Tại Hàn Quốc khi chuyển nơi ở mới, người ta thường có tục tặng bánh cho những nhà hàng xóm lân cận xung quanh khu vực mình sinh sống như một cách giao tiếp thân thiện để mở rộng các mối quan hệ. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Ẩm thực Hàn Quốc chẳng những ngon miệng, bắt mắt mà còn chứa đựng cả tinh túy truyền thống xen lẫn tâm tư, tình cảm từ người chế biến món ăn trao gửi đến thực khách. Bên cạnh việc đóng vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật và là một phần không thể thiếu ở các ngày lễ lớn tại xứ Kimchi; thì mặt khác, ẩm thực đã cho thấy được cả nét đẹp trong văn hóa giao tiếp mà đơn cử chính là tục tặng bánh của người Hàn khi chuyển đến nơi ở mới. Vậy cụ thể tục tặng bánh này cho ta biết những gì? Hãy cùng mình tìm hiểu đôi điều về nó thông qua bài viết dưới đây nha!
Nói đến tục tặng bánh (tiếng Hàn:
떡 돌리다), chắc hẳn bạn sẽ thấy quen thuộc vì điều này thường hay xuất hiện trong những bộ K-drama. Hình ảnh một cô gái tuổi teen, một cặp đôi mới cưới hay ai đó vừa chuyển chỗ ở trên tay cầm theo hộp / đĩa bánh nhỏ rồi dùng tay ấn chuông cửa vui vẻ cất tiếng nói: “Xin chào! Tôi là hàng xóm mới của bạn, vì thế tôi muốn qua đây tặng bạn một ít bánh làm quà”. Sau cuộc trò chuyện gượng gạo ban đầu nhưng không kém phần ấm áp, người hàng xóm mới rời đi, tiếp tục rảo bước đến các căn hộ lân cận khác để tiếp tục tặng bánh.
Đối với người ngoại quốc, có lẽ tục tặng bánh ở xứ Hàn nghe chừng khá lạ lẫm. Tuy nhiên, điều này đã trở thành thói quen nếu bạn là người Hàn và phải thường xuyên chuyển nhà. Một số người Hàn còn cho biết rằng tặng bánh cho hàng xóm là việc cần làm đầu tiên lúc chuyển chỗ ở. Họ không chắc tục tặng bánh cho hàng xóm có từ bao giờ nhưng theo nhiều người Hàn lớn tuổi thì đây là truyền thống mang đến may mắn, đồng thời giúp gắn kết, mở ra mối quan hệ tốt đẹp tại nơi ở mới. Mặt khác, việc chia sẻ những điều tử tế cùng nhau lúc tặng bánh cũng khiến tâm trạng cả chủ nhà và hàng xóm thêm phần vui vẻ, cởi mở hơn.
Đối với tục tặng bánh, đa phần người Hàn sẽ lựa chọn các loại bánh gạo ngọt (đôi khi có thể mix cùng nhiều loại bánh khác) làm quà biếu hàng xóm như cách thể hiện lòng trân trọng nhưng vẫn mang tính truyền thống rất tinh tế. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Tại Hàn Quốc, các loại bánh gạo ngọt (đôi khi người ta có thể mix bánh gạo với các loại bánh khác như Yakgwa) là món bánh chủ yếu được người dân xứ Kimchi mang đi biếu tặng hàng xóm; họ hay lựa chọn Siru-tteok (một kiểu bánh gạo hấp có lớp bột gạo hoặc bột nếp xen kẽ cùng lớp đậu đỏ nấu nhừ) hoặc Injeolmi (loại bánh gạo giã nhuyễn truyền thống phủ nhiều loại bột khô khác nhau bên ngoài chiếc bánh) để làm quà cho hàng xóm khi chuyển nhà. Đặc biệt theo quan niệm của người Hàn, Siru-tteok có màu trắng từ bột gạo hoặc bột nếp thể hiện sự linh thiêng trước các vị thần, mặt khác đậu đỏ mang ý nghĩa xua đuổi những linh hồn xấu, giúp đem tới may mắn, vượng khí. Vì vậy, ngày xưa Siru-tteok thường xuất hiện ở các nghi lễ dâng lên thần hộ mệnh. Thế nhưng thực tế, việc tặng hàng xóm loại bánh này chứa đựng tình cảm chân thành của gia chủ chứ không phải một “bản hợp đồng” trừ quỷ đối với người sống cạnh nhà mình. Ngoài ra, mình nghĩ rằng lựa chọn bánh gạo làm quà biếu vừa thể hiện được đặc trưng ẩm thực riêng biệt ở xứ Kimchi, hơn nữa còn bày tỏ tấm lòng sâu sắc bởi người Hàn rất trân trọng thức ăn chế biến từ gạo.
Siru-tteok là món bánh chủ yếu được người dân xứ Kimchi mang đi biếu tặng hàng xóm khi chuyển đến nơi ở mới. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Mặc dù chưa chứng kiến tục tặng bánh trực tiếp bên ngoài bao giờ nhưng thông qua show thực tế mình từng xem mang tên “Mean No Harm” (tiếng Hàn:
해치지않아) sản xuất bởi đài tvN, với sự tham gia của dàn diễn viên chính từ bộ phim truyền hình siêu hot “Penthouse”, thì trong tập 10 phân cảnh họ làm 2 loại bánh gạo ngọt là Injeolmi (phủ bột đậu nành, mè đen, castella) và Siru-tteok để biếu tặng hàng xóm khiến mình ấn tượng nhất. Cụ thể kĩ thuật truyền thống tạo nên Injeolmi được nam diễn viên Bong Tae-gyu trình bày bao gồm các công đoạn từ nấu nếp, giã gạo trên tấm thớt lớn được lót nilon có bôi dầu mè chống dính với dụng cụ giã là chiếc chày cỡ đại cũng bôi dầu mè chống dính 1 đầu. Trong lúc giã một người sẽ phụ trách ngâm tay trần vào nước đường để lật nếp, đây là công đoạn mình cho rằng khá khó vì nếp còn rất nóng nhưng theo lời Bong Tae-gyu, anh nói cần làm như vậy để bánh gạo thành phẩm không bị mất đi vị ngon, cuối cùng là cẩn thận nặn hình từng chiếc bánh Injeolmi rồi phủ các loại bột lên chúng, sau đó họ mang bánh vừa làm đến nhà những hộ dân xung quanh khu vực quay phim biếu tặng một cách vui vẻ. Xem xong show truyền hình này, mình càng cảm nhận được ý nghĩa, sự chân thành, tận tâm, cũng như giá trị văn hóa tốt đẹp của tục tặng bánh trong văn hóa giao tiếp ở xứ Hàn, tuy ngày nay tại Hàn Quốc không còn quá nhiều hộ gia đình làm bánh gạo truyền thống để mang biếu giống như trên nữa, thay vào đó họ sẽ đặt mua tại các cửa hàng bán bánh gạo vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiện lợi, nhanh chóng.
Sau khi chứng kiến công đoạn vất vả làm ra những chiếc bánh Injeolmi trong show truyền hình “Mean No Harm” do đài tvN sản xuất, thì mình càng nhận ra tục tặng bánh của người Hàn mang ý nghĩa tốt đẹp như thế nào trong văn hóa giao tiếp tại xứ Kimchi. (Ảnh: Pixabay)
Trước dòng chảy phát triển như vũ bão của xã hội, một số nghi thức truyền thống dần chìm vào quên lãng, bao gồm cả tục tặng bánh khi chuyển nơi ở mới, bởi người Hàn đang có xu hướng sống khép kín. Mặc dù vậy, mình nghĩ rằng tục tặng bánh vẫn là việc làm cần thiết nhằm cải thiện các mối quan hệ xung quanh, gắn kết tình cảm khăng khít giữa người với người, mở rộng giao tiếp khá tuyệt vời thông qua ẩm thực; thật sự có quá nhiều lợi ích tốt đẹp mà tục tặng bánh đem đến cho chúng ta. Mình mong rằng tục tặng bánh sẽ phát huy hơn nữa giá trị của nó ở xã hội hiện đại tại xứ Kimchi.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.