tiếng để trà đạo cùng với sư cô Cheong-shim, vì là quy mô nhỏ nên những người tham gia đã có cơ hội đặt rất nhiều câu hỏi nhí nhảnh về sư cô như “lý do vì sao cô lại chọn bước chân vào cửa Phật, bao lâu thì cô cạo tóc một lần, một ngày ở chùa thì cô thường làm những việc gì,...”.
Sư cô Cheong-shim cho biết: “Thông thường mọi người tìm đến những khóa tu ở chùa để cảm nhận được sự bình yên mà họ không thể tìm thấy ở ngoài kia. Khi ở chùa, các bạn có thể tạm gác lại những lo lắng bộn bề và gánh nặng của cuộc sống để tìm những giây phút tĩnh lặng cho riêng mình”.
Tham gia khóa tu lần này mình cũng đã làm quen được một người bạn đến từ Canada đồng thời cũng là Phóng viên danh dự của Korea.net, và một Influencer chính hiệu đến từ Pháp.
Người bạn là Phóng viên danh dự của Korea.net Hong Alice nói đây là lần thứ 2 cô ấy tham gia trải nghiệm khóa tu ngắn hạn ở chùa tại Hàn Quốc, “tôi lớn lên ở Vancouver, nơi có nhiều cây cối, không khí trong lành và động vật hoang dã. Bất cứ khi nào tôi đến chùa, tôi đều cảm thấy được kết nối với thiên nhiên nhiều hơn và điều đó cũng khiến tôi cảm thấy như thể mình đang trở lại Canada”.
Khi nói về những khóa tu tại chùa, Alice còn cho biết: “Đây là một trong những phương pháp tốt nhất để biết nhiều hơn về lịch sử Hàn Quốc. Thay vì học trong sách hay xem ở trên YouTube thì trực tiếp gặp gỡ những người bạn Hàn Quốc và tìm hiểu về lịch sử đất nước này thông qua những người bạn đó sẽ hiệu quả hơn”.
Còn người bạn đến từ Pháp Anne-Laure thì lại chia sẻ cô cảm thấy thỏa mãn về trải nghiệm lần này, “bản thân tôi là dân du mục nên thường đi du lịch một mình ở rất nhiều nơi và tôi đã cố gắng tìm kiếm một nơi nào đó có thể khiến tôi dừng chân, Hàn Quốc có lẽ là điểm dừng chân tiếp theo của tôi”.
“Gặp gỡ những người bạn mới và phát hiện ra những điều mới lạ về Hàn Quốc thật sự rất thú vị. Tôi nghĩ rằng tôi đã lỡ yêu đất nước này mất rồi”, Anne phấn khởi nói.
Những người tham gia chụp ảnh kỷ niệm sau khi kết thúc lịch trình khóa tu ngắn hạn tại chùa Hwagyesa. (Ảnh: Chùa Hwagyesa)
Nếu bạn muốn tham gia khóa tu ngắn ở lại chùa Hàn Quốc thì phải làm sao? Thông thường những khóa tu tại các ngôi chùa trên toàn Hàn Quốc được tổ chức quanh năm, nên nếu bạn muốn trải nghiệm văn hóa Phật giáo Hàn Quốc thì có thể đăng ký khi truy cập vào link dưới đây: - Templestay: https://eng.templestay.com (Tiếng Hàn, Anh) Đặc biệt, bạn vẫn có thể đăng ký tham gia trải nghiệm khóa tu tại Hàn Quốc dù bạn chỉ là khách du lịch. |