Vẻ đẹp lộng lẫy không kém phần tinh tế từ những chiếc quạt gấp truyền thống Hapjukseon. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Nghề truyền thống của Hàn Quốc là giá trị văn hóa mang tính lịch sử to lớn và có ý nghĩa sâu sắc đối với đất nước này. Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống không chỉ tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho Hàn Quốc mà còn nhắc nhở con cháu có thể tự hào về tất cả những gì tổ tiên để lại. Trong các bài viết trước mình từng giới thiệu về nét đẹp cũng như cách nghệ nhân Hàn Quốc tạo ra món đồ truyền thống ra sao. Hôm nay, mình xin chia sẻ một số thông tin liên quan đến nghề làm quạt gấp cầm tay ở Hàn Quốc, cùng đọc để hiểu loại hình truyền thống này tinh tế và tuyệt vời như thế nào nhé!
“Tiếng gió xào xạc đánh thức rừng tre cùng tiếng suối chảy qua thung lũng róc rách”, đây là hình ảnh thường được ví von trong những bài thơ cổ Hàn Quốc. Âm thanh lạo xạo khi gió khẽ đưa nhẹ qua các khóm tre dày đặc tạo nên giai điệu trong lành, mát mẻ, tựa lời ru hoặc lời thì thầm êm ái của thiên nhiên ban tặng cho con người. Sở hữu các đặc tính độc đáo này nên quạt gấp Hàn Quốc đã trao gửi gần như trọn vẹn tất cả sự tinh tế nhất từ tự nhiên.
Quạt gấp Hàn Quốc, còn gọi là Hapjukseon (tiếng Hàn:
합죽선), một loại quạt cầm tay truyền thống được làm bởi các nan tre mỏng. Những nan tre này trở thành phần khung để dán giấy Hanji (giấy truyền thống Hàn Quốc, bạn có thể đọc lại bài viết về nghề làm giấy Hanji mình từng chia sẻ nhé!) giúp tạo hình chiếc quạt hoàn chỉnh (đôi khi quạt được bọc bằng lụa thay vì giấy Hanji). Khi xếp quạt lại, bề mặt quạt được ép gọn, gập xen kẽ qua từng nan tre; lúc mở ra tạo thành hình bán nguyệt.
Theo các nhà sử học tin rằng, Hapjukseon được một nhà sư Phật giáo thuộc triều đại Goryeo (918 – 1392) phát minh, trước khoảng thời gian nó bắt đầu lan rộng tới Trung Quốc và Nhật Bản. Tương truyền, từng có vị hoàng đế ở triều đại nhà Tống (Trung Quốc) do mê mẩn vẻ đẹp cũng như độ tinh tế của chiếc quạt giấy gấp nên quyết định Goryeoseon (quạt Goryeo) cũng nên được sản xuất ở đất nước này. Bên cạnh đó, trong cuốn Goryeo Dogyeong (Sách minh họa về Goryeo) – cuốn bách khoa do học giả Seo Geung (tên tiếng Trung: Xu Jing, sứ thần của nhà Tống đến Goryeo) viết rằng: “Người Goryeo mang bên mình một chiếc quạt ngay cả giữa mùa đông, nó có thiết kế gấp mở rất độc đáo”. Từ đây cho thấy việc quạt giấy gấp từng là đồ vật lạ lẫm mà người nước ngoài lần đầu được chiêm ngưỡng.
Nếu quan sát kĩ hơn, Hapjukseon giống như một cô gái. Người ta nói rằng, nhà sư tạo nên Hapjukseon đã phải lòng một phụ nữ, tuy nhiên với tư cách kẻ tu hành nên điều này là không thể. Do đó, ông quyết định làm chiếc quạt theo hình dáng người ông yêu, bao gồm: phần đầu (phần được người dùng cầm bằng tay) trang trí bởi chiếc kẹp (mảnh kim loại nối các nan tre), phần ngực (phần nhô ra nhẹ nhàng ngay phía dưới phần đầu), và cuối cùng là phần thân váy xòe (tạo thành từ giấy Hanji). Thiết kế hình con dơi khắc bên sườn nan tre tượng trưng cho cuộc gặp gỡ bí mật của cả 2 khi màn đêm buông xuống, trong khi thiết kế hoa cúc lại mang ý nghĩa về lòng chung thủy từ người phụ nữ. Ngoài ra, Hapjukseon còn được tỉ mỉ trang trí bằng tranh chim, hoa hay một bài thơ theo phong cách viết thư pháp; phần sườn của nan tre thường khắc theo kiểu dáng Najuk (pyrography – loại hình nghệ thuật trang trí tự do hiểu nôm na là “viết bằng lửa”) với các hình ảnh mang tính biểu tượng như: dơi, hoa cúc, hoa mận; phần đầu trang trí bởi maedeup (một nút thắt có thể là vàng, hổ phách, ngọc bích, hoặc túi hương…); tất cả hình thành cho Hapjukseon đường nét độc đáo, đặc trưng, tinh tế.
Yunseon là loại quạt cầm tay hình tròn nhỏ hơn Hapjukseon, thường dùng bởi nữ giới trong thời kì phong kiến. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Trong giai đoạn chế độ phong kiến, theo truyền thống Hapjukseon do đàn ông sử dụng còn phụ nữ thì dùng Yunseon (loại quạt tròn, nhỏ hơn Hapjukseon). Việc dùng quạt gấp ở thời kì này thể hiện được giai cấp sang hèn cùng quyền lực như thế nào: quạt gấp 50 nan chỉ dành cho vua chúa hay hoàng tộc, quạt 40 nan dành cho quý tộc và quạt dưới 40 nan dành cho những tầng lớp thấp hơn. Bên cạnh đó, tại Hàn Quốc còn sở hữu truyền thống tặng quạt cầm tay như món quà đặc biệt vào lễ Dano (rơi vào ngày thứ năm thuộc tháng 5 âm lịch), truyền thống trên không phân định giai cấp nên từ hoàng gia tới dân thường đều tham dự được.
Một chiếc quạt giấy gấp màu trắng hay còn gọi là Baekseon với phần trang trí đẹp mắt chạm khắc ở Byeonjuk và Seonchu thắt tại phần tay cầm. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Theo Kim Dong Sik, Seonjajang (nghệ nhân làm quạt truyền thống) ở Jeonju được chỉ định như “tài sản văn hóa phi vật thể thứ 128” cho biết: muốn tạo nên Hapjukseon phải mất rất nhiều thời gian kết hợp cùng kĩ thuật chạm khắc thủ công tinh xảo. Gia đình ông đã thực hiện công việc này được 4 thế hệ, Kim Dong Sik học nghề từ ông ngoại mình khi mới 14 tuổi, mặt khác, ông nội ông còn từng làm quạt gấp cho vua Gojong vào cuối thời kì Joseon (1392–1910). Không giống như quạt gấp của Trung Quốc hoặc Nhật Bản chỉ dùng phần mềm bên trong thân tre, Hapjukseon khác biệt ở chỗ, vừa tận dụng độ cứng phần ngoài lẫn kết cấu mềm bên trong của cây tre giúp quạt sở hữu tính bền chắc cao hơn.
Ở thời Joseon, nghề làm quạt truyền thống hưng thịnh tại thành phố Jeonju, thuộc tỉnh Jeollabuk-do (“ngôi nhà” cho cây dâu giấy phát triển – nguyên liệu làm Hanji, đồng thời Jeonju khá gần Damyang, nơi nổi tiếng với các sản vật làm từ tre cực kì chất lượng). Nhà nước Joseon đã điều hành và thành lập nên 6 xưởng chuyên biệt cho việc sản xuất quạt cầm tay dưới một cơ sở chính là Seonjabang (lần lượt gồm có: Golseonbang – nơi chẻ tre thành dải mỏng; Najukbang – chuyên trang trí sườn quạt với thiết kế Najuk; Gwangbang – đánh bóng sườn quạt sau khi trang trí Najuk; Sabokbang – kết dính các nan tre; Dobaebang – bọc giấy Hanji cho quạt; Grimbang – vẽ tranh hoặc viết thư pháp lên quạt ), trong đó những bậc thầy khác nhau sẽ lần lượt đảm nhận từ thái mỏng các nan tre đến khắc hình lên phần tay cầm của quạt. Tuy nhiên, Seonjajang như bậc thầy Kim Dong Sik, Bae Gwi Nam hay Yi Gi Dong sẽ tự mình thực hiện toàn bộ các công đoạn trên, ta có thể tóm tắt chi tiết như sau:
Ngâm tre trong dung dịch natri hydroxide để loại bỏ nhựa trước khi phơi nắng. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
1. Đầu tiên, Seonjajang sẽ chọn những thân tre lớn và sạch, không tì vết (lấy từ loại tre mang tên khoa học phyllostachys bambusoides) có độ dài giữa mỗi đốt tầm 48 cm (đây là tre sở hữu chất lượng tốt nhất để tạo nên Hapjukseon tinh chế, tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để chọn được một cây như vậy). Tre sau thu hoạch cần ngâm vào dung dịch natri hydroxide tầm 30 – 40 phút nhằm loại bỏ nhựa, sau đó phơi nắng 20 ngày giúp tre trắng lên. Tiếp theo, tre cần ngâm nước 1 tuần trước khi luộc. Lúc khô, phần ngoài của tre sẽ ngả sang vàng và mất toàn hoàn màu xanh lục ban đầu.
2. Tiếp theo, nghệ nhân sẽ dùng dao chẻ tre thành những miếng nhỏ hơn với kích thước phù hợp, sau đó luộc các mảnh tre trong nước sôi để chúng nở ra.
Nghệ nhân đang nạo phần bên trong để mảnh tre đạt độ mỏng sao cho ánh sáng có thể xuyên qua. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
3. Sau công đoạn luộc, Seonjajang sẽ gọt phần phía trên (cả 2 bên) của mảnh tre rồi nạo phần trong của những mảnh tre này đi, giữ phần ngoài, sao cho độ mỏng vừa đủ để ánh sáng xuyên qua. Mặt khác, nghệ nhân cũng tạo các mảnh tre mỏng ngắn hơn phục vụ công đoạn tiếp theo.
Nghệ nhân đang phết loại keo mix từ keo cá và keo làm từ da, gân với xương động vật để dán những mảnh tre mỏng ngắn – dài chồng lên nhau. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
4. Seonjajang tiếp tục dùng một loại keo trộn giữa keo cá và keo hỗn hợp (làm từ da, gân, xương động vật) để dán mảnh tre ngắn lên trên mảnh tre dài đã gọt phần đầu tạo thành các nan quạt, mục đích của việc này giúp Hapjukseon thêm bền chắc theo thời gian. Riêng 2 nan phía ngoài cùng (gọi là Byeonjuk) có chiều dài và dày hơn một chút so với những nan khác.
5. Các nan quạt sau khi dán được bó chặt lại rồi để khô trong vòng 1 tuần. Tiếp theo đó, nghệ nhân sẽ bắt đầu chạm khắc phần tay cầm của quạt.
Nghệ nhân đang dùng lưỡi liềm cạo và đánh bóng thân quạt, sau khi cố định quạt bằng “bộ phận giữ” được gọi là Deung gắn ở đầu tay cầm. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
6. Nghệ nhân sẽ tạo “bộ phận giữ” gắn ở đầu tay cầm quạt được gọi là Deung làm từ gỗ mun, xương bò hay ngà voi. Tiếp đó, Seonjajang dùng lưỡi liềm cạo và đánh bóng thân các nan quạt hình thành đường cong mềm mại cho chúng.
7. Nghệ nhân tiến hành trang trí bằng cách chạm khắc cho từng nan quạt. Phía trong những nan của cổ quạt, các phần dán giấy Hanji lên được cắt đi, nghệ nhân sẽ bo tròn cổ quạt lại.
Dán giấy Hanji đã được cắt cẩn thận lên từng nan quạt hoàn chỉnh. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
8. Nghệ nhân sẽ bắt đầu dán giấy Hanji vào quạt bằng cách lần lượt xen kẽ từng nan quạt với Hanji hình thành các đường gấp, cuối cùng, một vật trang trí gọi là Seonchu được thêm vào phần tay cầm của quạt.
Hapjukseon thành phẩm đạt yêu cầu có độ dày không vượt quá 2,9 cm bất chấp số nan tre. Đồng thời Byeonjuk (2 sườn quạt) trang trí bởi lớp mỏng làm từ mai rùa hoặc sơn mài truyền thống. Ngoài ra, bí mật về độ dẻo dai tối ưu cùng sức gió mạnh mẽ của Hapjukseon đến từ loại keo dán Hanji lên quạt, keo này làm bởi bọng khí của loài cá có tên Croaker (thuộc họ cá lù đù) – nó ứng dụng cả trong các loại hình khác như khảm xà cừ, đồ nội thất, cung tên.
Mặt khác, nên kể thêm yếu tố “sơn mài thiếp vàng” (tiếng Hàn là Hwangchil) làm từ cây sơn mài bản địa (trồng ở khu vực phía nam bán đảo Triều Tiên), chính nó đã hình thành sắc mờ thanh lịch huyền bí cùng mùi thơm nhẹ nhàng tự nhiên cho Hapjukseon. Dễ hiểu tại sao giá trị của Hapjukseon nâng tầm hơn nữa nếu có thêm Hwangchil (1 lọ nhỏ Hwangchil trị giá từ 4 – 5 triệu won và khoảng 160 ngàn won Hwangchil được sử dụng trên 1 chiếc quạt).
Thật sự nghề làm quạt giấy truyền thống nói chung cực kì tỉ mỉ, phức tạp và tốn nhiều công sức. Tuy ngày nay, người Hàn ưu tiên dùng quạt điện hay máy lạnh để giải nhiệt nhưng Hapjukseon vẫn là vật dụng mang nét đẹp văn hóa có giá trị dành tặng người lớn tuổi khi mùa hè đến. Không những thế Hapjukseon còn len lỏi vào nhiều hình thức nghệ thuật như Pansori hay trở thành vật dụng phục vụ phim ảnh. Quạt gấp với sắc thái tinh tế khác biệt được mài giũa qua bàn tay khéo léo của các Seonjajang đã đóng góp nên bản sắc dân tộc đặc trưng cho Hàn Quốc. Hi vọng nghề làm quạt giấy tại đất nước này có thể mãi được lưu truyền đến nhiều thế hệ tiếp theo.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.