Phóng viên danh dự

06.05.2021

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20210506_thongdich_pvdd_vn_article_001

Năm 2020, Khoa Thông dịch Hàn - Việt được thiết lập lần đầu tiên tại Trường Cao học Quốc tế Anh Ngữ. (Ảnh: Chụp màn hình từ trang web của Trường Cao học Quốc Tế Anh Ngữ)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Tô Tôn Thành

Xin chào, mình là Thành, hiện đang là sinh viên thạc sĩ, chuyên ngành Thông dịch Hàn - Việt tại Seoul, Hàn Quốc. Ngoài ra, mình còn là một youtuber, một phóng viên đưa tin với mong muốn mang Hàn Quốc đến gần với nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho mọi người ngôi trường nơi mình đang học. Đây là trường đầu tiên, và hiện vẫn đang là duy nhất có chuyên ngành Thông dịch Hàn - Việt, hệ thạc sĩ đó.

Chắc hẳn nhiều bạn trong chúng ta đã từng há hốc mồm vì khả năng nói tiếng Việt của các bạn người nước ngoài, đặc biệt là một số bạn người Hàn Quốc. Trên thực tế, nếu như quan sát khoa Việt Nam học tại một số trường đại học tại Việt Nam, số lượng người Hàn Quốc theo học áp đảo hẳn những bạn đến từ nước khác. Điều này cũng phần nào phản ánh thị trường lao động Hàn - Việt sôi nổi nhờ mối quan hệ kinh tế tốt lên từng ngày giữa hai quốc gia.

Một số trường đại học chuyên về ngoại ngữ tại Hàn đã có “khoa Tiếng Việt” hoặc “khoa Việt Nam học”, tiếng Việt thậm chí còn trở thành môn thi đại học chính thức tại Hàn Quốc. Năm 2020, IGSE (Trường Cao học Quốc Tế Anh Ngữ, Seoul) khai giảng khoa Thông Dịch Hàn - Việt. Tính đến hiện tại, đây là nơi duy nhất đào tạo Thạc sĩ Thông dịch Hàn - Việt tại Hàn Quốc.


Đầu Tiên và vẫn đang là “Duy nhất”

20210506_thongdich_pvdd_vn_article_002

Giáo sư Gu Bon-seok cùng các bạn sinh viên trong khoa Thông dịch Hàn - Việt. (Ảnh: Tô Tôn Thành)



Giáo sư Gu Bon-seok, trưởng khoa Thông dịch Hàn - Việt, cao học IGSE, đã nuôi ý tưởng về khoa thông dịch Hàn - Việt chuyên nghiệp từ rất lâu. Thầy có khoảng thời gian 13 năm (từ 1998 đến 2012) học tập và làm việc ở Việt Nam. Trong quá trình ở Việt Nam, thầy có cơ hội công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tại đây, thầy có cơ hội hiểu sâu về văn hoá và con người Việt Nam, cũng như đường lối và chính sách của chính phủ Việt Nam.


[Phỏng vấn thầy Gu Bon-seok]

Thưa thầy, theo em được biết, ngành Thông dịch Hàn Việt chưa từng có tiền lệ tại Hàn Quốc, động lực nào khiến thầy muốn thành lập khoa Thông dịch Hàn Việt ạ?

Thông dịch là một ngành nghề mang tính chuyên môn cao, không chỉ về mặt ngôn ngữ. Sinh viên học ngành ngôn ngữ khi ra trường vẫn cần thêm nhiều kĩ năng đặc thù liên quan đến nghiệp vụ dịch thuật. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế Hàn - Việt ngày càng phát triển, mức lương của thông dịch viên chuyên nghiệp cũng trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, mức lương cao đồng nghĩa với yêu cầu cũng cao, dẫn đến nhu cầu học thông dịch chuyên nghiệp rất lớn trong khi chưa có đơn vị nào đào tạo chính thống chuyên ngành này. Do đó, với mong muốn đáp ứng nhu cầu, cũng như nâng cao chất lượng của thị trường lao động dịch thuật Hàn - Việt, tôi đã thành lập nên khoa Thông dịch Hàn Việt. Đây cũng là mong muốn mà tôi ấp ủ từ lúc còn ở Việt Nam.

Theo thầy, sau khi đi vào hoạt động được gần 1 năm, điều khiến thầy hài lòng nhất về đứa con tinh thần của mình - khoa Thông dịch Hàn Việt là gì ạ?

Điều khiến tôi tự hào nhất về khoa Thông Dịch Hàn Việt chính là tạo ra cơ hội cho sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam cùng học chung một lớp, cùng thảo luận bài học và cùng làm bài tập, điều mà khoa tiếng Việt hay khoa tiếng Hàn tại các trường đại học đều không thể làm được. Với kinh nghiệm sinh sống, học tập và làm việc ở Việt Nam 13 năm, tôi mong muốn truyền tải cho các em sinh viên 2 nước không chỉ ngôn ngữ, mà còn là văn hoá và con người, cách tư duy của hai dân tộc, điều mà tôi cho là mấu chốt để thành công với công việc phiên dịch này. Các em không chỉ trở thành thông dịch viên, mà phải trở thành một “chuyên gia" trong việc thông hiểu và kết nối hai nước.

Đặc biệt, tôi nhận ra khả năng giao tiếp của cả sinh viên Hàn và Việt phát triển rõ rệt thông qua quá trình cùng nhau thảo luận và làm bài tập nhóm. Song song với việc truyền đạt kiến thức, tôi cho rằng việc tạo ra môi trường để các em học hỏi và tìm hiểu lẫn nhau cũng quan trọng không kém.

20210506_thongdich_pvdd_vn_article_003

Một buổi “luyện dịch” của các sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam trước tuần thi giữa kì. (Ảnh: Tô Tôn Thành)



Sẵn sàng trở thành “đại sứ” Hàn - Việt

20210506_thongdich_pvdd_vn_article_004

Hương là sinh viên Việt Nam đầu tiên của Khoa Thông dịch Hàn - Việt, IGSE. (Ảnh: Tô Tôn Thành)



[Phỏng vấn Hương]

Là sinh viên Việt Nam đầu tiên của khoa, em cảm thấy như thế nào về quyết định lựa chọn chuyên ngành Thông dịch Hàn - Việt của mình?

Là một sinh viên học ngôn ngữ Hàn thời đại học, em cũng từng phân vân rất nhiều khi lựa chọn chuyên ngành này, đặc biệt em lại là khóa đầu tiên. Cho tới bây giờ, em cảm thấy sự lựa chọn này hoàn toàn đúng đắn. So với những gì tưởng tượng, thông dịch khó hơn em nghĩ rất nhiều, đặc biệt là trong những sự kiện lớn hoặc quan trọng, như những buổi gặp nhau giữa các quan chức cấp cao giữa 2 nước chẳng hạn. Ví dụ như, môn “Thông dịch đồng thời” em học trong kì này vô cùng mới mẻ, đòi hỏi những kĩ năng khó và phải luyện tập nhiều, em cảm thấy may mắn khi được làm quen sớm trước khi bước vào nghề dịch chuyên nghiệp.

Học tập với các bạn bè Hàn Quốc khiến em nhận ra mình còn nhiều thiếu sót về khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt. Càng học tiếng Hàn và được biết về văn hoá Hàn, em càng có động lực tìm hiểu thêm về Việt Nam và tự hào thêm về văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc.


Cảm nghĩ sau 1 năm “tập tành” thông dịch

20210506_thongdich_pvdd_vn_article_005

Mình và các bạn cùng các thầy cô trong buổi lễ ra mắt sinh viên mới học kì vừa rồi. (Ảnh: Tô Tôn Thành)



So với nghiệp vụ thông dịch, mình cảm thấy hứng thú với vai trò của người thông dịch hơn. Trở thành nhân tố đứng giữa Hàn Quốc và Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ này tốt hơn chính là động lực để mình theo đuổi ngành này. Cho dù là giao dịch trong kinh doanh, hay hội họp chính trị, ngoại giao giữa 2 nước, hay thậm chí chỉ là những cuộc gặp xã hội thông thường, vai trò của người thông dịch chính là đại sứ kết nối, giúp Hàn - Việt hiểu nhau và gần nhau hơn.

Học kì này, có một môn học mình cảm thấy rất tâm đắc chính là môn “Biên dịch phim ảnh”. Không chỉ tìm dịch các sản phẩm của nước bạn, mình còn có dịp giới thiệu sản phẩm nghệ thuật của nước nhà đến các bạn Hàn Quốc, nhiều bạn trong lớp lần đầu tiếp xúc với phim Việt, tất cả đều rất hứng thú.

Hiện tại, mình sẽ tích cực theo đuổi vai trò kết nối đó bằng cách chia sẻ về ẩm thực, du lịch, con người Việt Nam đến những bạn bè Hàn Quốc xung quanh mình. Mục tiêu của mình chính là trở thành một thông dịch chuyên nghiệp trong những sự kiện lớn, không ngừng kết nối nhiều doanh nghiệp, nhiều con người giữa hai quốc gia hơn.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.