Pansori được diễn ra với một người hát và một người đánh trống. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Dư Hồ Yến Lâm
“Có thể có người chưa xem, nhưng không có người nào chỉ xem một lần” là lời khen có cánh dành cho đoạn video đầy hấp dẫn, có tính gây nghiện trong chuỗi video quảng bá danh lam thắnh cảnh Hàn Quốc của Tổng cục du lịch Hàn Quốc, mang tên “Con hổ xuống núi”. Được đăng bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, tính đến nay đoạn video này đã thu được hơn 47 triệu lượt xem trên Youtube nói riêng, cho thấy sự thành công vượt bậc trong không chỉ ở sự quảng bá hình ảnh Hàn Quốc đến bạn bè quốc tế, mà còn là sự thành công về sự kết hợp tài tình giữa tinh hoa văn hóa của Hàn Quốc là Pansori và tính chất đại chúng, tính hiện đại của giới trẻ ngày nay. Vậy Pansori là gì? Tại sao nó lại là một trong những tinh hóa văn hóa Hàn Quốc?
Pansori là hình thức nghệ thuật tổng hợp được diễn ra thông qua việc kể lại chuyện bằng lời ca giữa một người đánh trống và một người hát, với tiêu biểu là năm trường đoạn nổi tiếng như Heungbuga, Chunhyangga, Simcheongga, Jeokbyeokga, Sugungga. Pansori không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể số 5 của Hàn Quốc, và còn được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới vào năm 2003.
Có 5 yếu tố làm nên một buổi trình diễn Pansori hoàn hảo. Đó chính là bài hát xướng; phần đối thoại giữa những câu hò; phần nội dung; sự chuyển động của cơ thể theo nhịp điệu, cảm xúc hay nội dung; câu xướng đệm; nhịp phách. Tùy vào nội dung câu chuyện được kể mà không chỉ là nhịp phách, mà sự chuyển động khi hát cũng sẽ được thay đổi sao cho phù hợp, bộc lộ được cảm xúc của câu chuyện.
Tùy theo câu chuyển kể mà sự chuyển động hay sắc mặt, biểu cảm của người hát cũng thay đổi theo. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Pansori được biết đến là có nguồn gốc từ thế kỉ 17 nhưng không có ghi chép nào cụ thể về việc Pansori từ đâu từ khi nào xuất hiện, vì khi đó Pansori chủ yếu là được truyền miệng giữa người dân với nhau. Hiện tại, nếu tìm từ khóa về “Pansori” thì kết quả xuất hiện về người hát hầu như sẽ là hình ảnh người nữ, nên dễ khiến cho chúng ta nghĩ rằng việc hát Pansori này ngay từ thuở đầu tiên đã được phái nữ đảm nhận. Nhưng thực chất thì ngay từ những lúc đầu tiên, hình thức hát Pansori này chỉ cho phép hát bởi phái nam, vì lúc bấy giờ giọng hát của người phụ nữ bị xem là quá nhỏ và yếu không phù hợp với loại nghệ thuật này. Và vì thế nên để phái nữ cũng có thể cất lên lời ca Pansori của mình như ngày hôm nay thì đó là cả một quá trình cố gắng đấu tranh của một người phụ nữ mang tên Jin Chae-seon. Có thể nói bà là người phụ nữ đầu tiên được hát Pansori.
Pansori có 4 đặc trưng nổi bật. Thứ nhất, Pansori là từ được tạo ra từ sự kết hợp giữa từ “pan” với nghĩa nơi tụ tập của nhiều người, và từ “sori” với nghĩa âm nhạc. Hay nói cách khác, Pansori có nghĩa là âm nhạc được biểu diễn ở nơi đông người tụ tập. Thứ hai, Pansori có nguồn gốc từ thế kỉ 17 khi Mudang thể hiện việc ngâm bài hát theo một cách mới lạ ở buổi lễ Gutpan.
Thứ ba là tính chất biến đổi linh hoạt của Pansori. Tùy vào hoàn cảnh, độ tuổi của thính giả, vùng miền,... mà lời bài hát có thể được thay đổi theo một cách linh hoạt. Thứ tư là tùy vào đặc điểm của từng vùng miền mà kĩ thuật thanh nhạc của người Pansori được phát triển theo một cách đa dạng. Vì vậy nên Pansori cũng gồm có 3 loại Pansori là Junggoje, Dongpyeonje, Seopyeonje, với nổi bật là Dongpyeonje, Seopyeonje.
Pansori thường được trình diễn ở vị trí trung tâm khi mà người xem ngồi ở xung quanh. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Seopyeonje là hình thức Pansori được thịnh hành bắt nguồn từ vùng Gwangju, lan đến các vùng thuộc tỉnh Jeonlanam-do như thành phố Naju,... Với đặc trưng là nhấn mạnh vào cách thể hiện của giai điệu buồn, sự nhấn mạnh kỹ thuật xướng âm, Seopyeonje cũng có đặc điểm là âm thanh chùng xuống và sử dụng một nhịp điệu một cách tinh tế. Có thể nói so với hai hình thức Pansori còn lại thì Seopyeonje là hình thức Pansori mang đậm tính chất nữ tính và giai điệu buồn rầu nhất.
Dongpyeonje là hình thức Pansori được lưu truyền chủ yếu ở những vùng tiếp giáp với Yeongnam thuộc miền đông của sông Seomjin như miền đông của tỉnh Jeolanam-do,... Với đặc trưng là những âm điệu nặng và mạnh mang đậm tính chất nam tính nên Dongpyeonje thường có những âm điệu tuy thanh nhưng mạnh và lớn.
Xuất phát từ loại hình ca hát được yêu thích yêu thích bởi tầng lớp dân thường cuối thời Joseon, Pansori không chỉ đặc biệt về sự biến hóa linh hoạt trong lời ca tùy vào người nghe, hoàn cảnh hát, mà hình thức nghệ thuật này còn đặc biệt về sự cô đọng nỗi buồn trong lời ca, biến nó thành một câu chuyện mang tính hài hước, để rồi từ đó tháo gỡ nó ra theo câu hát, lời ngâm.
Vì vậy thể nói Pansori là một hình thức âm nhạc truyền thống, không chỉ mang đậm tính chất nghệ thuật mà còn là hình thức thể hiện rõ và mạnh nhất cái tình cảm, cái cảm xúc mang đậm tính đặc trưng văn hóa truyền thống lâu đời của người Hàn Quốc từ thời xưa.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.