Phóng viên danh dự

18.01.2021

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20210118_hanji_pvdd_vn_article_001

Hanji-jang bên cạnh một tờ giấy Hanji hoàn chỉnh làm theo cách thủ công. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Hàn Quốc cũng giống với một số nước Châu Á khác, ngày nay vẫn còn lưu truyền rất nhiều loại hình thủ công mỹ nghệ đặc sắc, đậm nét văn hóa cổ xưa nhưng không kém phần tinh tế, hấp dẫn. Trong đó có nghề làm giấy Hanji – một loại giấy nổi tiếng có lịch sử lâu đời, đồng thời là di sản văn hóa vô giá tại xứ sở Kimchi. Chúng không chỉ được các nghệ nhân chăm chút cẩn thận trong mỗi công đoạn mà còn được thổi cái hồn dân tộc rất riêng, tạo nên đặc điểm độc đáo không lẫn lộn cho Hanji so với những loại giấy truyền thống của các quốc gia Châu Á khác. Cùng mình tìm hiểu đôi nét về Hanji thông qua bài viết nhé!

Hanji (tiếng Hàn: 한지) là loại giấy được làm thủ công có thành phần cơ bản từ vỏ cây dâu giấy, cây này thường mọc trên núi đá ở Hàn Quốc và được gọi là “dak” trong tiếng Hàn, ngoài ra một yếu tố quan trọng khác giúp hỗ trợ việc làm Hanji thành công chính là chất nhầy từ rễ cây bụp mì (loài thực vật có hoa thuộc họ Malvaceae). Nghề làm giấy ra đời không lâu sau khi được du nhập từ Trung Quốc. Ban đầu Hanji chỉ được làm thô sơ từ cây gai hoặc cây gai dầu, bằng chứng là năm 1931 đã khai quật được một mảnh Hanji tại khu lăng mộ của quận Lạc Lãng thuộc giai đoạn Cổ Triều Tiên (Lelang, 108 TCN – 313 CN) – thời kì Hán Vũ Đế (Trung Quốc) xâm lược bán đảo Triều Tiên và chia thành 4 quận để cai trị (3 quận còn lại là Chân Phiên, Huyền Thổ, Lâm Đồn).

20210118_hanji_pvdd_vn_article_002

Cây dâu giấy – nguyên liệu cơ bản tạo nên Hanji đẹp, bền, chắc. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



Tuy vậy, Hanji vẫn có nét độc đáo khi được tổ tiên người Hàn phát triển một phương pháp riêng giúp loại giấy này có độ bền, chắc, khi chạm vào lại rất mềm mại. Hai tài liệu lịch sử quan trọng được in trên Hanji còn được bảo tồn bao gồm: Mujujeonggwang Daedaranigyeong (tạm dịch: Đại kinh Dharani về ánh sáng thuần khiết và nguyên vẹn hay kinh Dharani Tịnh Độ, niên đại khoảng năm 704 sau CN) được lưu trữ dưới dạng cuộn, tồn tại nguyên vẹn đáng ngạc nhiên trong thời gian dài với khá ít thiệt hại ở tầng 2 của ngôi chùa đá Seokgatap (chùa Thích Ca) thuộc đền Bulguksa, Gyeongju; văn bản thứ 2 phải kể đến là Daebanggwang Bulhwaeomgyeong hay Hwaeom Gyeong (kinh Hoa Nghiêm, niên đại khoảng năm 755 sau CN tức năm thứ 14 đời vua Gyeongdeok thuộc vương triều Silla). Theo nghệ nhân Hong Chun-soo, bậc thầy cấp quốc gia về giấy Hanji cho biết: “Giấy Hàn Quốc được làm theo cách truyền thống, không đòi hỏi nhiều hơn về điều kiện tự nhiên. Có thể do sự gần gũi với thiên nhiên cho phép Hanji ở chùa Thích Ca tồn tại hơn 1000 năm như vậy”.

Dựa vào các di tích và tài liệu cổ xưa, người ta xác định được Hanji làm ra từ giữa thế kỉ II và thế kỉ VII. Các nước lân cận như Nhật Bản hay Trung Quốc cũng làm giấy từ cây dâu giấy, nhưng do nhiều yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng… khác nhau tạo nên sự tinh tế cho thành phẩm giấy Hanji của Hàn Quốc so với những nước đó. Cây dâu giấy ở xứ sở Kimchi có chiều dài hẹp, đều đặn mang lại độ bền tuyệt vời cho Hanji. Cuốn sách Kaopan Yushi (tên tạm dịch: Những nhận xét rời rạc về việc trang trí nơi ở của một học giả đã nghỉ hưu) viết bởi học giả đời nhà Minh (Trung Quốc) tên Tu Long đã đề cập đến giấy Hanji: “Giấy Goryeo trắng như lụa và khá bền, nó là loại giấy tốt nhất vì khả năng hút mực cao”. Thậm chí Sun Mu – đại sứ nhà Tống (Trung Quốc) cũng viết về Hanji trong cuốn sách Jilin Leishi (tạm dịch: Những điều về Triều Tiên, 1103 – 1104) khen ngợi rằng giấy Goryeo trắng, bóng và khá đáng yêu. Từ triều đại vua Taejong thuộc thời kì Joseon, nhà nước bắt đầu giám sát việc làm giấy Hanji, thành lập nên các văn phòng có tên Jojiseo (Xưởng sản xuất giấy) tạo ra quá trình quy củ chặt chẽ trong làm Hanji.

Mặc dù nguyên liệu tự nhiên đóng vai trò quan trọng để sản xuất Hanji, nhưng theo nghệ nhân Hong Chun-soo cho biết nguyên liệu thô không thể tự hình thành giấy cao cấp nếu thiếu sự nỗ lực của con người (ở đây nói đến công lao của các Hanji-jang tức nghệ nhân làm Hanji). Quá trình tạo nên Hanji đòi hỏi rất nhiều công việc đồng thời làm sao giữ nguyên được chất lượng từ cây dâu giấy mới quan trọng, do đó có thể chia thành những giai đoạn sau:

1. Thu hoạch dak: Cây dâu giấy vốn mọc ở miền nam Hàn Quốc, khi thu hoạch người ta cắt những cành gần gốc cây. Sau đó mang những cành này về ngâm 1 ngày trước khi cạo vỏ.

2. Cạo vỏ: Khi những cành dâu giấy ngâm đã mềm. Hanji-jang tiến hành cạo vỏ ngoài của cây dâu giấy (phần đen và xanh trên thân cây), tách lấy lớp sợi trắng bên trong.

3. Nấu: Phần sợi trắng này được mang đi đun sôi với dung dịch kiềm của một loại tro thực vật, tùy vào mỗi lô mà tro được thêm vào nhiều hay ít từ đó cho ra sản phẩm cuối cùng như ý muốn. Sau khi đun được 1 – 2 giờ trong một cái vạc, phần sợi trắng được kéo riêng ra ngoài.

4. Rửa lại lần cuối: Công đoạn này được chọn lọc bằng tay khi Hanji-jang phải loại bỏ cặn bẩn, vỏ ngoài (sót lại trong giai đoạn cạo) thật sạch sẽ, chỉ còn những sợi trắng nguyên vẹn.

20210118_hanji_pvdd_vn_article_003

Hanji-jang dùng cối đập nhỏ các sợi dâu giấy trắng tinh sau giai đoạn loại bỏ cặn bẩn. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



5. Đập: Dùng cối dài đập theo chiều dọc của các sợi dâu giấy nhưng không làm ảnh hưởng đến độ bền hay chiều dài những sợi này.

20210118_hanji_pvdd_vn_article_004

Rễ cây bụp mì là thành phần quan trọng quyết định việc làm Hanji thành công hay không. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



6. Trộn với rễ cây bụp mì: Tạo một dung dịch bằng cách hòa chất nhầy của cây bụp mì, nước và sợi dâu giấy vào một cái thùng chứa lớn. Dùng tay khuấy đều dung dịch này trong khoảng 30 phút.

20210118_hanji_pvdd_vn_article_005

We Bal – một trong những kĩ thuật tạo tấm để làm giấy Hanji bằng cách sử dụng khung gỗ buộc một đầu, trên bề mặt đặt tấm mành tre nhằm lọc lấy các sợi dâu giấy mỏng. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



7. Kĩ thuật tạo tấm (We Bal hoặc Ssang Bal): Kĩ thuật We Bal sử dụng một khung tre tốt được buộc một đầu trên bề mặt có lót tấm mành tre mỏng (“We” tiếng Hàn nghĩa là “đơn”, “Bal” là “tấm mành”) sau đó nhúng vào dung dịch rễ bụp mì + sợi dâu giấy. Hanji-jang sẽ di chuyển khung tre qua lại, chất lỏng lọc qua khung tre và chừa trên bề mặt mành tre những sợi dâu giấy mỏng tạo thành tấm. Ngược lại trong kĩ thuật Ssang Bal, Hanji-jang sử dụng một khung tre đôi và đặt tấm mành tre ở giữa (“Ssang” tiếng Hàn nghĩa là “đôi”), đồng thời buộc nhiều mối nối ở khung tre hơn. Sau đó, Hanji-jang sẽ di chuyển khung từ trước ra sau, từ bên này sang bên kia để lọc lấy các sợi dâu giấy.

8. Ép: Sau khi đã lọc những tấm chứa các sợi dâu giấy mỏng, chúng được mang đi ép bằng cách đặt các tấm ván gỗ chồng lên nhau đan xen qua lại đến khi đủ áp lực cần thiết, từ từ, chầm chậm ép hết nước trong những sợi dâu giấy ra.

20210118_hanji_pvdd_vn_article_006

Làm khô các tấm giấy bằng cách dùng que tách riêng ra rồi lấy chổi lông mềm quét nhẹ lên bề mặt giấy đặt hơi nghiêng. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



9. Làm khô: Tách những tấm giấy riêng rẽ đã vắt kiệt nước bằng một cái que sang bề mặt nhẵn mịn bằng gỗ, dùng chổi lông mềm nhẹ nhàng quét qua lại, để nghiêng cho mau khô.

20210118_hanji_pvdd_vn_article_007

Xếp chồng các tờ giấy lên nhau rồi giã nhỏ giúp tăng mật độ các sợi dâu giấy, đồng thời tạo độ bóng, bền, tránh lông tơ cho giấy – kĩ thuật này gọi chung là dochim. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



10. Giã nhỏ: Kĩ thuật này gọi là dochim, các tờ giấy được xếp chồng lên nhau, sau đó giã nhỏ giúp tăng mật độ các sợi dâu giấy, mục đích nhằm tạo độ bền, độ bóng cho giấy, đồng thời giảm các lông tơ trên giấy, làm cho giấy hút mực tốt nhưng không bị nhòe. Giai đoạn này tạo ra giấy Hanji phù hợp để viết thư pháp hay dùng trong các công việc liên quan đến nghệ thuật khác.

20210118_hanji_pvdd_vn_article_008

Dùng Hanji dán lót chống thấm bên trong một sản phẩm mây tre lá. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)



Ngoài ra để Hanji thêm nổi bật, Hanji-jang còn có thể tạo màu cho chúng bằng các nguyên liệu nhuộm tự nhiên như quả bồ hòn, gỗ tô mộc, hồng hoa, dành dành, ngũ vị tử bắc… Hanji được ứng dụng vào các việc như dán lên tường, lên khung cửa, sàn nhà do tính chất cách âm, cách nhiệt tuyệt vời, không thấm nước. Bên cạnh đó, Hanji có thể dùng làm đồ nội thất, làm búp bê, hay thay thế cái loại sợi hóa học vì Hanji có nguồn gốc sợi thực vật, lại mềm mại, không gây hại cho da đồng thời ngăn ngừa nicotine, hắc ín , cacbon monoxide tốt hơn 8% những đầu lọc hiện nay, một số ứng dụng đa dạng có thể kể tới như làm quần áo dùng một lần, tã lót, khẩu trang, khăn choàng....

Ngày nay, do chi phí sản xuất cao nên Hanji được thay thế nguyên liệu bằng bột giấy Đông Nam Á thay vì vỏ cây dâu giấy. Để tiếp tục bảo tồn nghề làm Hanji, tại Hàn Quốc cũng có doanh nghiệp đi đầu trong công cuộc nỗ lực thúc đẩy nghề truyền thống này, đó là Hansol Paper (thành lập năm 1965). Hansol Paper ngày càng chứng tỏ được giá trị của Hanji bằng cách nâng cao nhận thức, đánh giá trong công chúng thông qua Quỹ văn hóa Hansol – tiền đề tạo thêm nhiều tổ chức văn hóa khác như Trung tâm nghiên cứu Hanji, Bảo tàng giấy Hansol, quan trọng nhất là Bảo tàng SAN (thuộc thành phố Wonju, tỉnh Gangwon-do) – đây là khu phức hợp trưng bày nghệ thuật từ giấy Hanji cũng như các tác phẩm nghệ thuật độc đáo khác.

Tuy sở hữu niên đại lâu đời nhưng Hanji vẫn không hề bị mai một giá trị đích thực theo thời gian, mãi là vẻ đẹp vô giá trong văn hóa truyền thống tại xứ sở Kimchi. Nó không chỉ đơn thuần là vật dụng chứa nhiều công năng mà còn lưu giữ cả cảm giác, cảm xúc cùng tâm hồn tinh tế của người Hàn Quốc. Tất cả nói lên vì sao tương lai của Hanji sẽ ngày càng tươi sáng ngay ở thời đại số hóa khi các thiết bị điện tử lên ngôi.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.