Các chi tiết rồng, phượng được thêu tỉ mỉ lên quần áo Hoàng tộc thời Joseon bằng hình thức thêu tay truyền thống mang tên Jasu đã làm nổi bật sự sang trọng, quyền quý của nó. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Nghề thủ công ở Hàn Quốc vốn có lịch sử lâu đời, trong đó mỗi một nghề lại ẩn chứa những nét tinh tế, độc đáo riêng biệt. Chuẩn mực liên quan tới cái đẹp được các nghề thủ công truyền thống tại xứ Kimchi nâng tầm, phát triển không chỉ đơn thuần là một nghề nghiệp tạo kế sinh nhai mà chúng còn phản ánh cả văn hóa, lịch sử cũng như hình thành nên những giá trị đặc trưng cho đất nước này. Với các bài viết từng giới thiệu về nghề thủ công ở Hàn Quốc lúc trước, mình đã cung cấp một số thông tin cùng cách thức nghệ nhân tạo tác một món đồ thủ công ra sao. Hôm nay, thông qua bài viết dưới đây, mình sẽ trình bày đến bạn đọc những kiến thức mình thu thập được liên quan tới nghề thêu tay tại Hàn Quốc. Nếu bạn tò mò muốn biết thì hãy đọc ngay nhé!
Từ buổi đầu sơ khai của nền văn minh nhân loại, nghề thêu ở Hàn Quốc (trong tiếng Hàn có tên là Jasu) đã phát triển cùng nhịp độ với nghề dệt may nói chung. Minh chứng cho điều này khi người ta tìm thấy những cây kim bằng đá hoặc xương, khoen nối bằng đất / đá, hay nhiều chiếc túi đựng kim có niên đại khởi nguồn từ thời tiền sử. Sang kỉ nguyên đồ sắt, nông nghiệp dần nâng tầm đáng kể, tổ tiên người Hàn bắt đầu trồng dâu nuôi tằm lấy sợi, thậm chí họ trồng cả cây bông, vì thế đồ lụa ra đời. Tuy các tài liệu ghi chép trước thời Tam Quốc khá manh mún nhưng người ta nhận ra rằng những dấu tích thêu tay trên quần áo, cờ quạt, xe ngựa đã nói lên phần nào quyền lực, biểu thị cho giai cấp thống trị vào giai đoạn đó.
Đến thời Tam Quốc, các bức tranh thêu treo tường đặc biệt là tranh liên quan đến sự trường thọ, sự phục hồi được xem như đại diện của tầng lớp quý tộc. Theo Tam Quốc Di Sự và Tam Quốc Sử Ký ghi nhận, nữ hoàng Jindeok thuộc Vương triều Silla từng gửi bức tranh “Bài ca Taipyeong” tới nhà Đường (Trung Quốc) – một món quà kết giao tình hữu nghị ý nghĩa và lý tưởng bởi nó hoàn toàn được thêu tay khá tỉ mỉ. Mặt khác, trong tài liệu Goryeo Dogyeong (tạm dịch: Ghi chép về triều đại Goryeo) viết bởi một sứ thần nhà Tống (Trung Quốc) cũng có ghi chép rằng hộ vệ cho Hoàng đế thời kì ấy thường mặc đồ lụa có thêu hoa, thắt lưng được thêu hình chim và hoa ngũ sắc; đồng thời thêu tay trang trí còn thực hiện trên cả trang phục của quý tộc lẫn bình dân giúp họ thể hiện sự uy quyền, quý phái, thanh lịch.
Tuy vậy, vẫn tồn tại những quy tắc thêu tay đối với trang phục tùy thuộc thứ bậc và địa vị xã hội. Ví dụ: đàn ông, phụ nữ bình thường bị cấm thêu tay các họa tiết rồng, phượng hoặc thêu bằng chỉ vàng lên quần áo, vật dụng (do những họa tiết, màu sắc này đại diện cho Hoàng gia). Ngoài ra, người bình thường sẽ không được phép mặc quần áo thêu tay hằng ngày trừ lễ phục dịp cưới hỏi. Bên cạnh đó, kĩ thuật Gamsang Jasu chỉ dùng để thêu trang trí cho bình phong gấp trong phòng khách, phòng ngủ hay Giyong Jasu thì dùng thêu trang trí lên các vật liệu sử dụng trong cung điện.
Ngày xưa ở Hàn Quốc, dân thường không được sử dụng chỉ màu vàng hoặc thêu tay họa tiết rồng, phượng vì đây là những biểu tượng chỉ dành cho Hoàng gia. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Giai đoạn hoàng kim mà Jasu nở rộ là vào thời kì Joseon, nó trở thành nghề thủ công phổ biến của người dân. Sự sắp xếp màu sắc, đường kim mũi chỉ tinh vi mang phần trang trọng thực hiện bởi các chuyên gia thêu truyền thống làm việc tại những Subang chuyên biệt (phòng thêu tay) do triều đình quản lý sẽ đối lập với sự đa dạng, tuy không trau chuốt bằng từ cách thêu trang trí của những người thợ ở một số làng nghề. Thêu tay Jasu còn xuất hiện rộng rãi trong các vật dụng của học giả Nho giáo như bút, sách, bình hoa... Chẳng dễ dàng gì để gia nhập vào nhóm chuyên gia thêu tay (đa phần là nữ) tại triều đình vì cần có trình độ, kiến thức nhất định cùng chuyên môn nghề nghiệp trước khi được chọn hoặc đăng ký theo học về Jasu. Ngược lại, đối với những người thợ làm nghề thêu tay dân gian (được gọi là Minsu) thì không cần quá tiêu chuẩn hoặc chuyên biệt như chuyên gia thêu tay của triều đình bởi họ sở hữu trong mình tính cá nhân đã truyền từ đời này sang đời khác.
Bức tranh thêu tay truyền thống theo kiểu Buddhist Jasu mang đậm tư tưởng tâm linh Phật giáo. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Người Hàn chia Jasu truyền thống thành 4 loại: Buddhist Jasu (Jasu trong Phật giáo), Boksik Jasu (Jasu trên quần áo), Giyong Jasu (Jasu trang trí trong cung điện), Gamsang Jasu (Jasu trang trí bình phong gấp); nghệ nhân thực hiện thêu tay truyền thống gọi chung là Jasu-jang. Chỉ với 2 vật dụng chủ đạo là chỉ và kim, các Jasu-jang đã có thể tiến hành quá trình thêu trang trí lên bất kì bề mặt vải nào. Những sợi chỉ đủ sắc được Jasu-jang nhuộm màu tự nhiên bằng cách pha dung dịch kiềm với các loại cây có đặc tính nhuộm vải, ví dụ cây chàm, dành dành, hồng hoa hoặc cây sơn chi...
Jasu-jang tiến hành nhuộm chỉ từ màu tự nhiên được pha chung với dung dịch kiềm. (Ảnh: Intangible Heritage Digital Archive, iha.go.kr)
Thêu tay truyền thống Jasu sở hữu nhiều kĩ thuật khác biệt so với kĩ thuật thêu của Nhật, Trung hay phương Tây. Ngoài kĩ thuật sử dụng sợi mảnh (gọi bằng thuật ngữ Poonsasil – loại sợi này cũng dùng ở Trung và Nhật), trong đó Poonsasil là sợi chỉ lấy từ kén tằm, có đặc tính không bị xoắn cho phép Jasu-jang tạo nên các tác phẩm thực tế tuy nhiên lại dễ bị hỏng; thì tiêu biểu hơn cả là kĩ thuật sử dụng 36 sợi chỉ xoắn lại (có tên Jaritsu) hợp thành một mũi khâu duy nhất đã giúp thêu tay truyền thống Hàn Quốc trở nên độc đáo, khác lạ, nó chỉ tồn tại ở thời Joseon và dùng để thêu cho các tác phẩm của Hoàng gia. Jaritsu tạo bề mặt thêu mịn, đẹp hơn lúc thêu bằng Poonsasil.
Bên cạnh đó, vài kĩ thuật thêu khác có thể nhắc tới bao gồm Jaryeonsu (thể hiện độ chuyển màu thực tế cho hình cần thêu; thường để thêu hoa, lá, đám mây), Chilbosu (kĩ thuật thêu tạo ra các mẫu hình học), Sasulsu (thêu móc xích), Yieumsu (thêu phác thảo)... Ở cuộc sống hiện đại, Jasu được áp dụng thêu trang trí lên gối, quần áo, khăn trải bàn, hoặc những vật dụng phục vụ triển lãm...
Jasu-jang sẽ phác thảo thô bằng tay trên nền vải trước khi bắt đầu áp dụng các kĩ thuật thêu truyền thống. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Các Jasu-jang bắt đầu quy trình thêu tay truyền thống bằng cách phác họa thô hình cần thêu lên bề mặt vải, sau đó họ sẽ căng phác thảo này lên một cái khung có gắn vải giả (fake-fabric). Tồn tại hàng tá phương pháp sử dụng trong Jasu tùy thuộc vào độ dày, độ cong của chỉ thêu, tất cả nhằm liên kết chắc chắn các đường thêu lại với nhau: những mũi thêu thẳng biểu thị cho bề mặt bằng phẳng, ngược lại các mũi thêu móc hình nút sẽ biểu thị cho bề mặt nổi ví dụ như nhị hoa.
Tác phẩm thêu tay truyền thống mang tên Chu Tước – Jujak của nghệ nhân Choi Yu-hyeon nổi bật với những mũi thêu thẳng và mũi thêu móc độc đáo khiến nó càng thêm phần sinh động, chân thật. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube chính thức của Korea.net)
Ngày nay, không còn bao nhiêu người theo đuổi nghệ thuật thêu tay truyền thống Jasu bởi các sản phẩm thêu từ Trung Quốc hay Việt Nam được tiêu thụ lớn do giá thành rẻ. Tuy nhiên, danh tiếng của Jasu vẫn mang đến cho Hàn Quốc nhiều đánh giá quốc tế tích cực vì độ tỉ mỉ, tinh tế, lộng lẫy, phức tạp. Đừng chỉ nghĩ rằng Jasu là thú tiêu khiển thông thường thực hiện qua bàn tay phụ nữ, mà nó còn thể hiện sự kiên nhẫn, gu thẩm mỹ độc đáo của người nghệ nhân, bên cạnh việc đem lại chiều sâu sống động lẫn giá trị mà Jasu tạo nên đối với tác phẩm thêu truyền thống.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.