Tết Âm Lịch – một dịp lễ lớn trong năm mang ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều quốc gia Châu Á, trong đó có cả Việt Nam và Hàn Quốc. (Ảnh: iStockPhoto)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Tết Âm Lịch hay Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn trong năm không chỉ ở Hàn Quốc mà đây còn là ngày lễ đặc biệt quan trọng đối với nhiều quốc gia Châu Á khác, trong đó tất nhiên không thể thiếu Việt Nam. Vào dịp Tết Âm Lịch, ở Việt Nam lẫn Hàn Quốc, mọi người được tự do nghỉ ngơi, thư giãn sau cả năm dài cố gắng học tập và làm việc, có người chọn đi du lịch, có người chọn về thăm gia đình, họ hàng, người thân. Nhưng đối với những người lao động hoặc học tập xa quê thì được đón Tết tại một đất nước như Hàn Quốc còn đọng lại trong tâm hồn họ nhiều hoài niệm khó quên.
Bài phỏng vấn sau đây sẽ cho các độc giả của Korea.net thấy nét đặc biệt trong ngày Tết thông qua góc nhìn thú vị của một nữ du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc. Mình tình cờ quen biết cô bé khi 2 chị em tham gia chung event tổ chức bởi Viện Xúc Tiến Ẩm Thực Hàn Quốc (KFPI). Cùng theo dõi ngay bây giờ nhé!
1. Em có thể giới thiệu chút ít về bản thân được không? Cơ duyên nào khiến em đến với đất nước Hàn Quốc, em đã sống tại Hàn được bao lâu? Em từng trải qua bao nhiêu cái Tết tại Hàn rồi?
Chào chị, em là Kim Phúc, hiện đang sinh sống và làm việc tại Seoul. Em sang Hàn du học từ mùa thu năm 2018, tính đến nay được khoảng hơn 3 năm. Do vậy, em mới trải qua 3 cái Tết tại đất nước này thôi ạ.
2. Hàn Quốc cũng ăn mừng Tết Âm Lịch như Việt Nam mình, em thấy điều giống và khác biệt trong cách người Hàn và người Việt ăn Tết là gì?
Cũng như Việt Nam, Tết Âm Lịch là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng đối với người Hàn, đây còn là dịp gia đình đoàn tụ đồng thời chúc nhau nhiều điều tốt đẹp. Trẻ em khi đi chúc Tết sẽ diện quần áo mới và nhận lì xì từ người lớn. Cả Việt Nam và Hàn Quốc đều bày biện, ăn mừng bằng những món ăn mang ý nghĩa đặc trưng vào ngày Tết, đây còn là dịp mà người Hàn tưởng nhớ tới tổ tiên mình.
Nếu ở Việt Nam có bánh chưng thì ở Hàn có canh bánh gạo (Tteokguk). Người Hàn ăn món này cả vào Tết Dương Lịch lẫn Tết Âm Lịch vì canh bánh gạo có ý nghĩa đem tới sự trường thọ, đồng thời mang lại một năm mới tươi sáng hơn như màu sắc của chính nó. Người Hàn quan niệm khi dùng canh bánh gạo còn có nghĩa là “ăn” thêm một tuổi nữa.
Tuy nhiên, nếu như tại Việt Nam, Tết Âm Lịch là ngày lễ lớn nhất thì ở Hàn, em thấy lễ Chu-seok (Tết Trung thu) có vẻ được coi trọng hơn. Em từng hỏi bạn người Hàn của mình rằng lý do tại sao như thế, thì bạn em nói điều này xuất phát bởi ở Hàn Quốc chỉ có một vụ lúa để thu hoạch nên người ta sẽ ưu tiên Tết Trung thu hơn, nó được cho là ngày lễ mang ý nghĩa tròn trịa, đủ đầy đối với người Hàn.
Một điểm khác biệt lớn nhất em nhận ra rằng ở Hàn Quốc không có đêm giao thừa. Giao thừa là một trong những thời khắc em thích nhất khi đón Tết tại Việt Nam. Tuy nhiên vì ở Hàn không có điều đó nên khá là buồn. Họ không bắn pháo hoa như Việt Nam mà chỉ tổ chức lễ đánh chuông tại Bosingak thuộc quận Jongno-gu, Seoul. Người Hàn bắt đầu đón năm mới từ sáng mùng 1 bằng việc chuẩn bị mâm cúng, thắp hương thờ tổ tiên, sau đó sẽ đi tảo mộ.
Đêm 30 Tết, người Hàn hầu như đều đã về quê nên con phố sầm uất thường ngày trở nên thưa thớt và vắng hẳn bóng người. (Ảnh: Đỗ Kim Phúc)
Hơn nữa, vào dịp Tết Âm Lịch ở Hàn, họ cũng không trang trí cây cối, hoa lá đặc trưng hay phát nhạc đón Tết rộn ràng như Việt Nam. Đường phố sẽ vắng bóng người, các cửa hàng đều đóng cửa (điều này khá giống với Việt Nam), nên nếu ai định đi du lịch Hàn vào dịp Tết thì em nghĩ không nên ạ.
3. Em thường chuẩn bị gì khi ăn Tết tại Hàn Quốc?
Vì sống một mình nên vào dịp Tết tại Hàn, em thường không chuẩn bị gì đặc biệt cả. Việt Nam mình còn có văn hóa sắm cây đào, cây quất chưng trong nhà, nhưng ở Hàn không có gì đặc biệt để trang trí nên em chỉ đơn giản dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp. Ngoài ra, nếu cửa hàng có bán hình con giáp tương ứng với năm đó thì em sẽ mua về decor lại phòng mình.
Một số vật dụng decor Kim Phúc đã mua trong năm Kỷ Hợi 2019. Em cho biết thêm rằng năm Canh Tý 2020, vì người Hàn coi con chuột mang tới vận xui nên họ không bán đồ trang trí nhiều như thường lệ. (Ảnh: Đỗ Kim Phúc)
Năm ngoái, lần đầu tiên em thử đến khu phố chuyên bán đồ Việt tại Seoul, ở đây có rất nhiều nguyên liệu và món ăn Việt Nam, thậm chí bán cả bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết, nên em đã sắm cho bản thân những món đặc trưng ngày Tết bao gồm: bánh chưng, các loại bánh kẹo, hay một số nguyên liệu để nấu ăn..., rồi tự tạo không khí Tết của riêng mình.
4. Điều đáng nhớ nhất khi em được ăn Tết tại Hàn Quốc là gì? Có những hoạt động nào trong dịp Tết với cộng đồng người Việt, người Hàn hoặc bản thân tự trải nghiệm mà em đã từng tham gia?
Mâm cơm Tết “chuẩn Hàn” thơm ngon với một số món ăn đặc trưng như canh bánh gạo, miến trộn cùng các loại Ban-chan đa dạng... mà Kim Phúc đã được thưởng thức khi tới thăm nhà bạn trai vào năm ngoái. (Ảnh: Đỗ Kim Phúc)
Năm ngoái, em được bạn trai người Hàn mời đến nhà chơi, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất với em vì lần đầu tiên em được trải nghiệm không khí đón Tết của người Hàn. Mẹ bạn trai em đã nấu nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết ở Hàn như canh bánh gạo, miến trộn, sườn bò nướng LA galbi cùng vô số các loại Banchan đa dạng. Chúng đều rất ngon, thậm chí nhiều đến nỗi không thể ăn hết được, em cảm nhận nó thật giống với mâm cơm Tết ở Việt Nam mình.
Sau đó em đã được bố mẹ bạn trai hướng dẫn cách chơi Yutnori - một trò chơi truyền thống trong dịp Tết tại Hàn. Cách chơi gần giống với trò cá ngựa của Việt Nam. Hai bác chỉ dẫn cho em cực kì tận tình, tuy lần đầu tiên tham gia nhưng em thấy nó vô cùng thú vị, mặc dù bị thua mấy ván liền nhưng tất cả đã đọng lại trong em kỷ niệm không thể nào quên vào ngày đầu năm mới.
5. Em có thường đi chơi hay tham quan vào dịp Tết khi ở Hàn không? Nếu có thì em từng đi những nơi đâu rồi? Và địa điểm nào em muốn quay trở lại tham quan nhiều nhất? Tại sao?
Năm đầu tiên đón Tết ở Hàn, Kim Phúc đã lựa chọn đi tham quan trang trại cừu Daegwallyeong – nơi nổi tiếng có tuyết rơi cực kì đẹp và cuốn hút thuộc địa phận tỉnh Gangwon-do. (Ảnh: Đỗ Kim Phúc)
Em mới trải nghiệm được 3 cái Tết ở đây nhưng 2 trong số đó lại đúng ngay thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nên thật tiếc là em chưa thể đi được nhiều nơi mà chỉ ở trong nhà thôi! Năm đầu tiên, em từng đi du lịch xa Seoul, vì giống với Việt Nam, các cửa hàng hay quán ăn đều gần như đóng cửa, do không cảm nhận được không khí Tết nên em chọn du lịch trong ngày đầu năm mới. Tháng 2 vẫn là mùa đông, bởi vậy em đã đến tham quan trang trại cừu Daegwallyeong – địa điểm nổi tiếng có tuyết rơi rất đẹp nằm ở tỉnh Gangwon-do. Thật may mắn, hôm em đi trời tuyết rơi nên bản thân em đã cố gắng lưu lại ngay những khoảnh khắc tuyệt vời và chụp nhiều bức ảnh đẹp. Trang trại cừu Daegwallyeong còn là địa điểm quay phim đầy hấp dẫn. Khung cảnh ngọn đồi phủ kín tuyết trắng, thực sự đẹp hơn cả trong phim luôn ạ!
Trải nghiệm ngắm bình minh vào ngày đầu năm cũng là kỉ niệm khó quên đối với Kim Phúc. (Ảnh: Đỗ Kim Phúc)
À! Ở Hàn, người ta thường đi ngắm mặt trời mọc vào ngày đầu năm (tức Tết Dương Lịch). Em từng tận hưởng việc ngắm mặt trời mọc vào ngày Tết Dương rồi nên nếu mai sau có cơ hội thì em muốn thử ngắm mặt trời mọc vào ngày Tết Âm xem sao.
6. Chị thấy em cũng là một người đam mê nấu ăn, vậy những món ăn ngày Tết mà em thường ăn ở Hàn là gì? Đó là món Việt hay món Hàn? Em có kỉ niệm gì với cộng đồng người Việt, người Hàn hay bản thân từng trải qua khi chuẩn bị những món ăn đón Tết đó không?
Vào năm ngoái, Kim Phúc đã tự tay chuẩn bị mâm cơm đón Tết bằng các nguyên liệu mua được ở khu phố bán đồ Việt tại Hàn. (Ảnh: Đỗ Kim Phúc)
Năm ngoái, em đã tự chuẩn bị một số món ăn Việt vào ngày Tết. Em chọn mua bánh chưng tại khu phố bán đồ Việt, đồng thời sắm thêm nguyên liệu thực hiện những món Việt khác bao gồm: nem cuốn, canh măng,... Đây là lần đầu tiên em tự mình chuẩn bị như thế này. Lúc trước ở nhà đều do mẹ nấu, em không nghĩ làm chúng lại tốn thời gian đến thế. Tuy mệt nhưng khi hoàn thành xong, đối với em đây là một bữa cơm Tết vô cùng ngon miệng nên em thấy cực kì hài lòng. Em đã mang một ít nem cuốn sang mời bố mẹ bạn trai ăn thử, hai bác khen ngon rồi cho lại em các món Jeon (các loại bánh kếp mặn Hàn Quốc) mang về.
Vào những ngày giáp Tết, tại chợ truyền thống họ bán cả các món ăn đặc trưng ngày Tết của Hàn như Jeon hay Tteokguk. Họ nấu sẵn nên rất tiện để mua, không chỉ ngon mà lại đảm bảo vệ sinh. Người người rảo bước sắm sửa trông thật đông đúc, nhộn nhịp. Nhà em nằm ngay một khu chợ truyền thống, bởi vậy vào dịp Tết, em cũng từng thử khám phá, sau đó mua các loại bánh trái Tết của người Hàn về thưởng thức xem thế nào.
7. Em thích điều gì nhất khi ăn Tết ở Hàn Quốc? Vì sao?
Kim Phúc đã được thưởng thức món canh bánh gạo do bạn trai chuẩn bị vào năm đầu tiên đón Tết tại Hàn, cụ thể trong hình là món Tteokmanduguk – Há cảo kết hợp với canh bánh gạo. (Ảnh: Đỗ Kim Phúc)
Tuy không mang đậm không khí Tết như Việt Nam nhưng ở đây, em thấy thích khi ở trong nhà nghe được tiếng vọng rộn rã từ con cháu bên hàng xóm đến chúc Tết ông bà, tiếng cười vui hạnh phúc của gia đình hội tụ, điều đó làm em cảm nhận rõ hơn hương vị ngày Tết.
Bản thân em còn thích đi dạo trên những con phố tĩnh lặng, vắng người vào ngày mùng 1. Nhâm nhi cốc cà phê rồi vừa dạo bước ngắm cảnh vừa nghĩ về những gì đã làm trong năm, đồng thời động viên chính mình cần cố gắng hơn trong năm tiếp theo để có thể tích lũy thêm kỷ niệm tuyệt vời khi ở trên đất nước Hàn Quốc này.
Chân thành cảm ơn Phúc vì những câu trả lời nhiệt tình của em. Chị chúc em có một cái Tết 2022 ngập tràn vui vẻ và hạnh phúc nhé!
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.