Từ ngày xưa, con hổ được coi là biểu tượng của thần giám hộ, biểu tượng của Thần núi trong văn hóa, lịch sử Hàn Quốc. (Ảnh: Pixabay)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Phương Mai
Trong văn hóa châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng, hổ được coi là loài vật linh thiêng, là đại diện cho sức mạnh. Người Trung Quốc cổ xưa quan niệm rằng những vết sọc trên trán của hổ liên tưởng đến chữ 王 (chữ Vương), theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là vua nên nhiều người tin rằng hổ sinh ra vốn dĩ đã là vua của muôn loài. Cũng chính vì lý do đó, hổ thường dùng để chỉ những nhân vật mạnh mẽ và xuất chúng. Trong lịch sử và văn hóa của Hàn Quốc, hổ cũng là một hình tượng quen thuộc và mang ý nghĩa to lớn.
Linh vật Hàn Quốc - biểu tượng cho thần hộ mệnh:
Tác phẩm “Con hổ dưới cây thông” của danh họa Kim Hong-do trong thời đại Joseon (1392-1910). (Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc)
Hàn Quốc là đất nước với địa hình chủ yếu là đồi núi nên thuở xưa có nhiều loài động vật sinh sống, trong đó có cả những loài vật hung mãnh như hổ. Điều này sẽ không tránh khỏi việc bị hổ “đe dọa” tới cuộc sống sinh hoạt cũng như tính mạng con người. Mặc dù hổ là loài vật hung dữ, là mối nguy hiểm cho con người nhưng trong văn hóa người Hàn Quốc, hổ được coi là biểu tượng của thần giám hộ, biểu tượng của Thần núi. Vì vậy, người Hàn Quốc cũng gọi hổ là “San Gun” có nghĩa là Chúa sơn lâm. Hình ảnh con hổ hiện lên trong văn hóa Hàn Quốc với đầy sự dũng mãnh và uy quyền, sự xuất hiện của hổ sẽ giúp con người tránh được vận hạn và đem đến nhiều phúc lộc.
Hình ảnh của “chúa tể sơn lâm” còn được in lên bùa chú với niềm rằng, hổ sẽ đem lại cho họ sự an lành, sự bảo vệ khỏi mọi điều xấu trong đời sống. Thậm chí trong lễ kết hôn, người Hàn Quốc thường phủ lên kiệu hoa một tấm da hổ hoặc một tấm chăn có họa tiết hình hổ để giúp cô dâu tránh khỏi những điều không may.
Chính vì biểu tượng hộ vệ đầy linh thiêng đó mà sự hổ còn hiện hữu trong đời sống tinh thần hoàng gia. Theo nhiều sử ký ghi lại, vào thời vua Taejong (Thái Tông), vua Sejong (Thế Tông), vua Munjong (Văn Tông) và vua Danjong (Đan Tông), hổ còn được dùng làm vật tế thần cầu mưa với mong muốn mưa thuận gió hòa, giúp vụ mùa người người dân thuận lợi hơn. Ngoài ra, tại nhiều khu lăng mộ của vua chúa thời xưa cũng được che chở bằng những bức tượng tạc hổ bằng đá.
Hình ảnh con hổ trong văn hóa Hàn Quốc:
Chú hổ Soohorang là linh vật của Thế vận hội Mùa đông PyeongChang được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2018. (Ảnh: Korea.net)
Nếu như Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới bắt đầu câu chuyện cổ tích bằng câu nói quen thuộc “ngày xửa, ngày xưa”, thì người Hàn Quốc lại bắt đầu câu chuyện cổ xưa, đã có từ lâu của mình bằng câu nói độc đáo hơn, chính là “thời mà hổ còn hút thuốc lá” - một dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của hổ đã có từ rất xa xưa. Ngoài ra, có không ít những câu ngạn ngữ, tục ngữ lấy cảm hứng từ hình ảnh loài vật oai hùng này. Ví dụ ngạn ngữ chỉ sứ mệnh giám hộ của hổ như “Hổ thắp lửa mở lối trên chặng đường leo núi”, hoặc những câu tục ngữ “mượn” hình ảnh con hổ để nói về một ý nghĩa sâu xa như “Khách tháng 5 tháng 6 còn đáng sợ hơn hổ” (Tháng 5, tháng 6 là thời điểm mùa hè nóng bức, đây cũng không phải giai đoạn thu hoạch mùa màng nên lương thực thiếu thốn, việc tiếp khách vào thời gian này sẽ có nhiều điều khó khăn) hay “Hổ chết để lại da, người chết để lại danh”, “Thấy hổ thì hoảng, thấy da hổ thì tham”,...
Không chỉ xuất hiện trong những câu tục ngữ, hình ảnh con hổ còn được kể trong những bài trường ca Pansori với một số tác phẩm tiêu biểu như “Sugungga” (Thủy cung ca) và “Mancheopcheongsan” (Vạn điệp thanh sơn),...
Ngoài ra, hình ảnh hổ còn được lan tỏa ra thế giới thông qua nhân vật ngộ nghĩnh Soohorang - linh vật của Thế vận hội Mùa đông PyeongChang, được tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2018. Tại đây, Soohorang cùng với chú gấu Bandabi đã lan tỏa tinh thần thể thao Hàn Quốc tới toàn thể người hâm mộ thể thao trên thế giới.
Con hổ và hình dáng bản đồ Hàn Quốc:
Trước đây, vào đầu những năm 1900, khi Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, người Hàn Quốc đã được đế quốc Nhật Bản truyền bá tư tưởng rằng đất nước họ có hình dạng của một con thỏ - biểu tượng của sự yếu thế. Tuy nhiên, sau khi Hàn Quốc giành lại độc lập và nền kinh tế phát triển vượt trội, nhiều người đã nhìn nhận lại về hình dạng đất nước như một chú hổ uy nghiêm, dũng mãnh. Vào năm 1908, Hàn Quốc đã xuất bản tấm bản đồ hình con hổ lên tạp chí “Thiếu Niên” với ý nghĩa tấm bản đồ con hổ này thể hiện tư thế dũng mãnh và uy nghiêm của con hổ đang sẵn sàng “chinh phục” châu Á.
Thật vậy, cùng với dòng chảy của lịch sử, Hàn Quốc ngày nay đã phát triển và không ngừng để trở thành một quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, điều này đã được thể hiện qua những chỉ số và xếp hạng cao về kinh tế như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI),.. Một con hổ mạnh mẽ và uy nghiêm đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Hàn Quốc và cũng chính là hình ảnh đúng đắn để nhận định về Hàn Quốc ngày nay.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.