Chúc các bạn có một mùa Trung thu vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình. (Ảnh: Bùi Thái Hường)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Thái Hường
Khi những ánh nắng chói chang cuối cùng của mùa hè kết thúc, cũng là lúc sắc thu đẹp dịu dàng tràn về trên khắp mọi miền đất nước Hàn Quốc, mọi người đang háo hức chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok (Tết Trung thu) - một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất tại đất nước này. Tháng tám âm lịch là thời điểm mà người dân Hàn Quốc kết thúc vụ mùa trong năm với lương thực và hoa quả sung túc đầy nhà. Đây cũng là dịp mà người dân Hàn Quốc tổ chức nghi lễ cảm tạ tổ tiên đã phù hộ cho một mùa màng no đủ và cầu mong năm sau sẽ lại có một mùa bội thu.
Cùng với Việt Nam, người dân Hàn Quốc cũng đón Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Tết Trung thu còn là Tết đoàn viên của người dân Hàn Quốc, và kỳ nghỉ này kéo dài trong ba ngày làm việc. Chính vì vậy, cho dù ở bất kỳ đâu, mỗi người con xứ Hàn cũng đều thu xếp công việc riêng để trở về với quê hương, sum họp bên gia đình, người thân và bạn bè để cùng nhau ngắm trăng, thưởng thức các món ăn quê nhà, vui chơi và tận hưởng không khí sắc trời mùa thu. Đối với người Việt, Trung thu không chỉ là Tết dành cho trẻ em, mà cũng là dịp để mọi người đoàn viên sau thời gian dài đi xa làm ăn. Mỗi gia đình quây quần bên mâm cỗ Trung thu vừa ăn vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp.
Hãy cùng xem người dân Hàn Quốc và Việt Nam sẽ làm và chuẩn bị những gì trong ngày lễ đặc biệt này nhé!
1. Những phong tục tập quán trong ngày Tết Trung thu
1.1 Tưởng niệm và tạ ơn tổ tiên tại gia
Các thành viên trong gia đình sẽ cúi lạy tạ ơn tổ tiên sau vụ mùa bội thu. (Ảnh: crowdpic)
Ở Hàn Quốc, nghi lễ tạ ơn được gọi là Charye, thường được tổ chức hai lần trong năm vào ngày mùng một Tết Nguyên Đán và lễ Chuseok. Sau khi hoàn tất việc thờ cúng tại gian nhà chính, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau nhận “lộc” từ gia tiên, thưởng thức những thành quả sau một mùa nông vụ vất vả.
Với người dân Việt Nam, sau khi bày biện hoa quả và các món ăn, gia chủ sẽ thắp những nén hương trên bàn thờ và hưởng lộc sau khi cúng.
1.2 Thăm viếng mộ tổ tiên
Các gia đình Hàn Quốc thăm viếng và dọn dẹp mộ tổ tiên nhân dịp Tết Trung thu. (Ảnh: crowdpic)
Beolcho (벌초 - Bách thảo) và Seongmyo (성묘 - Tảo mộ) là hai công việc quan trọng nhất trong dịp Tết Chuseok. Mỗi gia đình Hàn Quốc sẽ đến phần mộ của tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi các phần mộ được làm sạch sẽ, một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa sẽ được dâng cúng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn. Phong tục này của người dân Hàn Quốc gần giống phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán.
2. Chuẩn bị những món ăn gì cho ngày Tết Trung thu ở Việt Nam và Hàn Quốc?
Songpyeon là một loại bánh Tteok, món ăn truyền thống tiêu biểu của người Hàn vào Tết Trung thu. (Ảnh: Korea.net)
Nếu như bánh nướng, bánh dẻo là loại bánh trung thu truyền thống của người dân Việt Nam, thì Songpyeon là món ăn đặc trưng của người Hàn Quốc trong ngày Tết Chuseok.
Bánh Songpyeon được làm từ bột gạo mới, với nhiều loại nhân khác nhau như nhân vừng, nhân đậu đỏ, đậu đỏ và được nặn theo hình bán nguyệt. Sau khi nặn xong, bánh sẽ được cho vào chõ hấp có lót lớp lá thông bên dưới để tạo hương vị thanh khiết cho bánh.
Bánh trung thu truyền thống của Việt Nam gồm hai loại bánh nướng và bánh dẻo có hình dáng tượng trưng cho trời và đất. Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi. Nhân của bánh thường là nhân đậu xanh, đậu đỏ, thập cẩm. Bánh nướng được làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà. Nhân của bánh nướng theo hương vị truyền thống thường là nhân thập cẩm với nhiều nguyên liệu như dăm bông, thịt lợn, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao,….
Ngày nay với sự sáng tạo của các thợ làm bánh hoặc đầu bếp tài hoa, nhân của hai loại bánh này trở nên phong phú hơn xưa. Hình dáng ban đầu của hai loại bánh này là hình tròn. Và ngày nay chúng được tao nên nhiều hình dáng thú vị khác nhau như hình vuông, hình con cá, hình con rồng, hình con heo, v.v….
Rất nhiều các món ăn được chuẩn bị để thờ cúng gia tiên trong ngày Chuseok. (Ảnh: Dongwon Group)
Ngoài bánh Songpyeon, mỗi gia đình người dân Hàn Quốc còn chuẩn bị thêm nhiều món ăn khác như canh khoai sọ (Toranguk), miến trộn (Japchae), thịt bò xào (Bulgogi), bánh kếp (Jeon), rượu Baekju (Bạch tửu), hay quả lê, v.v.... Đây là những món ăn hầu như không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của người dân xứ Hàn vào ngày lễ Chuseok.
Mâm cỗ Trung thu với rất nhiều bánh, kẹo, hoa, quả được tạo hình thành những con vật đáng yêu, những chiếc đèn ông sao đầy màu sắc. (Ảnh: Bùi Thái Hường)
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Mâm cỗ trông trăng của người Việt sẽ bày biện các loại trái cây như nải chuối chin vàng, quả hồng (mang ý nghĩa no đủ), quả na (có nhiều mắt mang ý nghĩa sinh sôi), quả bưởi (mang ý nghĩa cầu điềm lành), quả lựu (mang ý nghĩa may mắn). Ngoài ra, còn có thể dùng thêm nhiều loại trái cây khác để tăng thêm sự phong phú, hấp dẫn, và vẻ đẹp cho mâm cỗ. Tất nhiên sẽ không thể thiếu hai loại bánh nướng, bánh dẻo cùng với những ấm trà hoa sen, hoa nhài để nhâm nhi thưởng bánh và trò truyện dưới ánh trăng.
Mâm cỗ Trung thu thể hiện sự thành kính, hiếu thảo với các bậc tổ tiên, cha ông, vì vậy, nó mang một ý nghĩa sâu sắc trong ngày tết đoàn viên. Mâm cỗ còn là để cúng trăng và tế trời đất cầu mong cuộc sống tốt lành, ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình.
3. Cùng tham gia vào các trò chơi dân gian trong ngày trăng tròn mùa thu ở hai nước Hàn Quốc và Việt Nam
Trò chơi múa dân vũ (trái) và đấu vật (phải) được thực hiện trong dịp lễ Tết Trung thu Hàn Quốc. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc)
Để có một cái Tết Trung thu trọn vẹn và ý nghĩa, chắc chắn không thể thiếu các hoạt động vui chơi giải trí để tận hưởng không khí trong lành mát mẻ của tiết trời mùa thu.
Đây cũng là lúc người dân xứ Hàn thường tổ chức các các hoạt động và trò chơi truyền thống chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hàn như nhảy dân vũ (Ganggangsullae), kéo co (Juldarigi), hay đấu vật (Ssireum).
Ganggangsullae (강강술래) là điệu dân vũ tiêu biểu nhất trong ngày Tết Chuseok được bắt nguồn từ vùng Tây Nam của Hàn Quốc. Những người phụ nữ trong làng sẽ mặc những bộ Hanbok đẹp nhất của mình cùng nắm tay tạo thành vòng tròn ở một bãi đất rộng để nhảy múa trên nền nhạc dân ca khi trăng vừa lên trong đêm Trung thu.
Nếu như các điệu nhảy dân gian được thể hiện bởi những người phụ nữ, thì đấu vật Ssireum (씨름) là hoạt động dành cho các chàng trai thể hiện sức mạnh của bản thân trước mọi người. Đấu vật được tổ chức ngay ở bãi cỏ hoặc trên bãi cát trong làng theo hình thức đấu loại trực tiếp. Người đánh bại hết các đối thủ và trụ lại được đến cuối cùng là người chiến thắng, nhận nhiều giải thưởng từ phía dân làng sẽ được tôn vinh là Jangsa (tráng sĩ).
Ngoài các hoạt động trên, thì kéo co Juldarigi (줄다리기) là một trong những hoạt động không kém phần sôi động. Trước khi trò chơi diễn ra, những người đàn ông sẽ hợp sức để kết một sợi dây thật lớn bằng rơm. Đường kính của sợi dây này có khi lên đến hơn nửa mét và dài hàng chục mét để nhiều người có thể tham gia. Đây là trò chơi dành cho mọi lứa tuổi nên số lượng người tham gia càng đông thì sợi dây càng phải dày và to, thời gian thi càng kéo dài, và đầy kịch tính trong tiếng trống vang dội, tiếng hò hét của khán giả theo dõi.
Tết Trung thu ở Việt Nam không thể thiếu đi chiếc đèn lồng, đèn ông sáo nhiều màu sắc, những chiếc đèn kéo quân sáng rực rỡ dưới đêm trăng. Đèn lồng được làm cho trẻ em chơi là chính. Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió với vô số hình dáng từ bông hoa, cá, gấu…. Trong đêm rằm, trẻ con được nghe kể câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng, rồi chơi các trò chơi dân giân như nhảy ô, kéo co, đám thì rước đèn, đám thì rước sư tử, reo hò khắp phố phường....
Đó là những điều khá thú vị về ngày Tết Trung thu của hai nước Hàn Quốc và Việt Nam. Còn bạn thì sao? Ngày Tết đã đến, hãy mau thu xếp công việc để trở về nhà, quây quần và cùng phá cỗ, ngắm trăng bên gia đình thật vui vẻ và ấm áp nhé.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.