Cổng vào của công viên Tapgol với dòng chữ “Samilmun” – nghĩa đen là cổng một ba, cho thấy được địa điểm này gắn liền như thế nào với phong trào độc lập 1/3 năm xưa. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube của Nook & Cranny Korea)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Nếu ngày Quang Phục hay Gwangbokjeol – diễn ra vào 15/8 hằng năm nhằm kỉ niệm dấu mốc chiến thắng Đế quốc Nhật của người dân Hàn Quốc sau 35 năm bị áp bức, đô hộ thì ngày Phong trào Độc lập (trong tiếng Hàn có tên Samiljeol) diễn ra vào ngày 1/3 hằng năm đã cho thấy tinh thần kháng Nhật bất khuất, kiên cường của người Hàn vững vàng ra sao. Nó như một “phát súng”, một bước ngoặt mở màn, khơi dậy lòng yêu nước ở mỗi người dân xứ Kimchi.
Ngày nay, bạn có thể dễ dàng biết tới một số địa điểm nổi tiếng gắn liền với ngày Samiljeol như Nhà tù lịch sử Seodaemun (Seodaemun Prison History Hall) ở thành phố Seoul hay Hội trường Độc lập Hàn Quốc (Independence Hall of Korea) ở thành phố Cheonan, nhưng có một địa điểm khác cũng mang đậm dấu ấn Phong trào Độc lập 1/3 mà mình muốn giới thiệu đến các bạn, đó là công viên Tapgol. Nếu bạn từng nghe qua hoặc chưa bao giờ tới đây thì hãy theo dõi bài viết bên dưới của mình để biết rằng công viên Tapgol mang giá trị và ý nghĩa lịch sử quan trọng như thế nào nhé!
Đài tưởng niệm phong trào Độc lập ở công viên Tapgol với những bức tượng và phù điêu khắc họa hình ảnh nhiều nhà yêu nước như cách để thế hệ đời sau ghi nhớ về một đoạn thời gian hào hùng mà dân tộc mình đã đạt được. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube của Nook & Cranny Korea, Biên tập: Vũ Đỗ Hải Hà)
Tọa lạc ở số 99 Jong-ro, quận Jongno-gu, thủ đô Seoul với diện tích khoảng 19.000 m²; công viên Tapgol trước đây có tên gọi khác là công viên Chùa (Pagoda Park) bởi nó từng là địa điểm xây dựng ngôi đền Phật giáo cổ Heungboksa – ngôi đền này tồn tại trong thời kì trị vì của Vương triều Goryeo. Sau này do một số thay đổi, trùng tu, Heungboksa đổi tên thành Wongaksa. Tuy nhiên đến năm 1504, nó lại bị phá hủy và đóng cửa ở thời Vương triều Joseon (cụ thể là dưới thời cai trị của vị vua chuyên quyền có tên Yeonsangun) vào giai đoạn Phật giáo bị đàn áp. Mãi tới năm 1897, cố vấn tài chính của vua Gojong – John McLeavy Brown, một công chức người Ailen đã đề xuất với nhà vua rằng nên biến địa điểm này thành một công viên. Do đó đến năm 1920, công viên chính thức được ra mắt và mở cửa cho công chúng tham quan, trải nghiệm. Tuy thế tới tận năm 1991, nó mới có tên gọi là công viên Tapgol (trước đó công viên có tên là công viên Chùa hoặc công viên Tapdong).
Công viên Tapgol từng là nơi chứng kiến việc một đám đông những người yêu nước tập hợp chờ đợi các nhà lãnh đạo của họ trong Phong trào Độc lập diễn ra vào ngày 1/3/1919. Cuộc tụ tập ấy nhanh chóng trở thành một buổi diễu hành hòa bình sau việc một sinh viên trẻ đọc tuyên ngôn độc lập công khai. Tuy nhiên, do quy mô ngày càng gia tăng, cuộc biểu tình vì thế mà chuyển sang hướng bị đàn áp dẫn tới nhiều thảm cảnh đau thương. Ngày nay, nếu đến thăm công viên Tapgol bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các bức tượng, phù điêu mô tả lại chân dung của những nhà hoạt động yêu nước từng tham gia phong trào vào ngày Samiljeol, đồng thời nhiều bài thơ và cả tuyên ngôn độc lập cũng được khắc lên tường nhằm ghi nhớ về một đoạn lịch sử vẻ vang nhưng đầy mất mát, nó chứa đựng cả niềm tự hào liên quan đến quyền tự chủ và sự tự do của nhân dân Hàn Quốc. Điều này lý giải vì sao công viên Tapgol được người lớn tuổi ở Hàn thường xuyên lui tới, họ dành thời gian mường tượng lại quá khứ hào hùng của dân tộc. Mặt khác, công viên Tapgol còn là chứng tích trong phong trào dân chủ ngày 24/6/1986, sự kiện buộc cựu Tổng thống Chun Doo-hwan phải chấp nhận tổ chức một cuộc bầu cử tự do.
Tháp đá cẩm thạch 10 tầng ở công viên Tapgol chính là kho báu quốc gia thể hiện được lối kiến trúc công phu, tài tình mà người Hàn đóng góp cho nhân loại. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube của Nook & Cranny Korea, Biên tập: Vũ Đỗ Hải Hà)
Nổi bật nhất trong công viên Tapgol chính là tháp bằng đá cẩm thạch 10 tầng cao 12 m. Bảo vật mang tầm cỡ quốc gia này còn là di tích sót lại sau khi đền Wongaksa bị đóng cửa. Tháp đá tự hào bởi việc được kết hợp hài hòa, khéo léo giữa lối trang trí và chạm khắc công phu đi cùng thẩm mỹ tuyệt vời dựa trên bề mặt màu xám của đá cẩm thạch. Tháp đá 10 tầng này được chia thành 3 phần chính mang hình đa giác như sau: phần thân dưới có thiết kế hoa văn rồng, sư tử, bông sen; phần giữa mô tả lại quá trình 4 thầy trò Tam Tạng, Ngộ Không, Bát Giới, Ngộ Tịnh mang theo kinh Phật lấy từ Ấn Độ về; cuối cùng là phần trên tái hiện những tiền kiếp và cuộc đời của Đức Phật vĩ đại.
Ngoài ra, phần thân tháp đá còn chạm khắc nên cảnh tượng đại chúng Phật giáo bao gồm 1 tấm bia, 1 kết cấu bằng gỗ, 1 mái nhà, 1 con rồng uốn lượn quanh các cột trụ. Tất cả đồng điệu, hài hòa với nhau tạo thành một thể thống nhất. So sánh cùng các tháp đá khác vốn làm từ đá granit thì tháp đá cẩm thạch 10 tầng ở công viên Tapgol nổi bật hơn hết thảy bởi kiến trúc khác biệt của nó, điều này tương tự tháp đá 10 tầng ở đền Gyeongcheonsa. Nó thật sự xứng danh kiệt tác tuyệt vời thể hiện kĩ năng tài tình mà người Hàn Quốc mang đến cho nhân loại.
Những thánh tích cổ bằng đá tại công viên Tapgol đều mang trong mình sự bí ẩn và giá trị lịch sử quý báu cần được khai thác, khám phá nhiều hơn nữa. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube của Nook & Cranny Korea, Biên tập: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bên cạnh đó, trong kho tàng lịch sử của công viên Tapgol còn lưu lại nhiều thánh tích cổ bằng đá tới từ khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc. Dựa vào mô tả về các thánh tích bằng đá này thì 3 trong số đó là những bức tượng cẩm thạch mô tả về Thần hộ mệnh hoặc Bồ tát được dựng nên nhằm bảo vệ ngôi chùa đá 10 tầng tại công viên Tapgol. Ngoài ra, ta còn thấy một cột đá có dòng chữ Bokcheonggyo (tên gốc: Hyecheonggyo hay Hyegyo) – nó vốn là 1 phần của cây cầu cùng tên nối liền phía bắc bưu điện Gwanghwamun và suối Junghakcheon. Theo ghi chép, cây cầu từng là nơi hành quyết các quan chức tham nhũng ở thời Joseon. Tuy nhiên, hầu hết những thánh tích đá đều mang trong mình bí ẩn thú vị, chúng cung cấp vô số giá trị quý báu phục vụ công cuộc tìm tòi, khám phá, nghiên cứu của các nhà sử học và nhân chủng học.
Vọng gác Palgakjeong với kiểu thiết kế gian nhà hình bát giác kết hợp cùng những cột trụ lớn đặt trên các phiến đá nổi có tên Jangdaeseok là nơi lui tới thường xuyên của mọi người để nghỉ ngơi và thư giãn, trút bỏ mệt nhọc. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên trang Youtube của Nook & Cranny Korea, Biên tập: Vũ Đỗ Hải Hà)
Một di tích khác thú vị không kém ở công viên Tapgol chính là vọng gác Palgakjeong (Palgakjeong Pavilion). Nó được xây dựng vào năm 1902 và chỉ đạo chính bởi Sim Eui-seok, một kiến trúc sư tài ba thời Joseon, người sở hữu lối thiết kế khéo léo kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại lẫn truyền thống. Gian nhà hình bát giác này gắn liền như địa điểm lịch sử quan trọng trong phong trào độc lập 1/3 – nơi từng tập trung những người yêu nước và đọc tuyên ngôn độc lập. Vọng gác Palgakjeong có các cột trụ dựng trên Jangdaeseok (đá nổi lớn), đầu cột thiết kế với mái ngói và giá đỡ trơn. Palgakjeong ngày nay trở thành chỗ để du khách nghỉ ngơi, đặc biệt nó thu hút những cụ ông lớn tuổi dành cả ngày trò chuyện, thư giãn hoặc chơi Baduk (cờ vây) cùng nhau.
Đài tưởng niệm Rùa đền Wongaksa có thiết kế mang màu sắc tâm linh Phật giáo khá rõ nét, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần cao đẹp của người Hàn từ xa xưa. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên trang Youtube của Nook & Cranny Korea, Biên tập: Vũ Đỗ Hải Hà)
Cách vọng gác Palgakjeong không xa là Đài tưởng niệm Rùa đền Wongaksa. Có kiến trúc một gian nhà truyền thống kiểu Hàn, ngay chính giữa gian nhà là tấm bia đá hình rùa khá lớn. Di tích mang trong mình ý nghĩa kỉ niệm việc thành lập nên đền Wongaksa vào năm 1465. Con rùa dưới tấm bia được chế tác bằng đá cẩm thạch trong khi tấm bia lớn mà con rùa cõng trên lưng được làm từ đá granit với mặt trước chạm khắc những chữ thư pháp mô tả địa điểm đặc biệt này. Theo truyền thống của người Hàn, hình tượng con rùa có ý nghĩa thể hiện sức mạnh và sự trường sinh. Mặt khác, trên cùng tấm bia còn khéo léo tạo hình những con rồng đang ôm lấy một viên ngọc Phật giáo khiến tổng thể kiến trúc trở nên uy nghi và mang màu sắc tâm linh rõ nét.
Một số thông tin khác để bạn dễ dàng tham khảo nếu đang nuôi ý định tham quan công viên Tapgol:
◌ Giờ mở cửa: 9h – 18h hằng ngày
◌ Miễn phí hoàn toàn khi vào cửa
◌ Công viên có bố trí sẵn một ít băng ghế dài để thư giãn
◌ Nhà vệ sinh xây dựng sẵn trong lòng công viên, có bãi đậu xe và nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật
◌ Cho phép cả những tour du lịch theo nhóm vào tham quan
◌ Website (hỗ trợ tiếng Hàn): http://parks.seoul.go.kr/parks/detailView.do?pIdx=60
Qua một vài chia sẻ về công viên Tapgol mình vừa nêu phía trên hi vọng bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ, đa chiều hơn về văn hóa Hàn Quốc. Hãy lên lịch đến trải nghiệm ngay công viên Tapgol để cảm nhận, đồng thời thu thập cho mình thêm kiến thức hữu ích nếu bạn là người yêu mến lịch sử xứ Kimchi nhé!
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.