Phóng viên danh dự

25.06.2020

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20200625_dano_pvdd_vn_article_001

Ở Hàn Quốc, ngày mùng 5/5 âm lịch là Tết Đoan ngọ (hay còn được gọi là Surit-nal). Tết Đoan ngọ năm 2020 rơi vào ngày 25/6 dương lịch. (Ảnh: Korea.net)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Phương Mai

Có thể nói rằng, đối với người dân xứ sở Kim chi, tháng 6 là tháng của những ngày lễ quan trọng. Trong đó, không thể không kể đến ngày 5/5 âm lịch hay còn gọi là Tết Đoan ngọ. Tương tự như Tết Diệt sâu bọ ở Việt Nam, đây là dịp để người thân và gia đình có thể quây quần, đoàn tụ bên nhau. Hãy cùng xem Tết Đoan ngọ của người Hàn Quốc có điều gì thú vị nhé!


1. Vì sao Tết Đoan ngọ lại quan trọng?

Tết Đoan ngọ ở Hàn Quốc được gọi là “단오” (Dano). Trong đó, “단” (端) mang ý nghĩa là “bắt đầu”, “đầu tiên” còn “오” (午) mang ý nghĩa là “ban ngày” nhưng từ này được phát âm giống như “오” (五) mang ý nghĩa là “số năm”, vì vậy mà Tết Đoan ngọ được tổ chức vào ngày thứ năm của khởi đầu tháng 5 (tức ngày 5 tháng 5 âm lịch), năm nay Tết Đoan ngọ chính thức là ngày 25 tháng 6 năm 2020.

Dân gian quan niệm rằng, vào ngày này năng lượng tích cực tồn tại mạnh mẽ nhất nên được chọn là ngày để thờ cúng thần linh, cầu nguyện cho một mùa màng bội thu. Ngoài ra, Tết Đoan ngọ còn có những cái tên khác như Surit-nal, Jungo-jeol và Cheongjun-jeol. Với lịch sử tồn tại hơn 1000 năm, Tết Đoan ngọ là một trong những dịp lễ tết lớn nhất của người Hàn.


2. Người Hàn Quốc làm gì vào ngày Tết Đoan ngọ nhỉ?

20200625_dano_pvdd_vn_article_002

Một bức tranh tiêu biểu miêu tả khung cảnh ngày Tết Đoan ngọ của họa sĩ Shin Yoon-bok. (Ảnh: Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc)



Giống như Tết Trung thu và Tết Âm lịch, vào ngày Tết Đoan ngọ, dù có bận rộn đến đâu thì mọi người vẫn sắp xếp công việc để có thể dành ra một ngày trọn vẹn để cùng ăn uống, vui chơi bên gia đình. Đây là thời gian để mọi người thư giãn, lên dây cót tinh thần trước khi bước vào một vụ mùa bận rộn.

Một hoạt động truyền thống không thể không nhắc đến đó chính là các cô gái gội đầu bằng lá cây diễn vi (Changpo) để gột rửa đi những điều xui xẻo trong năm qua. Cây diễn vi sẽ khiến mái tóc họ trở nên suôn mượt, óng ả hơn. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh với chiếc thắt lưng bằng rễ cây vui vẻ trẩy hội cùng những cô thiếu nữ bên trang phục Hanbok màu đỏ, xanh truyền thống đã tạo nên một bức tranh ngày hội vô cùng sinh động.

20200625_dano_pvdd_vn_article_003

Tết Đoan ngọ là dịp để các chàng trai thử sức với những trò chơi truyền thống, điển hình là bộ môn đấu vật (씨름, Ssireum). (Ảnh: Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc)



Tết Đoan ngọ là dịp để thỏa sức vui chơi và trải nghiệm những trò chơi dân gian truyền thống như đu quay (굴렁쇠, Gulleongsoe), bập bênh (널뛰기, Neolttuigi) hay mạnh mẽ hơn là đấu vật (씨름, Ssireum). Đối với những ai không thích vận động thì có thể tự thưởng cho mình một buổi biểu diễn văn nghệ, mà điển hình là biểu diễn mặt nạ Tal (탈) đặc sắc.

Thời điểm diễn ra Tết Đoan ngọ cũng là đỉnh điểm của mùa hè. Vào ngày này nếu được thưởng thức những đồ ăn thức uống mát mẻ, tươi ngon thì quả là một điều tuyệt vời. Những món ăn điển hình có thể kể đến là bánh Surriteok và Yakteok. Tạo nên từ những nguyên liệu như lá ngải cứu và các loại hạt, những chiếc bánh không chỉ đẹp mắt mà còn giàu chất dinh dưỡng, thích hợp để thưởng thức trong một ngày lễ tôn vinh mùa màng như thế này.


3. Ý thức gìn giữ văn hóa của người Hàn Quốc

20200625_dano_pvdd_vn_article_004

Lễ hội Đoan ngọ Gangneung được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới văo năm 2005. (Ảnh: Korea.net)



Là một quốc gia năng động với nền kinh tế phát triển, Hàn Quốc trong mắt bạn bè năm châu là một quốc gia hiện đại, tuy nhiên không vì thế mà người dân lãng quên đi những yếu tố thuộc về truyền thống. Tết Đoan ngọ cũng vậy, hàng năm nhiều nơi trên khắp đất nước Hàn Quốc đều rầm rộ tổ chức lễ hội Đoan ngọ.

Đặc biệt nhất là Lễ hội Đoan ngọ ở Gangneung (강릉단오제). Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, người dân nơi đây không chỉ vỗ ngực tự hào mà còn có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống để chúng không bị mai một.

Hy vọng rằng, chúng ta sẽ biết quý trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống hơn nữa để ngày càng có nhiều những ngày lễ như Tết Đoan ngọ được tôn vinh. Mong các bạn sẽ có cơ hội thưởng thức một Tết Đoan ngọ ấm cúng bên gia đình!

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.