Khi Hàn Quốc chào đón Tết Đoan Ngọ vào ngày 5/5 âm lịch mỗi năm, nhiều sự kiện đặc biệt được tổ chức trên khắp nước. (Ảnh: Korea.net)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Lê Thị Trang
Cũng giống như Việt Nam, Tết Đoan Ngọ (
단오), hay Suritnal (
수릿날) theo tên gọi thuần Hàn, cũng là một ngày lễ lớn đối với người Hàn Quốc. Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc cũng diễn ra vào ngày mồng 5/5 âm lịch, thời điểm mà dương khí đạt cực thịnh theo quan niệm Âm Dương của người Đông Á.
Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ lâu đời ở Hàn Quốc. Ảnh trên là một bức tranh tiêu biểu miêu tả khung cảnh ngày Tết Đoan ngọ của họa sĩ Shin Yoon-bok. (Ảnh: Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc)
Tương truyền, nguồn gốc của tiết Đoan Ngọ bắt nguồn từ truyền thuyết tưởng nhớ vong hồn một vị quan có tên là Khuất Nguyên của Trung Quốc. Ở nước có nền văn minh lúa nước thì 5/5 cũng là khoảng thời gian nông nhàn, việc gieo cấy bắt đầu kết thúc. Do đó, người Hàn Quốc khi xưa thường bày cỗ cúng các vị thần linh và tổ chức lễ hội vào dịp này để cầu mong cho vụ mùa bội thu sắp tới.
Các phụ nữ đã tham gia một chương trình gội đầu với lá xương bồ nhân dịp Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Yonhap News)
Vào tiết Đoan Ngọ, các cô gái Hàn thường gội đầu bằng lá xương bồ. Vì theo quan niệm của người Hàn Quốc, lá xương bồ có khả năng xua đuổi tà ma, ngoài ra còn giúp cho tóc óng mượt, nên ngày xưa, mỗi dịp Đoan Ngọ phụ nữ Hàn Quốc không phân biệt tầng lớp thường rủ nhau gội đầu với lá xương bồ.
Đánh đu và đấu vật là hai trò chơi truyền thống trong Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Trong thuyết âm dương, số lẻ tượng trưng cho dương khí. Ngày 5/5 là thời điểm nóng nhất, trùng với ngày hạ chí nên dương khí rất mạnh. Do đó, nam giới thường tổ chức đấu vật (
씨름) còn phụ nữ chơi đánh đu (
그네뛰기) để thể hiện sức mạnh của mình.
Có một điều thú vị nữa là ngày xưa, những người bề trên thường tặng quạt giấy cho người vào dịp Đoan Ngọ với ngụ ý giảm bớt sự nóng nực. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, những trò chơi dân gian vào dịp lễ này không còn xuất hiện thường xuyên nữa. Tuy vậy, ở Gangneung vẫn còn duy trì lễ hội tết Đoan Ngọ và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Do đó, nếu muốn trải nghiệm Tết Đoan Ngọ truyền thống của người Hàn Quốc, bạn hãy thử tìm đến Gangneung vào dịp này nhé!
Bánh Suritteok (trái) và Canh Đề Hồ (Jehotang, phải) được ăn vào Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Korea.net, Viện Nghiên cứu Ẩm thực truyền thống Hàn Quốc)
Trong dịp Tết Đoan Ngọ, người Hàn Quốc có tập tục ăn bánh Suritteok (
수리떡), Yaktteok (
약떡) để xua đuổi những điều xấu. Suritteok được làm từ ngải cứu và bột gạo, được nặn giống “hình bánh xe kéo” (
수레바퀴 trong tiếng Hàn) nên có tên gọi như vậy. Bánh Yaktteok là đặc sản vùng Jeollanam-do, được làm từ gạo không dính nấu chín cùng với các loại hạt khác nhau và tạo thành những hình dáng đa dạng.
Ngoài ra còn có các món khác như chè anh đào núi và Canh Đề Hồ (Jehotang), được nấu từ mật ong và các loại dược liệu như quế, táo tàu, gừng, thảo quả,... có tác dụng giải nhiệt vào bồi bổ cơ thể khỏi cái nóng của mùa hè.
Mặc dù đều ăn Tết Đoan Ngọ nhưng phong tục trong ngày lễ này của Hàn Quốc và Việt Nam thật khác nhau đúng không nào. Ngày nay, cuộc sống bận rộn làm cho phong tục ngày lễ này đã ít nhiều bị mai một. Dù vậy, Tết Đoan Ngọ vẫn là một phần không thể thiếu và là một nét đẹp văn hóa trong văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.