Phóng viên danh dự

11.09.2020

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20200911_joseon_pvdd_vn_article_001

Chân dung “người mẹ thông thái” (Eojin Eomeoni, tiếng Hàn: 어진 어머니) Shin Saimdang. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Chúng ta biết đến Hàn Quốc ngày nay như một nước phát triển với công nghệ hiện đại. Nhưng vào thời phong kiến, cụ thể là thời kì Joseon, Hàn Quốc cũng giống như Việt Nam hay Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của Nho giáo nên phát sinh vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ. Chúng ta cùng đến thăm thành phố Gangneung, nơi khai sinh ra hai người phụ nữ tài sắc với kiến thức xuất chúng, họ đã sống giữa thời đại mà quyền lợi của nữ giới chưa được đề cao.

Người phụ nữ đầu tiên mình muốn nhắc tới đó là Shin Saimdang (Thân Sư Nhâm Đường , 1504-1551), bà được biết đến như một họa sĩ với ngòi bút tinh tế, thổi hồn mình vào những bức vẽ cỏ cây, hoa lá, côn trùng (thể loại tranh này gọi chung là Chochungdo) làm chúng trở nên sống động với kĩ thuật vẽ sumie (kĩ thuật vẽ ở Đông Á, sử dụng bút lông và mực đen, tương tự như viết thư pháp, nổi lên vào thời Đường ở Trung Quốc).

Sinh ra tại thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon-do, địa thế vừa có núi vừa có biển tạo nên bức tranh tuyệt đẹp cho thành phố này, đây có thể coi như nguồn cảm hứng khơi dậy tài năng nghệ thuật trong con người Shin Saimdang từ rất sớm. Thậm chí nhà thơ Soseyang vì ngưỡng mộ những bức tranh của bà đã phải thốt lên “ngòi bút kì diệu của Shin Saimdang như sự hòa hợp mà ông trời ban tặng”. 7 tuổi bà cho ra đời bức tranh về cảnh vật của họa sĩ Angyeon, bà lấy bút danh Saimdang khi tròn 12 tuổi, trong đó, 2 từ Sa-im với ý nghĩa là “kế thừa suy nghĩ của Thái Nhâm”. Thái Nhâm là mẹ của Chu Văn Vương nhà Thương, được biết đến rộng rãi với hình tượng người mẹ mẫu mực trong văn hóa Trung Quốc và Đông Á, do đó chúng ta nhận ra Shin Saimdang đã xác định mục tiêu trở thành nhà giáo dục xuất sắc như Thái Nhâm.

20200911_joseon_pvdd_vn_article_002

Ojukheon, nơi ở và làm việc lúc sinh thời của Shin Saimdang. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Khi còn sống, Ojukheon là nơi bà nhận được nền giáo dục tiến bộ từ cha mình là Shin Myung-hwa, một học giả và quan chức trong chính phủ Joseon. Ý nghĩa của cái tên Ojukheon là địa điểm trồng nhiều tre đen (black bamboo). Tại đây được phân chia theo quy tắc với hai phòng phía bên trái dùng như Daecheongmaru (phòng khách ở những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc) và 1 phòng phía bên phải làm thành Ondolbang (phòng có hệ thống sưởi dưới sàn ở kiểu nhà truyền thống Hàn Quốc).

Ojukheon có thiết kế biệt lập so với những gian nhà khác, 1 phòng phía bên trái có tên Marubang (căn phòng lót sàn gỗ theo lối truyền thống) nơi con trai bà là Yulgok Yi I (Lý Nhị) học tập khi còn nhỏ (sau này ông trở thành học giả có tiếng thời bấy giờ), căn phòng bên phải là phòng bà hạ sinh Yi I, tương truyền trước ngày sinh Yulgok Yi I, bà đã có giấc mơ về một con rồng đến che chở cho đứa con sắp chào đời nên căn phòng này được biết đến với tên Mongryongsil (Hán ngữ: 夢龍室). Đối diện Mongryongsil có cây huyền sâm với niên đại khoảng 600 năm. Lee Young Ae, nữ diễn viên thủ vai Shin Saimdang trong drama “Saimdang, Light’s Diary” (đài SBS sản xuất năm 2017) đã đến trước cây này cầu nguyện và vài tháng sau cô sinh đôi một trai, một gái, điều này thu hút nhiều khách du lịch tới Ojukheon thăm quan hơn. Cạnh Ojukheon đặt hội trường tưởng niệm cho con trai bà Yi I (Yukgok Memorial Hall), tại đây vẫn còn lưu giữ những bút tích tài hoa của Shin Saimdang.

20200911_joseon_pvdd_vn_article_003

Đài tưởng niệm trên đồi Daegwallyeong với bài thơ về nỗi nhớ quê nhà của Shin Saimdang. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Shin Saimdang vẫn tiếp tục sống và làm việc tại Ojukheon dưới sự hậu thuẫn của cha mình ngay cả sau khi kết hôn với chồng là Tư lệnh Yi Wonsu, đến năm 38 tuổi bà rời gia đình để về nhà chồng. Dọc theo đường cao tốc Youngdong, leo lên đồi Daegwallyeong, ta sẽ bắt gặp một đài tưởng niệm có bài thơ về nỗi nhớ mong mà bà gửi gắm tới mẹ mình là phu nhân Yi, từng câu từng chữ chất chứa tình cảm da diết, qua khả năng thơ phú tinh tế của Shin Saimdang làm người đọc không khỏi bồi hồi, xúc động.

“Trái tim này phải giã từ mẹ già nơi quê nhà
Và, cô đơn tiến bước tới Seoul
Ngoảnh lại thấy Bukchon thật xa xôi
Chỉ còn những đám mây trắng vây lấy ngọn núi màu đen tuyền”
(lược dịch ý nghĩa bài thơ)



20200911_joseon_pvdd_vn_article_004

Chân dung nữ nhà thơ nổi tiếng thời Joseon, Heo Nanseolheon. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Người phụ nữ thứ hai nổi tiếng là một nhà thơ với hơn hai trăm sáng tác bằng thể thơ Trung Quốc (Hanshi) và hai bài thơ bằng Hangul. Bà là Heo Nanseolheon (Hứa Lan Tuyết Hiên), cuộc đời của bà có thể ví như đóa phong lan đẹp rực rỡ, vươn lên mạnh mẽ giữa xã hội mà phụ nữ chịu nhiều tủi phận.

Heo Nanseolheon (1563-1589) tên thật là Heo Cho-hui. Sinh ra trong gia đình quý tộc chính trị nổi tiếng giữa thời Joseon. Cha bà Heo Yeop, một học giả Nho giáo xuất chúng nhưng lại có tư tưởng bảo thủ, ông theo đuổi chủ nghĩa “Namjon-yubi” (Đàn ông ở trên, Phụ nữ ở dưới). Tuy thế, anh trai bà là Heo Bong nhận ra tài năng của Heo Nanseolheon nên đã giới thiệu bà vào giới văn học. Tác phẩm đầu tiên “Gwanghanjeon Baekoknu Sangryangmun” được bà sáng tác vào năm 8 tuổi nhân dịp lễ cất nóc của “Gwanghanjeon Baekoknu” (Ngôi nhà Bạch Ngọc trong cung điện Gwanghan), tác phẩm mang lại danh hiệu “thiếu nữ bất tử” cho Heo Nanseolheon.

“Hãy giương cao xà nhà về phương Đông
Cưỡi phượng hoàng vào lúc bình minh đi tới cung điện
Đóa hồng như ánh mặt trời hé nở
Hoàng hôn nhuộm đỏ biển xanh”
(lược dịch ý nghĩa bài thơ)


Khi Heo Bung bị đày đi Gapsan trong 3 năm vì tư tưởng chính trị thẳng thắn của ông, thì em trai bà là Heo Gyun (tác giả tiểu thuyết về anh hùng Hong Gildong) và bà theo học Yi Dal, chuyên gia về thơ Đường, ông cũng là bạn của Heo Bong. Yi Dal trực tiếp bồi dưỡng học vấn cho Heo Nanseolheon, đồng thời ông còn dùng địa vị của mình giúp bà giữ mối liên hệ trong giới văn học. Do đó, những tác phẩm còn sót lại của Heo Nanseolheon chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa tự nhiên từ Yi Dal.

20200911_joseon_pvdd_vn_article_005

Hội trường kỉ niệm Heo Gyun, Heo Nanseolheon nơi lưu giữ các tác phẩm của Heo Nanseolheon và em trai bà là Heo Gyun. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Sinh thời Heo Nanseolheon và Heo Gyun sống và làm việc tại ngôi nhà của họ ở Gangneung, ngày nay trở thành công viên kỉ niệm Heo Gyun & Heo Nanseolheon (Heo Gyun & Heo Nanseolheon Memorial Park). Tại hội trường kỉ niệm Heo Gyun & Heo Nanseolheon (Heo Gyun Heo Nanseolheon Memorial Hall) trưng bày các tác phẩm và chân dung của cả hai. Đến thăm công viên du khách sẽ được thưởng thức trà truyền thống và tìm hiểu về trà đạo tại “Phòng trải nghiệm trà đạo Cho-hui” (lấy theo tên thật của Heo Nanseolheon). Mỗi thứ ba hằng tuần còn diễn ra chương trình múa rối “Heo Nanseolheon’s Dream”. Xung quanh công viên được bao phủ bởi những hàng thông xanh và hồ Gyeongpo. Tất cả tạo nên cảnh sắc bình dị nhưng toát lên vẻ đẹp trang trọng cho toàn khu vực.

Cuộc sống của Heo Nanseolheon trở nên gập ghềnh và khó khăn từ khi bà lấy Kim Sung-lip làm chồng năm 15 tuổi. Tài năng thiên phú làm Heo Nanseolheon bị cả chồng và mẹ chồng lạnh nhạt, hắt hủi. Bà cảm thấy lạc lõng, cô độc. Nỗi đau của Heo Nanseolheon càng khắc sâu thêm khi bà mất cả con trai, con gái mình do dịch bệnh, sức khỏe ngày một suy kiệt vì sẩy thai, trong vòng 1 năm sau cái chết của anh trai Heo Bong tại Gapsan, bà tự sát và ra đi năm 27 tuổi.

Một lượng đáng kể các tác phẩm của Heo Nanseolheon đã bị thiêu hủy theo yêu cầu của bà. Nhưng Heo Gyun đã giữ lại được một số ít trong ấy. Đến thế kỉ XVIII, các bài thơ của Heo Nanseolheon được in và phát hành tại Nhật Bản. Theo Lee Suk In, một nhà nghiên cứu chuyên sâu, cô cho rằng trong suốt thời kì Nhật Bản đô hộ (1952–1958), binh lính Trung Quốc và các phái viên ủng hộ chiến tranh đã trao nhau đọc những tác phẩm của Heo Nanseolheon, từ đó chúng trở nên phổ biến và được biết đến rộng rãi, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Cuộc sống hiện đại giúp phụ nữ ngày càng khẳng định ưu thế và vị trí của mình trong xã hội không kém gì nam giới, nhưng vào thời phong kiến, giai đoạn còn tồn tại quan niệm “trọng nam khinh nữ” thì Shin Saimdang và Heo Nanseolheon nổi lên như một hiện tượng, cùng với tài năng thiên bẩm của mình, hai bà đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa có giá trị của Hàn Quốc. Hình tượng người phụ nữ kiên cường, mẫu mực, có kiến thức uyên thâm vẫn được các thế hệ con cháu tiếp nối, gìn giữ. Hãy một lần đến thăm Gangneung, quê hương của hai người phụ nữ tài hoa để biết và trải nghiệm thêm nhiều điều bổ ích nữa nhé!

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.