Makgeolli là loại rượu gạo truyền thống được nhiều người dân Hàn Quốc ưa chuộng. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Doãn Phương Nga
Cùng với rượu Soju và bia, Makgeolli là một trong những đồ uống có cồn được ưa chuộng nhất tại Hàn Quốc. So với hai loại còn lại, Makgeolli là loại rượu gạo truyền thống có lịch sử lâu đời và quá trình phát triển nhiều thăng trầm hơn cả. Sự tồn tại của Makgeolli được cho là đã xuất hiện từ trước thời kỳ Tam Quốc, từ khi thời kỳ nông canh được hình thành và người ta sử dụng các loại ngũ cốc như gạo tẻ, gạo nếp, lúa mạch để ủ rượu. Trong cuốn “Tam Quốc Sử Ký” và “Tam Quốc Di Sự” cũng có xuất hiện một số từ ngữ để gọi tên rượu Makgeolli như mion, jiju và ryoye.
Makgeolli được coi là “nông tửu”, vì loại rượu này đóng vai trò như một loại nước giải khát và thuốc hồi phục sức khỏe. Thậm chí những người nông dân còn truyền nhau câu nói rằng “Dù có nhận được số tiền công như nhau, họ vẫn muốn được làm công cho những nhà thiết đãi rượu Makgeolli vào lúc nghỉ ngơi”. Được làm từ thóc gạo, Makgeolli vào lúc đó cũng đã trở thành một bữa ăn “chắc dạ”. Người đứng đầu học viện đào tạo về Makgeolli – viện trưởng Heo Si Myung đã gọi loại rượu này là “cơm dạng lỏng” và nói rằng Makgeolli vừa là đồ uống có cồn, thành phần bên trong lại là “cơm dạng lỏng”, vì lẽ đó mà người nông dân đã uống thứ rượu này và lấy lại sinh lực để tiếp tục làm việc trên đồng ruộng.
Ngày nay, Makgeolli thu hút nhiều bạn trẻ tại Hàn Quốc với thiết kế chai rượu hiện đại, hấp dẫn. (Ảnh: Korea.net)
Makgeolli cũng là thứ không thể thiếu trong các nghi lễ cũng như mỗi khi có việc hiếu hỷ. Trong thần thoại Dangun (Đan Quân) có ghi chép lại rằng, người Hàn Quốc thời đó đã dùng ngũ cốc để làm bánh Tteok và rượu để thực hiện các nghi lễ cúng bái. Cũng giống như vậy, cho đến tận bây giờ, truyền thống dâng rượu Makgeolli như một thứ “rượu thiêng” vẫn được duy trì và thực hiện trong lễ khánh thành toà nhà, trong các buổi lễ cúng bái hoặc khai trương.
Từ thời Joseon, nhà nhà đều tự ủ rượu Makgeolli và sử dụng thứ rượu này trong tất cả các việc lớn nhỏ. Chính điều này đã góp phần tạo nên những loại rượu ngon nổi tiếng mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền, từng gia tộc. Cũng có ý kiến cho rằng Makgeolli có thể phát triển đa dạng như vậy là vì nguyên liệu chính của loại rượu này chính là gạo. Dù đang chờ đợi vụ mùa hay chưa mua được nguyên liệu, chỉ cần bước vào căn bếp cũng có thể ủ một cách dễ dàng. Makgeolli chính là loại rượu như vậy. Khác với rượu vang (ủ từ nho) và bia (làm từ lúa mạch), Makgeolli là loại rượu duy nhất được ủ từ lương thực chính của người Hàn Quốc.
Makgeolli vẫn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Hàn Quốc. (Ảnh: Korea.net)
Cứ như vậy, Makgeolli đã nhận được tình yêu của người dân xứ sở Kimchi trong một thời gian dài. Thế nhưng, quá trình phát triển của loại rượu này cũng đã trải qua bao thăng trầm theo sự biến đổi của thời đại. Cuộc khủng hoàng đầu tiên là vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Nhật Bản đã cấm việc ủ rượu tại nhà và tăng cường luật lệ về thuế rượu để thu được tiền cai trị. Trên thực tế, cho đến năm 1930, tỷ lệ tiền thuế rượu chiếm hơn 30% trong quốc thuế của Hàn Quốc. Cuộc khủng hoảng thứ hai là khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh diễn ra vào những năm 1950. Vào lúc này, người Hàn Quốc ủ rượu Makgeolli bằng bột mì được viện trợ từ Mỹ để duy trì truyền thống của dân tộc.
Sau năm 1965, dựa theo luật quản lý lương thực, việc sử dụng gạo làm Makgeolli bị cấm và thay vào đó, người ta sử dụng bột mì để ủ rượu. Khi các thức uống có cồn từ nước ngoài như bia du nhập vào Hàn Quốc thì cũng là lúc Makgeolli đối mặt với cuộc khủng hoảng thứ ba. Đã từng chiếm đến 60-70% tổng lượng tiêu thụ các loại bia rượu cho đến đầu những năm 1980, lượng tiêu thụ Makgeolli liên tục giảm sau năm 1988 và chỉ dừng lại ở con số 2% vào những năm 2000. Tuy nhiên, sau khi việc ủ rượu tại nhà được chấp thuận vào năm 1995, các loại rượu truyền thống cao cấp xuất hiện và thị trường rượu Makgeolli cũng bắt đầu tìm được lối đi mới. Vào tháng 2 năm 2016, nghị định về việc sản xuất các loại rượu trên quy mô nhỏ được ban hành, các xưởng sản xuất rượu quy mô nhỏ cũng theo đó mà tăng lên.
Makgeolli thường được dùng kèm với các bánh hành Pajeon. (Ảnh: Korea.net)
Dạo gần đây, khi sự quan tâm của giới trẻ về Makgeolli ngày càng tăng lên, một nền văn hoá mới cũng được hình thành. Makgeolli một lần nữa lại chào đón một dấu mốc mới trong quá trình phát triển của mình. Bằng việc được công nhận là một di sản văn hoá phi vật thể, Makgeolli ngày càng nhận được sự quan tâm của người dân Hàn Quốc và đồng thời trở thành bàn đạp để mang rượu truyền thống của Hàn Quốc tiến ra thế giới.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.