Phóng viên danh dự

28.10.2020

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20201028_hanviet_pvdd_vn_article_001

Hai nước Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng có điểm tương đồng thú vị về mặt văn hóa. (Ảnh: Korea.net)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Tô Tôn Thành

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Hàn Quốc và Việt Nam nỗ lực hợp tác chặt chẽ ở nhiều lĩnh vực ngay cả kinh tế, thương mại và mang lại nhiều thành tựu đáng kể cho hai nước. Những hoạt động giao lưu tích cực trong thời gian qua đã đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, và hai nước này nhất trí nâng quan hệ lên thành quan hệ hợp tác đối tác chiến lược vào năm 2009.

Không chỉ vậy, hai bên đã và đang chia sẻ những trải nghiệm khác nữa để quan hệ song phương phát triển lên một tầm cao mới, cũng tăng cường giao lưu trong các lĩnh vực khác như văn hóa. Nhờ vào những nỗ lực liên tục, ngày này Việt Nam đã trở thành một trong những nước đối tác quan trọng nhất đối với Hàn Quốc.

Vì hai nước có lịch sử khác nhau nên tất nhiên có nhiều điểm khác biệt về văn hóa, cách sinh sống của người dân nhưng trong đó cũng có một số điểm tương đồng khá thú vị khiến người dân cả hai nước phải ngạc nhiên. Thông qua bài viết này, các bạn hãy cùng tôi khám phá những điểm tương đồng thú vị trong văn hóa hai nước nhé.


Những món ăn “lạ lùng”

20201028_hanviet_pvdd_vn_article_002

Canh lòng heo Hàn Quốc (trái), nhộng ngâm (giữa) và lòng bò nướng (phải) của Hàn Quốc. (Ảnh: Tô Tôn Thành)



Câu chuyện bắt đầu khi một người bạn Hàn của mình đã sửng sốt ngạc nhiên khi thấy mình thoải mái ăn những món nội tạng như lòng heo, lòng bò nướng. Đa số người Hàn nghĩ rằng chỉ có nước họ (hoặc nhiều lắm là Nhật Bản và Trung Quốc) là dám ăn nội tạng động vật. Thật ra thì chế biến những món ăn từ nội tạng động vật đúng là không hề phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây, bằng chứng là trong câu lạc bộ sinh viên quốc tế mà mình tham gia, thì ngoài mình ra, tất cả các bạn đến từ nước khác đều “say no” với món lòng nướng và tất cả các món được chế biến từ nội tạng.

Tương tự Việt Nam, các món nội tạng cực kỳ phổ biến và trở thành một phần đặc sắc trong nền ẩm thực của Hàn Quốc. Vậy nên, nếu như ở Hàn Quốc, chắc chắn bạn không thể bỏ qua Sundae gukbap (canh lòng Hàn Quốc, cháo lòng phiên bản gạo – nước tách riêng) hoặc Gopchang (lòng nướng Hàn Quốc, phá lấu phiên bản ướp gia vị cay và nướng cháy).

Ngoài ra, khi kể đến món ăn mà hầu hết người nước ngoài “say no” nhưng Hàn – Việt lại gật gù tấm tắc khen ngon, thì chắc chắn không thể bỏ qua “chân gà” (Dakbal). Ở cả hai quốc gia, nguyên liệu này được ưa chuộng tẩm ướp nhiều gia vị và chế biến thành các món nướng, được thưởng thức cùng với rượu, như một món mồi nhậu khoái khẩu.


Văn hóa “ra ngoài chơi game”

20201028_hanviet_pvdd_vn_article_003

Giống như Hàn Quốc, tiệm net ngày càng trở thành một văn hóa phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: Pixabay)



Một số những người bạn Hàn của mình đã đi du học phương Tây và thấy được rằng ở Mỹ hay châu Âu không có văn hóa đi net và chơi game ngoài net như Hàn Quốc, do đó không hề có tiệm net (hay còn gọi là “PC bang” ở Hàn Quốc). Vì vậy khi mình nói với bạn rằng ở Việt Nam những tiệm net ngày càng hiện đại, cũng phục vụ nhiều món ăn đa dạng, thậm chí còn có thể ngủ cả ở trong net thì các bạn đều cực kì ngạc nhiên, bởi họ từng nghĩ rằng văn hóa PC bang là điển hình và duy nhất ở Hàn.

Tuy có một số điểm khác biệt như số lượng gamer nữ ngồi net ở Hàn nhiều hơn hẳn ở Việt Nam hay bạn có thể dễ dàng tìm thấy những người lớn tuổi cũng ngồi net chơi game ở Hàn, nhìn chung đây vẫn là một nét văn hóa tương đồng ở cả 2 quốc gia.


“Biển Đông”: 2 vùng biển khác nhau nhưng cùng một tên gọi và cùng một vấn đề nhạy cảm

20201028_hanviet_pvdd_vn_article_004

Biển đông của Việt Nam và Biển Đông của Hàn Quốc. (Ảnh: Chụp màn hình từ Google Map)



Trong một bữa tiệc liên hoan, mình tình cờ nhìn thấy các bạn khoa Hải dương học mặc những chiếc áo có chữ “biển Đông” (Donghae, Đông Hải). Vì vậy nên mình đã hỏi bạn mình và câu trả lời mình nhận được là vùng biển ở phía Đông của Hàn Quốc được gọi là biển Đông. Tuy nhiên, ở Nhật Bản lại gọi là biển Nhật Bản, và thậm chí là có một số đảo ở vùng biển đang trong tình trạng tranh chấp.

Vấn đề này thật sự rất giống ở Việt Nam, khi chúng ta cũng có vùng biển gọi là biển Đông và đang trong tình trạng bị xâm phạm bởi nước lớn là Trung Quốc. Dù bản đồ thế giới dùng tên của hai nước lớn để quy ước cho 2 vùng biển này là “Biển Nhật Bản” và “Biển Nam Trung Quốc” thì trong lòng người dân của cả 2 nước sẽ luôn giữ vững lập trường cùng cái tên “Biển Đông”.


Điều cuối cùng là sự giống nhau về văn hóa Nho giáo giữa Hàn Quốc và Việt Nam

Người Hàn có một thói quen khi gặp người lạ đó là hỏi tuổi của đối phương để có thể dễ xưng hô hơn. Cô giáo dạy tiếng Hàn của mình đã chia sẻ với các sinh viên quốc tế, rằng đây là một nét văn hóa lạ, và điển hình ở Hàn Quốc mà khó có thể tìm thấy ở một đất nước khác trên thế giới.

Thật ra thì nét văn hóa “đậm màu Nho giáo” này không hề lạ lẫm chút nào với người Việt cả. Việt Nam cũng là một phần của thế giới nho giáo cùng Trung, Triều, Hàn, Nhật, nhưng vì vị trí địa lý, nhiều người Hàn lầm tưởng rằng văn hóa Việt tương tự các nước Đông Nam Á khác và khác hẳn họ. Người Việt cũng hỏi tuổi một cách rất tự nhiên để có thể xưng hô, cũng dùng đũa để gắp thức ăn, chào hỏi vẫn cúi đầu,… và mang hầu hết các nét văn hóa của một nước Nho giáo. Nếu chịu khó tìm hiểu, chắc chắn hệ thống xưng hô theo tuổi tác trong tiếng Việt sẽ làm nhiều bạn Hàn Quốc phải chóng mặt luôn đó.

Về mặt ngôn ngữ, nước ta cũng dùng rất nhiều từ ngữ có gốc Hán, hay còn gọi là từ Hán Việt, Hàn Quốc cũng giống hệt như vậy. Họ dùng những từ gốc Hán (từ vựng Hán Hàn) trong đời sống hàng ngày và khi mình chia sẻ rằng ở Việt Nam cũng có những từ gốc Hán thì các bạn Hàn Quốc không giấu nổi vẻ mặt kinh ngạc và thích thú.


Kết luận

Trên đây là 4 điểm tương đồng trong văn hóa Hàn – Việt mà chắc chắn sẽ khiến nhiều người dân cả hai nước phải ngạc nhiên. Có thể thấy, điều này được tạo ra từ sự tương đồng về lịch sử trong quá khứ của hai quốc gia. Một cách tích cực, những điểm tương đồng về văn hóa này giúp người Việt hòa nhập cuộc sống ở Hàn tốt hơn và nhanh hơn, so với người phương Tây; cũng như người Hàn sẽ sống ở Việt Nam dễ dàng và thuận lợi hơn những nước khác rất nhiều.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.