Phóng viên danh dự

06.01.2021

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20210106_bosingak_pvdd_vn_article_001

Toàn cảnh vẻ đẹp cổ kính của tháp chuông Bosingak. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube của Korea.net)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Tôn trọng truyền thống từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Hàn Quốc. Xứ sở Kimchi ngoài việc ăn mừng Tết nguyên đán thì thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới bước sang Tết dương lịch, ở quốc gia này cũng tổ chức sự kiện khá đặc sắc đó là “lễ rung chuông Bosingak”, nó có ý nghĩa đặc biệt đối với người Hàn, không chỉ tạo niềm vui khi hòa mình giữa đám đông mà còn là dịp trao gửi những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Bosingak (Phổ Tín Các) là tháp chuông lớn nằm trên đường Jongno – một trong những con đường chính lâu đời, kết nối phía đông và phía tây thủ đô Seoul, xây dựng vào năm 1396, sau khi bị phá hoại trong 2 cuộc chiến tranh lớn là chiến tranh Imjin (1592 – 1598) và chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), Bosingak chính thức được tân trang lại với 5 gian phía trước và 4 gian bên hông. Cái tên Bosingak có từ năm thứ 32 triều vua Gojong (tức năm 1895, trước đó nó tên là Jonggak). Vào thời kì Joseon, 5 yếu tố rất được coi trọng là: nhân, chính, thiện, trí, tuệ; trong đó “trí” được tổ tiên người Hàn đặt ở trung tâm Trái Đất. Do đó dựa vào điều này, vua Gojong đã cho xây dựng 4 cổng chính: Heunginjimun, Sungnyemun, Hongjimun và Donuimun xung quanh lấy Bosingak làm trọng tâm.

Chiếc chuông đặt tại Bosingak cũng trùng tên với con đường Jongno (Jongno có nghĩa đen là “phố chuông”). Lịch sử bắt nguồn từ thời kì Joseon, chiếc chuông gốc đầu tiên làm ra vào năm 1468 (năm thứ 14 triều vua Sejo), nó được sử dụng đánh báo hiệu trong đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới cho đến hết năm 1985 trước lúc nó mang đi bảo tồn tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, chiếc chuông này từng được đặt tại đền Jeongneungsa gần di tích Lăng mộ hoàng gia Jeongneung (thờ phụng Hoàng hậu Sindeok, 1356 – 1398), sau đó được chuyển đến đền Wongaksa, rồi dời đến tháp Bosingak vào năm 1619. Mặc dù bị hư hỏng nhẹ về hình dáng lẫn chất lượng âm thanh, chiếc chuông vẫn có giá trị văn hóa lịch sử cao do biết chính xác năm làm ra, nó cho phép nhiều nhà sử học xác định niên đại của những hiện vật khác trong cùng khoảng thời gian. Thay thế cho chiếc chuông gốc là chiếc chuông hiện tại ở Bosingak, dựng lên nhờ đóng góp của dân chúng, nó được đánh vào đúng 40 năm kỉ niệm giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi đế quốc Nhật Bản (14/8/1945 – 14/8/1985).

Thời điểm 0 giờ ngày 1/1 Tết dương lịch (kể từ năm 1953 đến nay), chiếc chuông tại tháp Bosingak luôn được rung lên 33 lần, đồng thời xe cộ bị cấm lưu thông để mọi người tập trung chúc mừng năm mới. Truyền thống này có từ đầu triều đại Joseon, cụ thể năm Taejo thứ 5 (1396), việc đánh chuông nhằm mục đích mở và đóng bốn cổng chính Sungnyemun, Honginjimun, Sukjeongmun, Donuimun lẫn bốn đồn gác Hyehwamun, Sodeokmun, Gwanghuimun và Changuimun cùng một lúc.

20210106_bosingak_pvdd_vn_article_002

Du khách được tham gia trải nghiệm “lễ rung chuông Bosingak” và mặc trang phục truyền thống vào mỗi buổi trưa từ thứ Ba – Chủ Nhật trừ những dịp đặc biệt. (Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc)



Chuông đánh buổi sáng gọi là “paru”, trong khi đó chuông đánh buổi tối được gọi là “injeong”. Ý nghĩa của việc đánh 33 lần vào 4 giờ sáng dùng để thông báo hủy bỏ lệnh giới nghiêm, mở cửa 8 cổng thành Hanyang và bắt đầu một ngày mới; số 33 theo quan niệm Phật giáo tượng trưng cho Bồ tát – người tạo ra 33 bầu trời để phổ độ chúng sinh. Ngược lại vào 10 giờ tối, chiếc chuông được đánh 28 lần tương ứng với 28 chòm sao nhằm báo hiệu đã đến giờ giới nghiêm, đồng thời cầu chúc cho một đêm yên bình.

Bên cạnh đó, chuông cũng rung lên những khi xảy ra hỏa hoạn vì nhà cửa thời kì ấy chủ yếu làm bằng gỗ hay cỏ tranh rất dễ cháy. Ngoài việc được rung trong dịp Tết dương lịch, thì khoảng thời gian 11h20’ đến 12h20’ (thứ Ba – Chủ Nhật) bắt đầu từ 21/11/2006, những người lính gác mặc trang phục tuần tra tại tháp Bosingak sẽ rung chuông 12 lần, du khách đến đây hoàn toàn có thể tham gia nghi thức độc đáo này miễn phí bằng hình thức đăng kí online hoặc đăng kí ngay tại tháp Bosingak (đến trước 11h40’), điều đặc biệt để nâng và đặt chiếc chuông nặng 19 tấn lên tầng 2 tháp Bosingak, người Hàn đã cho dỡ bỏ sàn của tháp nhằm tiện di chuyển chiếc chuông. Lưu ý: nghi lễ rung chuông mỗi buổi trưa sẽ không diễn ra vào thứ Hai, ngày 1/3, ngày 15/8, các buổi lễ rung chuông hay tổ chức những sự kiện chính thức, đồng thời đóng cửa khi thời tiết quá nóng hay quá lạnh.

20210106_bosingak_pvdd_vn_article_003

Do tình hình dịch bệnh nên tháp chuông Bosingak phải đóng cửa tạm thời đến cuối tháng 1/2021. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube của Korea.net)



Thật đáng tiếc khi năm 2021, người dân Hàn Quốc không được tập trung, háo hức mong đợi “lễ rung chuông Bosingak” mừng giao thừa Tết tây như thông lệ vì Covid-19, thay vào đó buổi lễ đã được phát sóng online để phòng tránh lây lan dịch bệnh. Với chủ đề “Vượt qua” và “Hi vọng”, mang thông điệp mong muốn mọi người có thể mạnh mẽ đối mặt trước những khó khăn, nghịch cảnh, trông đợi vào tương lai tươi sáng hơn. Đặc biệt, nhờ sự phối hợp giữa chính quyền thủ đô Seoul cùng SK Telecom, bất cứ ai cũng đã có thể trải nghiệm không gian thực tế ảo 360 độ của tháp Bosingak và tiếng chuông ngay tại nhà trong khi chào đón năm 2021.

Lễ rung chuông Bosingak là nghi lễ mang ý nghĩa về mặt tâm linh đặc sắc trong văn hóa Hàn Quốc, không chỉ tưởng nhớ về một thời kì lịch sử đã qua mà nó còn có giá trị lưu trữ truyền thống đến các thế hệ tiếp theo ở quốc gia này. Hi vọng dịch bệnh sớm kết thúc để mọi người lại có thể vui vẻ tận hưởng những buổi lễ rung chuông vào đêm giao thừa trong các năm tiếp theo.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.