Liệu rằng chúng ta có cần phải hiểu ngôn ngữ để thích một bài hát hay một nhóm nhạc? (Ảnh: Pixabay)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Bùi Thị Ánh Nguyệt
K-pop có lẽ là cái tên không còn xa lạ với giới trẻ ngày nay. Vì thế, tần suất xuất hiện của chủ đề này cũng ngày một nhiều hơn. Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc là nơi có rất nhiều idol điển trai, xinh đẹp và tài năng. Đến nay, có lẽ tôi đã là một fan K-pop được gần 10 năm – một quãng thời gian thật dài để theo đuổi một điều gì đó. Theo dòng chảy của K-pop, là thế hệ 9x tôi biết đến nhiều thần tượng, nhiều nhóm nhạc từ gen 2 cho đến gen 3, và cho đến bây giờ nhóm nhạc mà tôi ngưỡng mộ, yêu thích nhất chính là BTS – một boyband có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ với Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới.
Với tôi, tôi yêu mọi thứ về nhóm nhạc BTS. Lắng nghe các sản phẩm âm nhạc của họ khiến tôi như được healing, có thêm sức mạnh và luôn phải suy ngẫm với melody ấy, lời ca ấy thì thông điệp mà họ muốn gửi gắm qua bài hát là gì? Chúng ta đánh giá nhiều thứ trong âm nhạc và lời ca là một phần quan trọng trong cách mà mỗi người thưởng thức. Nhiều người hỏi tôi: Khi nghe nhạc Hàn có hiểu gì không? Không hiểu lời bài hát thì tại sao lại nghe nó? Chỉ đơn giản là tôi thích và yêu mến K-pop, tôi thần tượng một nhóm nhạc đầy tài năng và nhiệt huyết, cũng bởi sức ảnh hưởng của K-pop đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng quả thực rất lớn.
Thành công của K-pop đang làm rung chuyển ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu. Một số điều tưởng chừng như “phi thực tế” đã và đang xảy ra khi các bài hát của BTS luân phiên chiếm giữ vị trí quán quân trên các bảng xếp hạng nhạc Pop của Mỹ. Rõ ràng, K-pop đã vượt qua ranh giới của một xu hướng nhất thời và trở thành một trong những xu hướng chính trong văn hóa thế giới. K-pop đang dần trở thành K-Culture. Và rằng, nhiệt huyết của tôi dành cho văn hóa, âm nhạc, phim ảnh Hàn Quốc vẫn đang sôi sục.
Hiện tại, K-pop trở thành một hiện tượng toàn cầu. (Ảnh: Pixabay)
Fan K-pop thường bị chỉ trích bởi người khác, đặc biệt là người lớn tuổi bởi họ nghĩ rằng chúng ta quá đắm chìm vào nó và điều này sẽ mang đến cái xấu nhiều hơn là cái tốt. Tuy nhiên, khi làm một fan K-pop bạn sẽ thấy rằng nó mang lại cho chúng ta nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Đầu tiên, fan K-pop sẽ nhiều cơ hội để tìm hiểu về Hàn Quốc. Những bạn trẻ yêu thích K-pop thường có động lực để học tiếng Hàn nhằm giao tiếp, trò chuyện với idol. Ngoài ra, họ còn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người Hàn Quốc. Điều này sẽ bằng cách nào đó giúp họ mở mang vốn kiến thức. Còn nữa, nếu họ thực sự hứng thú với K-pop thì họ sẽ tự khích lệ mình học tập, làm việc chăm chỉ để có tiền đu concert của idol. Điều này chắc chắn có ích cho tương lai của họ.
Thứ hai, hâm mộ một idol K-pop sẽ có lợi cho phần lớn tinh thần của họ. Vì họ có niềm yêu thích, họ cảm thấy hào hứng và hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy idol. Trong một fandom họ là những người có cùng mục tiêu, sở thích, họ sẽ chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn khi đã trở thành một phần không thể thiếu của K-pop – những người hâm mộ chân thành và nhiệt huyết.
K-pop đã giúp kết nối hàng vạn con người từ những quốc gia, vùng đất khác nhau. (Ảnh: Pixabay)
Đối với người hâm mộ mà nói K-pop không chỉ dừng lại là một biểu tượng âm nhạc mà nó còn là cơ hội để thay đổi hoàn toàn hướng đi của cuộc đời họ. Đối với một số cá nhân, K-pop là cánh cổng ma thuật được mở ra khi chúng ta rơi vào bế tắc. Đối với người khác thì K-pop là một giấc mơ cho tương lai, đưa ta đến với một ngôi nhà mới ở Hàn Quốc. Hiện nay, thay vì trả lời câu hỏi: “Tại sao mọi người lại phát cuồng vì K-pop?” thì chúng ta nghiêm túc nghiên cứu, đào sâu và phân tích số liệu cụ thể để đưa ra những dẫn chứng chứng minh: “K-pop đã và đang chinh phục thế giới”.
Thật lòng thì từ trước tới nay, khi nghe K-pop tôi thường chẳng mấy khi để ý đến lời ca mà chỉ phiêu theo giai điệu. Nhưng từ khi stan BTS, tôi bắt đầu để ý nhiều đến chúng. Tôi sẽ nghe bài hát mới ngay khi phát hành, sau đó tìm những bản vietsub và bùng cháy khi thấy nó quá đỗi sâu sắc. Và điều chân thật nhất là âm nhạc của BTS vượt qua cả ngôn ngữ. Cứ nghe hoài K-pop và giờ đây nó đã trở thành một thói quen và là một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Khi vui, khi buồn, khi học tập, làm việc hay ngay cả việc thức dậy để bắt đầu một ngày mới tôi đều tìm đến K-pop.
Sẽ chẳng có bất cứ vấn đề nào nếu bạn không hiểu lời bài hát. Tại sao chúng ta phải giới hạn việc nghe nhạc trong một hoặc hai ngôn ngữ? Trong âm nhạc có một thứ gọi là bản dịch. Nếu thích một bài hát nào đó mà nó không phải ngôn ngữ mẹ đẻ thì bạn hãy tìm đến bản dịch để nắm được ý nghĩa chính của bài hát dù cho bản dịch ấy không hoàn hảo. Đâu đó vẫn có nhiều bài hát đong đầy cảm xúc mà ta vẫn có thể rơi nước mắt mà chẳng cần hiểu một từ nào. Giống như việc ta nghe nhạc của Nhật Bản chỉ vì ta thích một bộ phim anime, hay tình cờ lướt thấy một bản nhạc OST mà ta theo dõi cả một bộ phim truyền hình dài tập.
K-pop concert là điều mà bất kỳ fan hâm mộ nào cũng muốn được đến một lần trong đời. (Ảnh: Pixabay)
Bạn có biết rằng những bài hát của BTS đã chữa lành tâm hồn cho Army – tên fandom của BTS như thế nào không? Một trong những lý do để BTS có được như ngày hôm nay chính là nhờ những lời ca giàu ý nghĩa và hết sức chân thành. Với tôi, “Love Myself” là bài hát có thông điệp ý nghĩa nhất: “You’re shown me I have reasons / I should love myself” (tạm dịch: Cậu cho tôi thấy được lý do / Tôi nên yêu chính mình). Ca từ là một phần không thể thiếu đối với các bài hát của K-pop. Đó là lý do vì sao tôi thích BTS. Khi đọc hết lời dịch và hiểu được nội dung thì bài hát ấy sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. BTS là bậc thầy viết ra những bài hát có khả năng quật ngã bạn nếu bạn tìm hiểu kỹ về chúng. Mọi người vẫn thường khen ngợi những lời ca được chắp bút bởi RM – một leader đầy tài năng của BTS, điều đó làm tôi hay nghĩ rằng: BTS thực sự đã khiến mình cảm thấy như đã bỏ lỡ một điều gì đó nếu mình không tìm hiểu ý nghĩa của ca từ trong từng bài hát của họ. Và lâu dần tình yêu dành cho K-pop cũng đã trở thành một trong những lý do để mình nghiêm túc học tiếng hàn.
Với nhiều người tuổi trẻ là những chuyến phượt tới vùng đất xa xôi, cũng có người cho rằng tuổi trẻ là những tháng ngày vùi đầu vào sách vở hay làm thêm để kiếm tiền. Nhưng cũng có một chuyến đi còn đặc biệt hơn, rực rỡ hơn, điên cuồng hơn và đã trở thành một điểm sáng của tuổi trẻ: K-pop concert – nơi những fanboy / fangirl gặp gỡ và tận hưởng âm nhạc của idol. Nó được coi là nơi khi tới rồi bạn sẽ thấy mọi ưu phiền đều tan biến, là nơi mọi ranh giới và rào cản về ngôn ngữ hay sự khác biệt từ những quốc gia khác nhau đều bị xóa nhòa. Và với tôi, ước mơ nhỏ nhoi là một lần được hòa mình vào biển Bomb – tên gọi lightstick của BTS và tận hưởng những sân khấu tuyệt vời nhất.
Với lẽ đó, có thể thấy rằng: Âm nhạc và văn hóa Hàn Quốc có một tác động sâu sắc lên đời sống tinh thần của tôi. Tôi luôn làm những việc để có thể trở thành hình mẫu tốt nhât của bản thân mà tôi có thể. Tôi làm tất thảy ngay cả khi đang dậm từng bước nhảy theo giai điệu của cuộc đời mình. Với tôi, đó là âm nhạc, là K-pop, và tất nhiên là cả BTS. Sẽ không thành thật nếu chúng ta phủ nhận những thành quả mà những thế hệ trước BTS gây dựng. Họ cũng có một phần ảnh hưởng tới toàn bộ giới K-pop. Theo thời gian, K-pop đã và đang dần trở nên phổ biến và thu hút. Khi ai đó tò mò về thành công của K-pop, bạn chỉ cần hỏi họ: “Bạn có biết BTS không?”.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.