Phóng viên danh dự

10.08.2020

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20200810_tal_pvdd_vn_article_001

Những chiếc mặt nạ truyền thống Hàn Quốc được sáng tạo với nhiều sắc diện đa dạng. Mỗi chiếc mặt nạ như thể hiện nội tâm của người đã tô điểm lên đó. (Ảnh: Bùi Thái Hường)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Thái Hường

Mặt nạ trong tiếng Hàn là Tal ( trong tiếng Hàn), biểu tượng thiêng liêng của các vị thần và thường xuất hiện trong nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc. Mặt nạ thường làm từ gỗ cây, một số nơi dùng giấy bồi hoặc rơm rạ. Chiếc mặt nạ truyền thống có nguồn gốc từ làng Hahoe ở thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk-do, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

20200810_tal_pvdd_vn_article_002

5 chiếc mặt nạ trong số 12 bộ mặt nạ Hahoe bắt nguồn từ thành phố Andong, tỉnh Gyoengsangbuk-do. (Ảnh: Bùi Thái Hường)



Có 12 nhân vật trong bộ mặt nạ Hahoe của thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk-do. Trên hình là 5 trong số 12 bộ mặt nạ đó. Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới: Bune (부네 – vợ lẽ), Yangban (양반 – quý tộc), Gaksi (각시 – người phụ nữ trẻ hay cô dâu), Sonpi (선비 – học giả), Choraengi (초랭이 – người hầu của Yangban).

7 chiếc mặt nạ còn lại đó là: Chonggak (총각 – chàng trai độc thân), Byulchae (별채 – người thu thuế), Tteokdari (떡다리 – ông già), Chung (– tu sĩ Phật giáo), Imae (이매 – đầy tớ vô dụng của Sonpi), Baekjung (백정 – đồ tể), và Halmi (할미 – lão bà).

20200810_tal_pvdd_vn_article_003

Hàn Quốc có các điệu múa mặt nạ truyền thống như: Yangju Byeolsandae Nori (Trò chơi Biệt sơn đài Yangju) của tỉnh Gyeonggi-do, Gangryeong Talchum (Điệu múa mặt nạ Gangryeong) của tỉnh Hwanghae-do. (Ảnh: Bùi Thái Hường)



Tùy thuộc vào nội dung câu chuyện mà mỗi điệu múa sẽ sử dụng những chiếc mặt nạ để thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau trong việc diễn tả nội tâm, tính cách và đại diện cho từng nhân vật.

Trong “Điệu múa mặt nạ Gangryeong” của tỉnh Hwanghae-do, điệu múa này đã sử dụng 14 chiếc mặt nạ tương ứng với 14 nhân vật, cụ thể: Wonsungi (원숭이 – con khỉ), Yongsan Samgaejib (용산삼개집 – vợ lẽ của Miyal Yeonggam), Namgang Noin (남강노인 – lão nhân Nangang), Maldduki (말뚝이 – người hầu), Mabu (마부 – người đánh xe ngựa), Noseung (노승 – lão tăng), Miyal Yeonggam (미얄영감 – chồng của Miyal Halmi), Miyal Halmi (미얄할미 – vợ của Miyal Yeonggam), Somu (소무 – kỹ nữ), Mat Yangban (맡양반 – tầng lớp quý tộc đầu tiên), Doryeong (도령 – chàng trai), Dulchae Yangban (둘째양반 – tầng lớp quý tộc thứ hai), Mokjung (목중 – nhà tu phá giới), Saja (사자 – sứ giả).

Không chỉ phổ biến ở Hàn Quốc, mà những chiếc mặt nạ truyền thống còn xuất hiện ở nhiều đất nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan, Mông Cổ, Philippines, các nước châu Phi, Tây Ban Nha hay Mexico, chúng thể hiện những nét đặc trưng văn hóa riêng của từng nước. Mỗi loại mặt nạ đều thể hiện một ý nghĩa rất riêng biệt, với những cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố khác nhau, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các nhân vật như anh hùng, kẻ phản diện, dân thường, quý tộc, v.v…

20200810_tal_pvdd_vn_article_004

Mẫu mặt nạ giấy bồi và 5 hộp màu đất nặn cơ bản (màu đen, màu vàng, màu đỏ, màu trắng và màu xanh dương). Người nặn có thể kết hợp các màu sắc có sẵn để tạo ra những màu sắc khác như xanh lá cây, tím, cam,v.v…. thông qua bảng quy tắc phối màu. (Ảnh: Bùi Thái Hường)



Để tìm hiểu về chiếc mặt nạ truyền thống của Hàn Quốc, mình đã tham gia vào lớp học trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Trong buổi trải nghiệm lần này, bên cạnh việc được giới thiệu những kiến thức về chiếc mặt nạ truyền thống của xứ sở Kim chi, mình còn được trực tiếp thực hành đắp màu cho chiếc mặt nạ giấy bồi này. Mỗi học viên được phát một chiếc mặt nạ giấy bồi màu trắng, một sợi dây màu đen buộc vào mặt nạ để học viên có thể đeo chiếc mặt nạ của mình sau khi hoàn thành tác phẩm, và năm hộp màu đất nặn cơ bản: đỏ, đen, trắng, vàng và xanh dương.

Từ những màu cơ bản này, bạn có thể phối chúng với nhau để tạo ra những màu sắc mà bạn ưa thích. Để tạo ra màu da cam, bạn sẽ dùng một phần màu đỏ cộng thêm hai phần màu vàng và trộn đều lại với nhau. Hay để tạo ra màu xanh lá cây, bạn sẽ cần trộn một phần màu xanh lam và một phần màu vàng, v.v… Loại đất nặn này khá dẻo và không dính tay nên rất dễ dàng nặn được những tông màu yêu thích và tạo ra những chiếc mặt nạ đầy màu sắc. Tuy nhiên, loại đất này sẽ trở nên khô cứng sau một khoảng thời gian bạn nặn, vì vậy, bạn hãy sử dụng chúng một cách hợp lý để không bị lãng phí. Khác với việc mình thường hay dùng màu nước, màu dạ hay các loại chất liệu màu khác để tô, đây là lần đầu tiên mình được dùng loại đất nặn này để tạo màu lên chiếc mặt nạ, điều này đòi hỏi người thực hiện phải tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn để màu được đắp đều, mềm mịn và mượt.

Điều thú vị ở chỗ, từ những chiếc mặt nạ màu trắng ban đầu, thông qua sự sáng tạo và biến hóa màu sắc của người thực hiện, mỗi chiếc mặt nạ sau khi được hoàn thành sẽ thể hiện những trạng thái cảm xúc khác nhau.

20200810_tal_pvdd_vn_article_005

Những khối màu rực rỡ sau khi được tạo ra sẽ được đắp lên trên chiếc mặt nạ ở từng vị trí mà người tạo muốn tô điểm lên đó để thể hiện được gương mặt ưng ý. (Ảnh: Bùi Thái Hường)



Những chiếc mặt nạ kết hợp cùng với những điệu múa truyền thống đã tạo nên loại hình nghệ thuật Múa mặt nạ độc đáo của đất nước Hàn Quốc. Mỗi vùng miền có những điệu múa mặt nạ được biểu diễn vào những mục đích khác nhau như thể hiện tình yêu quê hương đất nước, hay cầu mong sự bình an. Chính vì vậy mà loại hình nghệ thuật này đã trở nên phong phú về mặt nội dung, và đặc biệt là nó luôn có một chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.