Gia đình Hàn Quốc quay quần bên nhau làm các món ăn truyền thống trong Tết Chuseok. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Đào Mạnh Nghĩa
Là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử - văn hóa, Việt Nam và Hàn Quốc đều có Tết Trung Thu diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Đây là ngày có đêm trăng Rằm đẹp nhất, tròn nhất và sáng nhất trong năm. Ngoài cách gọi tên là Tết Trung Thu, ở Việt Nam còn có các tên gọi khác như Tết thiếu nhi, Tết trẻ con, Tết trông trăng, Tết đoàn viên, Tết hoa đăng còn ở Hàn Quốc gọi là Tết Chuseok (Lễ tạ ơn), Hangawi, Gawi, Jungchujeol hay Gabae.
Như chúng ta đã biết, Tết Trung Thu của Việt Nam với nguồn gốc ý nghĩa là việc ăn mừng cho mùa màng bội thu, tưởng nhớ tổ tiên và sau này là ngày tết cho thiếu nhi, tết đoàn viên và không là một ngày nghỉ lễ quốc gia chính thức hằng năm. Vào ngày Rằm tháng 8, trẻ em sẽ được tặng đồ chơi là chiếc đèn ông sao, mặt nạ hình các nhân vật, đèn kéo quân, tò he,... được thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo và đặc biệt là được phá cỗ, ngắm trăng và rước đèn. Ngoài ra, trẻ em sẽ múa hát dưới ánh trăng, chơi một số trò chơi dân gian truyền thống và hơn hết là tham gia múa lân, múa sư tử hoặc múa rồng một cách thoả thích.
Tết Trung Thu ở Việt Nam. (Ảnh: Đào Mạnh Nghĩa)
Vậy Tết Chuseok có nét gì độc đáo khác với Tết Trung Thu của Việt Nam? Hãy cùng tôi khám phá nhé!
Xuất hiện từ triều đại Silla cổ với tinh thần là một cuộc thi tài, Tết Chuseok dần thay đổi và trở thành một ngày lễ vui chơi dân dã. Khá tương đồng với Việt Nam, Tết Chuseok của Hàn Quốc mang ý nghĩa về sự cầu chúc cho một mùa màng bội thu hơn, cảm tạ tổ tiên đã cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc và cũng là ngày đoàn viên, sum họp gia đình. Đối với người dân xứ sở Kim Chi thì Tết Chuseok là ngày nghỉ lễ quốc gia vô cùng quan trọng thể hiện đậm nét đời sống tinh thần của người dân, thâm chí còn hơn cả Tết Nguyên đán Seollal. Vào những ngày này, người dân sẽ được nghỉ ngơi, về thăm gia đình ở quê, thưởng thức các món ăn truyền thống và tham gia các trò chơi dân gian.
Về phần “lễ”, ngày Tết Chuseok là ngày mà con cháu thể hiện lòng thành kính với các bậc tổ tiên thông qua việc viếng thăm và dọn dẹp sửa sang phần mộ tổ tiên, gọi là nghi thức Beolcho và Seongmyo. Sau đó, sẽ dâng mâm lễ để cúng tổ tiên nhằm bày tỏ sự biết ơn.
Mâm cúng Charyesang trong Tết Chuseok. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, vào sáng sớm ngày Rằm của Tết Chuseok, mọi người trong gia đình sẽ tụ họp tại gian nhà chính và thực hiện các nghi lễ Charye cúng bái, tưởng niệm. Sau đó, họ sẽ cùng nhau “hưởng lộc” từ tổ tiên các món đồ cúng được làm từ các nông sản mới thu hoạch như Mebap (cơm làm từ gạo mới thu hoạch), bánh Songpyeon, ngũ cốc, hoa quả, rượu Baekju,...
Về trang phục, vì là ngày Tết quan trọng nên người dân Hàn Quốc sẽ mặc những bộ Hanbok truyền thống mới nhất và đẹp nhất - gọi là Chuseokbim - để tham dự các nghi lễ, trò chơi và các sự kiện.
Trò chơi đấu vật Ssireum. (Ảnh: iclicart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Về phần “hội”, có vô vàn các trò chơi truyền thống và phong tục trong Tết Chuseok dành cho người dân và cả du khách. Tiêu biểu có thể kể đến trò chơi đấu vật Ssireum, kéo co Juldarigi, múa mặt nạ Talchum, nhảy múa Ganggangsullae và phong tục treo ngũ cốc khô trước cửa Olgesimni. Không chỉ như vậy, Tết Chuseok còn là cơ hội tuyệt vời để tham quan các địa điểm nổi tiếng từ những di sản văn hóa truyền thống như Cung Gyeongbokgung, Đền thờ Jongmyo, Khu lăng mộ Hoàng gia của Triều đại Joseon, các bảo tàng quốc gia, cho đến các khu vui chơi, công viên giải trí như Lotte World, Everland, Caribbean Bay,...
Món bánh kếp Jeon trong Tết Chuseok. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Cuối cùng và đặc sắc nhất chính là ẩm thực của Tết Chuseok. Nhắc đến Tết Chuseok, người ta nghĩ ngay đến món bánh Songpyeon với nguyên liệu làm từ bột gạo mới, nhân ngọt (vừng, mật ong, đậu đỏ/đậu xanh/đậu nành, dạt dẻ, quả hạch nhuyễn,...) hấp với lá thông tươi, tạo hình bán nguyệt hay rượu gạo trong suốt Baekju được chưng cất từ những hạt nếp mới thu hoạch. Ngoài ra, mỹ vị của Tết Chuseok ở Hàn Quốc còn có canh khoai sọ Toranguk, thịt bò xào Bulgogi, sườn hầm rau củ, bánh kếp Jeon, bánh gạo Hangwa, Kimchi nước củ cải Dongchimi, miến trộn rau củ Japchae, quả hồng hay quả lê Hàn Quốc.
Món bánh Songpyeon truyền thống nhiều màu sắc trong Tết Chuseok. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Năm nay, kỳ nghỉ Tết Chuseok ở Hàn Quốc năm nay diễn ra trong 5 ngày từ ngày 18 tháng 9 đến ngày 22 tháng 9. Do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên hầu như mọi hoạt động và các sự kiện liên quan đến tết Chuseok sẽ bị giới hạn. Thay vào đó, những sự kiện online về văn hóa truyền thống, các trò chơi (như cuộc thi giới thiệu các trò chơi gia đình có thể thưởng thức ở nhà) hay nhưng bộ phim có liên quan đến Chuseok sẽ là xu hướng thịnh hành trong những ngày lễ sắp tới. Mặc dù vậy, tinh thần đời sống của người dân xứ sở Kim Chi được phản ánh qua Tết Chuseok sẽ mãi không thể nào thay đổi.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.