Eomuk – món bánh cá (hoặc chả cá) ấm nóng với nhiều hình thù đa dạng, được dùng phổ biến trong mùa đông tại Hàn Quốc. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Thời tiết giao mùa, bên cạnh giữ ấm bằng quần áo dày thì thức ăn nóng cũng đóng vai trò cần thiết trong việc cân bằng nhiệt độ cơ thể với không khí bên ngoài. Đối với người Hàn, họ có rất nhiều những món ăn ngon khi tiết trời chuyển lạnh như: Ddeokguk (súp bánh gạo), Seolleongtang (canh xương bò), Danpatjuk (cháo đậu đỏ ngọt)… hay các món đường phố hấp dẫn như: Bungeoppang (bánh ngọt nhân đậu hình cá), Gunbam (hạt dẻ nướng), Gyeran-ppang (bánh trứng nướng – mình đã có hướng dẫn các bạn cách làm rồi đấy!).... Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả chắc chắn không thể không nhắc tới Eomuk (tên Việt là bánh cá hoặc chả cá) – một món ăn ngon với vị bùi béo từ cá, kết cấu dai dai, được xiên que nên lúc thưởng thức vô cùng tiện lợi.
Eomuk (tiếng Hàn:
어묵) có nguồn gốc xuất phát từ một ấn phẩm năm 1719 thuộc đời vua Sukjong, với tên gọi Jinyeoneuigwe (Lịch sử cung điện) đề cập đến món ăn Saengseon sukpyeon (nôm na là “tươi và nấu theo lát mỏng”) làm từ thịt cá, tinh bột, dầu mè, nước tương.... Bên cạnh đó, ở Trung Quốc vào đời Tần Thủy Hoàng cũng có truyền thuyết về bánh cá như sau: vì Tần Thủy Hoàng rất thích ăn cá nhưng lại ngại xương cá gây hóc, ông lệnh cho đầu bếp phải lọc hết xương cá ra khỏi thịt cá nếu không sẽ bị xử tử, người đầu bếp đã băm nhỏ thịt cá lẫn xương cá làm thành bánh bao rồi nấu súp đem dâng vua ăn, lúc đó Tần Thủy Hoàng mới hài lòng. Hay ở Nhật Bản vào thời Heian, cũng có ghi chép về bánh cá (gọi là Kamaboko trong tiếng Nhật) xuất hiện từ hơn 1000 năm trước, tiền thân của món bánh cá hiện đại tại Nhật ngày nay. Ngoài ra, chả cá còn phổ biến ở nhiều nước phương Tây và một vài quốc gia Châu Á khác trong đó có Việt Nam (chả cá nổi tiếng nhất Việt Nam là chả cá Lã Vọng, Hà Nội).
Một cách chuẩn bị Eomuk khi nắn dài hỗn hợp cá xay đã tẩm gia vị thành hình như cây xúc xích, loại này được gọi là Busan-eomuk. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Thành phần chế biến Eomuk chủ yếu từ thịt cá trắng xay (ví dụ: cá tuyết, cá bơn, cá minh thái…) hay surimi được trộn thêm nước, muối, trứng, bột mì, gia vị. Bánh cá chiên (Fried Eomuk) trở nên phổ biến sau chiến tranh Triều Tiên, chúng không chỉ là bữa ăn nhanh ngon miệng mà còn bổ sung nguồn protein dồi dào giúp mọi người vượt qua nạn đói.
Nhà máy chế biến Eomuk đầu tiên là Dong Kwang Foods nằm ở chợ Bupyeong Kkangtong, quận Youngdo-gu, thành phố Busan. Sau khi Hàn Quốc giành được độc lập từ tay Nhật Bản, ngành công nghiệp làm bánh cá vẫn được tiếp tục, có thể nói Eomuk đã trở thành món ăn mang tính biểu tượng cho thành phố cảng xinh đẹp này với việc sử dụng nguồn nguyên liệu tươi ngon, đánh bắt ngoài khơi lãnh hải Hàn Quốc. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp Busan-eomuk (thuật ngữ chỉ hình dạng Eomuk nặn dài như một cây xúc xích) ăn kèm nước dùng nóng, được bán trên các xe đẩy, các quán ăn ven đường trong trung tâm thành phố, một món ăn nhanh vào mùa đông không thể thiếu đối với người Hàn.
Trong thời kì 2010, nhận thức của công chúng dần thay đổi đối với Eomuk, nó biến chuyển từ món ăn đường phố lên tầm ẩm thực ngon được công nhận. Vì lẽ đó mà Samjin Eomuk (thương hiệu chế biến Eomuk lâu đời và khá nổi tiếng thuộc thành phố Busan – chủ sở hữu của Dong Kwang Foods) đã thành lập tiệm bánh cá đầu tiên ở Hàn Quốc, Samjin Amook Cafe vào tháng 12/2013. Đây là một cửa hàng 2 tầng có không gian sang trọng, nếu ghé thăm nơi này bạn sẽ tha hồ được ngắm nhìn, thưởng thức, lựa chọn trong hàng trăm loại Eomuk khác nhau, giá cả lại không quá đắt.
Eomuk được chế biến thành món ăn nhẹ như bánh croquette hấp dẫn với hương vị thơm ngon, giòn rụm. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Hình dạng Eomuk ngày càng đa dạng hơn từ hình trụ, hình tròn, hoặc có lỗ với nhiều hương vị phong phú như vị truyền thống, vị cay, hay thêm phô mai.... Eomuk là nguyên liệu chế biến kèm cùng Tteokbokki (bánh gạo cay), xào cùng rau, làm món ăn nhẹ như bánh croquette (loại bánh tẩm bột chiên giòn), Eomuk jeon (bánh kếp). Nhưng tuyệt nhất là súp bánh cá (Eomuk-tang hay Eomuk-guk) thưởng thức chung với rượu Soju truyền thống, giúp thực khách cảm thấy sảng khoái, ấm áp, dễ chịu.
Kết cấu dai, mềm mịn, vị ngọt nhẹ và hương thơm thoang thoảng của cá khiến mình thích thú khi lần đầu ăn Eomuk, tại Việt Nam cũng không khó tìm chỗ bán bánh cá ngon. Mình đã được thưởng thức bánh cá Hàn tại chuỗi nhà hàng buffet nổi tiếng Hàn Quốc có chi nhánh ở Việt Nam và hệ thống siêu thị Hàn, phải công nhận là vị khá khác so với chả cá Việt Nam; nó dai, ngon hơn loại Eomuk mình từng mua sẵn chế biến tại nhà.
Eomuk ăn kèm với lẩu Tteokbokki (bánh gạo cay) mình đã từng thưởng thức tại chuỗi nhà hàng buffet nổi tiếng Hàn Quốc có chi nhánh ở Việt Nam. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Nếu nghiện ăn Eomuk như mình các bạn có thể mua loại Eomuk đóng gói trong bịch tiện lợi, xắt miếng theo chiều dài Eomuk, chiều rộng tầm 4 cm rồi xiên que chúng theo hình lượn sóng, sau đó nấu nước dùng từ cá cơm khô và rong biển khô đã ngâm nước cho nở, nêm gia vị vừa ăn, thả những xiên bánh cá vào nấu tầm 10-15 phút cho chín, lấy ra ăn nóng cùng nước dùng cũng khá ngon, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay khi chúng ta phải hạn chế ra đường.
Eomuk không chỉ đơn giản là món ăn đường phố nổi tiếng tại xứ sở Kimchi mà còn gắn bó cả một thời kì lịch sử cùng nhịp độ phát triển của nền công nghiệp hải sản tại Hàn Quốc. Mùa đông lạnh được cầm một ly súp bánh cá thơm ngon trên tay, cảm nhận hơi nóng ấm áp tỏa ra khắp cơ thể giúp tinh thần phấn chấn, thoải mái đã trở thành điều quen thuộc với người Hàn. Mình hi vọng sẽ có dịp đến thăm và thưởng thức bánh cá chính gốc tại quốc gia này một ngày nào đó.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.