Phóng viên danh dự

01.03.2022

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Liệt sĩ Yu Gwan-sun. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Liệt sĩ Yu Gwan-sun. (Ảnh: Wikimedia Commons)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Trần Hải Anh

103 năm đã qua kể từ ngày diễn ra Phong trào độc lập 1/3/1919, nhưng tiếng hô vang “Đại Hàn độc lập muôn năm” (대한 독립 만세) cùng lòng yêu nước mãnh liệt của người thiếu nữ Yu Gwan-sun và hàng ngàn người dân Hàn Quốc năm ấy vẫn còn sống mãi trong những trang sử vẻ vang của dân tộc Hàn Quốc.

Liệt sĩ Yu Gwan-sun – một biểu tượng của phong trào độc lập 1/3/1919

Ngày 1/3/1919, một phong trào vận động độc lập với sự tham gia biểu tình của đông đảo thị dân, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo đã nổ ra tại Jongno (종로), trung tâm Seoul. Tại đây, Bản Tuyên ngôn độc lập được ký tên bởi 33 nhà lãnh đạo phong trào độc lập, đại diện cho dân tộc Hàn Quốc đã tuyên bố trước toàn thế giới về việc “Joseon là một quốc gia độc lập và quyền tự chủ của người Joseon” (우리는 이에 조선이 독립국임과 조선인이 자주민임을 선언한다). Sau đó, tất cả đã đổ xuống đường hô vang khẩu hiệu đòi độc lập “Đại Hàn độc lập muôn năm” (대한 독립 만세) và vẫy cờ Thái cực. Mặc dù bị thất bại nhưng Phong trào 1/3/1919 đã xác nhận độc lập tự chủ trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc thông qua tuyên bố Bản Tuyên ngôn độc lập và giúp người dân trên bán đảo Hàn Quốc nhận thức được rằng chủ thể cuộc vận động độc lập là nhân dân chứ không phải là giai cấp thống trị.

Ngày nay, mỗi khi Hàn Quốc kỷ niệm ngày Phong trào độc lập 1/3/1919, trong số rất nhiều anh hùng, liệt sĩ, chí sĩ đã đứng lên thổi bùng ngọn đuốc tự do tự chủ dân tộc 103 năm về trước, luôn có một cái tên được nhắc đến trước tiên. Đó chính là nữ liệt sĩ Yu Gwan-sun – một trong những biểu tượng của phong trào độc lập Hàn Quốc, là nữ anh hùng đã hy sinh cả tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Nỗi buồn duy nhất của cô chỉ là chưa thể sống một cuộc đời trọn vẹn để hiến dâng cho tổ quốc. Và ngày hôm nay, hãy cùng phóng viên danh dự Korea.net tìm hiểu về nữ liệt sĩ kiên cường này – Yu Gwan-sun.

Tiểu sử liệt sĩ Yu Gwan-sun (1902-1920)

◌ Yu Gwan-sun (유관순): sinh ngày 16 tháng 12 năm 1902 (tức 17/11/1902 âm lịch), mất ngày 28 tháng 9 năm 1920.

◌ Quê quán: thôn Jiryeong, xã Iwondong, quận Mokcheon, tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc (nay là thôn Yongdu, xã Byeongcheon, quận Dongnam, thành phố Cheonan, tỉnh Nam Chungcheong).

◌ Gia đình: Yu Gwan-sun sinh ra và lớn lên trong một gia đình mang đầy ý thức dân tộc. Cha của cô là Yu Jung-kwon - một nhà cách mạng của phong trào Khai sáng, ông đã thành lập trường Heung-ho ở Hyang-ri và tiến hành nhiều cuộc vận động giáo dục. Trong cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 1 tháng 4 năm 1919 tại chợ Aunae, ông đã bị cảnh sát Nhật đâm chết. Mẹ của cô - Lee So-je cũng tham gia biểu tình ngày hôm đó, sau khi thấy chồng bị sát hại, bà càng biểu tình mãnh mẽ hơn đồng thời hô vang “Độc lập muôn năm”, sau đó bà cũng bị bắn chết. Thời điểm đó, anh trai cô – Yu Woo-seok cũng đã tham gia lãnh đạo phong trào độc lập tại Gong-ju. Từ đó, có thể thấy Yu Gwan-sun và gia đình đều là những người có ý thức dân tộc cao, sẵn sàng cống hiến hết sức mình cho nền độc lập nước nhà.

◌ Học vấn: Yu Gwan-sun được coi là một đứa trẻ thông minh, có khả năng ghi nhớ các câu dạy trong Kinh thánh khi chỉ mới nghe chúng một lần. Năm 1915, nhờ sự giới thiệu của một nhà truyền giáo, cô được vào học lớp phổ thông năm thứ 2 của trường nữ sinh Ewha và năm 1918 cô đã được nhận học bổng, lên học năm thứ nhất của lớp trung học.

Thẻ tù nhân khi Yu Gwan-sun khi bị giam trong nhà tù Seodaemun. (Ảnh: Ủy ban biên soạn Lịch sử Hàn Quốc)

Thẻ tù nhân khi Yu Gwan-sun khi bị giam trong nhà tù Seodaemun. (Ảnh: Ủy ban biên soạn Lịch sử Hàn Quốc)


Hành trình hoạt động chính trị của người thiếu nữ yêu độc lập – tự do

◌ Những đóng góp đầu cho phong trào vận động độc lập

Năm 1919, khi còn là học sinh tại trường nữ sinh Ewha, cô đã chứng kiến sự khởi đầu của Phong trào 1.3. Yu Gwan-sun đã cùng với những người bạn lập nên một đội cảm tử, tham gia phong trào độc lập và các cuộc biểu tình ở Seoul. Ngày 5/3/1919, cô cùng đội cảm tử tiếp tục tham gia cuộc biểu tình của học sinh tại quảng trường Namdaemun (cửa Nam Đại Môn) và đã bị bắt về sở cảnh sát của địa phương. Tuy vậy, cô đã được phóng thích do yêu cầu đòi trả học sinh của các nhà truyền đạo người nước ngoài tại trường nữ sinh Ehwa. Vào ngày 10/3/1919, tất cả các trường học từ cấp trung học trở lên, bao gồm Trường nữ sinh Ewha, đã bị Phủ Tổng đốc của Nhật Bản tại Joseon ban lệnh tạm thời đóng cửa, vì vậy Yu Gwan-sun đã phải trở về quê nhà Cheonan nhưng chính nhờ sự kiện này mà cô có thể cống hiến và đóng vai trò tích cực hơn trong phong trào độc lập của dân tộc.

◌ Cuộc biểu tình đòi độc lập và tiếng hô độc lập vang lên tại chợ Aunae

Trở về quê nhà, Yu Gwan-sun cùng với gia đình đã đến các nhà Nho, các trường học, nhà thờ ở địa phương và các khu vực lân cận để tuyên truyền thông tin về phong trào độc lập 1/3 tại Seoul, kêu gọi lực lượng tiến hành cuộc vận động chống Nhật đòi độc lập cùng nhân dân cả nước, truyền bá cuộc biểu tình có tổ chức mà cô đã lên kế hoạch với Jo In-won và Yu Jung-mu (chú của Yu Gwan-sun). Cuối cùng, cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 1/9/1919 (tức 1/3/1919 âm lịch), tại Chợ Aunae, Cheonan, tỉnh Nam Chungcheong lúc 9 giờ sáng, với khoảng 3.000 người tham gia, Yu Gwan-sun đã phát những lá cờ Thái Cực cho mọi người, diễn thuyết về việc đấu tranh giành độc lập tự chủ và cùng mọi người hô vang khẩu hiệu “Đại Hàn độc lập muôn năm” (대한 독립 만세). Theo lời hô đó, hơn 3000 người dân bắt đầu vẫy cờ Thái cực để tiến hành biểu tình thị uy, bước theo lá cờ lớn ghi chữ “Đại Hàn độc lập”. Đến 1 giờ chiều, cảnh sát Nhật Bản đã đến và bắn vào những người biểu tình không vũ trang, giết chết 19 người trong đó có cha mẹ của Yu Gwan-sun, cô cũng đã bị bắt.

◌ Nữ anh hùng hiên ngang trong ngục sắt

Cảnh sát Nhật Bản đã đề nghị Yu Gwan-sun một bản án nhẹ hơn để đổi lấy việc cô thừa nhận tội lỗi và sự hợp tác của cô trong việc tìm kiếm những đồng đội cùng tham gia phong trào độc lập. Tuy nhiên, cô từ chối tiết lộ danh tính, nơi ở của tất cả đồng đội, ngay cả sau khi bị tra tấn nghiêm trọng.

Ban đầu cô bị giam tại đồn cảnh sát quân đội Nhật Bản Cheonan sau đó được chuyển đến nhà tù Gong-ju. Tóa án Gong-ju đã kết án Yu Gwan-sun, Yu Jung-mu, Jo In-kwon 5 năm tù. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình tại Aunae đã đệ đơn khiếu nại lên tòa án tái thẩm Seoul. Sau đó tòa án tái thẩm Gyeongseong đã chỉ ra sự bất công của phiên tòa Gong-ju và kết án 3 năm tù tại nhà tù Seodaemun cho những kẻ cầm đầu trong đó có Yu Gwan-sun. Trong thời gian bị giam cầm, Yu Gwan-sun tiếp tục ủng hộ phong trào độc lập của Hàn Quốc dẫn đến việc cô bị quản tù Nhật Bản trừng phạt và tra tấn nặng nề.

Vào ngày 1/3/1920, Yu Gwan-sun đã chuẩn bị một cuộc biểu tình quy mô lớn với các bạn tù nhân kỷ niệm 1 năm Phong trào Độc lập ngày 1/3 diễn ra. Sau đó Yu Gwan-sun bị giam cầm riêng trong một phòng giam biệt lập và chịu tra tấn dã man. Cô qua đời vào ngày 28/9/1920 ở tuổi 18 vì những vết thương từ sự tra tấn và đánh đập gây ra bởi lính Nhật. Lúc sinh thời, cô đã từng viết: “Ngay cả khi móng tay của tôi bị lìa ra, mũi và tai của tôi bị rách và chân và tay của tôi bị nghiền nát, thì nỗi đau thể xác này cũng không thể so sánh với nỗi đau mất nước của tôi. Nỗi buồn duy nhất của tôi là chỉ có một cuộc đời để cống hiến cho đất nước”.

Liệt sĩ Yu Gwan-sun là một trong những biểu tượng của phong trào độc lập Hàn Quốc. (Ảnh: iclickart)

Liệt sĩ Yu Gwan-sun là một trong những biểu tượng của phong trào độc lập Hàn Quốc. (Ảnh: iclickart)

© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.


Yu Gwan-sun được trao tặng huân chương độc lập

Yu Gwan-sun được gọi là “Joan of Arc” của Hàn Quốc, trở thành một biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập của Hàn Quốc thông qua các cuộc biểu tình và việc không từ bỏ niềm tin về độc lập tự chủ dân tộc ngay cả sau khi bị bắt. Yu Gwan-sun đã được chính phủ Hàn Quốc trao tặng Huân chương Độc lập năm 1962.

Yu Gwan-sun không chỉ là tên tuổi luôn được ghi nhớ và luôn sống trong lòng mỗi người dân Hàn Quốc mà còn cả trong lòng những người dân yêu độc lập tự do trên toàn thế giới. Đặc biệt, đây là một nhân vật lịch sử có đóng góp quan trọng trong quá trình giành độc lập Hàn Quốc mà những người yêu mến hay học tập về Hàn Quốc nên biết đến. Người ta thường nói, học thêm một ngôn ngữ sống thêm một cuộc đời, yêu thích một đất nước không đơn thuần là dựa trên một vài khía cạnh mà dựa trên nhiều yếu tố như lịch sử, con người, văn hóa. Với cá nhân tôi, khi còn là sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, tôi đã có cơ hội tìm hiểu và trình bày một số hiểu biết về nữ liệt sĩ Yu Gwan-sun đồng thời liên hệ với nữ anh hùng Võ Thị Sáu của Việt Nam thông qua cuộc thi kỉ niệm 100 năm “Ngày thành lập chính phủ lâm thời và Phong trào độc lập 1.3 của Hàn Quốc” do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức năm 2019. Nhờ đó, tôi đã có thêm nhiều hiểu biết hơn về lịch sử Hàn Quốc nói chung cũng như Phong trào độc lập Hàn Quốc nói riêng. Tôi tin rằng, quý độc giả của Korea.net cũng là những người luôn sẵn sàng tìm hiểu mọi khía cạnh của Hàn Quốc. Hy vọng, thông qua bài viết này, quý độc giả Korea.net sẽ có được những thông tin bổ ích.

Kỉ niệm của phóng viên danh dự Korea.net về Cuộc thi kỉ niệm 100 năm “Ngày thành lập chính phủ lâm thời và Phong trào độc lập 1.3 của Hàn Quốc” do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức năm 2019. (Ảnh: Trần Hải Anh)

Kỉ niệm của phóng viên danh dự Korea.net về Cuộc thi kỉ niệm 100 năm “Ngày thành lập chính phủ lâm thời và Phong trào độc lập 1.3 của Hàn Quốc” do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức năm 2019. (Ảnh: Trần Hải Anh)



hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.